Sinh tử phù hư

Mai mốt rồi trên quả đất này
Ai người đi trước, ai sau đây?
Ðể ai tựa cửa nhìn mây trắng
Khóc lá thu vàng theo gió bay!
(TÔN THẤT XỨNG)

Ðáng lẽ tôi đã không viết những giòng "lan man chi địa" này, vì mùa hè đang rực rỡ ngoài kia, công việc kiếm cơm cũng chả rảnh rang gì (vụ mùa đang bắt đầu tất bật) .. nhưng tin về một người Thầy cũ, một vị Tướng xưa, một Bạn thơ "văn kỳ thinh, bất kiến kỳ hình", một Nữ Sĩ cuối cùng của "Hà Tiên tứ tuyệt", tất cả đều không hẹn mà rũ áo ra đi (vào những ngày từ giữa tháng sáu đến đầu tháng bảy năm 2007), cùng đồng hành trên chiếc tàu (hay máy bay?) "di tản"  lặng thinh về cõi Vĩnh Hằng hết ráo, nên bảo sao tôi chẳng đặng đừng!!!

"Nhà thiền thường nói “sinh tử đại sự” - sinh tử là việc lớn. Không phải là xem trọng cái ngày mình sinh ra hoặc là mừng ngày kỷ niệm tròn tuổi sinh ra, dù là một tuổi, ba mươi tuổi, năm mươi tuổi hay trăm tuổi, với tiệc mừng linh đình, hỉ hả. Cũng không phải lấy làm hệ trọng cái việc tử biệt, bày biện hình thức lễ nghi, chôn cất, xây mồ xây mả uy nghi bề thế. Sinh tử sở dĩ là việc lớn đối với người thế tục là vì nó chi phối hầu hết cuộc sống, bao gồm niềm vui nỗi khổ, thăng trầm, thành bại … từ lúc sinh ra cho đến khi chết .." (VĨNH HẢO)
  
Thành phố còn thiêm thiếp giấc nồng
Người đã chen vai tần tảo như ong
Cho nợ nần mãn kiếp
Rụng về đâu chí cả tang bồng?
(HÀ HUYỀN CHI)

Cái chí cả tang bồng của kẻ sĩ VN hồi thời Nguyễn Công Trứ là: "Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ", là "Ðã mang tiếng ở trong trời đất, Phải có "danh" gì với núi sông" .. Cái chữ DANH này coi vậy mà đa dạng lắm lắm thì phải: Công danh hay Tư danh? Thực danh hay Hư danh? Háo danh hay Hão danh?  Phương danh (danh thơm tiếng tốt) hay Ô danh (danh nhơ tiếng xấu) ..???

"Có "một chút danh gì với núi sông", đối với những kẻ lập ngôn, thực khó vô chừng! Ảo tưởng thì nhiều mà thực tâm, thực tài lại quá mỏng, lũ người háo danh cứ nhắm mắt mà bước loạng choạng trong một niềm say mê bệnh hoạn ngỡ mình đang bay lên đỉnh Thi Sơn!" (TRỊNH THANH SƠN)

Tôi không rảnh rang cho lắm để "chẻ sợi tóc làm tư" cái chuyện DANH này, chuyện sẽ mích lòng người hết sức khi rọi "kiếng chiếu yêu" lạng quạng, lỡ rọi nhằm chính cái bản-mặt-mình một ngày kia mọc sừng mọc mỏ "chằng tinh" hồi nào không hay .. thì "phiền não" biết là bao nhiêu (như trong truyện "Cửa tùng đôi cánh gài" của Nguyễn Lang)!!! Hoặc giả như cái anh chàng mù mà lại dám mắng người khác "không có mắt" chẳng biết ngượng miệng như vầy:

"Có một anh mù đến chơi nhà người bạn, khi ra về thì trời đã tối. Người bạn thắp cho anh một cái đèn và bảo anh cầm lấy để đi về.

