Thiên thần của tôi

Như chúng tôi đã nói thực hiện LÒNG YÊU THƯƠNG không phải bằng lời nói suông mà bằng hành động như: dắt một bà lão qua đường, an ủi một người đang đau khổ, bưng một bát cơm cho một con vật đang đói, can ngăn một con mèo không cho giết con chuột v.v..

Chúng ta hãy đọc câu chuyện “THIÊN THẦN CỦA TÔI” thì quý vị sẽ thấy LÒNG YÊU THƯƠNG của một người mẹ đối với những người tù tội. Trong khi mọi người nhìn thấy những người tù thì họ mất cảm tình ngay vì trong thâm tâm của họ cảm thấy không ưa thích những người hung ác đáng sợ ấy.

“Vào một ngày hè nóng bỏng ở Deep south cách đây năm mươi năm, khi đó tôi đang sống trong một khu phố nghèo với những con đường nhỏ đầy bụi. Tuổi thơ của tôi trải qua trong những trò chơi đội nắng và nghịch cát.

Buổi trưa mùa hè năm đó, tôi đang chơi trong sân nhà bỗng nghe tiếng xích sắt kêu xủng xoẻng sau lưng, tôi ngoái đầu lại nhìn và không thể nào dứt mắt khỏi cảnh tượng kỳ lạ ấy. Hai hàng người mặc đồng phục kẻ xọc xanh trắng rộng thùng thình đang đi trên đường, gương mặt của họ đầy bụi bậm lẫn mồ hôi. Nhìn mọi người rất mệt mỏi đã vậy chân còn bị buột với nhau bằng sợi xích sắt đen to tướng và kéo theo những hòn bi sắt trông rất nặng nề. Canh giữ họ là hai người lính cầm súng sẵn sàng trên tay.

Tôi chỉ biết đứng ngay người, nhìn đoàn người tù tội nghiệp ấy lê bước đến dưới bóng râm của tàn cây duy nhất bên đường. Bỗng một người lính tiến về phía tôi. Đi ngang qua tôi anh khẽ gật đầu chào rồi thẳng tới gõ cửa nhà tôi. Mẹ tôi xuất hiện tôi chỉ nghe loáng thoáng tiếng anh lính xin phép mẹ tôi lấy nước ở vòi nước trước sân cho đoàn người tù uống. Mẹ tôi đồng ý, nhưng tôi thấy vẻ mặt của mẹ tôi khá lo lắng và gọi tôi vào nhà.

Đứng sau cửa sổ, tôi dán mắt nhìn những người tù lê bước tới chỗ vòi nước. Trong cái nắng như thiêu như đốt, họ xếp thành một hàng dài chờ người đứng trước uống xong rồi mới được nhích lên đến chỗ vòi nước, hứng đầy nước vào một cái ca nhỏ, rồi hấp tấp uống cạn trong sự giám sát của hai người lính. Lần lượt từng người như thế nên một lúc lâu sau, đoàn người tù cùng hai anh lính mới trở lại núp dưới bóng râm hiếm hoi của tàng cây bên kia đường. Tôi chạy đến và thấy mẹ mở tủ lạnh lấy ra hết các hộpcá mòi, bơ bánh mì, vốn là bữa ăn tối của gia đình tôi, cùng hai bình nước chanh đã pha xong. Mẹ nhanh nhẹn sắp các thức ăn ấy vào chiếc khay lớn. Mẹ đưa cho tôi một bình bảo cầm lấy rồi đi theo mẹ. Còn mẹ một tay cầm khay, một tay cầm chiếc bình còn lại đi ra cửa.

Hai mẹ con tôi tiến tới chỗ hai người lính và mẹ tôi nói.

Nhà tôi có sẵn một chút thức ăn cho buổi trưa anh cho phép chúng tôi được san sẻ với hai anh và những người này nữa nhé!

Hai người lính sững nhìn mẹ con tôi trong giây lát rồi gật đầu cám ơn. Mẹ chia thức ăn cho hai người lính xong và đi đến chỗ tù nhân. Mẹ rót cho họ những cốc nước chanh thật đầy và đưa từng miếng bánh mì đến tận tay mỗi người.

Không khí rất lặng lẽ, trừ vài tiếng “cám ơn” rất khẽ khàng và tiếng xích va vào nhau kêu lẻng xẻng. Chẳng bao lâu hai mẹ con tôi đi tới người tù nhân cuối cùng. Ánh mắt của mẹ dịu dàng nhìn người đó và mĩm cười. Người cuối cùng rất cao to có làng da đen sậm và trông rất bẩn do mồ hôi, cát bụi bám vào, đưa tay nhận miếng bánh của mẹ tôi gương mặt của ông dãn ra. Đôi môi nở nụ cười biết ơn. Ông ta nói:

Thưa bà trong cuộc đời của tôi tôi tự hỏi không biết bao giờ tôi mới được gặp thiên thần? Cho đến buổi trưa hôm nay, tôi biết mình đã có diễm phúc đó! Xin cảm ơn bà!

