Sự bất lực của y học

Ngày xưa khi còn nhỏ, chúng ta thường nhìn thày thuốc bằng một con mắt kính nể, Ông thày thuốc là một nhân vật vô cùng đặc biệt, ông có thể đem lại mạng sống, sức khỏe và sự vui tươi cho con người. Một nghĩa nào đó ông là một vị thần trong đời thường. Giấc mộng ấy tan vỡ khi chúng ta bước chân vào trường Y. Chúng ta thấy ngay các mặt hạn chế của Y học. Càng học ta càng thấy hình ảnh “vị thần” ngày xưa nhỏ bé dần và hiện nguyên hình “một con người suy tư”

Phần khó nhất là chương thần kinh. Phải công nhận là phần thần kinh của con người là phần khó học nhất, vừa dài vừa phức tạp lại trừu tượng. Và phần bệnh học thì ôi thôi, gần như 95% là những bệnh không trị được. Người ta biết rõ cơ chế, nguồn gốc bệnh lý nhưng để sữa chữa thì “chỉ có Chúa mới làm được”. Và ta đã từng chứng kiến bệnh Alzheimer chẳng hạn giết chết cựu tổng thống Mỹ Reagan giống như một người dân thường. Mới hay bệnh tật không chừa ai cả và đối với các bệnh nan y thì mọi người đều bình đẳng trước mặt Chúa. Tôi nhớ có lần đã an ủi một bệnh nhân nghèo cả đời lại mắc một căn bệnh bất trị, chỉ chờ ngày chết: “Cuộc sống vốn bất công từ lúc sinh ra có kẻ giàu nghèo, người mạnh khỏe, kẻ tật nguyền, nhưng trước cái chết mọi người đều bình đẳng vì vua hay dân cùng đinh đều chết và trở về cát bụi như nhau thôi. Không nên sợ cái chết vì đối với người giàu có là tiếc nuối, vấn vương còn với kẻ nghèo khổ một đời là một sự giải thoát.

Chứng kiến biết bao cảnh đời thống khổ vì những căn bệnh bất trị làm cho tâm hồn vốn nhạy cảm của tôi càng thêm thương đau. Tôi nhớ đã từng nắm những bàn tay chai sạn của người nông dân hấp hối trên giường bệnh, vuốt những mái tóc khô cằn của những người bị AIDS, lao phổi thời kỳ cuối, kiên nhẫn hút đàm nhớt cho những bệnh nhân hôn mê quằn quại vì Tai biến mạch máu não hay ngộ độc thuốc. . . . Làm thày thuốc mà không có tâm hồn thương yêu con người, chỉ xem họ như một cái máy, như bụi cây ngọn cỏ thì thật vô phước cho bệnh nhân và cả thày thuốc đó. Ngay cả đóa hoa, ngọn cỏ, chúng cũng có linh hồn đối với một số người yêu thiên nhiên…

Ngày thực tập khu bệnh thần kinh BV Chợ Quán tôi gặp một người trung niên độ ngoài bốn mươi, khổ người trung bình mắc một chứng bệnh quái ác là bệnh xơ hóa cột sống bên Amyotrophic lateral sclerosis (ALS, Lou Gehrig's disease) Bệnh nhân là một người trí thức, tác người cao ráo, đẹp trai, với vầng trán cao, nhưng cặp mắt đượm vẻ u buồn. Có lẽ bệnh nhân lờ mờ hiểu rằng mình bị một thứ bệnh gì đó về thần kinh nhưng không rõ lắm. Khi cầm búa gõ vào đầu gối phản xạ tăng lên một cách dữ dội. Bệnh này là do thoái hóa các tế bào thần kinh vận động ở hai cột sống bên, nguyên nhân rất lờ mờ, nhưng dự hậu rất xấu, bệnh nhân thường chỉ sống được hai tới năm năm sau khi chẩn đoán.

Thường bệnh nhân phải chịu liệt dần dần từ cơ chân tay, cột sống rồi đến cơ hô hấp và phải tự chứng kiến cái chết đến dần dần đến mình, chậm nhưng chắc chắn. Nhìn người bệnh nhân quay bước một cách khó nhọc xa dần về cuối phòng, vị thày hướng dẫn khẽ lắc đầu buồn bã, còn bọn chúng tôi im lặng mỗi người một ý nghĩ. Bữa cơm trưa hôm đó trở thành đắng ngắt.

