Vươn ra ngoài cuộc sống

Sự thất vọng bắt đầu sau chuyến đi thăm mặt trăng về. Người về chỉ mang theo mớ đá: tuyệt không có dấu sinh vật nào. Từ ấy, những thám hiểm khác không khá hơn. Nơi bấy lâu chúng ta vẫn đặt nhiều mơ tưởng là Hoả tinh: Hoả tinh rốt cuộc cũng làm cụt hứng giới “tìm bạn bốn phương”.

Cuối thiên niên kỷ thứ hai dấy lên một nghĩ ngợi: Phải chăng chúng ta là sinh vật duy nhất trong vũ trụ vô cùng? Cô đơn đến thế thật là cô đơn. Hãi hùng quá.

Con người khiêm tốn, xưa nay vẫn dành cho mình một vị trí thấp. Bên trên, bao nhiêu hạng tôn quí: ông Trời, bà Ðất, tiên, thánh, thần, ma vương, thượng đế v.v…; xưa nay nó vẫn quen thờ phụng, lạy lục, lạy từ cục đá lạy đi. Bỗng nhiên không còn gì còn ai để lạy nữa, con người hoảng hốt, hoang mang.

Trước, con người không thực sự nghĩ tới việc mình có thể rời khỏi quả đất. Nó yên phận ở một nơi này, và yên trí là đó đây cũng có những giống sinh vật như mình. Ai có cõi sống nấy. Như thế, nó an tâm.

Năm 1969 - mới cách đây hơn ba chục năm - lần đầu tiên nó đặt chân lên một thiên thể ngoài quả đất. Thấy mặt trăng trống trơn. Từ ấy nó tìm kiếm lung tung. Ðem máy móc tiến gần, rình rập Hoả tinh: thấy khô ráo, lạnh ngắt. Lại tiến lên Mộc tinh rình xem cái vệ tinh Europa chạy quanh: cũng không mảy may dấu hiệu sinh sống nào. Chỉ trong khoảng năm năm cuối thế kỷ vừa qua, ít nhất đã có 22 thiên thể bị dò xét. Sự hối hả thấy rõ, còn gì nữa.

Cái tìm kiếm lục soát càng ngày càng ráo riết, mà mức kỳ vọng mỗi lúc mỗi thấp. Thuở xưa, người ta mơ tưởng sẽ gặp trên thượng giới những sinh vật giống như mình: cũng những cô gái xinh đẹp với đầy đủ xiêm y, biết ca xướng đàn địch, cũng những cụ già tóc râu khả kính, thích chơi cờ thích ngâm thơ v.v… Về sau, con người địa cầu không còn đòi ai kia phải giống hệt mình. Chỉ mong đây đó may ra có những giống loài dù khác lạ dù dị hợm, nhưng vẫn có trí thông minh vẫn tài giỏi, đây đó may ra có thể khám phá ra những nền văn minh bất ngờ, xuất sắc, rải rác trong vũ trụ. Người vũ trụ, riết rồi hình ảnh ấy thật mơ hồ: nó nhỏ bằng nắm tay chăng? lớn bằng toà nhà chăng? nó di chuyển bằng cách trườn mình oằn oèo trên đất chăng? bằng cách vỗ cánh trên không trung chăng? nó có được một vài cái tai để nghe, dăm con mắt để trông chăng? v.v…

Mãi không thấy gì, hết mong “người”, chỉ ao ước bắt gặp đôi giống bạn hữu có liên hệ xa xôi: bất cứ loài sinh vật nào cũng quí, thậm chí, một manh nha thảo mộc nào cũng được.
Vẫn chưa thấy.

Về một phương diện, hoàn cảnh con người địa cầu thật là tệ hại. Tệ hại hơn bao giờ cả, kể từ thuở “khai thiên lập địa”. Chưa bao giờ nó bơ vơ đến thế. Mặc dù nó là… chúa tể. (Thì khắp nơi tuyệt nhiên không có sinh vật nào khác, nó phải là chúa tể chứ còn gì nữa?) Một đấng chúa tể không biết từ đâu đến, đến để làm gì, rồi đi về đâu! Tức thị là một chúa tể ngẩn ngơ.

Cái sống, cả vũ trụ không có, ta có: thích ghê. Chỉ mình ta có: quí ghê. Giữa hai bên - sống và chết - chỉ có cái sống là đáng suy nghĩ. Còn cái chết, đáng gì mà xem là vấn đề triết lý căn bản (như có kẻ từng bảo). Chết là định luật chung: trăng sao ngời ngời đều chết, thiên địa bát ngát toàn chất liệu chết cả, cho đến mọi sinh vật cũng chỉ sống có hạn kỳ rồi cùng chết ráo trọi. Chết là tất nhiên, sống không tất nhiên. Sống là biệt lệ bất thường, tối bất thường. Thế mà lúc này ta lại đang sống. Chao ôi!

