Thông diễn học

“Thể hiện, Hư vô, Sinh thành” (Being, Nothing, Becoming), ba khái niệm căn bản của Hegel về  suy tư. Heidegger tổng kết vào một khái niệm: Da-sein, mà triết học trung hoa dịch là Thử Tại (da=nơi đây, sein=hiện sinh), bao gồm sự “khởi đầu của suy tư” (thể hiện) và “suy tư tự xác định mình là suy tư với nhận thức” (sinh thành). Thử tại là thử tại trong “thế giới hiện sinh” bên bờ của “hư vô”, tiềm ẩn ý niệm của sự hữu hạn, của sự chết.

Toàn thế giới hiện đang  bị khống chế bởi khoa học-kỹ thuật, xã hội đại chúng hóa thô thiển rập khuân theo đầu óc chuyên viên máy móc, cứng nhắc một chiều: “con người đại chúng hóa sợ suy tư và quên thử tại”, thế giới hiện sinh nhân bản thêm mong manh thêm cận kề với hư vô. Đời sống vật chất con người có cải thiện, tiện nghi, nhưng lại càng trống rỗng, vô tư say đắm trong siêu hình học vô thần của niềm tin tuyệt đối vào kỹ thuật. Bùi Giáng nói chúng ta sống trong “cái hiện sinh mạt thế” (l’eschatologie de l’Être), vì cái niềm tin đó cũng là niềm tin của hư vô, của sự chết (Heidegger). Sức mạnh vô khả cưỡng của kỹ thuật là hiểm họa treo trên đầu. Kỹ nghệ máy móc thông tin, khả năng áp đảo thị hiếu đại chúng,  chỉ mang lại cho xã hội một nền văn học vô hồn kỹ nghệ tư bản lợi nhuận. Trước vấn nạn, triết học đương thời  chọn đường đáp ứng, đặt tất cả vấn đề vào lý tính suy tư. Với ba khái niệm căn bản trên của Hegel, những triết gia như đồng lòng tìm trong lý tính sự “giải cấu” (dé-construction, giải thể  và cấu tạo lại) với triết lý tư biện Thông Diễn Học (TDH).

***

Có lẽ Hegel và Husserl là hai triết gia lần lượt đưa ra ý niệm khởi đầu của TDH, triết lý tư biện đương thời. Đó là sự cảm thông (empathy). Con người suy tư là con người có khái niệm của tự do tuyệt đối. Khi chúng ta không phải lo đói và lo khổ, đó là lúc chúng ta cảm thấy tự do trong suy tư không vương vấn một hệ lụy nào. Nhưng cũng là lúc chúng ta phải cảm thấy cô đơn, như là lúc chúng ta muốn tách rời không muốn lũ lượt như con chiên bước theo đoàn người. Một sự cô đơn mang theo nghi vấn, về lý nghĩa của tự do, cái gì ta cô đơn nhận thức có lẽ chỉ là ảo tưởng. Chúng ta muốn có sự đối thoại với tha nhân, một sự cảm thông với người khác, cũng tự do như ta nhưng biết tôn trọng sự tự do của người khác, cảm thông những ước muốn, những dục vọng của mỗi người. Theo Hegel, đó là biện chứng vượt lên trên quy định tự do của bản ngã (cái TÔI), với sự phủ định bằng quy định tiếp cận tương quan cùng tha nhân. “Dấn thân vào biện chứng của những hình thái hữu tận, của cái biết trực tiếp và chủ quan của cái Tôi, sẵn sàng thay đổi viễn tượng, đứng vào vị trí và quan điểm của cái khác, của Người khác”(Hegel).

