Albert Camus giữa lòng thế kỷ XX

Albert Camus
Gần đây, trong những buổi suy nghĩ về bước đường tư tưởng của văn hào Albert Camus, chúng tôi luôn luôn được một kỷ niệm đẹp theo dõi. Đó là hình ảnh trẻ trung của những người bạn đồng song bên tả ngạn sông Seine, những người từ nhiều phương trời, cùng nhau gặp gỡ trong những tòa nhà cổ kính, nơi lai vãng của Tinh Thần, hay trên những thảm cỏ xanh điểm hoa đào phớt hồng của quê hương Albert Camus.

Chúng tôi nhớ mãi tia mắt sáng ngời và giọng nói đầy xúc động của những người đó mỗi khi, trong ngọn lửa tranh luận, người ta nghe thấy nhắc đến tên Saint.Exupéry, André Malraux, Jean Paul Sartre, Paul Mounier và Albert Camus...,những thuật sĩ đã chinh phục hơn một tâm hồn trẻ thế kỷ XX. Paul Mounier và Saint Exupery, hay thân mật hơn, St.Ex. đã lặng lẽ ra đi. Giờ đến lượt Albert Camus...

Chúng tôi không hiểu những người bạn viễn phương, nhưng vô cùng gần gũi đó, cảm nghĩ ra sao khi được tin Albert Camus từ nay hoàn toàn vĩnh biệt Tư Tưởng. Còn  chúng tôi, với phản ứng trầm mặc của người Đông phương, có lẽ không còn biết gì hơn là ngâm ngùi hoài niệm Albert Camus và than thở, như thi sĩ Trung Hoa xưa, cho rằng danh sĩ cũng như giai nhân và danh tướng đều bất hứa nhân gian kiến bạch đầu!

Camus sinh năm 1913 tại Algérie, Bắc Phi, thuộc một gia đình nông dân nghèo. Cha ông, gốc Pháp, chết trong chiến tranh thế giới 1914, ông được mẹ, gốc Tây Ban Nha, nuôi ăn học tại một khu phố bình dân ở Alger. Đậu Cao học Triết. Ông say mê làm việc trong ngành kịch và báo chí.Trong thế chiến thứ hai, ông đứng vào hàng ngũ kháng chiến, hoạt động mạnh và gây nhiều ảnh hưởng. Albert Camus mất năm 1960 vì tai nạn xe hơi, ba năm sau khi được giải thưởng Nobel bởi lý do tác phẩm của Albert Camus“đã nêu lên những vấn đề được đặt ra ngày nay cho lương tâm nhân loại”.

Albert Camus luôn luôn ca ngợi những kỷ niệm đầu đời trên bờ biển Địa Trung Hải. Sống trong nghèo nàn, ông vẫn giàu cả một kho tài sản thiên nhiên. Tuổi thơ con người tư tưởng bừng nở như một bông sa hồng giữa cảnh trời biển bao la. Alger, bạch thành dang tay mở rộng đón biển xanh, Alger với gió sa mạc, sóng bạc đầu và lửa yêu đương hồn nhiên mộc mạc của đám quần chúng miền cận nhiệt đới...Alger là nơi Albert Camus hoàn thành tác phẩm thời thanh xuân,“Noces”(=Hôn Phối) vào khoảng 1936-1937.

Noces tức là cuộc hôn phối nồng nàn của người trẻ tuổi với khung cảnh thiên nhiên tràn trề hoan lạc vật chất.“Noces” là bản trường ca ngợi khen mặt trời, sóng Địa Trung Hải và nhắc nhở lại những phút thần tiên, lúc Albert Camus, như người cổ sơ dìm mình xuống nước biển mặn nồng hay gậm ngấu nghiến một quả đào tươi và nghe máu rồn rập hai bên bờ thái dương, hay lúc cảm thông với lớp thanh niên đồng lứa tuổi mình phơi trên cát vàng, chân dìm nước biển xanh. Những đám thanh niên, lần lượt trong thời gian, thay phiên nhau có mặt trên bãi biển như những lớp sóng tự ngoài khơi lô xô kế tiếp dội vào bờ cát phẳng: Mỗi năm trên bãi biển lại nở một mùa mới thiếu nữ đương xuân. Năm sau lại có những cánh hoa rực rỡ khác đến thay thế, những cánh hoa mà mùa hè trước đây còn là những cô gái nhỏ mình rắn chắc như búp hoa. Cứ đến mười một giờ sáng cả lớp da thịt trẻ trung đó, quần áo sặc sỡ, hở hang lại từ trên đồi cao tràn xuống bãi biển như một đợt sóng muôn màu...[1]

