Làm thế nào để sống chậm lại?

Đã bao giờ bạn dừng lại tự hỏi tại sao bạn quá bận rộn? Có lẽ không thường xuyên, vì bạn quá bận rộn để dừng lại tự hỏi tại sao bạn quá bận rộn! Hôm nay, tôi muốn nhấn nút 'tạm dừng' và suy nghĩ về nó trong 1 phút.

Cách đây nhiều năm trong quá khứ, lời chào phổ biến ở Trung Quốc là 'Bạn đã ăn chưa?' Đây không phải một lời mời dùng bữa tối, mà nó là sự phản ánh một hệ thống giá trị - quan tâm đến thức ăn và quan tâm đến liệu bạn có đủ thức ăn hay không. Nó là một dấu hiệu của thời đại. Điều thú vị là, khi Trung Quốc chuyển sang nền kinh tế thị trường hiện đại, lời chào phổ biến đã chuyển thành 'Bạn bận lắm à?' Điều này nghe rất giống Mỹ phải không? Và tất nhiên, câu trả lời được mong đợi là 'Vâng, cảm ơn bạn, tôi rất bận.'

Nhu cầu và mong muốn được trở nên bận rộn có nhiều nguồn gốc - văn hoá, kinh tế, triết học và tôn giáo. Nhưng chúng ta nghĩ về nó như thế nào từ quan điểm tâm lý học?

Chúng ta có cảm tưởng rằng những người bận rộn là những người quan trọng. Người tài năng. Người thông minh. Người thành công. Người có ích. Thậm chí là người tốt. Nếu bạn bận rộn, bạn được người khác ngưỡng mộ, thậm chí là ghen tị.

Nhưng sự quá bận rộn thì sao? Chúng ta phát hiện thấy vấn đề gì ở bản thân khi chúng ta quá bận rộn, khi sự bận rộn đem lại kết quả ngược với mong đợi?

Bạn có thể liên hệ nó với một cảnh nổi tiếng trong phim “I Love Lucy” khi Lucy và Ethel đang làm việc trong một dây chuyền lắp ráp, gói những cây kẹo. Đầu tiên, nó có vẻ là một công việc dễ dàng, với một nhịp độ có thể điều khiển được. Họ có cảm giác mọi việc nằm trong khả năng của họ. Và sau đó các dây chuyền tăng tốc độ nhanh hơn và nhanh hơn. Hết cái này đến cái khác. Lucy và Ethel không thể theo kịp. Họ cố gắng để theo. Trong cơn hoảng loạn của họ, họ giả vờ là đang theo kịp dây chuyền bằng cách ăn bớt kẹo, nhét chúng trong mũ, thả chúng xuống áo cánh, giấu chúng khỏi ông chủ. Đó là một cảnh buồn cười nhưng ở một mức độ nào đó, nó thật đau khổ!

Chúng ta nhớ cảnh phim này vì nó gợi nên một cảm giác quen thuộc, mãnh liệt. Việc theo đuổi năng lực đã đạt được của chúng ta đã bị vuột ra khỏi tay. Bằng cách cố gắng trở thành người có năng lực hơn nữa, chúng ta thực sự cảm thấy mình kém cỏi hơn bao giờ hết. Chúng ta cần bước trở lại, hít thở và chậm lại.

Nếu chúng ta có thể làm cuộc sống của mình ở một nhịp độ chậm hơn, có thể điều khiển được, chúng ta đã tặng cho mình 2 món quà quan trọng. Món quà đầu tiên chúng ta nhận được là cảm giác có khả năng làm tốt một số việc. Làm tốt một số việc thì tốt hơn là làm được nhiều việc nhưng kém chất lượng. Món quà thứ hai là không gian để suy nghĩ và cảm nhận. Chúng ta có thể chạm vào những suy nghĩ nội tâm và những cảm xúc sâu xa về bản thân và do đó đưa ra những lựa chọn tốt hơn về những gì chúng ta đảm nhận. Bằng cách trở nên ý thức hơn về những sự lựa chọn của mình, chúng ta có khả năng tốt hơn để dấn thân vào những hoạt động làm phong phú cuộc sống của mình hơn là làm cạn kiệt chúng.