- Tôi đã mù rồi anh đưa đèn cho tôi làm gì?

- Anh cứ cầm lấy cây đèn này, vì dọc đường trời tối người ta thấy cây đèn này mà không tông nhầm phải anh.

Nghe có lý, anh mù cầm chiếc đèn rồi ra về. Ði được một quãng đường, bất chợt anh bị một người hàng xóm tông phải và lăn cù xuống mé ruộng. Lóp ngóp bò dậy anh mắng người hàng xóm:

- Anh không có mắt hay sao mà không thấy chiếc đèn của tôi?

- Tội nghiệp quá ông bạn ơi! Chiếc đèn của anh đã bị gió thổi tắt từ lâu rồi" (TRẦN TRÚC LÂM dịch - 101 chuyện Thiền)

Thế đấy. Chuyện đời thường thường như vậy. Mình mù không biết cây đèn của mình đã tắt. Mình tối tăm, tàn tật, óc đầy chắt trắng đậu hũ, cái tâm nhỏ nhít như hạt mè, hạt đậu xanh nát, hạt cám dành cho heo .. mà mình không hay (nhiều khi không thể hay, hoặc không muốn biết), lại cứ ngoác giọng mắng mỏ, phê bình, chỉ trích, dạy đời .. ngon ơ!!! Tôi chợt nhớ cái chuyện "dế mèn phiêu lưu ký" và cái tật hay "cà khịa" của chú dế này. Thì vậy đó thôi "Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa" mà. "Ngựa non háu đá" mà. Cố tật "coi trời bằng vung" của những ông nhô con .. đất thó, trùn đen mà!!! Ối giời ơi. Ðến lúc cái "quả" (do "nhân" của mình đã gieo) đủ nặng như búa thiên lôi nó "đả" cho một lần. Tha hồ mà nằm thẳng cẳng .. kè, ná thở!!!

Ngẫm nghĩ kỹ mà coi. Người khác và ta nào có khác biệt gì nhau đâu chứ nhỉ, cùng bơi trên một "giòng sông sinh mệnh", cùng không ngưng nghỉ tay chèo trên biển đời sóng to, gió lớn, mưa tuôn:

Người đã chết, nghĩa là ta cũng chết
Người thõng tay, nghĩa là ta cũng buông
Người trôi sông, nghĩa là ta chìm xuồng
Người tắt ngủm, nghĩa là ta đứt bóng
(THÍCH NHẬT TÂN)

Ngay cả những người thân thiết, cùng máu mủ, ruột rà .. vậy mà rồi cũng có một ngày phải "Ái .. biệt ly" vĩnh cửu nữa là!!!

"Phụ mẫu ân thâm chung hữu biệt
Phu thê nghĩa trọng dã phân ly
Nhân tình tợ điểu đồng lâm túc.
Đại hạn lai thời các tự phi.”

“Phụ mẫu ân thâm chung hữu biệt” nghĩa là con cái đối với cha mẹ có ơn rất sâu nặng, nhưng rốt cuộc cũng phải biệt ly. “Phu thê nghĩa trọng dã phân ly”, vợ chồng chung sống với nhau tình nghĩa mặn nồng suốt cả một đời rồi cũng phải chia tay. “Nhân tình tợ điểu đồng lâm túc”, nghĩa là tình người cũng giống như chim ngủ chung nhau một cánh rừng. “Đại hạn lai thời các tự phi”, đến khi có biến cố gì xảy ra thì mạnh con nào con nấy bay đi, không con nào kéo theo con nào được. Chúng ta cũng vậy. Lúc sống có cha mẹ, chồng vợ, anh em, con cháu, đến khi nhắm mắt thì đường ai nấy đi." (THÍCH CHÂN TÍNH)
***

