Trải nghiệm thưởng thức

Sự khác nhau giữa sự vui vẻ (pleasure) và sự thưởng thức (enjoyment):

Khi xem xét về những trải nghiệm làm cuộc sống bạn tốt hơn, điều đầu tiên phần lớn mọi người nghĩ đến là: hạnh phúc bao gồm những trải nghiệm vui vẻ: thức ăn ngon, tình dục tuyệt, tất cả những sự tiện nghi, thoải mái mà tiền bạc có thể mua.

Sự vui vẻ là một cảm giác hài lòng khi những kỳ vọng được tạo ra bởi phần sinh học hoặc bởi những điều kiện xã hội được đáp ứng. Mùi vị thức ăn chúng ta ăn khi đói đem lại sự vui vẻ bởi vì thức ăn làm giảm sự mất cân bằng sinh lý trong cơ thể bạn.

Một buổi chiều nghỉ ngơi, thụ động hấp thụ thông tin từ báo, đài cùng với rượu là 1 sự thư giãn vui vẻ.

Sự vui vẻ là 1 thành phần quan trọng của chất lượng cuộc sống, nhưng tự thân sự vui vẻ không mang lại hạnh phúc. Ngủ, nghỉ ngơi, thức ăn và tình dục đem lại sự phục hồi sức mạnh cho cơ thể nhưng chúng không tạo ra sự phát triển tâm lý. Chúng không bổ sung tính chất phức tạp (complexity) cho bạn.

Khi con người suy ngẫm về những gì làm cho cuộc sống của họ là 1 phần thưởng, họ có xu hướng tiến xa hơn những ký ức vui vẻ và bắt đầu nhớ đến những sự kiện khác, những trải nghiệm khác, được gọi là sự thưởng thức.

Sự thưởng thức xuất hiện khi 1 người không chỉ đạt được 1 số kỳ vọng hoặc thỏa mãn 1 nhu cầu, 1 khao khát mà người ấy dự định, anh ấy còn đạt được những điều bất ngờ mà mình chưa từng tưởng tượng trước đó. Đó là 1 cảm giác của sự mới lạ, của sự hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ như chơi tennis nhằm mở rộng khả năng của bản thân là 1 sự thưởng thức; đọc 1 cuốn sách có những điều mới lạ, 1 buổi nói chuyện khiến chúng ta thổ lộ những ý tưởng mà chúng ta không biết mình có những ý tưởng đó là 1 sự thưởng thức.

Khi mới bắt đầu thực hiện những hoạt động trên, chúng có thể không mang lại sự vui vẻ, nhưng sau này khi chúng ta ngẫm lại thì thấy “chúng thực sự rât vui” và chúng ta ao ước những trải nghiệm đó xuất hiện lại 1 lần nữa.

Những trải nghiệm mang đến sự vui vẻ cũng có thể mang lại sự thưởng thức, nhưng 2 cảm giác đó là khác nhau. Ví dụ, mọi người đều nhận được sự vui vẻ khi ăn uống. Nhưng để thường thức món ăn thì khó hơn.

Chúng ta có thể trải nghiệm sự vui vẻ mà không phải đầu từ năng lượng tinh thần cuả mình; trong khi đó sự thưởng thức chỉ xuất hiện khi bạn đầu tư sự chú ý của mình. Một người vẫn có thể cảm thấy vui vẻ mà không cần nỗ lực, gắng sức nếu như phần não của anh ấy được kích thích đúng chỗ hoặc sự vui vẻ của anh ta là kết quả của sự kích thích hóa học của thuốc/chất gây nghiện. Nhưng bạn không thể thưởng thức 1 trận tennis, 1 quyển sách hoặc 1 buổi nói chuyện nếu bạn không tập trung chú ý hoàn toàn vào hoạt động đó. Vì lý do này mà sự vui vẻ sẽ tiêu tan dần, và bản thân bạn không có sự phát triển sau khi trải nghiệm những kinh nghiệm vui vẻ. Sự phức tạp đòi hỏi bạn đầu tư năng lượng tinh thần vào những mục tiêu mới lạ, mang tính thách thức.

Nếu không có sự thưởng thức, bạn vẫn có thể chịu đựng được cuộc sống của mình. Nhưng cuộc sống đó có thể là bấp bênh, phụ thuộc vào may mắn và sự hợp tác với yếu tố môi trường bên ngoài. Nếu bạn muốn có sự kiểm soát đối với chất lượng đời sống của mình, bạn cần học cách tạo dựng sự thưởng thức trong những gì xảy ra từ ngày này sang ngày khác.

