Giao cảm với thiên nhiên

Nay thì sự nhìn, hay là sự nghe cũng thế, giống nhau, là một trong những điều khó khăn nhất của đời sống. Nếu cặp mắt bạn đã bị mù đi vì những nỗi lo âu của bạn, thì bạn không thể thấy được vẻ đẹp của lúc hoàng hôn. Phần lớn chúng ta đã mất đi sự giao tiếp với thiên nhiên.

Nền văn minh đã hướng con người về phía những thành phố lớn. Càng ngày chúng ta càng trở thành những người thành thị, sống trong những chúng cư đông đúc đến nỗi chỉ còn lại một khoảng trống quá bé nhỏ để mà có thể ngước nhìn lên không trung vào những lúc sáng sớm hoặc chiều tà, cho nên, quả là chúng ta đã mất dịp thưởng thức biết bao nhiêu là vẻ đẹp.

Tôi không biết bạn có nhận ra rằng thật là quá ít ỏi người trong số chúng ta được ngắm cảnh rạng đông, cảnh hoàng hôn, cảnh đêm trăng, hoặc cảnh ánh trăng lấp lánh trên mặt nước. Mất sự giao cảm với thiên nhiên, chúng ta tự nhiên ngả về sự phát triển khả năng tri thức.

Chúng ta đọc hàng lố sách, chiêm ngưỡng vô số bảo tàng viện, thưởng thức nhiều buổi hòa nhạc, say sưa coi biết bao nhiêu chương trình truyền hình và tham dự quá nhiều những cuộc giải trí. Chúng ta trích dẫn nhiều vô tận những tư tưởng của các danh nhân và thảo luận không ngừng về nghệ thuật. Tại sao chúng ta phải nương tựa vào nghệ thuật nhiều đến thế? Phải chăng đó là một hình thức của sự trốn tránh, của sự kích thích?

Nếu bạn tiếp cận được với thiên nhiên, nếu bạn được ngắm nhìn sự chuyển động nơi cánh con chim, nhìn vẻ đẹp của bầu trời từng giây phút trôi qua, chiêm ngưỡng cảnh đồi rợp bóng, hoặc vẻ đẹp trên gương mặt người nào đó, bạn có nghĩ rằng bạn còn muốn đến viện bảo tàng để mà ngắm tấm hình nào nữa hay chăng?

Có câu chuyện về một vị đạo sư kia, thường giảng đạo cho các đệ tử vào mỗi buổi sáng. Một buổi sáng, khi ông ta vừa mới ngồi xuống nệm, sửa soạn thuyết pháp, thì có một con chim nhỏ sà xuống, đậu ngay ở ngưỡng cửa sổ, vươn cổ lên hót líu lo bằng tất cả nhiệt tình. Sau khi say sưa hót, nó tung cánh bay lên trời cao trong khi vị đạo sư tuyên bố: "Bài thuyết pháp của buổi sáng nay đã hoàn mãn".

Tôi thấy dường như những điều khó khăn nhất của chúng ta chính là sự nhìn thật rõ chính chúng ta, không những về ngoại cảnh, mà còn về cuộc sống nội tâm nữa. Khi chúng ta nói rằng chúng ta ngắm cái cây hoặc bông hoa, có thật sự là chúng ta nhìn chúng không? Hay là chúng ta chỉ thấy cái hình ảnh về nó do từ ngữ tạo nên? Có nghĩa là, khi bạn nhìn cái cây hoặc vầng mây trong ánh nắng chiều rực rỡ, liệu bạn có thật sự "thấy"? Thấy đây không chỉ là thấy bằng cặp mắt và tri thức, nhưng là cái thấy một cách hoàn toàn, một cách trọn vẹn.

Trích Freedom from the Known – J. Krishnamurti
Danny Việt dịch
Previous Post
Next Post