Trời, biển, bối cảnh thiên nhiên của người đi tìm hạnh phúc trần gian đó, là một thực tiễn hiển nhiên: “Ngoại trừ mặt trời, những cái hôn, và hương hoa thảo dã..., tất cả đối với chúng tôi đều có vẻ phù phiếm vô ích” (Noces  tr.14-15)Albert Camus say đắm mặt trời như André Gide của Les Nourritures Terrestres (Thực phẩm Trần gian), say đắm biển như Swinburne và Heine, nhưng, đối với thi sĩ Anh, tình yêu biển là tình lãng mạn nhuốm đậm mầu thẩm mỹ, còn với Albert Camus thì đó là một tình yêu hồn nhiên nặng về cảm giác vật chất; đối với thi sĩ Đức, biển là Bắc Hải lạnh buốt, sương mù bao phủ, trong khi Địa Trung Hải của Albert Camus rực rỡ màu sắc và chan hòa ánh sáng. [2]

Albert Camus, thời hoa niên, sống vội vã, sống mải mê một cuộc sống nặng về giác quan, về sự vật cụ thể, muốn tận hưởng mảnh đời trần gian hồn nhiên và mộc mạc, lúc nào cũng bồng bột như muốn ghì chặt lấy ngoại giới, và nhất định không mảy may hoài nghi thị giác và xúc giác: tôi thấy nghĩa là tôi tin tưởng...và ý sống say sưa này làm tôi hãnh diện về thân phận con người tôi. (Noces  tr. 21).

Khi Albert Camus nói: kho tàng quý báu của con người là làn nước ấm và thân hình rám nắng của những người đàn bà hay quả quyết sự thực hiển nhiên nhất là cái mỏi mệt sung sướng sau một ngày hợp hôn với vũ trụ (Noces tr. 22), ta nghĩ ngay đến André Gide của tác phẩm Les Nourritures Terrestres (Thực Phẩm Trần Gian) và lòng ham sống tràn trề say sưa trong vũ trụ đa thần và đầy nhục cảm của cổ nhân bản Hy-La.

Cổ nhân bản Hy-La vì Albert Camus cũng như Valéry (Gió đã lên...!) đã được thoát thai trong ánh sáng Địa Trung Hải và vì tác giả Noces (Hôn phối) đã nói “phải luôn luôn trở về Hy Lạp”, và đã viếng thăm ven biển Ý Đại Lợi, Pise và Florence, quê hương của sức sống mãnh liệt những pho tượng Michel Ange và niềm sắc dục ngây ngất đọng trên bờ vai những Vệ nữ Botticelli.

Còn André Gide thì các mối liên hệ tinh thần với Albert Camus không phải không chặt chẽ. Vị thần của văn học giới giữa hai cuộc thế chiến đã“ngự trịtrên tuổi xanh của tôi”theo lời Albert Camus, đã cho Albert Camus hiểu rằng:“cổ điển phải có nghĩa là lãng mạn được chế ngự và cảm giác còn đẹp hơn cả tư tưởng nữa”. André Gide cũng có một nửa giòng máu Địa Trung Hải, cũng đã có một thời kỳ bệnh hoạn và lúc bình phục đã di dưỡng tinh thần trên giải đất Bắc Phi của Albert Camus. Khi đó André Gide đã bám chặt lấy sự sống, lấy vũ trụ, ca ngợi gió nắng, biển xanh, hoa lá và lòng yêu đời thắm thiết trong Les Nourritures Terrestres (Thực phẩm trần gian)như Albert Camus trong“Noces” (Hôn phối), chỉ khác là Albert Camus đã viết “Noces” (Hôn phối) trước thời lâm bệnh [3].

Albert Camus của thời niên thiếu cũng muốn sống thật mãnh liệt y hệt như Maurice Barrès, nhưng, trong khi Barrès ra đảo Jersey, thờ phụng cái tôi, và thám hiểm nội giới hay lên các ngọn đồi tĩnh tụ vùng Lorraine, nơi đồn trú vẻ vang của tinh thần thì Albert Camus, trên đỉnh đồi Djemila, ra sức tản mát bản thân vào vũ trụ bằng tất cả cảm quan, và một thể xác tươi trẻ, không hề muốn biết sự thực nào ngoài sự thực do giác quan xây dựng nên...Tuổi xanh Albert Camus như vậy chỉ là mợt cuộc sống say mê đuổi theo Hạnh phúc. Sau này trong đời tác giả, người ta luôn luôn thấy ám ảnh đó. Chỉ riêng với lòng yêu đời man mác trong Noces (Hôn phối) gần như là chủ đề tư tưởng toàn bộ tác phẩm của Albert Camus, ta thấy ngay Albert Camus không cùng chia sẻ một vị trí chung với Jean Paul Sartre.

Vì thấy cuộc đời là phi lý, hư vô và chán nản do một suy luận triết lý sáng suốt về cuộc đời, do cảnh tượng cuộc sống chật vật, nghèo túng, bệnh hoạn, và chiến tranh Albert Camus mới cố đi tìm Hạnh phúc trong khuôn khổ cuộc đời phi lý và xây dựng hạnh phúc trên những sự thực tương đối có thể gọi là hiện hữu: cảnh đẹp thiên nhiên, niềm vui giác quan và hoan lạc vật chất...những sự thực được phô bày một cách cuồng nhiệt trong Noces.

