Không tham muốn

Cái gốc của sanh tử, luân hồi là lòng ham muốn năm món dục lạc (tài, sắc, danh, thực, thùy: tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ) mà con người trong thế gian, không có ai tránh khỏi. Nếu tham muốn, mong cầu mà được toại nguyện thì sanh tâm vui mừng, hớn hở, còn ngược lại thì buồn khổ, sầu não.

Lòng ham muốn của con người thì vô tận, có một thì muốn được mười, chẳng bao giờ thấy đủ. Thế nên cảđời phải nhọc nhằn, lao khổ, nói rằng ráng làm để sau này được sung sướng. Vậy mà cả đời chẳng thấy sung sướng chỉ vì lòng tham chứa đầy và người ta không bao giờ thấy đủ. Biết đủ thì thấy đủ, chờ cho đủ thì biết đến bao giờ? (Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc).

Ham sắc đẹp thì phải tổn phí nhiều tiền bạc và sức khỏe, tinh thần suy nhược. Đó là chưa kể những người say mê sắc dục, cả đời chạy theo bóng dáng hình hài, bỏ phế gia cang, gia đình tan nát (Gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé bỏ bè con thơ). Muốn trừ tâm tham dục, cứ nhìn lại thân mình và thân người từ lúc còn trẻ cho đến bây giờ, ta thấy biết bao nhiêu đổi thay (vô thường). Quán cái thân này chứa nhiều thứ bất tịnh mà Đức Phật gọi là cái đãi da hôi thối (nước miếng, đờm, dãi, ghèn, cứt ráy, phẩn, nước tiểu, mồ hôi ...). Nếu chưa đủ sức diệt trừ tâm ái dục thì phải tập cửu tưởng quán (tử thi sình thối, dòi bọ rút rỉa, chó sói, kênh kênh đến rỉa thịt, con người chỉ còn là bộ xương, cuối cùng thì cái xương ấy cũng rã tan và một cơn gió thổi là lớp bụi trắng tung bay, không còn lại dấu vết).

Tham tiền bạc thì phải đọa đày thân xác, lao động vất vả, đầu tắt mặt tối (ban ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, có khi làm luôn cả ngày cuối tuần ). Nhất là những người làm thương mại, ăn không ngon, ngủ không yên, suy tư, tính toán đủ điều, sợ người ta giành mất phần lợi của mình ... Nhiều người được nghỉ lễ, nghỉ phép mà vẫn mang điện thoại theo trong mình để tiện việc liên lạc, nghĩa là cũng chẳng có ngày nào được nghỉ ngơi thanh thản. Người không ham muốn có nhiều tiền của là người ít muốn biết đủ, không có nhiều nhu cầu. Càng có nhiều nhu cầu càng khổ cực xác thân. Người tu hành thì ăn uống đơn giản (nhưng ăn đầy đủ chất bổ dưỡng, nhất là những người chỉ ăn một lần trong ngày), không cầu kỳ. Phải tập ăn cái gì cũng được, ngủ ở đâu cũng được, không cần phải ở nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi, hoặc ăn cơm nhà hàng. Người tu sĩ chân chánh ngày xưa chỉ có ba y một bát, đi xin ăn, ai cho gì ăn nấy. Ngủ thì ngủ dưới gốc cây, và cũng rày đây mai đó, không bao giờở mãi một chỗ (tránh sự quyến luyến nơi mình đang ở).

Ham danh vọng, quyền cao, tước trọng thì phải chịu khó vào luồn ra cúi, đút lót, hối lộ mà vẫn nơm nớp lo sợ ngày nào đó sẽ có kẻ khác vào lấy mất ghế (chức vụ) của mình. Tục ngữ ta có câu: Càng cao danh vọng, càng dày gian nan. Đệ tử Phật không màng quyền cao chức trọng, không hãnh diện khi làm quốc sư, hoặc giữ chức vụ then chốt trong giáo hội, và cũng không chờ đợi ngày được tấn phong Hòa Thượng, Thượng Tọa. Đó là háo danh, vậy mà có người giữ một chức vụ nào đó trong giáo hội, hoặc làm trụ trì một ngôi chùa lớn thì chẳng bao giờ rời bỏ chức vụấy. Bởi vậy người ta bảo rằng các thầy làm công việc hành chánh, giữ chức vụ thì không có thì giờ tu!

Người cư sĩ mà bận rộn quá nhiều thì không có thì giờ lo cho thân mình, còn thì giờ đâu mà vui chơi với gia đình, vợ con. Đối với người ấy thì tu hành là một điều vô cùng khó khăn. Có Phật tử đến phân bua cùng với Thầy trụ trì: Bạch thầy, con cũng muốn tu lắm, con thấy không khí ở chùa trang nghiêm thanh tịnh, con thích lắm; nhưng mà công chuyện làm ăn khiến con không thể bỏ được, dù một ngày cũng không được. Buông tay ra là công việc sẽ bế tắt. Con sẽ ráng thu xếp, chừng vài năm thì con có thể đào tạo một số cán bộ nòng cốt...