Những yếu tố của sự thưởng thức

Những nghiên cứu đã chỉ ra, trải nghiệm thưởng thức bao gồm 8 yếu tố chính.

1. Một hoạt động mang tính thách thức yêu cầu về những kỹ năng.

Những hoạt động đòi hỏi sự đầu tư năng lượng tinh thần và do đó bạn không thể làm nó nếu không có những kỹ năng phù hợp.

Đối với những người không có kỹ năng phù hợp thì hoạt động đó đối với họ không còn mang tính thách thức, nó chỉ đơn giản là vô nghĩa.

Một cách đơn giản để tìm thấy sự thách thức đó là dấn thân vào 1 tình huống mang tính cạnh tranh. Và do đó bạn phải đối mặt với những yêu cầu mang tính thách thức và sử dụng những kỹ năng ở cấp độ cao hơn.

Trong mọi hoạt động, những người tham gia trong cuộc nghiên cứu của chúng tôi nói rằng, sự thưởng thức chỉ đến khi họ nhìn nhận những cơ hội, những thách thức của hoạt động ngang bằng với năng lực của họ. Ví dụ, khi chơi tennis, nó sẽ không còn là sự thưởng thức khi 2 đối thủ không ngang tài. Người có kỹ năng kém hơn sẽ cảm thấy lo sợ, và người có kỹ năng tốt hơn sẽ cảm thấy nhàm chán. Điều này cũng đúng đối với những hoạt động khác: 1 bản nhạc quá đơn giản trong tương quan với kỹ năng nghe nhạc của người nghe sẽ khiến họ cảm thấy nhàm chán, trong khi đó bản nhạc quá phức tạp sẽ gây ra sự thất vọng. Sự thưởng thức chỉ xuất hiện tại ranh giới giữa sự nhàm chán và sự lo sợ, khi những thách thức cân bằng với khả năng hành động của con người.

2. Sự hợp nhất của hành động và nhận thức

Khi tất cả những kỹ năng có liên quan của 1 người được sự dụng để đương đầu với những thách thức của 1 tình huống, thì sự chú ý của người đó hoàn toàn bị hấp thụ bởi hoạt động đó. Con người trở nên chìm đắm trong những gì họ đang làm và hoạt động đó trở nên tự nhiên, gần như mang tính tự động; và họ dừng việc nhận thức về bản thân mình như 1 thứ tách rời khỏi hoạt động mà họ đang tiến hành.

1 vũ công miêu tả về những cảm xúc của cô khi buổi biểu diễn diễn ra tốt đẹp: “Bạn hoàn toàn tập trung. Tâm trí bạn không đi lang thang, bạn không suy nghĩ về những điều khác; bạn hoàn toàn chìm đắm vào những gì mình đang làm... Năng lượng của bạn trôi chảy nhẹ nhàng. Bạn cảm thấy thư giãn, thoải mái và tràn đầy năng lượng.”

Mặc dù sự trải nghiệm thưởng thức xuất hiện có vẻ như không cần sự nỗ lực, nhưng nó còn nhiều hơn thế. Nó thường đòi hỏi sự gắng sức của thể chất hoặc tính kỷ luật cao của hoạt động tinh thần. Nó không thể xuất hiện nếu không có sự áp dụng kỹ năng thực hiện.

3. Những mục tiêu và thông tin phản hồi rõ ràng.

Ví dụ, người chơi tennis luôn luôn biết được cô ấy phải làm gì: trả bóng về phía đối thủ. Và mỗi lần cô ấy đánh bóng, cô ấy sẽ biết liệu mình đã làm tốt hay không.

Nếu bạn chọn lựa 1 mục tiêu tầm thường, không quan trọng thì đạt được thành công trong mục tiêu ấy không đem lại cho bạn sự thưởng thức. Nếu như tôi đặt mục tiêu của tôi là vẫn tồn tại trong khi ngồi trên ghế sofa, tôi cũng có thể biết được mình đạt được mục tiêu đó, cũng giống như người leo núi. Nhưng sự nhận biết này không mang lại cho tôi hạnh phúc so với người leo núi.

