Tính trung thực và lòng can đảm của tuổi trẻ

GS.TS. Dương Thiệu Tống đã mất hôm 3 tháng 9 vừa qua. Chúng ta mất một nhà giáo dục học, người đã để lại nhiều phân tích sâu sắc về nền giáo dục nước nhà và nhiều ý kiến về giáo dục đạo đức.

GS. Dương Thiệu Tống từng có ý kiến rằng: “Giáo dục đạo đức không chỉ qua môn học mà giáo dục bằng những việc làm, bằng hành động, bằng ngay bản thân của thầy chứ không phải chỉ sửa đổi chương trình.” Ai cũng biết giáo dục đạo đức bằng chính nhân cách người thầy, trong lớp học và trong cuộc sống.

Thầy Dương Thiệu Tống không chỉ để lại ý kiến của mình mà Thầy để lại tấm gương nhân cách của mình trong suốt cuộc đời. Chắc chắn chúng ta cũng có nhiều người thầy như thế nhưng hình như họ bị chìm đi trong tình trạng nhiễu thông tin hiện nay.

Người học sẽ dễ dàng cảm thấy người thầy có thực sự tin những điều mình giảng không và có thực hành những điều đó không. Theo GS. Dương Thiệu Tống: “Thiếu sự tin tưởng ở người thầy, người học sẽ cảm thấy những điều giảng dạy xa lạ, siêu thực tế. Như vậy chỉ có sự trung thực của người thầy trong lời nói và việc làm mới tạo được lòng tin tưởng và thông cảm. Nếu không, giáo dục đạo đức chỉ là sự áp đặt từ bên ngoài lên bản thân tuổi trẻ. Giáo dục đạo đức là giáo dục tính trung thực của người học. Có một số đức tính làm căn bản cho mọi đức tính khác mà ta có thể đào luyện ở con người từ tuổi ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành.”

GS. Dương Thiệu Tống đã đề cập đến hai đức tính căn bản: “Tính trung thực và lòng can đảm. Tính trung thực là đức tính lớn nhất của tri thức, còn tính can đảm là đức tính lớn nhất của ý chí. Tính trung thực là đức tính cần thiết nhất ở con người, vì nếu con người không trung thực với chính mình thì không thể nào trung thực được với xã hội.”

Đạo đức xã hội suy đồi khi tính trung thực không được phát triển mà thay vào đó là dối trá và đạo đức giả. Những biện pháp hành chánh sẽ không có hiệu quả trong môi trường không trung thực. Nền giáo dục đào luyện tính trung thực cho công dân và nhất là công chức thì tham nhũng khó có cơ hội phát triển.

Cách đây một năm trong bài phát biểu với sinh viên tôi có nói: “Tôi rất lo lắng khi trong môi trường giáo dục đại học mà lương tâm và trí tuệ không được đề cao, sự trung thực không được cổ vũ bằng thực tiễn, bằng chính những con người hướng đến mẫu mực cho giới trẻ. Môi trường giáo dục phải là nơi trí tuệ và lương tâm được đề cao chứ không phải nơi tung hoành của những người tài hèn đức mọn cơ hội chủ nghĩa. Môi trường giáo dục phải là nơi mà sai lầm được nhìn nhận thẳng thắng để sửa chữa, sai lầm phải được nhìn nhận để hối hận ăn năn, để được tha thứ, để tiến bộ hướng thiện, chứ không phải là nơi sai lầm được ngụy biện dối trá.’

GS. Dương Thiệu Tống phân tích “Sự dối trá là hành động đánh lừa kẻ khác bằng cách che giấu cái mà mình có thật và thay thế nó bằng cái mà người khác muốn để tránh cho mình sự trừng phạt hay được sự khen thưởng. Tính hèn nhát là thái độ thiếu tự tin, là sự bất lực, không dám tự khẳng định mình. Cũng giống như sự dối trá, nó ngăn chặn sự phát triển nhân cách đang bắt đầu nảy nở ở tuổi trẻ, nó bộc lộ sự yếu đuối của tâm hồn và thể xác, khiến cho con người không đủ can đảm để chống lại áp lực của những ảnh hưởng xấu. Cho nên người ta nói rằng tính dối trá và sự hèn nhát là bước đầu dẫn đến sa đọa, sự trụy lạc và tính độc ác.”

Trong tình trạng mà sự cạnh tranh của thị trường được đề cao, chúng ta phải cảnh giác với quan điểm cho rằng nhà trường phải dạy trực tiếp những kiến thức và khả năng để người học có thể sử dụng được ngay khi vào đời. Nhu cầu cuộc sống rất đa dạng nên không thể có được loại đào tạo chuyên môn hóa như thế trong nhà trường được. Nhà trường phải luôn luôn có mục đích đào tạo một nhân cách hài hòa chứ không phải chỉ là một người chuyên môn thuần túy.

Theo tôi phải có can đảm để làm người trung thực, và tôi rất đồng ý với GS. Dương Thiệu Tống rằng: “Nhà trường cần phải rèn luyện tính trung thực và lòng can đảm cùng lúc bằng cách khuyến khích việc nói lên những suy nghĩ thật sự của mình, thay vì nói như vẹt những gì người khác thích nghe.” Thương tiếc GS. Dương Thiệu Tống, tôi xin viết lại vài điều như thế về một vấn đề mà ông rất quan tâm: tính trung thực và lòng can đảm của tuổi trẻ.

TS. Nguyễn Thiện Tống
4 tháng 9 năm 2008
Lời nhắn nhủ của GS Dương Thiệu Tống
Previous Post
Next Post