Cái câu "đường ai nấy đi" nghe sao mà nẫu ruột nẫu gan. Nhưng đó là lúc "nghĩa tử, nghĩa tận" hoặc ly thân, ly dị khi còn tại thế, cõi nhân gian. Chớ nếu chỉ nói đến cái chết, cái dang dở mà lơ là "cõi sống", mà không hàn gắn những đổ vỡ tang thương thì vô cùng .. dở ẹc! Bởi vậy tôi "khoái" cái chuyện huyền thoại "phịa" trăm phần dầu này:

"Thượng Đế là Đấng Toàn năng, vĩ đại vô cùng. Thượng Ðế vĩ đại nhờ bởi hai phẩm chất chính trong tính cách, đó là cực đoan và khôi hài. Sau khi nông nổi sinh ra một loài động vật có tên là Con Người, trong cơn say sinh nở và bản tính khôi hài, Thượng Ðế bốc nhầm ba vị thuốc cho Con Người sơ sinh uống, đó là Ngu Dốt, Tham Lam và Độc Ác, rồi đẩy tất tần tật xuống trần gian. Đến khi tỉnh rượu, Thượng Đế mới ghé mắt nhìn xuống hạ giới thì hỡi ôi, cái lũ Người mà Thượng Đế sinh ra đang gầm ghè vì miếng ăn, vì cái ghế ngồi mà chém giết nhau túi bụi.

Tại sao chúng lại phải chém giết nhau như thế nhỉ? Ta sinh ra chúng đẹp lắm kia mà, nhân hậu, nhường nhịn lắm kia mà? Thôi rồi, ta say, ta lỡ bốc nhầm thuốc rồi, có khổ không? Trong đầu, trong ngực lũ người kia ta chỉ nhồi nhét toàn là những Ngu Dốt, Tham Lam và Độc Ác, hèn chi chúng cứ lao vào mà chém giết, mà ăn thịt lẫn nhau như hùm beo. Phải sửa chữa sai lầm này ngay. Thế là Thượng Đế hăm hở sinh ra một nhúm người khác, mặt mũi xanh xao vàng vọt, tay chân lẻo khoẻo trói gà không chặt, nhưng lại được Thượng Đế thổi vào đầu và ngực hai phẩm chất của chính mình, đó là Cực Đoan và Khôi Hài. Thượng đế suy nghĩ hồi lâu, rồi tặc lưỡi đặt tên cho nhúm người xanh xao vàng vọt đó một cái tên cũng rất khôi hài: Nhà Thơ! Trước khi đẩy nhúm người ngơ ngác, cực đoan và khôi hài ấy xuống trần gian, Thượng Đế chỉ dặn một câu gọn thon lỏn: Các ngươi xuống mà cứu đồng loại của các ngươi dưới đó, ta mệt lắm rồi!

Lũ người xanh xao vàng vọt ốm o kia khênh vác sứ mệnh to lớn trên vai, lục tục xuống trần, chia nhau ra sinh sống cùng đồng loại trên cả 6 lục địa có sẵn, nhung nhúc những người da trắng da đen da vàng da nâu đủ cả .. Hành trang và vũ khí duy nhất của lũ người ngơ ngẩn ấy chỉ là cây bút với tính cách cực đoan và khôi hài được thừa hưởng một cách miễn cưỡng, nghĩa là không tự giác và càng không trọn vẹn từ Thượng Đế - Người Cha đáng kính - mà thôi! (TRỊNH THANH SƠN)

Trời đất. Nghe qua thì cũng mắc cười thiệt nhưng tôi vốn "dị ứng" với hai chữ "cực đoan" này lắm lắm. Nên tôi bèn xì-tốp một hồi lâu độ ba bốn bữa .. không biết làm sao mà "bẻ lái" cho những dòng viết tiếp về sau??? Khôi hài thì "được" quá. Nhưng "cực đoan" .. thì eo ơi ..

