Không ca hát và nghe ca hát

Không ca hát và nghe ca hát là “THÁNH ĐỨC TRẦM LẶNG ĐỘC CƯ”. Người xuất gia cũng như người tại gia cần phải học hiểu và sống đúng đức hạnh này để phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình. Do phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình nên các ác pháp không sanh khởi được, nhờ đó tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Lời ca tiếng hát phát ra âm thanh lúc trầm, lúc bổng, lúc cao, lúc thấp khêu gợi thất tình lục dục trong ta sống dậy, khiến cho tâm hồn chúng ta rung động ngây ngất buồn vui theo âm thanh du dương ảo não của tình yêu thương lãng mạn giữa trai gái. Giọng ca trầm hùng thúc dục tiến bước quân hành khiến cho thanh niên hăng hái lên đường xông pha vào trận mạc, trước lằn tên mũi đạn mà không hề nao núng.

Lời ca tiếng hát có lợi nhưng cũng có hại. Lợi là trước cảnh đất nước bị ngoại xâm, lời ca tiếng hát thúc dục thanh niên lên đường cứu nước; hại là khiến cho thanh niên nam nữ yêu thương lãng mạn đi đến những sự khổ đau tuyệt vọng, gây ra nhiều cái chết oan uổng. Phần nhiều những lời ca tiếng hát gợi lại những hình ảnh quá khứ thương đau, đánh thức dậy thất tình lục dục trong mỗi con người, khiến đời sống đã khổ lại còn khổ đau hơn. Cho nên, đức Phật thấy được những sự nguy hiểm này, vì thế Ngài cấm những tu sĩ không được nghe ca hát và tự mình ca hát.

Những người tu sĩ Phật giáo vì mục đích giải thoát mọi sự khổ đau của cuộc đời thì cần nên tránh xa ca hát và nghe ca hát. Tại sao vậy?

Như ở trên chúng tôi đã nói: Phật giáo cho rằng lời ca tiếng hát thường khêu gợi lòng thương nhớ khổ đau trong chúng ta. Muốn thoát sự đau khổ, cho nên đạo Phật không cho tu sĩ nghe ca hát hoặc tự ca hát. Đó là trách nhiệm và bổn phận của mỗi người tu sĩ đệ tử của đức Phật phải thấy. Không xuất gia thì thôi mà đã xuất gia thì phải thấy trách nhiệm và bổn phận này. Nếu một tu sĩ còn nghe ca hát hay tự ca hát thì đã đánh mất hết oai nghi Thánh Hạnh trầm lặng độc cư của mình, của người tu sĩ Phật giáo. Cũng vì thế mà mất hết ý nghĩa sự giải thoát của đạo Phật. Người tu sĩ còn nghe ca hát và tự ca hát thì đi tu để làm gì? Mục đích đi tu của đạo Phật là ly dục ly ác pháp. Ca hát hay nghe ca hát là nuôi dưỡng tâm dục, là còn nằm trong môi trường lục dục và ác pháp của thế gian.

Vì nghe ca hát hay tự ca hát là làm sống lại thất tình lục dục trong thân tâm của chúng ta như chúng tôi đã nói ở trên. Người tu sĩ đạo Phật hằng mong diệt thất tình lục dục để được giải thoát, thì cớ chi lại còn ham thích ca hát hoặc nghe ca hát, để làm sống lại thất tình lục dục thì sự tu tâp biết chừng nào mới hết tâm lậu hoặc!

Người nghe ca hát hay tự ca hát là gợi lên lòng thương nhớ khổ đau trong quá khứ, làm sống lại những ức niệm gì đã đi qua. Đức Phật đã dạy: “Quá khứ không truy tìm, vị lai không ước vọng”. Nghe ca hát và tự ca hát là truy tìm nỗi đau thương của quá khứ và nuôi hy vọng ở tương lai. Và như vậy thì làm sao tu tập giải thoát khổ đau cho được. Lời ca tiếng hát, ngâm vịnh thơ văn phản ảnh được tâm lý ái dục của con người. Vì thế, Sở Bá Vương Hạng Võ thất trận là do tiếng sáo, tiếng tiêu của Tiêu Hà theo kế hoạch tâm lý chiến của Trương Lương khiến cho quân lính của Sở Bá Vương nhớ nhà, cha mẹ và vợ con nên đồng nhau bỏ trốn về. Có đúng như vậy không các bạn?

 Chúng ta hãy lắng nghe những câu thơ, lời ca khêu gợi lên lòng thương nhớ sầu khổ, như của nhà thơ Huy Cận viết:

“Sóng gợi trường giang buồn điệp điệp.

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về bến cũ sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng?”