TDH nguyên thủy (hermeneutics) là sự tìm trong thánh kinh sự khải thị huyền diệu ly khai tục lụy và màn u minh trần thế. Những hiền giả Tây phương thời Trung Cổ khóa mình trong Tu viện tìm hiểu những ẩn dụ của Thánh Kinh. Văn học Trung Hoa của thời xưa (trước khi thu nhận văn minh khoa học Tây Phương) cũng luôn luôn khẳng định sự phải học hỏi diễn giải sách Thánh hiền. TDH lý thuyết cổ điển là chúng ta phải tìm hiểu và diễn giải lời lẽ của tiền nhân, từ nguyên thủy còn tới tận chúng ta tức là tiềm ẩn  minh triết nhân bản giúp chúng ta vượt ra khỏi màn đen của thực tại, u mê dục vọng của thể xác, chìm đắm ngu muội với những ước muốn tầm thường vật dụng, hay hơn nữa để chúng ta đạt tới cõi siêu phàm thoát tục. TDH cổ điển có thể nói cũng là siêu hình học của sự tín ngưỡng ở đấng tối cao, ở thánh hiền.

Triết học đương thời không còn có siêu hình học tín ngưỡng cổ điển. Nhưng những triết gia đương đại cũng trọng tâm tìm minh triết, theo cái nghĩa của Khổng Học hay Phật Học. TDH, triết học đương thời, là triết học của con người trở về từ lãng quên (Heidegger) bản thể “sống”, tìm lập thân, nhân tính thoát ly sự áp đặt máy móc của xã hội vật chất kỹ thuật hiện đại. Một phương thức chính cho sự trở về là luôn luôn thông diễn giải cho chính mình gia tài văn học và nghệ thuật, những tác phẩm đánh dấu hành trình tư tưởng khai minh bất tận của nhân loại. Với ý thức đó, TDH không phủ nhận những tuyền thống, những tập quán văn hóa của dân tộc, của xã hội cộng đồng, của con người. Nhưng con người phải biết nhận thức một cách phản tư và sáng tạo. Bản chất cá nhân của mỗi người là suy tư ý thức “thử tại trong thế giới hiện sinh” của chính mình. Nhìn nhận những truyền thống, những tập quán và những di truyền văn nghệ của tiền nhân nhưng sống động tự đặt câu hỏi về giá trị nhân bản sự kiện với lý tính, nhận thức một cách độc lập với kinh nghiệm hiện sinh của chính mình. Những nhận thức mà chính những tác phẩm của tiền nhân chỉ có thể xa xôi ẩn dụ, hay chính ta bây giờ riêng tư biết ý thức một cách sáng tạo trong lúc tiếp thu cái ngữ cảnh  tư tưởng thâm trầm của tiền nhân.

Minh triết lập thân, triết học đương thời không có chuyện đại tự sự đưa lên một hệ thống tư tưởng khoa học như các đại triết gia của thời khai sáng hay ngay hậu khai sáng. Con người không còn tự hỏi :”Ta là ai?”, “Ta từ đâu tới?” để chỉ có thể tự trả lời bằng một tín ngưỡng hay chìm đắm vào trong một siêu hình học  không giải thoát được con người ra khỏi những nghịch lý, Cũng không có chuyện đại ngôn giáo điều cách mạng cải tổ xã hội và con người.  Nếu cần phải nói, thì triết học đương thời là tâm thức hậu hiện đại (từ của J.F.Lyotard, theo Bùi Văn Nam Sơn), hay trước hết là phản tư phủ nhận cái thế giới máy móc hiện đại của cộng đồng đại chúng. Nhưng hậu hiện đại không có  nghĩa tiêu cực của trường phái nghệ thuật như của nhóm Dada, của những nghệ sĩ phủ nhận ngay cả sự suy tư mạch lạc, vì nghĩ mạch lạc chỉ có thể là hậu quả của khoa học kỹ thuật đương đại. Trọng tâm của hậu hiện đại, theo triết học đương thời, đặt tất cả vấn đề vào ý nghĩa của  hiện sinh, là thử tại (Heidegger), là bản thể nhân sinh. Khái niệm bản thể phổ biến vô hạn, không quy định được bởi những thuộc tính, là bản ngã, là “cái gì đó để nhân sinh là nhân sinh, nghệ thuật là nghệ thuật chứ không không phải là chuyện phù phiếm vật chất và danh lợi, chuyện tài hoa kỹ thuật”. Để không lãng quên sống (Being), luôn luôn ý thức bản thể là triết học đương thời, TDH với khái niệm sinh thành, suy tư nhận thức phản tư và sáng tạo.

