Lạc thú đơn giản là gì?

Con người khát sống! Con người khát yêu! Bởi lẽ con người khát hạnh phúc! Nếu không có những tia sáng hạnh phúc, cuộc sống chỉ là kiếp đọa đầy. Con người lúc đó chỉ hùng hục làm để kiếm miếng ăn, sau đó thì lại hùng hục ăn để lấy sức làm việc! Nếu như thế thì cuộc đời đã giảm thiểu sức sống huyền nhiệm của nó để biến thành cuộc tồn tại máy móc. Không! Nhưng cuộc đời rất đẹp, rất đáng sống! Bởi con người vẫn khao khát truy cầu đeo đuổi hạnh phúc mà cuộc đời hứa hẹn. Pascal nói: “Tất cả mọi người đều tìm cho được sung sướng, không trừ một ai. Họ quyết định sự gì mặc lòng cũng chỉ vì điều đó. Đó là lý do hành động của mọi người, cả những người đi treo cổ.”

Đi tìm hạnh phúc, đó có phải là chân lý hiển nhiên không? Chẳng lẽ có con người nào lại thích đau khổ? Câu hỏi này cũng chẳng dễ trả lời chút nào, nhóm văn chương Xuân thu Nhã tập đã từng tuyên ngôn nguyên lý của mình về hạnh phúc như sau: “Cái lầm lỡ nhất của loài người, tai hại nhất và bi thảm nhất có lẽ là cuộc đi tìm hạnh phúc.” Hàng năm có biết bao nhiêu nữ nhi, trai tráng cởi áo đời mặc áo tu, xa lánh trần thế nhộn nhịp hoan hỉ, bước vào những tu viện kín cổng cao tường âm u hiu quạnh để hành hạ thân xác lẫn khát lạc thú cuộc đời?

Biết bao thiền sư vượt những chặng đường cheo leo băng tuyết phủ tự nguyện giam mình trong những tu thất nằm chót vót trên những đỉnh non của dãy Hymalaya để đắm mình trong cô đơn khổ hạnh? Thông thường hơn nữa, các tín đồ Đạo Phật từ bỏ lạc thú ăn uống miếng ngon thức béo, rượu trưng cất mong tìm kiếm cuộc sống tinh khiết giản dị để hướng tới linh hồn. Sự kiêng khem xa lánh lạc thú là một nguyên lý, một quan niệm khá phổ biến trong các đạo giáo ở Ấn Độ. Người ta cho rằng hạnh phúc trọn vẹn toàn thể là hạnh phúc vượt lên trên tất cả các khát vọng và lạc thú, bởi lẽ lạc thú chính là đau khổ. Kinh Gita nói: “Hạnh phúc nằm trong ý thức xa lánh mọi quan năng sinh từ vui thú. Vì khao khát chính là đau khổ” (tr.225).

Xa lánh hạnh phúc chọn con đường chông gai đau khổ chẳng phải là một con đường, một mô típ hành xác cổ xưa, ngay đầu thế kỷ 20 này, Sartre đã kêu lên: “Con người là một đam mê vô ích” (L’homme est une passion inutile). Rồi một Samuel Butler đã phải la lên trước cái con người đầy nghịch lý, cái con người không thể lý giải nổi khi nó đắm mình trong cảnh ngộ éo le dày vò khốn khổ: “Chỉ trừ loài người, còn tất cả động vật đều biết rằng mục đích của đời sống là thụ hưởng đời sống.” Và một Luther đã cổ xúy cho đời sống khoái lạc một cách hồn nhiên rằng: “Ai không yêu rượu, không yêu đàn bà con gái và không yêu bài hát thì là thằng điên dại suốt đời” (Phạm Công Thiện ‘Ý thức mới trong văn nghệ và triết học’, Lá Bối 1964, tr.204).

Để bàn luận về việc con người có thích sống lạc thú hay không? Và nếu có thì con người sống lạc thú như thế nào? Chúng ta hãy tạm gác lại cái ý nghĩa của lạc thú, mà đi sâu vào để tìm chính bản tính của lạc thú. Đây là định nghĩa của Platon, một bậc thầy triết học, khiến cuộc mở màn tìm kiếm của chúng ta mắc ngay phải đống tơ vò: “Khoái lạc là huyễn hoặc hơn hết trong mọi sự”.