Một nhà thơ Trung Hoa, Lư Thuật viết:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu”

Tản Đà dịch:

“Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”

Đoàn Thị Điểm viết:

“Nước trong chảy lòng phiền không rữa

Cỏ xanh tươi dạ nhớ chẳng khuây…”

 Lời ca tiếng hát của Y Vân:

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…”

Lời ca tiếng hát của Lưu Hữu Phước thúc dục thanh niên trí thức lên đường cứu nước:

“Này sinh viên ơi! Đứng lên đáp đền sông núi.

Đồng lòng cùng đi, đi, đi mở đường khai lối. Vì non sông nước xưa, truyền muôn năm chớ quên...”

Đó là những văn, thơ, ngâm vịnh, ca hát khiến cho lòng người tê tái nhớ thương khổ đau.

Thương nhớ là một pháp ác, là một pháp đau khổ. Lời ca tiếng hát ngâm vịnh thơ văn gợi lên lòng thương nhớ sầu khổ của một người con nhớ mẹ (Lòng mẹ) của một người vợ nhớ thương chồng đang chinh chiến ngoài biên ải xa (Chinh Phụ Ngâm), của một tình yêu quê hương (Tiếng Gọi Sinh Viên).

Lời ca tiếng hát, thơ văn ngâm vịnh gợi lên tình yêu thương trai gái (sắc dục) tình yêu thương cha mẹ (ái kiết sử) tình yêu quê hương tổ quốc (ái kiết sử).

Tất những sự yêu thương này nằm ở trong thất tình lục dục. Như chúng ta đã biết loài người thường chịu nhiều khổ đau là do thất tình lục dục tạo nên. Thế mà người ta thường tìm mọi cách làm sống lại nó để mà khổ, để mà đau.

Lòng thương yêu trong thất tình lục dục là tình yêu thương hạn hẹp trong tình cảm cá nhân, tình thương yêu ấy thường làm khổ cho mình, cho người khác.

Nỗi đau của thất tình lục dục khiến cho trai gái đi đến tuyệt vọng phải tự tử, khiến cho con giết cha, cha giết con, mẹ giết con, chồng giết vợ, vợ giết chồng, anh giết em, em giết anh v.v..

Nỗi đau ấy thúc dục chúng ta xả thân vào chỗ chết mà không hề biết sợ hãi và cũng không thấy trách nhiệm bổn phận đạo đức làm người của mình đối với mình, của mình đối với người khác, v.v..

Đạo Phật muốn cho con người thoát khổ, nên phải vượt thoát ra khỏi thất tình lục dục. Đối với đạo Phật thất tình lục dục là một loại tình yêu thương hạn hẹp, nhỏ mọn, ích kỷ phải được thay thế bằng một loại tình yêu thương rộng lớn. Tình yêu thương rộng lớn đó là “tâm từ, bi, hỷ, xả”. Tâm từ, bi, hỷ, xả là lòng yêu thương rộng lớn vô bờ bến, vì thế nó không bao giờ làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Nhờ có tâm này được thay thế thì chúng ta mới thoát ra khỏi thất tình lục dục.

Nếu mình thương yêu mình sao lại nghe ca hát và tự ca hát để gợi lên lòng nhớ thương, sầu khổ.

Người đời không hiểu nên cứ ngỡ mượn lời ca tiếng hát để giải sầu hay giải trí. Thật sự giải sầu hay giải trí như vậy lại làm cho tâm tư sầu khổ thêm, trí óc mệt nhọc, căng thẳng hơn.

Lời ca tiếng hát chỉ giúp cho người làm việc đầu óc quá căng thẳng được thư giãn mà thôi.

Mình thương mình thì không nên làm khổ mình. Phải không các bạn?

Nghe ca hát và tự ca hát cũng tự làm khổ mình, các bạn có hiểu không?

Cho nên muốn không làm khổ mình thì các bạn không nên nghe ca hát và ca hát.

Bởi vì nghe ca hát cũng làm cho các bạn mất thì giờ rất nhiều.

Giải trí nghỉ ngơi mà lại bắt đầu óc lắng nghe âm thanh khiến cho thần kinh mỏi mệt. Như vậy giải trí nghỉ ngơi có đúng không?

Như vậy thương yêu mình sao lại làm khổ mình?

Mượn lời ca tiếng hát để quên đi sự sầu khổ, để giải trí nghỉ ngơi thì không đúng. Đó là một hình thức tránh né trốn chạy để ức chế và đè nén tâm mình.