Tất cả chúng ta đều có những việc mà chúng ta muốn làm và cần làm. Nhưng chúng ta cũng có xu hướng cảm thấy thôi thúc làm những việc mình không muốn hoặc cần làm. Chúng ta có xu hướng đảm nhận những việc đó vì lời hứa giả dối rằng chúng sẽ làm chúng ta cảm thấy tốt hơn về bản thân - làm chúng ta cảm thấy mình to lớn và quan trọng hoặc lấp đầy mọi ngóc ngách trong không gian và do đó không có chỗ để chúng ta cảm nhận bất kỳ điều gì. Khi trưởng thành, chúng ta cố gắng trở nên ý thức hơn về những sự lựa chọn của mình. Chúng ta dành không gian để suy nghĩ và cảm nhận cũng như làm việc, không gian cho cái tôi lớn cũng như cái tôi nhỏ bé của chúng ta, không gian cho những cảm giác đủ khả năng cũng như những cảm giác khiếm khuyết chưa đầy đủ. Khi chúng ta nuôi dưỡng kiểu cân bằng này, dây chuyền sẽ chậm lại. Cuộc sống trở nên có thể điều khiến được hơn. Chỉ khi đó những cảm giác đủ khả năng đích thực mới được tìm thấy.
Nguồn: tamlyhoc.net

Sống chậm lại để cảm nhận cuộc sống sâu hơn

Giữa guồng quay vô tận của thời gian, áp lực của cuộc sống, của công việc, người ta bắt đầu thấy chóng mặt, ngột ngạt… thì khái niệm sống chậm không còn là điều gì đó quá mới mẻ. Nhưng sống chậm như thế nào cho đúng, sống chậm như thế nào cho đủ và thấm thía thật sâu ý nghĩa của sống chậm thì thật là không phải dễ.

Chậm lại để không hời hợt, chậm lại để nuôi chín cảm xúc, để lắng nghe nhịp chảy của cuộc sống, nhịp đập của chính con tim mình, để nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều gì chỉ là thoáng qua… Chậm lại để nhìn lại. Chậm lại để… nhanh hơn.

Sống chậm dường như kéo ta bước chậm lại, đưa con người trở về với bề sâu, bề xa, những góc khuất trong tâm hồn, chầm chậm lắng nghe và suy ngẫm.

Sống chậm! Chậm lại để không hời hợt. Chậm lại không phải là để thụ động tận hưởng. Chậm lại để nhìn lại. Chậm lại để… nhanh hơn.

"Cuộc sống là một bản nhạc tuyệt vời, cũng có khi là một bản rock ồn ào cuộn sôi, cũng có khi là một khúc ballad dịu dàng chậm rãi... Vậy thì đâu có gì phải băn khoăn về sống nhanh hay sống chậm! Cứ sống để sau này, khi nằm xuống cảm thấy mình sống đủ và không hối tiếc."

…Có một nhà văn đã viết thế này: “…Tôi sẽ tập ăn chậm để thấy vị ngọt của hạt gạo quê xứ nghèo, tập đi chậm để thấy hai hàng cây bên đường thay lá, tập sống chậm lại, chậm lại để nhận thấy tình đời, tình người lấp lánh bên tôi…”.

Sống chậm - đó là những lúc họ ngồi trong những quán cà phê, trầm ngâm suy nghĩ về cuộc sống, tự hài lòng với những gì mình đang có, và cảm thấy rất vui vẻ, hạnh phúc. Còn sống chậm theo kiểu sống mòn thì không nên chút nào.

Cũng tùy hoàn cảnh. Lúc còn trẻ, niềm tin, năng lực, sự năng động tràn đầy, bảo người ta sống chậm thì hơi khó. Trong khi cơ hội và thách thức còn đặt ra cho họ.

Nhiều người vẫn sống nhanh, phấn đấu, và họ cảm thấy hài lòng với cuộc sống đấy thôi! Với họ, sống là vươn lên, nỗ lực hết mình, và họ tìm thấy niềm vui với thành công đạt được.

Cũng tùy vào hoàn cảnh, ai đó sẽ nhận thấy cần sống chậm lại một chút, dành nhiều thời gian thư giãn, chiêm nghiệm và tìm kiếm thêm tình yêu thương... Học thiền, tập yoga, tĩnh tâm bằng trà đạo… là những giải pháp “sống chậm” của nhiều người thời nay. Hãy hòa mình với thiên nhiên và tận hưởng tận giây phút hạnh phúc trong hiện tại.

Đôi khi bạn chỉ cần nhắm mắt lại, chỉ vài phút thôi, bạn cũng có thể cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống.

Đôi khi bạn chỉ cần ngừng chạy, chỉ vài phút thôi, bạn cũng có thể cảm nhận được nhịp điệu cuộc sống.

Đôi khi bạn chỉ cần im lặng, chỉ vài phút thôi, bạn cũng có thể lắng nghe được những điều kì diệu của cuộc sống.

Đôi khi bạn chỉ cần một mình, chỉ vài phút thôi, để bạn hiểu thêm về chính mình.
Nguồn: me.zing.vn
Previous Post
Next Post