Đến tác phẩm Caligula [4] thì tư tưởng phi lý ngự trị hẳn trong tâm tư Albert Camus. Caligula, vị bạo chúa Cổ La Mã, đau khổ vì cái chết của “người tình em gái” Drusilla, coi sự vĩnh biệt trần gian của người thanh nữ đang mơn mởn đào tơ, cũng như bệnh hoạn, cũng như chiến tranh, là tột bực của phi lý. Chẳng có gì hữu lý trong cuộc đời này! “Người ta vẫn chết và chẳng hề được hưởng hạnh phúc...”

Kết quả đời bạo chúa Caligula chỉ còn là một chuỗi hành vi điên rồ, phi lý, dựa trên quyền hành độc đoán, những hành vi cụ thể hóa một công phẫn lớn lao trước nỗi đời phi lý. Caligula sau khi chính tay tạo ra sự phi lý như vậy, để trả lời sự phi lý của cuộc đời, đã thốt ra lời nói bất hủ sau đây: không sao chịu nổi thế giới này vì vậy tôi cần có mặt trăng, hạnh phúc hay sự bất diệt, tôi cần bất cứ một cái gì, có thể là điên rồ, miễn là không phải thuộc trần gian này!(Caligula, tr.115).

Tư tưởng phi lý còn được khai thác trong một cuốn tiểu thuyết đã làm Albert Camus nổi tiếng, cuốn L’Étranger (Kẻ Xa lạ, 1942).Truyện mô tả một con người hoàn toàn dửng dưng trước cuộc đời, sống giữa muôn người nhưng hoàn toàn cô đơn, riêng biệt “xa lạ”, không cảm nghĩ thông thường như người khác và không chấp nhận luật pháp của thế giới loài người trong đó hắn đang vật vờ sống...Meursault, người xa lạ, người dửng dưng đó, giết người một cách gần như “máy móc”, trong cái nắng oi ả khô cháy, của một bãi biển Bắc Phi. Meursault bị tòa lên lên án xử tử, nhưng vẫn dửng dưng không thèm tự bào chữa, vẫn thản nhiên,“xa lạ” loài người trong những phút cuối cùng.

Phân tích L’Étranger (Người xa lạ), ta sẽ thấy, theo Albert Camus, đời là một mớ chằng chịt hành động và biến cố phi lý, vô nghĩa. Tất cả giao động, kết hợp lại để đưa con người đến kết cấu phi lý của cuộc đời. Tay bấm hay không bấm lên cò súng cũng thế, cũng như nhau...!

Meursault giết người một cách gần như “nhưng không” (gratuit) như Lafcadio trong Les Caves du Vatican của André Gide, tuy ở trường hợp Lafcadio ta thấy lý trí nhiều hơn, còn nơi Meursault thì bản năng và những động lực sơ đẳng, thảo mộc của con người chi phối một cách rõ rệt.

Một điểm nữa, đặc biệt ở nửa sau cuốn truyện, là khi đã ý niệm được cái phi lý của cuộc đời, kẻ dửng dưng này vẫn tìm thấy một niềm an ủi làm lòng dịu hẳn lại. Vì hắn vẫn có thể hòa hợp con người thảo mộc của hắn với vũ trụ, với cái lãnh đạm, dịu dàng của tạo vật, vì hắn vẫn có thể thản nhiên nhận đón cuộc đời phi lý như vậy. Đó là trường hợp Meursault. Lúc nằm trong sà lim, đêm đêm mắt thấy các vì sao, mũi ngửi hương đêm, hương đất, hương hoa cỏ dại, tự nhiên hắn thấy một niềm an ủi dào dạt trong lòng và vô cùng bình thản trước cái chết.

Tất cả nỗi niềm phi lý của cuộc đời hỗn mang được mô tả bằng một lối hành văn đặc biệt, hợp với cái phi lý chán chường trong cốt truyện. Lời văn tuồng như cũng uể oải, dửng dưng, thẫn thờ,“phi lý” như cuộc đời Meursault. Dù sao đó cũng là một lối văn hết sức cô đọng, giản dị, trong sáng nén chặt tình cảm, lối văn cổ điển mà Albert Camus có lẽ đã phần nào thừa hưởng từ André Gide, người cha tinh thần của tác giả L’Etranger (Người xa lạ).

Phải nhận rằng Meursault đối với chúng ta quá xa xôi, không điển hình, đó là một “trường hợp biên giới”, vượt hẳn khuôn khổ bình thường. Vũ trụ của “người xa lạ”, như lời George Marcel, là một “ngục thất giả tạo” vì sự phi lý trong L’Étranger (Kẻ xa lạ) và thái độ bình thản gần như vô hồn của Meursault trước cái phi lý, xem ra ít có vẻ “người”. Ta nên nhớ là Camus sẽ tiến đến một phản ứng hợp lý hơn: đó là sự công phẫn trước cái phi lý của cuộc đời. Sự công phẫn đưa tới nổi loạn sẽ thấy rõ hơn ở những tác phẩm kế tiếp và trong hành động ngoài đời của nhà văn.