Ðôi khi chống nạng ngắm trời
Thấy con cóc nhảy khơi khơi mà thèm
(LUÂN HOÁN)

Ðời có bao năm mà toan tính
Áo rách, cẩm bào cũng thế thôi
Mai kia tóc bạc về sông vắng
Gom hết một lần đem thả trôi
(TOẠI KHANH)

Ta vất đi bao mùa diễm sắc
Bỏ tình cuối ngõ, bỏ muôn thơ
Ðể tìm hạnh ngộ vùng tâm đắc
Ðạt đất lành và Ðại Ước Mơ
(ST LÊ ANH CHÍ)

Chỉ có ba đoạn thơ "ngắn củn" của ba tác giả thôi. Sơ sơ thì thấy "bác" nào cũng "cực đoan" quá xá ể . Những cái "cực đoan" dễ bị người đời mỉa mai, mai mỉa là "lập dị", là "khờ khạo", là "hâm", là "gàn bát sách" .. vv .. và .. vv ..

- Vì rõ ràng người ta (nội địa) "thèm" những xe Dream mới cáu chỉ, người ta (hải ngoại) "thèm" xe hơi Lexus, Mercedes .. láng coóng để "lên xe xuống ngựa" vênh váo với đời, chớ ai thèm làm con cóc nhảy khơi khơi hở giời. Nhất là những "Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi": "Sau bằng ấy văn minh tiến bộ, sau bằng ấy hệ thống tư duy và giành giật chủ nghĩa, rốt cục con người nhìn lại thấy mình có thể đã sống KHÔNG hạnh phúc hơn một con cóc hay một con cò, một con chim nhỏ trên cành cây hay một bông hoa dại bên bờ đường. Thật là một điều nghịch lý. Nhà thơ Luân Hoán đã buông tiếng thở dài: Ðôi khi chống nạng ngắm trời, Thấy con cóc nhảy khơi khơi mà thèm .." (LM. TRẦN CAO TƯỜNG). Ðơn giản lắm, một ngày nào đó, gối mỏi chân chùn, chân tay bạn, xương cốt bạn nó cứ kêu "ui da, ui da" (cọp-dê câu văn của bạn dzàng tui một chút xíu nhen), bạn nằm không yên, đứng không xong, đi không được .. Chà, chắc chắn ai mà chả "thèm" được tự do nhảy nhót như con cóc "mắc dịch" kia chứ nhỉ!!!

- Rồi "bác" TOẠI KHANH dám nói (và cũng dám làm) "Áo rách cẩm bào cũng thế thôi", mai sau còn "đem thả trôi" tất tần tật mọi thứ luôn. Ghê gớm thật. Ðừng đùa thế bác ơi, cẩm bào đồng nghĩa với giang sơn đất nước lận à. (Nhưng các vị vua nhà Trần đều tri-hành "y chang" như vậy mới chết chứ!).

Ðã từng ham muốn phải long đong
Bỏ quách mà ra khỏi bụi hồng
Buông thõng bờ kia lên Phật Tổ
Một lần phủi giũ một lần xong
(TUỆ TRUNG THƯỢNG SỸ - Thích Thanh Từ dịch)

- Tác giả LÊ ANH CHÍ cũng là con cháu nhà Phật nên cứ tha hồ "vất", tha hồ "bỏ" (cái đẹp, tình luyến thế, lợi danh hoa lệ, ngay cả "thơ" luôn) để đạt được cái Ðại Ước Mơ là thiền ấn Diệu Âm:

Ta vất đi bao tình luyến thế
Ðể theo đòi Phật Tánh Chân Tâm
Bỏ luôn cả lợi danh hoa lệ
Ðể đạt thành thiền ấn Diệu Âm
(ST LÊ ANH CHÍ)

***

Khi vào đời đỏ hon hỏn. Trần trụi. Tay không. Thế rồi được mớm, được ủ (khi còn trứng nước), lớn lên thì "rước" vào nào là thực phẩm, nào là y phục, nào là kiến thức. Khi trưởng thành "rước" thêm người phối ngẫu. Rồi sinh sôi, nảy nở: con cái, tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, địa vị, danh vọng ..