Tuy nhiên, có những mục tiêu của 1 hoạt động không phải luôn luôn rõ ràng như của người chơi tennis, và thông tin phản hồi thì thường mơ hồ hơn là đơn giản kiểu như “tôi không bị té ngã” của người leo núi. Đó là trường hợp của những hoạt động nghệ thuật. Làm thế nào nhà soạn nhạc biết được mình làm đúng hay sai? Và họa sỹ vẽ 1 bức tranh. Trong những hoạt động mang tính sáng tạo, khi mà mục tiêu không rõ ràng, 1 người buộc phải phát triển cảm nhận cá nhân mạnh mẽ về những gì cô ấy dự định làm. Người họa sỹ có thể không có hình ảnh tưởng tượng về bức tranh sau khi hoàn thành trông như thế nào, nhưng khi bức tranh có sự tiến triển đến 1 mức nào đó thì cô ấy nên biết liệu đây có phải là những gì cô ấy mong muốn.

4. Tập trung chú ý vào nhiệm vụ.

Khi thưởng thức 1 hoạt động nào đó, bạn có khả năng quên đi tất cả những khía cạnh không thoải mái của cuộc sống. Vì những hoạt động mang tính thưởng thức yêu cầu 1 sự tập trung hoàn toàn vào nhiệm vụ - do đó nó không có chỗ cho những thông tin không liên quan trong tâm trí của bạn.

Trong cuộc sống bình thường hằng ngàu, chúng ta là con mồi của những suy nghĩ và những lo lắng không mong muốn luôn tìm cách xâm nhập vào ý thức của ta. Bởi vì phần lớn những công việc và cuộc sống ở nhà nhìn chúng, thiếu vắng những yêu cầu có tính áp lực của những kinh nghiệm thưởng thức, và sự tập trung của bạn hiếm khi mạnh mẽ khiến những lo sợ của bạn tự động bị loại bỏ. Đây là 1 lý do tại sao những hoạt động mang tính thưởng thức (flow) đã cải thiện chất lượng kinh nghiệm sống của bạn: vì chúng có yêu cầu rõ ràng và loại trừ những sự can thiệp của các thông tin không liên quan trong ý thức.

5. Nghịch lý của sự kiểm soát

Những trải nghiệm mang tính thưởng thức thường bao gồm cảm giác của sự kiểm soát.

Điều mà con người thưởng thức không chỉ là cảm giác đang kiểm soát mà còn là cảm giác thực tập việc kiểm soát trong những tình huống khó khăn.

6. Đánh mất sự tự ý thức về bản thân.

Khi bạn hoàn toàn bị độc chiếm bởi 1 hoạt động nào đó thì bạn không còn đủ sự chú ý để xem xét về quá khứ hoặc tương lai, hặc một vài kích thích tạm thời không liên quan đến hoạt động. Và 1 điều biến mất khỏi ý thức của chúng ta,xứng đáng được đề cập đến, bởi vì trong cuộc sống thường nhật chúng ta đã dành quá nhiều thời gian suy nghĩ về nó: đó là cái tôi của chúng ta.

Sự đánh mất cảm giác về 1 cái tôi tách biệt với thế giới xung quanh thỉnh thoảng đi cùng với 1 cảm giác hợp nhất với môi trường xung quanh.

Việc ám ảnh với cái tôi của chính mình đã tiêu tốn năng lượng tinh thần của bạn bởi vì trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thưởng cảm thấy bị đe dọa. Bất cứ khi nào chúng ta bị đe dọa, chúng ta cần phải mang hình ảnh mà chúng ta có về bản thân mình quay về với ý thức, do đó chúng ta có thể phát hiện liệu sự đe dọa đó có thực không, và làm thế nào để ứng phó. Ví dụ, nếu tôi đang đi bộ trên đường, tôi để ý thấy một vài người quay lại và nhin tôi, nhe răng cười, điều tự nhiên tôi làm là ngay lập tức bắt đầu lo lắng:” Có điều gì đó không ổn? Trông tôi buồn cười lắm sao? Có phải là do cách đi của tôi hay mặt tôi có vết bẩn?”. Chúng ta thường tự nhắc nhở mình hàng trăm lần mỗi ngày về những tổn thương của bản thân. Nhưng trong những hoạt động mang tính thưởng thức thì không có chỗ cho sự giám sát bản thân. Bởi vì hoạt động đó có những mục tiêu rõ ràng, những quy tắc ổn định và những thách thức phù hợp với những kỹ năng của bạn, và do đó ít có cơ hội cho cái tôi của bạn cảm thấy bị đe dọa.