Tư tưởng“phi lý” nêu trong L’Etranger (Người xa lạ) đã được hệ thống hóa trong cuốn Le Mythe de Sisyphe (1942) tác phẩm đượm nhiều mầu triết lý nhất của Albert Camus. Sisyphe con người thần thoại cố lăn tảng đá lên đỉnh cao, mặc dầu biết thế nào nó cũng rơi xuống theo một định luật tự nhiên. Nhưng trong khi hành động như vậy, Sisyphe đã ý thức được việc mình làm. Tuy biết nỗ lực là vô ích, nhưng cũng cứ làm cho đỡ băn khoăn, đỡ thắc mắc, vì cuộc "tranh đấu để leo đến tận đỉnh cao cũng đủ cho con người sung sướng rồi".

Albert Camus chú trọng đến giây phút con người ý thức được rằng mọi sự đều phi lý. Khi con người “thức tỉnh” đột nhiên trong một giây phút cảm thấy cái vô nghĩa của đời sống trôi chảy hàng ngày, thấy cái phi lý, đó là lúc giác ngộ. Cái phi lý ở đây bắt nguồn từ sự so sánh bi đát giữa cuộc đời phi lý với ý muốn tật tự, hữu lý trong thâm tâm con người. Giác ngộ rồi, sẽ thấy triết lý cao xa nhất là bám chặt lấy cuộc đời đầy phi lý, đi hẳn vào giữa khuôn khổ của hiện hữu, như lời thơ Pindare mà Albert Camus hằng yêu mến:”Hồn ta ơi đừng nghĩ đến cuối đời bất diệt, hãy tận hưởng, hãy khai thác triệt để để khu vực của khả dĩ, của hiện hữu!”.

Phải tận hưởng, phải sống nhiều vì thái độ khôn ngoan nhất vẫn là nhìn thẳng vào cái phi lý của cuộc đời, bình tĩnh khai thác tới mức tối đa cái gì là khả dĩ, trong khuôn khổ cuộc đời phi lý. Phải tạo nên một hình ảnh Sisyphe sung sướng trong cái phi lý, “phải tưởng tượng Sisyphe sung sướng” (lời Albert Camus) vì không còn giải pháp nào khác. Lối thoát tự nhiên người ta nghĩ đến trước nhất, khi cảm thấy đời phi lý, có lẽ là tự sát. Nhưng đó không phải là một giải pháp hay. Vì theo Albert Camus, khi biết cuộc đời phi lý, thái độ tự nhiên, thực nhất, tức là sống trong cuộc đời phi lý đó. Tự vẫn, tức là đã gián tiếp bắt cuộc đời phải có một ý nghĩa mà nó không hề có. Phải chăng Albert Camus đã có ít nhiều trách nhiệm trong cuộc sống sa đọa của một số thanh niên hiện đại? Dựa vào ý niệm phi lý của cuộc đời và sự tận hưởng trong khuôn khổ cái phi lý đó, họ đã cố bóp méo tư tưởng nhà văn để bào chữa cho một cuộc sống bản năng, thác loạn...

Với cuốn La Peste (Dịch hạch, hay rõ ràng hơn, Dịch chuột) xuất bản năm 1947 và được coi như một tác phẩm giá trị, Albert Camus đã chuyển hướng [5] phần nào, so với những tác phẩm trước. Ta thấy tác giả dường như không chịu đựng nổi cái hư vô, phi lý và tuyệt vọng của cuộc đời nên trong khuôn khổ cái phi lý đó đã trở về truyền thống nhân bản với những ý niệm Công lý và Bác ái. Vì lãnh đạm trước cuộc đời, trước xã hội không đủ và không thể là hạnh phúc. Lãnh đạm sao được khi còn biết bao nhiêu đau khổ trong vũ trụ loài người, khi người đối với người vẫn còn như lũ sói tàn sát nhau trong rừng thẳm.

“La Peste” (Dịch hạch) kể chuyện dịch hạch xảy ra ở Bắc Phi và phản ứng dân chúng trước tai họa đó. Dịch tễ đây chỉ là một biểu tượng. Nó là chiến tranh tàn phá và những điều bỉ ổi nhơ nhớp do chiến tranh gây nên hay, nói rộng ra, nó là xấu xa của cuộc đời, là định mệnh mù quáng đè chĩu lên con người. Dịch tễ giết hại một cách bừa bãi không phân biệt kẻ thiện người ác, tốt và xấu, giống như chiến tranh trong đó chúng ta thấy những“anh hùng tận” hay những kẻ vô tội chết, một cách thảm thương, còn bọn người xấu, hút máu mủ dân lành thì nhiều khi vẫn nhởn nhơ, đường hoàng sống và hưởng thụ, không hề bị trừng phạt, tỉ dụ Cottard, một tội nhân, gian thương trong La Peste (Dịch hạch).