***

Sinh thành với thế giới hiện sinh, thế giới của hiện tượng học (Husserl-Heidegger) và  thuyết hiện sinh (Existentialism – J.P.Sartre), mà triết gia đương thời nhận định có thể nói một cách khái quát hơn. Con người thử tại là thử tại trong thế giới hiện sinh (của riêng mình). Ta sinh thành, thế giới hiện sinh cũng triển khai theo sự sinh thành của chính ta. Một không gian nhỏ bé của thế giới là căn phòng của ta, đôi khi âm vang một điệu nhạc, có bức tranh treo trên tường, tờ báo hay quyển sách nào lăn lóc đâu đó…, một ai nhìn qua ngưỡng cửa có thể  cảm nhận một phần nào con người hiện sinh mà ta là đang ở nơi đó. Thế giới hiện sinh có cái phần sáng tạo của chính ta. Trước hết là thế giới nội tâm. Hiện tượng ngoại tại đóng góp vào thế giới hiện sinh của mỗi người. Những hiện tượng ngoại tại thường chỉ thoáng qua, dù đôi khi vì một vẻ đẹp nào đó, một sự kiện mơ hồ nào đó, để ấn tượng vào tiềm thức, để ta rồi có khi nghĩ tới trong cái  quá khứ hiện sinh (le présent passé, từ của J.Derida). Nhưng hiện tượng ngoại tại đóng góp vào thế giới hiện sinh, cốt là khi nào ta quan tâm đến nó, theo TDH ta thông diễn giải nó (Husserl thì nói khi ta lên khung nó, epoche=bracketting). Một tỉ dụ cụ thể, người lạ mà ta bỗng cùng chia một ấm trà là một hiện tượng ngoại tại, nhưng người lạ đó có thể hiển hiện rồi bên ta trong cái tương lai hiện sinh (le présent futur, từ của J.Derrida), nếu ta quan tâm đối thoại với anh hay chị này. Đối thoại, trong cái nghĩa của TDH, là cảm thông, chia sẻ những nhận thức, để ta bớt cô đơn để ta nghĩ ta không hoàn toàn sống trong ảo tưởng, và hơn nữa khi ta đối thoại, ta sáng tạo vì trình bày rõ ràng những ý tưởng chợt nghĩ tới hay tiềm tàng trong tâm thức, hơn nữa vì ta cảm thông người kia, ta thu nhận để có ngay về sau một viễn tượng, một quan điểm khác.

Thông diễn giải mọi hiện tượng ngoại tại tức là thu nhận những kinh nghiệm, những lớp bồi đắp phù sa cho cõi miền đất rộng của thế giới riêng tư. Thế giới hiện sinh, theo Heidegger-Gadamer, cũng là những chân trời, viễn cảnh của nghệ thuật và ngôn ngữ, những ước vọng xa xôi, những khắc khoải tìm hiểu….Khi ta đối thoại cảm thông với hiện tượng ngoại tại (t.d. tha nhân), ta tự đặt mình vào vị trí quan điểm của người khác (Hegel), tức là cảm nhận và thu nhận những chân trời của người khác. Thu nhận cũng tức là hòa đồng chân trời riêng tư và khác biệt, Gadamer nói chúng ta hòa nhập những chân trời (la fusion des horizons), chân trời của thế giới hiện sinh  luôn luôn xê dịch lại càng mở rộng. Trong những ý nghĩa trên, TDH  thật là  minh triết lập thân  (Paideia=Bildung).

Lập thân là cảm thông và học hỏi,  điều mà TDH nhấn mạnh vẫn là phản tư và sáng tạo. Điều này có nghĩa là khi ta chia sẻ và tìm hiểu, ta chỉ có thể cảm thông nếu ta vẫn giữ bản chất của chính mình, biết đặt lại những câu hỏi phát động từ tâm thức và tìm cấu tạo lại (theo khái niệm biện chứng của Hegel). Gìn giữ bản chất nhân sinh của chính mình, đó là lập thân trong cái thời hiện đại, khống chế bởi khoa học kỹ thuật. Bản chất của hữu cơ là sinh thành (cho đến khi chết), mà sinh thành là (tự) sáng tạo. Nên khi ta đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, nếu ta thật thử tại, ta thu nhận nhưng không thụ động, ta thông diễn giải  một cách giải cấu và sáng tạo, ta mang sẵn trong tâm thức những quan niệm nghệ thuật của chính mình, nhưng bây giờ mở rộng phản tư đối chiếu với tác phẩm của nghệ sĩ; tất cả là sống động, tác  phẩm một phần nào trở nên như của chính mình với sự triển khai sâu xa của sáng tạo. Chỉ sáng tạo, ta mới thật sống.