Cái chết không tự ý thức về nó; cái sống ý thức được về cái sống. Trong thế giới chết, mọi hiện tượng xảy ra, tự xảy ra, ngẫu nhiên. Trong thế giới các sinh vật, mỗi động tác mỗi biến cố diễn ra là có chủ định chủ ý. Big bang tha hồ hùng vĩ, nhưng nó xảy ra không tự biết. Một trận đá lông nheo vụng trộm giữa cặp sinh vật hai chân cao chừng thước rưỡi, hoạt động ấy diễn ra âm thầm mà rạo rực. Diễn ra sau bao nhiêu mơ tưởng, ngần ngại, đắn đo, xếp đặt, bố trí v.v… Ơ kìa! Ý thức, cái gì kỳ vậy? Từ đâu, tại sao nảy sinh xuất hiện ra cái món lạ ấy, quí hoá ấy?

Cái sống, tưởng chừng nó tự đánh giá tầm quan trọng lớn lao của mình. Phút lâm chung là đau đớn cùng cực. Ðau đớn đâu phải vì là bắt đầu cái chết? mà là vì chấm dứt sự sống. Hư vô vẫn chết tự bao giờ, và còn chết mãi mãi. Cái chết không đầu không cuối. Vật chết, không vật chết nào có sự cố gắng duy trì cái chết. Cái chết không thiết tự duy trì, không thiết phát triển. Nhưng muôn vật đã sống đều cố duy trì cái sống. Sinh vật đều có bản năng sinh tồn. Từ vật vô cùng nhỏ đến vật vô cùng lớn đều ráo riết cạnh tranh, phát triển, giành nhau, giết nhau để bành trướng, lớn thêm, cao thêm, sinh sôi nẩy nở thêm v.v…

Muôn loài có sống là bám lấy cái sống. Không một bộ phận nào trên cơ thể sinh vật mà không có vai trò cần thiết cho sự sống, không có hoạt động nào của sinh vật được phát khởi ngoài lợi ích cho sự sống. Ăn, uống, thở ra hít vào, ngủ nghê, âm dương thèm muốn nhau, gần gũi nhau, chiếc lá vươn ra ánh sáng, cái rễ chúi xuống đất đen…., thảy đều vì cái sống. Muôn loài đã sống đều bám hết mình vào sự sống. Bám hết cả mình mẩy, và cả tâm trí (nếu có) vào cuộc sống.

Muôn loài sinh vật đều thế, duy có loài người không thế. Loài người như thể không thuộc hẳn vào muôn loài: chúa tể không thuộc muôn loài. Chúa tể thuộc loài muôn-lẻ-một.

Muôn loài ăn uống để sống, loài muôn-lẻ-một còn hì hục làm ra rượu, để uống thêm. Rượu, uống vào đã rõ không cốt để sống. Cũng như thuốc lá với á phiện, hít vào không cốt để sống. Vậy mà loài người khắp nơi đều hâm mộ.

Con người còn làm bao nhiêu cái kỳ quặc, vô bổ, vô cớ khác nữa.

Ðánh cờ, đá bóng, thả diều, thổi kèn, làm thơ…. cũng đều không nhằm củng cố, vun bồi, phát huy cái sống. Ðều là những hoạt động “chơi”, không phải hoạt động hữu ích. Hoạt động linh tinh ấy không phải là hoạt động hoạ hoằn: nó nhiều lắm. Nhiều một cách khiêu khích. Con người càng văn minh càng lắm sáng kiến kỳ quặc, và càng đưa những hoạt động ấy lên địa vị cao, địa vị tiêu biểu của mức độ văn minh. Giọt nước mắt cô Kiều khóc cho số phận Ðạm Tiên, La Joconde với nụ cười không đâu, hạt lệ rơi lặng lẽ vì một khúc nhạc tình phụ mà ngẫu nhiên tai bắt được trong đêm khuya, niềm khoái thích về một câu pha trò thông minh, những tra vấn khúc mắc mà đau đớn, những ám ảnh suy tưởng miệt mài, vật vã, đời này sang đời khác về ý nghĩa của cuộc sống… Những cái đó đánh dấu từng trình độ văn minh mà không đóng góp vào sự duy trì cuộc sinh tồn.

Các nghệ sĩ và trí thức sẽ phản đối: Vẽ nụ cười cũng là phát huy sự sống (tinh thần), sao không? Thổi điệu sáo buồn cũng có thể như thế. Ðã đành là vậy. Nhưng ở đây, khi nói về vấn đề sống chúng ta chỉ giới hạn vào cái nghĩa hạn hẹp, thích hợp với cái sống của cả muôn loài: cầm thú, cỏ cây. Tức sự sống còn của thể xác vật lý mà thôi.