Từ cái cục đỏ hon hỏn dạo nào bây giờ đã đắp lên, tô lên bao nhiêu là thịt là xương, là tình là nghĩa, là đam mê, là dục vọng, là trách nhiệm, là tính toan. Từ cái trần trụi ban đầu giờ đã quấn quanh thân bao nhiêu là quần là, áo lượt, giày dép, nón, khăn, trang sức, hương thơm. Từ đôi bàn tay không giờ đã leng keng, lủng lẻng  những cái chìa khóa (khóa xe, khóa nhà, khóa phòng, khóa cổng, khóa garage, khóa safe box, khóa tủ, khóa rương ..). Cái tâm trong trẻo của thủa ấu thời giờ đục lờ sắc mầu của lo toan, của vui buồn, thương hận, của ham muốn không ngừng nghỉ những cái chưa có, hoặc muốn có nhiều hơn, đầy hơn, "đã" hơn ..

Cái cục đỏ hon hỏn ấy còn làm chủ một xã hội nho nhỏ (là gia đình riêng của mình), nằm trong một xã hội rộng lớn được gọi tên là quê hương đất nước. Nhiều khi còn quê đấy, nhưng vẫn phải bỏ đi vì "không hợp" tâm tư nguyện vọng hoặc bị những cục đỏ hon hỏn khác nó "đì", nó "trù", nó "dập" .. bởi mấy đời lý lịch "trái ngang"!!! Thế là thà bỏ mạng giữa biển xanh, sa vào tay hải tặc dã thú, còn hơn ở lại "như chim vào lồng, như cá cắn câu, cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng biết thuở nào ra .." (Ca Dao).  Vậy chứ không nhờ "cái đám phản quốc ôm chân đế quốc Mỹ" dạo đó, thì VN ngày nay đứng đầu bảng .. "nghèo đói" trên thế giới là cái chắc rồi:

"Hai mươi chín năm qua, nếu không có nhiều tỉ đô-la hàng năm gởi về từ những người một thời đã bị chế độ nguyền rủa, trù ẻo để bị chết trôi, chết chìm trên biển Đông thì nền kinh tế VN còn tệ hại đến mức nào. Hai triệu người Việt hải ngoại gởi tiền về để giúp đỡ gia đình, bà con, thân thuộc, trại mồ côi, trại cùi bởi vì họ là những người đã được nuôi dưỡng bằng những lời ru đậm đà tình thương của mẹ, bằng những câu ca dao chan chứa tình đồng bào "Lá lành đùm lá rách", "Chị ngã em nâng". Nếu họ được giáo dục bằng hận thù giai cấp, bằng sắt máu đấu tranh như những người Cộng Sản thì nền kinh tế VN ngày nay có thể vẫn còn đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia nghèo đói hàng năm của Liên Hiệp Quốc". (Ngày 30/04 - Tâm bút của TRẦN TRUNG ÐẠO)

Dám chắc chưa có dân nước nào "cảm nghiệm cao độ, thấm thía" về hai chữ "sinh tử" như dân Việt quê ta. Cũng như số lượng tử vong bởi "Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, ba mươi năm nội chiến từng ngày"..; bởi nạn đói Ất Dậu, bởi "Cải Cách Ruộng Ðất", bởi Tết Mậu Thân ở Huế, bởi tù cải tạo, bởi các cuộc vượt biên đường bộ, đường biển sau 1975 .. thì không có một kiểm nghiệm nào tổng kết cho nổi, bởi quá .. thảm thê, thê thảm!!!