Với quan điểm đó, đặc biệt nữa để thoát ly cái không gian lý luận cò kè đo đếm một hai (như Bùi Giáng nói)  của khoa học kỹ thuật, triết học tư biện đương đại, TDH coi nghệ thuật là phần tất yếu của thử tại  – Chúng ta có nghệ thuật để không phải chìm đắm vì sự thật  (Nietzsche: We have art not to perish by the truth). Những sự thật của xã hội khoa học kỹ thuật là những sự thật giáo điều của chuyên viên máy móc kỹ xảo, những sự thật thực tiễn của kinh tế gia tư bản và lợi nhuận, những sự thật chân phương phù phiếm xu thời….Để thoát ly ra khỏi những sự thật hữu hạn (từ của Hegel), triết học đương đại nhận định rằng trong thế giới hiện sinh có những bóng tối, những miền đất hoang vu mà ta không nhất định phải khai hoang, mà trái lại cảm nhận cái âm u huyền bí hoang dã mà ta hân hoan tìm đến, đi ra khỏi cái ồn ào ánh điện chói chang của những thủ phủ chọc trời. Những miền đất hoang vu là những miền đất của nghệ thuật, của thi ca. Chính đây là một khái niệm căn bản phổ biến vô hạn của TDH. Khi ta thông diễn giải hay nói một cách khác, khi ta giải cấu một hiện tượng ngoại tại nào, tha nhân, tác phẩm văn chương, hội họa…, ta phải biết cảm nhận cái miền hoang vu của  hiện tượng, cảm nhận với tiềm ẩn thi ca, nghệ thuật của chính mình. Và như thế, chúng ta thật sáng tạo, vì luôn luôn trong nơi bí hiểm hoang vu là những góc trời chưa ai từng đến, mà chỉ người thám hiểm mới biết tìm ra, góc trời của hiện tượng mà cũng là của chính mình.

Trong logic học Hegel, những khái niệm căn bản của lý tính là vô hạn, mọi quy định của khái niệm chỉ có thể là hữu hạn, luôn luôn tự phủ định hay triển khai biến dạng. Như vậy từ trước rồi theo Hegel, thử tại trong thế giới hiện sinh  (bao gồm những khái niệm) chỉ có thể là một hành trình bất tận sáng tạo, đối diện với những kinh nghiệm mới, nhận định khám phá muôn mặt của bản tính minh…Theo Michel Foucault (triết gia người Pháp,  tiền phong hậu hiện đại), mỗi khi ta thông diễn giải (cảm thông) một tha nhân ta thật tìm ra lại một cái gì của bản thân ta. Đã từ lâu rồi người ta e ngại tìm hiểu sự điên rồ (la folie), sự sa đọa tội lỗi (la criminalité), nhưng người ta đã không biết rằng chính như thế người ta đã bỏ qua một phần nào nhân bản. Không kể bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật và văn học đã được sáng tác trong lúc điên rồ của tác giả, nhưng khi chính ta đối diện với người điên hay tội phạm đen tối, ta không cách gì quên là ta đang đối diện với một con người, tức là có nhân tính, tức là tiềm ẩn một cái gì vẫn là của chính ta.

