Người đi như kẻ mộng du

Mình tìm kiếm những điều không thực có trong thế giới ảo, cho nên mình đi tới đi lui như kẻ mộng du. Mình đang đi thẫn thờ trong một kiếp sống mà không biết đang làm gì, vì cái gì và điều mà mình đang làm đó mình có ý thức được không. Đó là suy nghĩ của một kẻ mộng du. Mình cứ mơ mộng hão huyền về cái đích phải tới, về bằng cấp phải đạt, về gia đình phải gầy dựng, hay ý thức hệ phải theo đuổi. Những điều đó khiến cho mình đánh mất tiếp xúc với sự sống màu nhiệm ở giây phút hiện tại và mình lúc nào cũng phải chạy như bị ma đuổi trong tất cả mọi hành động mà không một phút nào ý thức được mình đang tận hưởng điều gì.

Đây chính là bản chất của người mộng du: không biết mình đang làm gì nữa.

Mình đang trông chờ niềm vui hạnh phúc vào cuối con đường và ảo tưởng về hạnh phúc trong thú vui vật chất. Mình luôn cho rằng bây giờ phải mua cho được một chiếc ti vi đời mới để  xem hàng chục kênh truyền hình thì mới có hạnh phúc, như vậy là những thế hệ của hàng ngàn năm trước khi ti vi chưa ra đời chắc là chẳng có hạnh phúc?  Những điều mà mình đang mơ màng và thực hiện những thứ đó đưa mình vào thế giới của mộng du, một thế giới không bao giờ cạn cám dỗ và bị lôi kéo bởi tà dục.

Sự thất vọng của người đi trong thế giới mộng du thường rất lớn. Điều này thật đơn giản và dễ hiểu, mình mong ước nhiều thì thất vọng sẽ nhiều, và mình đạt được nhiều thì lại tiếp tục mong ước nữa, những mong ước nối tiếp những mong ước và chính mình biến cuộc đời thành những mong ước không có bến đậu. Những ảo mộng trong cuộc sống hiện tại hay những ảo tưởng về tương lai làm cho mình đánh mất sự sống, mình không còn nhận diện được mình đang cần điều gì và xung quanh chuyện gì đang xảy ra, bởi vì mình đang chạy, chạy như một cái máy.

Có bao giờ mình biết dừng lại chưa? Khi mình rảnh một tí là mở máy vi tính lên để tán gẫu, mở điện thoại di động chơi game, mở ti vi xem giải trí hay la cà ở những quán cà phê… Khi mình rảnh thì mình không ngồi yên được, mình tìm chuyện này chuyện kia để làm, hoặc là đem chuyện công ty về nhà làm, thậm chí là tìm kiếm những dự án này nọ để khoả lấp khoảng ở không không thể nào chịu nổi. Cái cảm giác ngồi không trở nên bức rức khó chịu nếu mình không làm gì đó. Điều này mình có bao giờ nghĩ mình đang cố tránh né cuộc sống hiện tại để tìm kiếm những lạc thú trong giải trí hay trong công việc, những thứ đã chiếm hết cuộc sống của mình.

Có lúc mình đang mộng du giữa đời mà mình không biết. Ngồi trong lớp học mình vỗ vai thằng bạn ngồi kế bên để xem có nó ở trong lớp hay không, nhiều khi xác thân của nó ở trong lớp nhưng thực sự nó đang du phương về một phương trời khác. Một đứa trẻ chạy tới ba của nó và khều ba nó, Ba ơi, ba có ở nhà không? Câu nói của trẻ thơ có thể khiến cho ba thoát khỏi thế giới mộng du của công việc để quay về hiện tại nhận diện sự có mặt của đứa trẻ. Tiếng  của người mẹ gọi đứa con gái của bà đang thả hồn theo một đối tượng nào đó có thể khiến cô gái giật mình kéo cô về với thực tại. Tiếng chuông chánh niệm nhắc nhở một vị tu sĩ không bị lôi kéo vào tà dục.

Nhưng để không trở thành kẻ mộng du, tất cả những điều này đều khiến cho mình quay về hiện tại nhưng mà mình đều phải nhờ đến tha lực như người cha nhờ vào tiếng kêu của đứa trẻ, người con nhờ tiếng kêu của người mẹ, người bạn nhờ tiếng vỗ vai của mình hay người tu sĩ nhờ vào tiếng chuông. Thế thì tại sao mình lại không tự lực vào bản thân để có thể sống trong hiện tại, không sống trong mộng du. Khi người chiến binh đi, anh biết là mình đang đi, khi anh nói chuyện anh biết là mình đang nói chuyện, khi anh uống cà phê anh biết là mình đang uống cà phê. Mọi hành động, lời nói, cử chỉ, hay suy nghĩ  cũng như những gì đang xảy ra ở bên trong và bên ngoài đều được anh nhận biết, điều này giúp anh tiếp xúc sâu sắc với giây phút hiện tại, hiện tại anh đang sống, chứ không phải cái đích cuối cùng đang sống.

Sự sống dậy của hiện tại giúp anh thực tập mạnh mẽ hơn từng chút một, khi đó, tâm không bị bất cứ tạp niệm nào đi vào thì cái gọi là mộng du không có cách nào xâm chiếm anh được nữa. Từ khi thức dậy cho tới khi đi ngủ anh đều có khả năng ý thức mình đang làm gì thì đây chính là điều kiện giúp anh trở về với cuộc sống thực, giúp anh tiếp xúc được với anh, với bầu trời xanh, với tiếng chim hót buổi sáng, với tiếng cười của trẻ thơ, với ánh nắng của buổi sớm hay làn gió thoảng vào buổi chiều. Nếu anh đi vào thế giới mộng du, anh sẽ chẳng bao giờ thấy được những màu nhiệm của sự sống như vậy. Anh sẽ chỉ thấy được căng thẳng, hồi hộp, bận rộn, cạnh tranh, mất mát, vô thường của những thứ mang tính chất mộng du mà thôi. Nếu như anh niệm hạnh phúc thì hạnh phúc sẽ hiện tiền, còn nếu anh niệm mệt mỏi của mộng du thì mệt mỏi của mộng du sẽ hiện tiền.

Nguồn: damlinhthat.net
Previous Post
Next Post