Nhìn chung, cứ như thể muôn loài đều hết mình vào cái sống, còn con người – loài muôn-lẻ-một – thì muốn vươn cả ra ngoài sự sống.

Trong số những thứ hoạt động “vươn ra” ấy, nên kể một thứ đặc biệt: là tự tử. Trương Quỳnh Như tự treo cổ trong ngày cưới, đó chắc chắn không phải là một phát biểu[1] để vun bồi cái sống. Nếu là phát biểu, chẳng qua cô ta vùng vằng ngúng nguẩy phát biểu về một nồng độ yêu đương thôi. Hoạt động ấy là một can thiệp táo tợn của con người vào định luật thiên nhiên. Là quá xá.

Lại kể thêm một hoạt động “vươn ra” thật ồ ạt. Là giết nhau. Loài người giết nhau liên miên không ngừng. Lịch sử loài người là lịch sử chiến tranh. Gì còn chừa bỏ được; giết đồng loại không chừa được, không bỏ được. Có khi không cần một khung cảnh chiến trường, người ta có thể xây lò lên đốt luôn sáu triệu dân Do Thái chẳng hạn.

Muôn loài khác, có khi con này cắn con kia, bầy này đánh nhau với bầy nọ, đàn này cắn nhau với đàn khác, nhưng không dữ dằn, qui mô bằng loài muôn-lẻ-một. Thú vật quá bận vì cái ăn, không thể lao vào những cuộc chiến đấu qui mô với đồng loại. Trong muôn loài thú, được tạo hoá trang bị cho nanh vuốt dữ nhất là những loài ăn thịt. Nhưng con thú ăn thịt, hễ cứ sau mấy giờ đồng hồ, tiêu hoá ngót bụng thịt là phải vội vàng đi tìm ngay con mồi khác để săn để giết; nếu không, chính nó kiệt sức bỏ mạng cấp kỳ. Con người trồng trọt được, có vựa có kho để tích trữ thực phẩm, không bị cái đói đuổi theo sát sạt, nên có thì giờ tổ chức những cuộc giết nhau dài ngày.

Ðánh nhau riết, loài người trau dồi kỹ thuật và trang cụ chiến tranh đến chỗ tuyệt vời. Ðã lâu, loài người có thừa phương tiện khí giới để giết trọn loài người, giết đi giết lại nhiều lần.

- Giết làm chi vậy?

- Tất nhiên không phải vì sự sinh tồn của nhân loại. Có thể cũng không vì lợi ích thiết thực của một bên nào.

- Vậy giết nhau làm chi?

- Vì một thứ gì đó, vượt ra ngoài cái cần thiết cho sự sinh tồn.

- Một thứ gì?

- Thí dụ một quan niệm, một chủ thuyết, một tín ngưỡng…

- Trời đất!

- Là những thứ không thể khoan nhượng.

- Trời đất!

- Muôn loài sinh vật giành nhau miếng ăn, giành nhau khu vực săn mồi, là những thứ liên quan trực tiếp đến sự sống còn. Tranh giành như thế có thể tương nhượng thoả hiệp để cứu lấy mạng sống. Phía yếu xin nhường vài miếng mồi. Chưa được? Thêm một miếng nữa nhé. Vẫn chưa? Thế thì nửa miếng nữa vậy, được chứ gì? Tranh giành rừng núi, để nới rộng khu vực săn mồi? Thì bên yếu có thể thuận cắt đất mảnh này, mảnh nữa, nhượng bộ lần lần. Miếng ăn bớt được, đất đai bớt được; chứ quan niệm, chủ nghĩa, tín ngưỡng thì cắt giảm từng miếng để mặc cả thế nào được? Kẹt cứng thôi. Giết nhau vì cạnh tranh sinh tồn còn có cách giải quyết; giết nhau bên ngoài chuyện sinh tồn thì vô phương can thiệp.

Muôn loài răm rắp theo định luật tạo hoá. Luôn luôn bám dính vào sự sống, để rồi cuối cùng lăn ra chết cả. Loài muôn-lẻ-một thì trong khi chờ chết lại lắm trò linh tinh. Chút cá tính của nó gây nhiều rắc rối, mệnh số của nó đầy bất trắc.

Trong nghìn năm tới đây, nó thêm khả năng, thử xem còn linh tinh tới đâu.

Tác giả: Võ Phiến
[1]Xem “Cái chết như một phát biểu” của cùng tác giả.
Previous Post
Next Post