TDH, triết học tư biện đương thời, đòi hỏi phải biết sống, không ngừng tìm hiểu chính mình và cảm thông rộng lượng với kẻ khác. Căn bản là sáng tạo và sinh thành, TDH  mang theo ý niệm tổng kết trong thử tại. Như một tinh chủng mang sẵn ngay rồi  nhân tố (gene, ADN) của con người, thử tại (sinh thành) cũng phải luôn luôn là sự tổng kết của chính mình. Khi ta thông diễn giải một tác phẩm văn học, ta bắt buộc phải nhìn tổng kết một phần nào hành trình học hỏi, ôn lại tư liệu đã đóng góp phần xây dựng cơ sở thẩm định của mình. Heidegger nói đấy là sự “nhảy lùi và hồi ức” (step back and recollection, Schritt zurück und Andenken). Theo tôi nghĩ, chúng ta có thể nói như theo thuyết tương đối của Einstein (la ralitivité), thử tại là thử tại trong cái thời gian tương đối của mình. Sinh thành phải có sự nhìn (tổng kết) về quá khứ và sống lại, điều tôi đã ẩn ý nói trên, sống cái quá khứ hiện sinh của mình. Và ngay cả tương lai nữa, luôn luôn không có chuyện của đời thường như ngày mai ta phải đi kiếm ăn, một giờ nữa ta có hẹn…, mà là cái tương lai của suy tư, nghệ thuật, cái tương lai không có sự chờ đợi, trong tương lai hiện sinh cảm nhận sự tiến triển không ngừng của tâm thức, như vừa nghe một bản nhạc vừa cảm nhận tổng kết toàn khối giai điệu. Tác phẩm, một bài thơ hay một bức tranh, tuy chưa làm ra đã như hoàn tất ám ảnh tâm trí của nghệ sĩ, sống lại những hiện tượng ngoại tại đã thúc đẩy suy tư và cảm thức toàn diện cái nhịp nhàng triển khai sáng tạo.

***

Của thời cổ đại Trung Hoa, Khổng học là minh triết lập thân cho con người của gia đình và của xã hội. Triết học đương đại, TDH cũng là minh triết lập thân ; TDH vậy là một sự trở về, trong cái ý “luân hồi” của Nietzsch (the eternal recurrence). Tuy nhiên một khi đã trở về đến điểm cũ của vòng tròn, quỹ đạo tiếp theo cũng lại là một vòng tròn, nhưng là một vòng tròn lớn hơn nữa. Sự lập thân trong TDH đương đại là sự lập thân cá nhân với thế giới hiện sinh không ngừng tỏa rộng của mình, lập thân của nghệ sĩ chìm đắm trong hành trình sáng tác riêng tư. Nếu cần phải nói tới sự tương quan với những triết học cổ điển của sự lập thân, thì trước hết phải nói TDH đương đại hoàn toàn xa lạ với Lão học của thượng cổ Trung hoa, với thuyết Khắc kỷ (Stoïcisme) của Zenon cổ La Mã, TDH đương đại có thể không xa Khổng học nhưng thật có điểm gần với Thiền Học. Chính Heidegger trong một bài trả lời phỏng vấn nói: “Tôi nhận trong Thiền Học(sách của Suzuki) nhiều điều tôi đã liên tưởng tới!”. Vương Vi Lý, người Trung hoa, đã trình bầy một luận án “Nhân Chi Vấn”* nêu những điểm tương đồng giữa Thiền Học  với triết học Heidegger, theo tôi nghĩ cũng là những điểm tương đồng của Thiền Học với triết học đương đại, TDH.

Trước hết lập thân ở Thiền là “định tâm”. Định tâm ở Thiền là tọa định tâm tư (thiền định) cảm thức hơi thở, cảm thức nhịp sống trong trái tim, trong bản thân thể sác, theo thiền sư Thích Nhất Hạnh ngay cả trong cử chỉ chậm rãi của đời thường (ăn uống, rửa bát…). Sự lập thân đó là sự lập thân ngay  trong trần gian bất định. Thiền không yếm thế, có cái lạc quan của Thiền. Chú trọng là có cái Tâm an bình tiếp thu tinh hoa bất động nằm ngay trong thế tục. Cái Tâm an bình biểu lộ qua “hoa đạo”, “trà đạo”, bằng nét vẽ thủy mặc trong tranh thiền, trong bút pháp thiền, thu gọn cả thời gian, thiên nhiên và con người trong ba điệu kèn, trong ba tiếng trống, trong mười bẩy âm ngữ của hài cú….