Tham ăn uống món ngon, vật lạ (rắn, rùa, ba ba, cua đinh, ...) là hành hạ thân xác, khiến cho thân mắc phải những chứng bệnh nan y. Báo đăng có nhiều người ăn cá mà bị ngộ độc, nhiều nhà hàng trên thế giới, thỉnh thoảng cũng mua phải những hải sản mang bệnh khiến cho thực khách bị ngộ độc hàng loạt, phải đưa vào bệnh viện cứu cấp. Những người ham ăn, hốt uống thì sẽ bị bội thực, trúng thực, bắt bao tử, gan, thận làm việc quá nhiều, không có thì giờ ngừng nghỉ, dễ mắc bệnh tiêu hóa, thận và tim mạch. Người cư sĩ dù chưa trường chay cũng ráng cố gắng giữ một số ngày chay định kỳ trong tháng. Ăn chay chẳng những thể hiện tình thương đối với loài vật mà còn có ích lợi thực tế cho bản thân. Thức ăn thực vật dễ tiêu hóa hơn thức ăn động vật. Đó là chưa kể trong thịt của loài vật, kể cả các loài cá, có mang sẵn mầm bệnh. Loài vật trước khi bị giết, nó đau đớn khổ sở, đem lòng thù hận, nếu ta ăn thịt chúng thì bản thân ta cũng bịảnh hưởng.

Tham ngủ, ngủ nhiều, ngủ sớm, dậy trễ, thân thể lười biếng sanh ra bệnh béo phì. Ngủ nhiều thì trí tuệ tối tăm, con người trở thành biếng nhác, ít chủđộng được mình, ý chí dường như không có. Người như thế dần dần trở thành kẻăn bám xã hội, giống như loài cây chùm gởi mà thôi.

Muốn chiến thắng sự ham muốn dục lạc ở thế gian thì phải có sức quán thông suốt và trí tuệ minh mẫn mới mong thành tựu hạnh thiểu dục. Nhờ đó mà ta có thể sống cuộc đời tự túc, đơn giản, thanh tao và an nhàn. Ý thức rõ sự tai hại của tâm dục lạc và lợi ích thiết thực của tâm ly dục (ly dục, ly bất thiện pháp là con đường dẫn đến Sơ Thiền), ta phải đem hết ý chí dũng mãnh để khắc phục tâm tham dục lạc và làm chủ những hoàn cảnh, đối tượng đầy cạm bẫy cám dỗ bao quanh ta. Có như vậy thì cuộc sống của ta mới được an nhàn. Đây là cuộc cách mạng tư tưởng, giúp cho ta thoát khỏi cảnh nghèo đói, đau khổ. Khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc cho rằng nếu nước tư bản giàu sang mà không phí phạm (thức ăn thừa mứa đem đổ bỏ), từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, thì số lượng thực phẩm ấy cũng đủ nuôi sống dân nghèo đói ở Á, Phi.

Tu tập diệt trừ tâm tham dục thế gian không có nghĩa là cuộc cuộc sống ta mất đi, hay là sống như một người chán đời. Không tham dục nghĩa là không tham đắm, không dính mắc, chớ không phải đem quăng hết tài sản, của cải, hoặc làm biếng, không chịu làm ăn sanh sống như mọi người.

Nên nhớ, sự sống là trả nghiệp, chớ không phải là sự tham đắm, si mê về dục lạc. Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy rằng: Kẻ nào không tham đắm dục lạc thế gian sẽ được năm món công đức tự tại:

1. Ba nghiệp thân, khẩu, ý được tự tại, vì nhơn các căn được đầy đủ.
2. Của cải được tự tại, vì tất cả giặc thù đều không làm hại được.
3. Phước đức tự tại, vì khi tâm muốn gì đều được như ý.
4. Ngôi vua tự tại, vì các của cải quí báu đều được người đem đến dâng hiến.
5. Được hưởng phần lợi gấp trăm lần mình đã định, vì kiếp trước mình không có lòng bỏn xẻn.

Người đệ tử Phật chẳng những từ bỏ tật tham lam, mà còn hành hạnh bố thí. Bố thí tức là hạnh buông xả. Buông bỏ, không chất chứa tài sản của cải, mà còn chia sẻ cho người nghèo khổ, bất hạnh. Không màng công danh, phú quí, không bận tâm tranh danh đoạt lợi, hằng sống với tâm buông xả thì tâm trí thảnh thơi, dạo chơi thanh thản, giấc ngủ an lành, ít bệnh, ít khổ. Người có nhiều tài sản, của cải, danh lợi thì sẽ mệt mỏi nhiều, và sẽ đi chậm hơn những người có ít tài sản trên hành trình đi về xứ Phật, tức là giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Previous Post
Next Post