Sự vắng bóng cái tôi khỏi ý thức không hàm ý rằng con người trong 1 hoạt động mang tính thưởng thức từ bỏ việc kiểm soát năng lượng tinh thần của anh ấy, hoặc cô ấy không ý thức về điều gì đang xảy ra trong cơ thể hoặc tâm trí mình. Sự thực là những trải nghiệm thưởng thức bao gồm 1 vai trò chủ động của cái tôi. 1 vận động viên điền kinh luôn luôn ý thức về mọi cơ bắp và nhịp thở trong cơ thể mình, cũng như sự thể hiện của những đối thủ của anh ta trong cuộc chạy đua.

Do đó sự đánh mất ý thức về cái tôi không bao gồm sự đánh mất bản thân và chắc chắn không phải là sự đánh mất ý thức. Khi có thể quên đi tạm thời rằng mình là ai dường như có vẻ rất thú vị. Khi bạn không bị ám ảnh với cái tôi của mình, bạn thực sự có 1 cơ hội để mở rộng khái niệm bản thân mình là ai.

7. Sự chuyển đổi của thời gian.

Khi trải nghiệm sự thưởng thức, thời gian dường như không còn trôi đi theo cách thông thường của nó. Phần lớn mọi người nói rằng thời gian dường như trôi nhanh hơn.

8. The autotelic experience

Tự thân hoạt động mang tính thưởng thức là 1 phần thưởng mang tính nội tại. Bạn thực hiện hoạt động đó không phải với kỳ vọng rằng sẽ có được một vài lợi lạc trong tương lai, đơn giản chỉ vì thực hiện hoạt động đó tự thân nó đã là phần thưởng. Ví dụ, việc dạy dỗ trẻ em nhằm biến chúng thành những công dân tốt thì không phải là hoạt động mang tính autotelic (tự thân hoạt động là 1 phần thưởng), trong khi đó việc dạy trẻ vì bạn thích tương tác với chúng là 1 trải nghiệm autotelic

Phần lớn những việc chúng ta làm không hoàn toàn mang tính autotelic hoặc exotelic (thực hiện hoạt động đó vì những lý do bên ngoài) mà là sự kết hợp của cả 2 yếu tố trên.

Những trải nghiệm autotelic rất khác so với những cảm giác mà chúng ta có trong cuộc sống. Phần lớn những gì chúng ta làm thông thường không có giá trị tự thân, và chúng ta làm nó chỉ vì chúng ta buộc phải làm hoặc chúng ta kỳ vọng lợi ích ở tương lai. Nhiều người cảm thấy thời gian họ dành cho công việc là lãng phí – họ xa lạ với chúng và năng lượng tinh thần đầu tư cho công việc không tăng cường sức mạnh cho bản thân. Một số ít người khác thì thời gian rảnh rỗi của họ cũng là lãng phí. Thời gian rỗi của họ nhìn chung gồm những việc thụ động tiếp thu thông tin (từ báo đài) mà không sử dụng bất cứ kỹ năng hoặc khám phá những cơ hội mới để hành động. Và kết quả là cuộc sống trôi đi trong buồn chán và lo sợ khi con người có rất ít sự kiểm soát.

Trải nghiệm autotelic (hoặc trải nghiệm thưởng thức) nâng cuộc sống của bạn lên 1 mức độ khác. Việc xa lạ với công việc bị thay thể bởi sự đắm chìm vào nó, sự thưởng thức thay thế cho sự nhàm chán, sự tuyệt vọng chuyển thành cảm giác kiểm soát, và năng lượng tinh thần giúp củng cố cảm nhận bản thân.

Nhưng bạn cũng cần phải nhận thức về nguy cơ của việc nghiện sức mạnh của trải nghiệm thưởng thức. Chúng ta nên nhận thức rằng không điều gì trong thế giới này là hoàn toàn tích cực; sức mạnh / quyền lực có thể bị lạm dụng.Tình yêu có thể dẫn đến sự tàn ác, khoa học có thể tạo ra sự hủy diệt, kỹ thuật công nghệ không được kiểm tra sẽ tạo ra sự ô nhiễm môi trường. Những trải nghiệm thưởng thức là 1 dạng của năng lượng và năng lượng có thể được dùng để giúp đỡ hoặc hủy diệt.