Chúng tôi xin đem một ví dụ giải sầu khác: Cũng như người vì quá buồn khổ lại mượn chén rượu để giải sầu, rượu là một chất độc kích thích khiến cho thần kinh hưng phấn, nói năng cử chỉ giống như người điên, người mất trí... Những người say rượu như vậy họ đâu có sáng suốt thấy mình say rượu, họ cảm thấy như mượn chén rượu để nói lên lòng căm tức, lòng khổ đau của mình để cho hả lòng buồn giận, tức là giải sầu. Nhưng họ có biết đâu chính họ đã bị tâm họ lừa dối họ. Họ đang say nhưng họ đâu biết họ đang say. Sự thật là họ đang say rượu, thần kinh bị hưng phấn, họ không tự làm chủ họ được nữa, họ nghĩ rằng uống rượu say là sẽ quên sầu khổ, nhưng không ngờ họ đã làm cho họ sầu khổ thêm, chứ nào đâu phải mượn rượu để giải sầu.

Thưa các bạn! Lời ca tiếng hát cũng như vậy, chỉ làm vui dạ những người không biết sống cho mình. Nghe ca hát và tự ca hát là sống theo ngoại cảnh thất tình lục dục, thuộc về ảo ảnh, hư tưởng của những sự việc gì đã qua và của những sự việc gì chưa đến, họ tưởng là giải khổ lại chồng thêm khổ cho họ.

Ca hát là sự khêu gợi lòng đau khổ, làm mất sự an tịnh trầm lặng của tâm hồn nên đức Phật cấm những hàng đệ tử của mình:“không ca hát và nghe ca hát”.

Chúng ta cũng nên biết: Một vị Thánh Tăng đờn ca xướng hát ngâm vịnh, hoặc tán tụng ê, a giọng cao giọng thấp để ru hồn người vào cõi tưởng thì điều này đức Phật đã không chấp nhận từ lâu.

Kinh Sonadanda thuộc Trường Bộ Kinh tạng kinh Nikaya (Nguyên Thủy) có nêu lên năm đức tánh của một tu sĩ Bà La Môn. Năm đức tánh đó là:

1- Thọ sanh huyết thống 7 đời Bà La Môn.

2- Chú thuật, phúng tụng, thông hiểu ba tập Vệ Đa, danh từ, nghĩa lý và nghi lễ... phải thông suốt.

3- Đẹp Trai, tướng hảo, (32 tướng tốt 80 vẻ đẹp).

4- Trí tuệ.

5- Giới luật.

Đức Phật đã loại bỏ ba tánh đức ở trên mà chỉ còn chấp nhận có 2 đức tánh ở dưới:

1- Trí tuệ.

2- Giới luật.

Ngài không chấp nhận dòng giống, tướng tốt, tụng niệm và chú thuật, vì thế giới luật của Ngài cấm tu sĩ ca hát và nghe ca hát tức là cấm tụng niệm ê, a giọng cao giọng thấp.

Trong đạo Phật chỉ có tri kiến (trí tuệ) và giới luật mới giúp cho đệ tử của Người thật sự giải thoát mọi khổ ách.

Hôm nay quý Thầy tụng kinh, niệm chú, niệm Phật, chúng tôi nghĩ rằng đây không phải là đường lối của Phật giáo mà là một nghề tụng niệm của Bà La Môn ngày xưa để trao đổi kiếm sống với tín đồ, khi những vị Bà La Môn này còn tuổi trẻ, thì lấy nghề tụng niệm mà kiếm sống, đến khi già các vị này chuyên tu nên không còn tụng niệm nữa.

Đức Phật xưa xuất gia tu hành cũng theo Đạo Bà La Môn, nhưng không tìm thấy sự giải thoát trong đạo này, nên Ngài phải tự vạch ra cho mình một lối đi. Những gì của đạo Bà La Môn đúng có sự tu tập giải thoát chân thật thì Ngài chấp nhận, còn những gì tu tập không giải thoát thì Ngài loại trừ bỏ ra.

Năm điều kiện để trở thành một Bà La Môn, Ngài chỉ chấp nhận hai điều kiện, còn ba điều kiện Ngài loại bỏ như ở trên chúng tôi đã nói. Như vậy chúng ta thấy rất rõ đức Phật không chấp nhận 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp, chỉ có các nhà Đại Thừa thường ca ngợi 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp của đức Phật. Rõ ràng như thế đây là Bà La Môn mạo danh Phật giáo. Xin Quý vị cứ suy ngẫm có đúng: “Kinh sách Phát triển chính là kinh sách của Bà La Môn?”.

Nghề chân chính trong đạo Phật đó là nghề đi xin ăn (Chánh Nghiệp), còn nghề tụng kinh, niệm chú, cầu an, cầu siêu, cúng vong, tiễn linh, cúng sao, giải hạn, làm tuần, làm tự v.v.. là tà nghiệp, đức Phật không chấp nhận. Bài kinh Sonadanda đã nói lên tinh thần bài bác những pháp môn tụng niệm cầu cúng không lợi ích cho đời sống mà còn gây cho tín đồ mê tín và lạc hậu.