Tuy vậy chúng ta cũng chẳng sớm nản lòng, chúng ta hãy lần theo ý tưởng của triết gia cẩm nang nổi tiếng Aristote. Trong phần bàn về khoái lạc Aristote đã giải phẫu chà đi xát lại nhiều lần thuật ngữ “hoàn thành”. Qua đó chúng ta có thể thâu tóm ý tưởng của ông rằng: khoái lạc là một trạng thái hoàn tất sự tột đỉnh của cảm xúc. Như vậy, thì cho đến khi nào chưa có sự hoàn tất của cảm xúc thì chưa có khoái lạc. Giả sử khi bạn xem tập ảnh Playboy, những tranh ảnh đó chỉ có khả năng khích khởi chứ không tạo ra nổi khoái lạc cho bạn, bởi lẽ chúng không tạo ra nổi sự hoàn tất của cảm xúc. Vậy, với một người đàn ông da thịt, đàn bà đã phải là khoái lạc chưa? Bạn thử ngẫm đến giả dụ này:

Một buổi tối nào đó, bạn được mời đến dự buổi khai phô bức tượng Mi-lô thứ hai mà người ta mới tìm thấy. Dưới ánh đèn huyền ảo người ta khênh một bức tượng phủ che đầy những lớp vải ra. Mọi người nín thở chờ đợi. Rồi nhạc nổi lên, những thiếu nữ xinh đẹp xuất hiện, họ vừa múa vừa thoát y cho đến khi chẳng còn một mảnh vải nào trên người. Dàn nhạc chơi dồn dập. Những con tim nén lại đến tức thở vì thời khắc quảng phô sắp điểm. Tiếng nhạc ngừng lại, người ta quên cả thở để nhìn lên, những thân hình ngọc ngà của những thiếu nữ đứng xung quanh trở nên nhạt nhòa, mọi ánh mắt hướng thẳng về bức tượng đang được lật từng lớp vải. Và lớp vải trong suốt cuối cùng đã hiện ra để rồi chính nó cũng bị lật nốt.

Ồ! Tuyệt! Tuyệt đẹp! Tiếng hô từ những lồng ngực chờ đợi bung ra tưởng chừng bật tung mái rạp. Mọi người đã được thị kiến một bức tượng tuyệt vời, một khát khao đã được hoàn tất, và lạc thú đã bay bổng trên tận đỉnh cao ngất của cảm xúc hồi hộp chờ đợi! (trong trường hợp này da thịt của các thiếu nữ chỉ đóng vai trò giới thiệu như thể những bức hình playboy sống). Thí dụ trên chỉ ra cho chúng ta thấy rằng: khoái lạc là sự hoàn tất một khát vọng đã được tạo dựng qui hướng và truy cầu đến sự hoàn tất.

Và sau khi thiết lập nên giây phút dứt điểm ngất ngây của khoái lạc, Aristote đã xưng tụng khoái lạc như một chức năng xây dựng cuộc đời: “Khoái lạc thêm vào sự làm việc cũng như những bông hoa làm tươi thắm tuổi trẻ.”

Khoái lạc như những bông hoa tô thắm cho cuộc đời còn nhiều gian truân ưu họan, điều đó há không đáng ao ước sao? Có rất nhiều trí giả, nhà văn như Montaigne, Maupassant, Albert Camus, Krisnamurti... đã kêu gọi cho cuộc đời vui sống lạc thú duy nhiên của trần gian. Krisnamurti nói: “Tất cả thú vui của chúng ta đều có tính chất máy móc, bởi vậy chỉ có thú vui dục tính có tính sáng tạo.”

Tuy nhiên một Kierkegaard lại một lần nữa đổ gáo nước lạnh vào cuộc vui hưởng lạc thú của chúng ta, ông nói: “Càng thụ hưởng càng thấy mình nghèo nàn” (Lê Thành Trị ‘Hiện tượng luận về hiện sinh’, tr.59 ). Lạc thú là sự hoàn tất một khao khát, có lẽ là một thời điểm, một trạng thái hơn là một bản tính toàn thể mang nội dung từ cội nguồn của đời sống khát khao truy cầu thị dục. Gallimard đã nói một câu thật trọn vẹn: “Ngẫm cho cùng, sự ham muốn nào mà không làm cho lòng người khoái trá hơn là sự thỏa mãn ham muốn.”

Một Van Gogh bất đắc chí cắt tai để họa lên bức chân dung nổi tiếng, một Tư Mã thiên cảm ơn số phận đã hoạn mình để viết cuốn Sử ký lưu danh thiên cổ có phải là bất hạnh không? Đó cũng là một vấn nạn đưa chúng ta vào huyền nhiệm cuộc đời, và chúng ta mong sẽ vén màn phần nào ý nghĩa của nó trong bước hướng đến hạnh phúc.

Nguyễn Hoàng Đức
Previous Post
Next Post