Một lần nữa mẹ tôi mĩm cười với người tù đó và đáp lại chàng:

Rất hoan nghênh các anh ghé đến xóm nhỏ của chúng tôi. Cầu mong mọi người luôn được bình an!

Sau khi chia hết chỗ thức ăn, hai mẹ con tôi trở về nhà với chiếc khay và bình nước chanh trống rỗng.

Sau đó những người tù lại lên đường, từ đó đến nay tôi không hề gặp lại họ. Nhưng tôi vẫn còn nhớ lại lời mẹ giải thích vào ngày hôm ấy, rằng: “Trong cuộc sống chúng ta nên luôn chia sẽ và giúp đỡ người khác vì như thế là chúng ta đã đem lại niềm vui cho chính cuộc sống của mình”. Mẹ tôi kết thúc câu chuyện bằng nụ cười dịu dàng rồi đi làm việc nhà như mọi ngày. Tôi không nhớ tới hôm đó mình ăn những gì, nhưng chỉ biết đã có một thiên thần dọn bữa cho gia đình tôi.

Mẹ là trường học vĩ đại nhất của những người con”.
(Tục ngữ Tây Ban Nha).
Bích Thủy

Lời người mẹ dạy con mở rộng LÒNG YÊU THƯƠNG đối với người khác là đem lại niềm vui cho chính mình rất thấm thía: “Trong cuộc sống chúng ta nên luôn chia sẻ và giúp đỡ người khác vì như thế là chúng ta đã đem lại niềm vui cho chính cuộc sống của mình”.

Đúng vậy, những ai biết chia sẻ và giúp đỡ những người khác tức là đem LÒNG YÊU THƯƠNG đến với người khác là biết thương mình vì những hành động đó là niềm vui cho cuộc sống của mình. Còn ngược lại chỉ biết mình thì cuộc sống sẽ khô khan và đau khổ.

Đời không có gì là đau khổ cả, đau khổ là do chúng ta sống ích kỷ, hẹp hòi chẳng đem LÒNG YÊU THƯƠNG đến với người khác. Do lòng ích kỷ hẹp hòi mà chúng ta phải chịu khổ đau vô vàn.

Biết THƯƠNG YÊU và THA THỨ thì đời sống không có điều gì làm cho chúng ta đau khổ nữa cả, chỉ vì mọi người không có LÒNG YÊU THƯƠNG và THA THỨ nên gặp điều gì cũng sinh ra chướng ngại trái ý nghịch lòng. Do sự chướng ngại nghịch lòng trái ý mà chúng ta phải chịu đau khổ vô cùng.

Ngược lại người nào có LÒNG YÊU THƯƠNG và THA THỨ thì người ấy luôn luôn có đời sống an vui và hạnh phúc. Cuộc sống của họ như ở trên THIÊN ĐÀNG, chung quanh họ không có một ác pháp nào tác động làm họ đau khổ được. Khi có ác pháp tấn công họ thì ngay đó LÒNG YÊU THƯƠNG và THA THỨ sẽ hóa giải các ác pháp đó và làm cho tâm họ an nhiên, thanh thản như bàn thạch. Bởi LÒNG YÊU THƯƠNG là một hành động xả tâm tuyệt vời. Một hành động mà một người tu theo Phật giáo nào cũng cần nên rèn luyện để mình luôn luôn được sống trong sự bình an, yên ổn.

Vì muốn đem lại sự giải thoát cho mọi người nên Đạo Phật ra đời dạy chúng ta TỨ VÔ LƯỢNG TÂM. TỨ VÔ LƯỢNG TÂM không gì khác hơn là LÒNG YÊU THƯƠNG và THA THỨ của chúng ta mà thôi. LÒNG YÊU THƯƠNG và THA THỨ phải biết áp dụng vào đời sống của chúng ta từng giây, từng phút thì chúng ta sẽ có sự giải thoát ngay liền, nhưng khi không biết áp dụng vào đời sống thì chẳng bao giờ có TỪ TÂM, BI TÂM, HỶ TÂM và XẢ TÂM. Nếu muốn đạt được bốn tâm này thì chỉ có áp dụng LÒNG YÊU THƯƠNG và THA THỨ vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post