Cái ghê rợn, mù quáng và phi lý của sự tàn phá dịch tễ gây nên, tăng lên từng giờ từng phút đến cực điểm. Rồi dần dần dịu bớt cho tới khi tai nạn qua khỏi. Cảnh tượng đó được mô tả bằng một lối hành văn giản dị, [6]“mộc mạc”, “cổ điển”, cô đọng tất cả nỗi bi đát và phi lý của cuộc đời.

Trước cảnh dịch hạch tàn phá như vậy, phản ứng con người ra sao? Ta thấy ai nấy đều vùng dậy, cương quyết, khắng khít đoàn kết với nhau để diệt trừ tai họa như đoàn người trên một con tàu gặp bão, cố gắng tương trợ đấu tranh để đối phó lại định mệnh thảm khốc. Con tàu đó là thành phố Oran ở Bắc Phi, là nước Pháp thời bị chiếm đóng hay vũ trụ sầu thảm trong đó các nhân vật Albert Camus đang quay cuồng, thao thức?

Không biết nữa, nhưng trong không gian bi đát, đen tối của truyện“Dịch Hạch” (La Peste), ta thấy nổi bật lên vài nhân vật đặc biệt: Tarrou và Rieux, những người nói lên tư tưởng Albert Camus. Họ mải mê tìm hạnh phúc, họ công phẫn trước cái đau khổ, trước cái phi lý. Họ không muốn kẻ khác bị chà đạp, họ kỳ vọng ở Công lý, thiết tha mong ai cũng được liên hoan trong hạnh phúc và cảm thấy không thể sung sướng khi, chung quanh, nhân loại còn quằn quại, đau khổ.

Đó là những người tin tưởng vào giá trị con người, và có ý niệm rõ ràng về sự tương đối trong cõi đời phi lý này. Vũ trụ là cái gì phi lý nhất, nhưng con người khi giác ngộ, khi ý thức cái phi lý, phải làm sao giảm bớt nó đi, tùy theo năng lực và địa hạt hoạt động. Phải cho cuộc đời một chút ý nghĩa, dù chỉ một chút thôi, cho cuộc đời một chút trật tự, hợp với lòng yêu trật tự, lòng yêu cái hữu lý ẩn náu trong thâm tâm bất cứ một người nào.

Tarrou yêu lý tưởng, lúc nào cũng đứng về phía kẻ yếu, gia nhập một đảng chính trị với mục đích tranh đấu cho nhân phẩm con người, rất công phẫn trước hành vi của bọn đầu cơ chính trị hay bọn khát máu đội lốt cách mạng. Còn y sĩ Rieux thì, trong hoàn cảnh đau khổ vì trận dịch tễ, đã gia sức làm tròn nhiệm vụ tuy ông vẫn có quyền bỏ đi xa lánh thành phố bị dịch hạch để sống sung sướng với gia đình ở một nơi khác. Rieux đã bằng lòng hy sinh ở lại giúp dân chúng thành Oran vì ý nghĩa đoàn kết cao cả, vì cũng như Rambert, một nhân vật khác, Albert Camus cảm thấy“xấu hổ nếu chỉ sung sướng có một mình”, vì ông muốn sống thành thực cuộc đời mình, muốn hành nghề theo đúng lương tâm một y sĩ chân chính.

Dịch tễ vẫn có thể trở lại, chiến tranh tàn phá và phi lý vẫn tái diễn như tảng đá của Sisyphe luôn luôn rơi xuống, nhưng vẫn có những vị“thánh ngoại đạo” như Tarrou và Rieux chịu hy sinh cho hạnh phúc chung. Đó là những vị thánh chết cho cái đạo hạnh phúc của Albert Camus, nhà văn yêu đời và yêu người.

Có một dạo người ta đã ghép Albert Camus vào nhóm hiện sinh của Jean Paul Sartre. Hai người đều phản đối, xác nhận rằng trong vũ trụ tư tưởng mỗi người có một chỗ đứng, một vị trí riêng biệt. Sự gán ghép đó có thể là vì cả hai đều ý thức được rõ ràng nỗi bi đát của cuộc đời. Do đó Jean Paul Sartre chán nản cho đời là đáng“nôn mửa”. Albert Camus trái lại có biến chuyển sau khi thấy đời là phi lý, nhờ một suy luận của trí tuệ, vẫn yêu đời, vẫn lo đuổi theo hạnh phúc. Jean Paul Sartre nói:”Địa ngục là kẻ khác.” Nhưng Abert Camus tuyên bố:”Tôi có một lòng yêu người và vật rất mạnh và tôi yêu những kẻ sống hôm nay với tôi trên mảnh đất này” (Les Justes - Những người chính trực(tr.77). Jean Paul Sartre nói:”Người là một sự đam mê vô ích” trong khi Albert Camus vừa mô tả Sisyphe vừa nói:“Ta phải tưởng tượng Sisyphe “sung sướng”, sung sướng vì nghĩ rằng công việc mình làm không phải vô ích mặc dầu nó là phi lý “[7].