Nhưng cũng "lạ" là con người "mau quên", các cục đỏ hon hỏn nhục nhằn xưa, giờ đây xênh xang "áo gấm về làng", không còn nhớ nữa những kinh hoàng  "sinh tử" xa xưa. (Không phải về để cư tang phụ mẫu. Không phải về để vẹn vẽ tình thâm cốt nhục, chín chữ cù lao, "mẹ già như trái chín cây, gió đưa mẹ rụng con rày mồ côi" [Ca Dao]. Không phải về để đền ân đáp nghĩa anh em, bằng hữu, xóm giềng, tháng ngày tối lửa tắt đèn, đùm bọc ..). Họ (người già) về để được "trâu già gặm cỏ non"! Họ (người trẻ, kẻ sồn sồn) về để được "mua dâm" rẻ mạt, để thỏa thuê "nhục cảm" trên những cơ thể trinh bạch, nghèo nàn! Ðau hơn nữa là để "vong thân" bội nghĩa, quên thề ..

30 năm não nề
Nghìn kẻ phi nhân cúi mặt trở về
Chúng bán xác, mua dâm
Dẫm đạp lên thề
Bán rẻ lương tâm, đui mù lý trí
Quên bao đồng ngũ xả thân
Họ đã vì quê, vì nhau, mà rêu phủ cát lầm
Hồn tử sĩ cách gì siêu thoát
(HÀ HUYỀN CHI)

Cũng như người ta tha hồ "ngụp lặn" dài dài trong kiếp sống "vô minh" một cách vô cùng hoan hỉ ..  

"Không phải người ta không dự tri về những bất trắc xảy ra trong cuộc đời. Người ta đã chuẩn bị rất kỹ: viết di chúc, mua bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân mạng; lên xe hoặc lên máy bay thì tự động thắt dây an toàn - không thắt cũng được nhắc nhở hoặc ép buộc phải thắt bằng sự nghiêm phạt. Những chuẩn bị như thế đều cho thấy người ta luôn ý thức về một tai nạn, hoặc cái chết, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng khi tai nạn chưa xảy ra, nhiều lần, nhiều ngày như thế, ý thức kia lờn đi và nhường chỗ cho vô thức, để rồi, khi thắt dây an toàn, người ta chỉ thắt theo thói quen, và thắt để khỏi bị cảnh sát phạt tiền. Người ta thực sự không muốn nhắc đến cái chết dù rằng trong hành động mỗi ngày đều chuẩn bị cho cái chết.

Cuộc sống như thế có một vẻ mâu thuẫn một cách buồn cười. Chúng ta chuẩn bị rất kỹ cho một bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, xem ra thì giống như "nhà đạo" ý thức về vô thường; mà kỳ thực, những chuẩn bị này chỉ là để tiếp tục vui sống trong ảo tưởng về một cuộc đời chắc thật, bền vững. Chúng ta chuẩn bị, nhưng chẳng chuẩn bị gì cả. Hăm hở chạy theo những kéo lôi của ngoại cảnh và sự thúc giục của dục vọng bản năng. Thành tựu được tí ti đã mừng rỡ, huênh hoang; mất đi chút xíu đã buồn rầu, áo não. Kỷ niệm ngày sinh thì tưng bừng tiệc tùng, quà bánh, rượu chè, chúc tụng không ngớt - làm như là sự có mặt của mình trong cuộc đời đã thay đổi được thế giới tốt đẹp hơn, hoặc mang lại lợi ích cho muôn loài vậy! Ngày chết thì than khóc sầu bi thống thiết - làm như là sinh ra ở đời để mà bất tử trường sanh vậy!