Trải nghiệm thưởng thức, cũng giống như mọi thứ khác, nó không “ tốt đẹp” hoàn toàn.Nó chỉ tốt khi giúp cuộc sống bạn phong phú hơn, ý nghĩa hơn, làm tăng tính phức tạp của con người.

Nghịch lý của công việc.

Trong 1 nghiên cứu chúng tôi sử dụng phương pháp Experience Sampling: Liệu con người tiết lộ họ có nhiều trải nghiệm thưởng thức khi làm việc hay khi rảnh rỗi?

Hơn 4800 lời phản hồi được thu thập, 33% của những phản hồi nói rằng họ đang có “ trải nghiệm thưởng thức”.

Như kỳ vọng, con người càng dành nhiều thời gian cho những hoạt động mang tính thưởng thức trong 1 tuần thì chất lượng kinh nghiệm sống của họ càng tốt. Họ cảm thấy “mạnh mẽ”, “có hiệu lực”, “sáng tạo”, “tập trung”, “có động lực”.

Khoảng một nửa thời gian khi con người làm việc, họ cảm thấy họ đang đương đầu với những thử thách trên mức trung bình và sử dụng những kỹ năng trên mức trung bình. Ngược lại, khi họ tham gia vào những hoạt động lúc nhàn rỗi như đọc sách báo, xem tivi, đi ăn tiệm thì chỉ 18% những phản hồi nói rằng họ đang có “trải nghiệm thưởng thức”. Những phản hồi của họ được xếp vào loại “thờ ơ”, đặc tính bởi mức độ thứ thách và những kỹ năng dưới trung bình. Khi con người làm việc thì chỉ có 16% phản hồi nói là họ ở tình trạng “thờ ơ”, còn khi rảnh rỗi thì có đến 52% “thờ ơ”.

Như vậy, nghịch lý ở đây là: Trong công việc, con người cảm thấy họ có kỹ năng và thử thách và do đó cảm thấy hạnh phúc hơn, mạnh mẽ, sáng tạo và thỏa mãn hơn. Còn khi rảnh rỗi nhìn chung con người cảm thấy không có nhiều việc để làm và những kỹ năng của họ không được sử dụng và do đó họ có xu hướng cảm thấy buồn chán, yếu kém, ngu si, không thỏa mãn. Tuy nhiên, họ vẫn thích làm việc ít đi và có nhiều thời gian nhàn rỗi hơn.

Dù trải nghiệm thưởng thức khi làm việc là thú vị nhưng con người không thể chịu đựng mức độ thử thách cao suốt ngày. Họ cần được nghỉ ngơi, phục hồi, nằm ườn xem tivi trong vài giờ mỗi ngày ngay cả khi họ không thích thú với việc đó.

Sự lãng phí thời gian nhàn rỗi.

Mặc dù con người mong muốn rời công sở và về nhà tận hưởng thời gian nhàn rỗi, nhưng thường thì họ không biết phải làm gì ở nhà. Trở trêu là, con người dễ dàng cảm thấy vui thích trong công việc hơn là khi rảnh rỗi, bởi vì giống như trải nghiệm thưởng thức, công việc tạo ra những mục tiêu, quy tắc, những phản hồi và những thách thức, khuyến khích con người chìm đắm vào công việc, tập trung và đánh mất ý thức về bản thân trong công việc. Còn thời gian nhàn rỗi thì ngược lại, nó không có tính cấu trúc, nó đòi hỏi nhiều nỗ lực để tạo nên những gì mà bạn có thể thưởng thức. Con người bỏ lỡ cơ hội thưởng thức thời gian nhàn rỗi nhiều hơn so với khi họ làm việc. Năng lượng của họ thay vì được sử dụng để tập trung vào những mục tiêu phức tạp, đem lại sự phát triển thì lại bị phung phí trong những hình thức giải trí thụ động.Chúng làm tê liệt trí óc. Chúng hấp thụ năng lượng tinh thần của bạn mà không đem lại sức mạnh cho bạn. Chúng khiến bạn kiệt sức hơn, chán nản hơn trước.

Tham khảo: sách “Flow - The Psychology of Optimal Experience” của tác giả Mihaly Csikszentmihalyi.
http://www.mediafire.com/?897e91vs5652jin
Nguồn: tamlyhoc.net
Previous Post
Next Post