Như chúng ta đã thấy, Tarrou,“vị thánh ngoại đạo” trong La Peste (Dịch hạch), gia nhập một tổ chức chính trị để thực hiện đạo Hạnh phúc cho con người, nhưng Tarrou vô cùng thất vọng trước cái phi lý và ngoan cố của những tổ chức chính trị. Albert Camus đã khai thác thêm đề tài này trong hai tác phẩm Les Justes (Những người chính trực, 1944) và L’Homme révolté (Con người công phẫn), đồng thời tỏ rõ thái độ chính trị của mình.

Kalyayev trong Les Justes (Những người chính trực) có thể coi như đồng chí của Tarrou và Rieux. Khác với bọn cách mạng mù quáng vô nhân đạo, Kalyayev không đồng ý với Đảng khi đảng cho lệnh tàn sát, khủng bố vì một viễn tưởng hạnh phúc mờ ảo...Làm sao người ta lại có thể hy sinh từng lớp người vì một lý tưởng trừu tượng, vì một tương lai vô định, vì một viễn ảnh mông lung. Đây là ý nghĩ Kalyayev: “Tôi yêu những người cùng sống hôm nay với tôi trên mảnh đất này. Tôi chào họ, tôi tranh đấu và bằng lòng chết cho họ. Nhưng tranh đấu cho một xã hội mai sau, mơ hồ, mà tôi không chắc đã có thực thì nhất định tôi không chịu tàn sát anh em tôi đâu!” (Les Justes – Những người chính trực – tr. 77). Tôi tranh đấu và bằng lòng chết cho họ" Kalyayev đã ôm bom ném vào mình Bạo Chúa, đã để trôi qua bao mùa xuân tình ái cũng chỉ vì muốn “cho hiện tại tất cả”...

L’homme révolté (Người phản kháng) (1951) đã khai thác thêm đề tài nêu trong Les Justes(Những kẻ chính trực). Albert Camus nhấn mạnh rằng hoạt động cách mạng, hay gì đi nữa, cũng phải dựa trên sự tôn trọng nhân phẩm con người, và không ai có thể nhân danh bất cứ cái gì để tổ chức những cuộc tàn sát tập thể.

Tác giả L’homme révolte (Người phản kháng) không dùng từ nhân vị thời thượng nhưng khi nói Công bằng, Bác ái, Nhân phẩm và khi hăng hái chống Tàn bạo, ông làm ta nghĩ đến E. Mounier, mặc dầu điểm xuất phát của tư tưởng hai người không giống nhau. Một người chỉ biết giải đất trần gian, chỉ biết Hiện tại, còn một người tin có những giá trị ngoại trần gian, siêu nhân loại, và có những cuộc đời không phải chỉ là Hiện tại...Nhưng lòng hào hiệp mở rộng như biển lớn, lòng yêu tha nhân, yêu công lý, tôn trọng con người và căm thù những gì xấu xa có thể xúc phạm đến con người hay làm chậm sự thăng tiến của con người..., đó phải chăng là những mẫu số chung của hai tư tưởng dị đồng, những mẫu số, trong một chừng hạn nào, có thể đưa tới sự trao đổi tư tưởng với một tinh thần thân ái và khoan dung giữa những người có bối cảnh tinh thần khác nhau.

Les Justes (Những kẻ chính trực) và L’homme révolté (Người phản kháng) với những ý tưởng cao đẹp là một lời cảnh cáo hùng hồn và can đảm làm sáng tỏ thái độ Albert Camus trước những tổ chức chính trị quá khích và trước vấn đề Algérie...Có lẽ chính vì lòng tôn trọng phẩm giá con người, yêu con người và không bao giờ tuyệt vọng vì con người, lòng yêu Công lý, Bác ái tràn trề trong những tác phẩm sau này mà Albert Camus đã được giải thưởng Nobel văn chương thường vẫn chú ý đến những nhà văn có khuynh hướng đó.

Một trong những tác phẩm mới của Albert Camus là cuốn“La Chute” (Sa đọa, 1956). Truyện xảy ra trong bầu không khí mờ ảo, lạnh lẽo của Hòa Lan, khác hẳn ánh trời và sắc nước Địa Trung Hải của Noces (Hôn phối). Clamence, nhân vật chính, là một luật sư ở Ba Lê có địa vị trong xã hội thượng lưu và thực ra, cũng không có điều gì đáng tự trách trong xã hội đó...Bỗng người ta thấy Clamence bỏ nhà cửa, địa vị để lưu lạc đến bên bờ những dòng sông đào nước tù hãm ở Amsterdam (Hòa Lan), lê mình trong những hộp đêm đặc biệt của thủ đô kinh tế Hòa Lan. Ở đây, Clamence luôn luôn đau khổ, cố quên quá khứ mà vẫn không xong, vì bị lương tâm dày vò, cắn rứt. Clamence không ngớt lời tự buộc tội và buộc tội xã hội phi lý quanh mình, một xã hội đầy tội ác, xấu xa mà con người đau khổ đó từng nhắm mắt làm đồng lõa.