Một vị Thánh Tăng ngồi tụng niệm ê, a giọng cao, giọng thấp theo nhịp tiếng chuông, tiếng mõ giống như đờn ca xướng hát, ngâm vịnh thì oai nghi tế hạnh này làm sao gọi là Thánh hạnh của bậc Thánh Tăng được.

Một vị Thánh Tăng là phải sống trọn vẹn đầy đủ đức hạnh trầm lặng. Đức hạnh trầm lặng mới nói lên được oai nghi tế hạnh của một bậc Thánh Tăng. Vì trạng thái sống trầm lặng ấy mới được gọi là sự sống của bậc Thánh; còn ngược lại ngồi tụng niệm ê, a như ca hát hoặc nghe tụng niệm, nghe ca hát thì các bạn nghĩ sao? Lúc bấy giờ tâm hồn trầm lặng có còn không? Một vị Thánh Tăng là phải sống trọn trong trạng thái trầm lặng mới được gọi là Thánh Tăng.

Thánh Đức Trầm Lặng giúp cho chúng ta trở về sống với nội tâm của mình. Sống trở về nội tâm của mình là một đức hạnh tuyệt vời, vì nó là đức hạnh không làm khổ mình, khổ người.

Do sự lợi ích này đức Phật cấm các Tỳ Kheo không được nghe ca hát và tự ca hát.

Một vị Thánh Tăng ngồi nghe ca hát hoặc tự mình ca hát dù là bài ca loại nào cho đến những bài tán tụng những câu kinh tiếng kệ cũng đều thuộc loại ca hát. Nên trong kinh Sa Môn Quả, kinh Sonadanda đức Phật đều không chấp nhận những lối tán tụng, niệm Phật ê, a.

Gần đây có một số tu sĩ và cư sĩ không thông hiểu đạo Phật, họ bắt chước theo đạo Thiên Chúa soạn nhạc Phật để sách tấn Tăng Ni tu học. Đó là một việc làm trái với mục đích của Phật giáo. Phật giáo chấp nhận sống trầm lặng độc cư, nên đức Phật thường nhắc nhở Tăng, Ni phải sống độc cư như con tê ngưu một sừng.

Đạo Phật là đạo tự lực cứu mình ra khỏi sông mê biển khổ của kiếp người thì Thánh hạnh trầm lặng rất cần thiết cho sự sống về nội tâm của người tu giải thoát.

Người tu theo đạo Phật mà không giữ được Thánh hạnh này thì rất khó tìm sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi.

Còn ca hát và nghe ca hát là còn tâm dục của thế gian, giọng ca tiếng hát của mình, của người là thực phẩm nuôi dưỡng tâm dục. Còn nuôi dưỡng tâm dục thì làm sao ly dục ly ác pháp được.

Đạo Phật mà còn có những bài kinh, tán tụng giọng thấp, giọng cao ngâm vịnh hát hò thì có khác chi là ngoại đạo Bà La Môn.

Người ta không biết cho rằng những bài kinh tán tụng ê, a giọng cao thấp là ca nhạc đạo. Đối với đạo Phật thì không có ca nhạc đạo, mà chỉ có sự sống trầm lặng để trở về với nội tâm thanh thản, an lạc và vô sự của mình.

Thánh Đức Trầm Lặng giúp chúng ta sống về nội tâm của mình, nhờ thế mà ta nhận ra được mỗi tâm niệm ác và thiện nên ta sẽ diệt ác và tăng trưởng thiện một cách dễ dàng, nếu không nhờ đức hạnh trầm lặng thì ta rất khó nhận ra được cái tâm xảo trá của chính chúng ta, nên rất khó ly dục ly ác pháp cho thật sạch.

Đức Thánh Trầm Lặng là một Thánh hạnh tuyệt vời mà cũng là một pháp hành vi diệu giúp chúng ta ngăn và diệt ác pháp tận gốc.

Cho nên GIỚI KHÔNG NGHE CA HÁT VÀ TỰ CA HÁT thì chỉ có trong đạo Phật mới có Thánh hạnh này. Thánh hạnh này rất xứng đáng là hạnh của một bậc Thánh Tăng.

Tóm lại, người tu sĩ Phật giáo nghe ca hát và tự ca hát là không phải tu sĩ Phật giáo đó là tu sĩ của Bà La Môn.

Để xác định cho rõ ràng, người tu sĩ Phật giáo nghe ca hát và tự ca hát (tụng niệm cúng tế cầu khấn...) là không phải Thánh Tăng, Thánh Ni và Thánh cư sĩ mà là Ma Ba Tuần đội lốt Phật giáo để phá hoại Phật giáo. Xin quý Phật tử nên lưu ý và để tránh xa những loại tu sĩ này.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây


Previous Post
Next Post