Lưu manh hóa?

Một đất nước nhiều thế kỷ yếm thế, chiến loạn liên miên… một vùng đất đúng như Nam Cao nói: “quần ngư tranh thực”… tại đây dường như không cho phép những điều tốt đẹp. Mọi lý tưởng cao cả, mọi triết lý sâu sắc, mọi con người xuất chúng … khi rơi vào Việt Nam đều có xu hướng “lưu manh hóa”. Thật là một hố sâu đáng sợ!

Mưu mẹo thay thế cho trí tuệ, quyền hành thay thế cho kiến tạo, lòng tham thay thế cho cạnh tranh lành mạnh, sự cào bằng thay thế bình đẳng… “Lưu manh hóa” bởi vì giá trị chân chính bị đánh đồng với những tiêu chuẩn hạ cấp. Sống giữa một nơi như vậy, cũng hoang mang lắm chứ! Nhiều người đã khuyên mình “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”. Ừ thì cứ cho là vậy!

Người ta mong muốn một thay đổi tầm vĩ mô, rằng một mô hình mới sẽ được thay thế cho mô hình cũ. Nhưng mô hình mới hay cũ thì có ăn thua gì, nó vẫn sẽ tiếp tục bị lưu manh hóa. Khi những con người tốt đẹp với suy nghĩ trong sáng vẫn bị coi là trẻ con, là ngu xuẩn, là dại dột… thì chẳng bao giờ có sự thay đổi thật sự, chẳng bao giờ có cách mạng thật sự. Những người đó, nhẹ thì bị bỏ rơi, nặng thì bị tiêu diệt. Họ không có người bảo vệ. Và mọi cuộc đấu tranh có ý nghĩa gì khi ta không thể trở thành một con người tốt đẹp hơn.

Sự “lưu manh hóa” nó giống như vực xoáy, kẻ yếu đuối sẽ bị cuốn theo nó và lọt thỏm xuống hư vô. Những người chống lại điều đó, hướng tới sự tốt đẹp sẽ trở nên mạnh mẽ. Người tốt thường chịu thiệt. Đó là cái nhìn của những kẻ yếu đuối. Nhưng những người có thể sống tốt đẹp là bởi họ hiều rằng có một cái gì đó mênh mông hơn vực xoáy kia. Đó là biển cả. Và chỉ khi thoát khỏi vực xoáy, họ mới có thể bình an chiêm ngưỡng ánh hoàng hôn rực rỡ của buổi chiều tà.

Previous Post
Next Post