Khi biết mình tội lỗi, ích kỷ, Clamence cố gắng trở nên một kẻ khác, một người mới. Nhưng khốn nỗi, người khách hàng quá quen thuộc của những tửu lâu Amsterdam không còn đủ nghị lực để đi sâu vào tội lỗi cũng như để thẳng tiến trên đường Thiện! Cả hai đằng đều không vươn tay tới được, Clamence như chới vơi “trước cửa địa ngục”!Đặc biệt trong “La Chute” (Sa đọa), ta thấy Albert Camus chú trọng đến các vấn đề đạo đức nhiều hơn. Clamence là một người có ý thức trách nhiệm, thành thực muốn tự cải tạo. Đi từ một điểm có thể gọi là phi luân lý, Camus, sau một thời hoang mang, đã tìm thấy và trở về những giá trị luân lý, đạo đức chăng?

Với đây, chúng ta có thể tạm dừng, đưa mắt nhìn lại quá trình tiến triển của tư tưởng Albert Camus. Tư tưởng đó thực ra chưa đi đến đoạn chót, có lẽ sẽ biến chuyển nữa: Albert Camus tương đối còn trẻ đối với một người viết đã có một sự nghiệp rực rỡ như vậy. Nhưng cái chết của nhà văn, phi lý như cái phi lý Albert Camus thường phân tích, đã cho phép chúng ta ghi lại ở đây những đề chính của bản nhạc dang dở.

Albert Camus đã ra đi với một ý muốn tìm hạnh phúc, dầm mình vào tạo vật, sống một cuộc sống hồn nhiên, thảo mộc…, khác với cái trí thức say mê phân tích của André Gide hay Barrès...Vì đã hơi manh nha thấy nỗi phi lý của cuộc đời Albert Camus phải bám chặt lấy hình thức hạnh phúc khả dĩ cảm được đó là hạnh phúc vật chất. Đời thêm túng quẫn, bệnh hoạn lại đến với con người yêu sống đó, đột ngột và phi lý, nên Albert Camus càng thấy thấm thía nỗi phi lý của cuộc đời.

Và ba tác phẩm Caligula, L’Etranger, Le Mythe de Sisyphe là những phân tích sâu sắc, nhưng có lúc hơi gò bó về ý niệm phi lý. Phi lý đây theo Albert Camus không phải chỉ là phi lý trong cuộc đời mà còn là sự sai biệt giữa cái phi lý ngoài đời với ý muốn trật tự, hữu lý, tiềm tàng trong lòng người. Lúc giác ngộ tức lúc ý niệm được sự phi lý. Đối với Albert Camus, biết đâu giây phút đặc biệt đó lại chả có giá trị của đêm thao thức bất hủ của Pascal hay nửa khuya mặc khải của Paul Valéry bên bờ Địa Trung Hải mùa gió bão.

Sisyphe lăn đi lăn lại tảng đá, trong cái trôi chảy không ngừng của thời gian không bến đỗ, phải là một Sisyphe “sung sướng”, nghĩa là phải bám chặt lấy cuộc đời phi lý nhìn thẳng vào đó, khai thác đến triệt để cái hữu hạn, cái khả dĩ trong khuôn khổ cuộc đời phi lý.

Nhưng dần dần, Albert Camus thấy như không chịu đựng nổi cái gay gắt, cái bấp bênh của thuyết phi lý trong hình thức nguyên thủy. Cần phải có chỗ đứng, có điểm tựa, phải kiện toàn thêm tư tưởng phi lý. Nếu không thì lại là một phi lý nữa khi Albert Camus đã biết rằng cái hữu lý vẫn còn ẩn náu trong lòng người. Nếu tất cả đều phi lý thì tại sao Albert Camus lại lăn xả vào vòng lửa đạn, lại đứng về bên chiến lũy của những người đã nêu cờ chính nghĩa trong cuộc thế chiến 1939? Albert Camus phải viện nhiều lý lẽ. Nào là“hành động tức là gần cuộc đời” (cho nên Albert Camus đã hành động) nào là “mầu nhiệm của tình chiến hữu, mặc dầu cuộc chiến đấu có thể là vô nghĩa”. Nhưng, đấy chỉ là những lý lẽ yếu ớt. Lý chính là“lòng yêu công lý”. Tôi muốn có thể vừa yêu Tổ Quốc vừa yêu công lý (Thơ cho một người bạn Đức) và Tôi đã chọn công lý để trung thành với thế giới con người.