Đó là những điểm gần và xa giữa Thiền học và TDH đương đại.  Nếu Thiền trọng chữ Tâm, TDH đương đại cốt yếu là thử tại, thử tại với chữ Tư. Trọng chữ Tư, là luôn luôn thức tỉnh tiếp nhận hiện tượng ngoại tại, sống động trong thế giới hiện sinh, cảm nhận chân trời mở rộng và xê dịch, tất cả vừa suy tư, vừa sáng tạo phản tư và thông cảm. Không phải là định tâm mà là tọa định tư duy trong sáng tạo. TDH cũng như Thiền lạc quan tích cực với sự sống của chính mình. Dĩ nhiên sự khác biệt là ý niệm về sống (thử tại), một bên là trầm lắng, một bên là khao khát triển khai và sinh thành. Có một điều chung giữa Thiền và TDH là nhận định sự hoảng sợ (angst, chữ của Heidegger) của bản thể nhân sinh. Hoảng sợ trước hư vô (sự chết), hoảng sợ trong sinh thành (như đối diện một hiện tượng bất định). Thiền định giải thoát sự hoảng sợ bản nhiên đó, với TDH suy tư giải cấu cũng là một cách giải thoát. Đặc biệt, TDH với tâm thức hậu hiện đại gặp Thiền  chính là ở chỗ cùng nhận định ra cái hoảng sợ thế tục mà con người hiện đại phải thoát ly, đó là hoảng sợ trống rỗng của con người hiện đại, sống với hình nhi thượng học của khoa học và kỹ thuật, sống trong sợ hãi rằng mình không kịp hưởng thụ, thời gian tới tấp trôi đi quá nhanh trong đời sống xã hội đại chúng hóa, tín hiệu dồn dập, và rập khuân theo một đường rày hỏa tốc của máy móc. Thời gian của Thiền là vô định; một sát na giác ngộ có thể là thời gian của cả một đời người. Trong triết học đương đại, TDH, “nơi đây và  giờ này” (hic et nunc) thì bát ngát. “Nơi đây”là tất cả thế giới hiện sinh với những chân trời xa thẳm. Còn “giờ này” không phải là con đường, mong manh chưa là đã mất rồi, phân chia quá khứ với tương lai, mà là tất cả “hiện sinh” :”hiện tại hiện sinh” “quá khứ hiện sinh” và “tương lai hiện sinh” trong sự tổng kết không có thời gian (trong cái nghĩa thông thường) của tư duy.

Khổng học là lập thân trong khuôn khổ gia đình và xã hội. Kẻ sĩ là kẻ dấn thân cho gia đình và xã hội, duy trì nề nếp và trật tự cộng đồng, TDH đương thời cũng là minh triết lập thân,  nhưng lập thân trong cái tự do tuyệt đối bản chất của ego, của con người. Nhưng sự tự do đó không phải là hoàn toàn tự kỷ. Con người suy tư, con người nghệ sĩ cũng là con người rộng lượng dấn thân âm thầm từ bản thân mình tạo dựng cùng tha nhân một cộng đồng của lương tri. TDH là triết học của cá nhân, không có vấn đề đại ngôn giáo điều. Phủ nhận sự khống chế của khoa học kỹ thuật, phủ nhận xã hội hiện đại, phủ nhận sự vô tư đại chúng, TDH, triết học đương thời, là hậu hiện đại trong cái nghĩa, nhìn nhận xã hội đại chúng hiện đại chứa định những nghịch lý văn học kỹ nghệ tư bản lợi nhuận (Theodor Adorno), kỹ thuật để chinh phục thiên nhiên, vũ khí càng ngày càng tân tiến để tàn bạo giết hại lẫn nhau.., tất cả phản ảnh một quá trình hiện đại không hoàn tất (J.Habermas). TDH là phương thức của chúng ta mỗi người tìm lại chính ta. Trong cái nghĩa đó cũng là một sự lạc quan dấn thân, chờ đợi một thế giới ngày mai hoàn mỹ.

Ngô Văn Tao
Previous Post
Next Post