Sinh thì cười, tử thì khóc. Được thì mừng, mất thì khổ. Thắng thì vui, thua thì buồn. Sắc thân, cảm giác, tư tưởng, hành nghiệp và ý thức của chúng ta sao mà tội nghiệp, cứ bấp bênh bập bềnh như bèo bọt mây nổi! Vậy mà rồi, sự sinh và sự tử, trong tư tưởng cũng như trong sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, trở thành chuyện lớn. Mà chuyện lớn ở đây lại không giống như chuyện lớn của thiền gia. Chúng ta không biết, hoặc giả vờ không hay biết, rằng ngày sinh chẳng qua là ngày đánh dấu một bước gần hơn với ngày tử. Ngày ấy, sau một năm dài, hẳn là thành kiến, tư dục sẽ nhiều hơn năm trước. Những vọng chấp về bản ngã và những thuộc tính của ngã hẳn là dày thêm một lớp. Có chi để mừng vui! Thế rồi, chuyện sinh-tử trong mọi thời đại, mọi xứ sở, luôn là cơ hội cho những thành tựu của thương nghiệp: thiệp chúc, quà tặng, bệnh phí, áo quan và những buổi tiệc vui, buồn … (VĨNH HẢO)
***

Thăng trầm theo cánh chim di
Nao nao tiếc nuối đường đi về nguồn
Những ngày xanh gói đem chôn
Ngày mai tóc trắng, gởi hồn phương nao?
(THANH NHUNG)

Lúc sống thì "gởi hồn phương nao" là vấn đề tự do cá thể. Lúc chết "gởi hồn phương nao" cũng tùy thuộc vào niềm tin và tôn giáo từng người (xin nói theo sức hiểu biết hết sức cá nhân và vô cùng giới hạn):

- Ðối với Ðạo Công Giáo thì có 2 con đường là sa Ðịa Ngục (nếu tội lỗi đầy đầu), hoặc về xứ Thiên Ðường (nếu một đời lành thiện).

- Còn đạo Phật lại có đến 6 nẻo Luân Hồi cơ đấy: tùy theo nghiệp quả đời này mà ta sẽ đi về Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, A Tu La, kiếp Người hoặc cõi Trời. Nếu được làm người đi nữa thì cũng do Nghiệp Căn, Nghiệp Lực đẩy đưa mà ta được hưởng Phước hoặc lãnh Họa, rồi lại trầm luân Lục Ðạo dài dài. Ngay cả khi được lên Trời, lúc hết phước báo rồi cũng lại chìm trong Lục Ðạo như chơi .. "Hảo hớn nhóm mây trên đỉnh núi, Bốn bên địa ngục vẫn chờ trông" .. (?)

- Ðối với những kẻ Vô Thần, Vô Tôn Giáo, theo Duy Vật Chủ Nghĩa thì chết là hết chuyện. Chả có kiếp sau kiếp trước gì sốt cả. Một đời này là duy nhất thôi. Do đó cứ mặc tình ăn chơi, mặc tình trác táng, mặc tình vô đạo, vô nghì. Mặc tình Tham, Sân, Si "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi". Mặc tình độc ác hơn bò cạp, rắn rít, chó sói, cọp beo .. với đồng loại. Mặc tình gây tội ác diệt chủng cũng vẫn "tót vời" ngai cao, ngất ngưởng cõi "gió tanh mưa máu" !!!

Khi đến cõi đời, ta đỏ hon hỏn, run rẩy, trần trụi, tay không. Khi ta đi, xác bầm đen, bất động, được người sống tẩn liệm, điểm tô bằng y phục chỉnh tề, nhưng vẫn  tay không. Chỉ có tiếng đời thì còn lại, mãi mãi: "Hùm chết để da, người ta chết để tiếng". Tiếng gì??? - Ðó là chuyện "Ðại sự" của mỗi phàm nhân chúng ta vậy nhỉ!?!?
  
Mai tôi đi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa, tôi không bước vội
Sớm muộn gì thì cũng phải xa nhau
(NGUYÊN SA)

Vâng. Sớm muộn gì thì cũng phải xa nhau. Xa nhau bởi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Xa nhau bởi Thành, Thịnh, Suy, Hủy. Xa nhau bởi Thành, Trụ, Hoại, Không.

Vâng. Xa nhau nghìn thu. Xa nhau vĩnh cửu. Xa nhau tuyệt mù!!!

Nguồn: hongsam.com
Previous Post
Next Post