Albert Camus tin là vũ trụ vô nghĩa, phi lý nhưng dù sao vẫn còn niềm khao khát hữu lý tiềm tàng trong thâm tâm con người. Đây là một tiến triển quan trọng trong tư tưởng Camus và chính cuộc thế chiến 1939 đã đưa nhà văn vào con đường đó. Đi từ thất vọng, hư vô, phi lý, Albert Camus đã không chịu xây dựng một nhân sinh quan có tính cách tàn phá hay tiêu cực mà trái lại đã đi tới chỗ ca ngợi Công lý và Bác ái, coi đó là những điểm tựa quý giá của cuộc sống trần gian. Albert Camus đã tiếntới sự ca ngợi con người, coi con người là mục đích tối cao của vũ trụ, và phẩm giá con người là cái gì không thể khinh thường được.Albert Camus đã trở về với truyền thống nhân bản, lấy con người làm trọng tâm của mọi sự vật và hoạt động trần gian. Trong cuộc chiến đấu cho Con người, cho Công lý và Bác ái giữa cái phi lý vô cùng của vũ trụ, Tarrou và Rieux trong La Peste (Dịch hạch) , Kalyayev trong Les Justes (Những người chính trực) là những vị anh hùng của nền “nhân bản ngoại đạo và thực tiễn” đó.

Trong công cuộc đi tìm hạnh phúc xây dựng cái đạo hạnh phúc, Albert Camus quả là một phản ánh trung thực của thế hệ văn nghệ sĩ gắn bó với cuộc đại chiến 1939, thế hệ giữa lòng thế kỷ, thế hệ của Jean Paul Sartre, Saint Exupery, André Malraux, E. Mounier...

Albert Camus mang nặng di sản tinh thần thế kỷ 20, và có tất cả đặc tính của nhà văn thế kỷ 20. Cũng tất cả nỗi băn khoăn, thắc mắc thời hậu chiến, khi con người nghĩ đến thân phận mình trước niềm bi đát của thời đại (Thời tiền chiến, thế hệ Marcel Proust, Andre Gide tương đối ít xao xuyến hơn!). Cũng tất cả những suy tư nặng chĩu siêu hình của các triết gia đi vào địa hạt văn nghệ như Jean Paul Sartre, Paul Mounier và Simone de Beauvoir hay Samuel Weil, “một trí tuệ cao cả” mà Camus hằng thán phục. Cũng như đa số văn nghệ sĩ thế kỷ 20, Albert Camus là nhà văn nhập thế, sống bằng xương, bằng thịt cuộc thử lửa 1939 và đã băn khoăn đi tìm một lối thoát cho văn minh nhân loại. Cũng tất cả lối hành văn hơi khô khan, lý luận, trừu tượng, bấp bênh như phản chiếu cái bi đát của thời đại và phong cách các triết gia bước vào địa hạt văn nghệ.

Cũng như những trí thức lớn khác đã ngự trị trong tâm tư người thanh niên giữa lòng thế kỷ 20, chúng tôi muốn nói Jean Paul Sartre Sartre, Saint Exupery, André Malraux, Paul Mounier...Albert Camus đã để lại cho hậu thế những lời nhắn nhủ chân thành và ý nghĩa, nhất là thời đại chúng ta hiện đang chứng kiến rất nhiều thế giới của giờ thứ hăm lăm...Albert Camus vụt đến trong bầu trời tư tưởng như một vì sao sáng chói rồi vội tan biến. Tuy vậy, trong khoảnh khắc, mắt chúng ta còn chan hòa ánh sáng vì sao. Trong vừng sáng rực rỡ đó, chúng ta thấy hiện hiển những chữ Công lý, Bác ái, Phẩm giá con người. Chỉ từng ấy thôi nhưng chúng ta thấy dịu hẳn lòng lại, và đủ sức vững tiến thêm trong cuộc chiến đấu chống cái phi lý của cõi đời, trong cuộc chiến đấu cho Con người, vì Con người, để thực hiện cái Đạo Hạnh Phúc, để vươn tới các vùng trời trong sáng hơn, các vùng trời Albert Camus hằng mơ ước.


[1]-Tất cả số trang của tác phẩm Albert Camus đều dựa theo ấn bản của nhà xuất bản Gallimard, Paris.
[2]-Ở trung tâm văn phẩm của tôi có một vầng dương vô định...(Nouvelles Littéraires, 10.5.1959).
[3]-Đương tràn trề sức sống, đương yêu đời như thế bỗng nhiên bị bệnh. Đó là một phi lý phát sinh đau khổ trong lòng Camus như cái phi lý của cuộc thế chiến 1939, của cuộc đời nói chung.
[4]-Soạn trước (1937-1942) in sau L’Etranger (1943)
[5]-Hay đúng hơn tiến đến một thái độ tất nhiên phải có, như Albert Camus tuyên bố trong báo Nouvelles Littéraires, 10.5.1951. Tiến triển đó thấy rõ ràng trong Lettres à un ami Allemand, 1948.
[6]-Giản dị, không lột tới cốt lõi như văn của tác phẩm L’Etranger (Kẻ xa lạ), không bồng bột màu sắc như văn của tác phẩm Noces (Hôn phối).
[7]-Tất cả những điểm “dị biệt “ này đều chỉ là tương đối và đã được giản lược hóa để có thể tiếp nhận dễ dàng.
Previous Post
Next Post