Ngày nay khi nghĩ đến người bệnh năm xưa tôi chợt nhớ đến ca sĩ hải ngoại đã mất là Ngọc Lan bị một thứ bệnh cũng quái ác không kém là bệnh đa xơ hóa (Multiple sclerosis (MS)). Bệnh này gây ra viêm, phá hủy lớp myelin gây ra sẹo trên dây thần kinh. Kết quả là bệnh nhân bị mù, điếc, mất cảm giác, rối loạn cơ vòng và chết sau một thời gian vài năm sau khi chịu rất nhiều khổ ải…Càng học bệnh học thần kinh, tôi càng thấm thía nỗi bất lực của y học trong trận chiến giữa bệnh tật và khoa học con người. Dù khoa học ngày nay có tiến bộ vượt bậc hỗ trợ Y học nhiều cây đũa thần để chống lại bệnh tật, nhưng tôi vẫn có cảm giác cuộc chiến đó có vẻ vô nghĩa giống như một cuộc chạy đua giữa vị thần Achille và cái bóng của mình.

Khi đi thực tập khoa Nhi nhiều lúc tôi đã khóc khi nhìn thấy những em bé bụ bẩm trong đó có đứa cháu của mình chết vì sốc Sốt Xuất Huyết. Giống như Albert Camus trong quyển Dịch Hạch (La Pest) khi cho Bác sĩ Bernard Rieux ôm trong lòng một đứa trẻ vừa mất, đã hoài nghi cả Chúa Trời, thốt lên: “Sao Chúa nhân từ lại nở trừng phạt một sinh linh trẻ em vô tội như thế này” tôi cũng không cầm được lòng khi chứng kiến những cảnh quay về hư vô của những em bé vừa từ đó đến với vòng tay cha mẹ chẳng được bao lâu. Những đứa bé là những thiên thần nhỏ nhưng tại sao chúng phải chết trong vòng tay bất lực của chúng ta, những thày thuốc dù có yêu người đến thế mấy cũng không chống lại được thần chết.

Tôi còn nhớ khi đi thực tập BV Hồng Bàng (nay là Phạm Ngọc Thạch) khám bệnh cho một cô gái trẻ có gương mặt đẹp trắng xanh như một thiên thần. Bàn tay của cô với những ngón tay ngòi viết thon dài xinh xắn. Tiếng nói của cô thật nhẹ nhàng giống như hơi thở, khẻ vang vọng bên tai như rót về từ hư vô. Có lẽ ngày xưa cô có vóc dáng của một người mẫu nhưng nay những hoang tàn của bệnh tật đã in dấu trên thân xác gầy còm mình hạc xương mai của cô. Cô chỉ còn có nửa lá phổi bên trái, và nửa lá phổi này cũng lỗ chỗ như tàn ong. Cô là một cô thư ký kế toán, chỉ độ hai mươi ngoài tuổi, một cái tuổi quá trẻ so với căn bệnh này, nay phải vào bệnh viện tá túc vì không thể nào rời xa được bình tiếp hơi. Có lẽ trong cuộc đời cô những bất hạnh nào đó giáng xuống, cộng với nghèo đói hay một cái gì đó …. đã lấy đi của cô những năm tháng cuối của cuộc đời tươi trẻ. Vì nhiệm vụ tôi không thể tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nên sau một cuộc trò chuyện ngắn ngủi, người bệnh lại quay về phòng mình. Nhìn dáng cô ra đi xương xẩu với tà áo bay bay trong gió dưới bộ đồ trắng của bệnh nhân, tôi chợt thấy ngậm ngùi thương cho một kiếp hoa:

Người đẹp vẫn thường hay chết yểu
Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai
Ba xuân muôn thắm thêu cành biếc,
Bạc mệnh hoa kia đã rụng rồi!
J. Leiba (Hoa bạc mệnh)

Những ngày đến thực tập khoa chỉnh hình BV Bình Dân tôi còn nhớ mãi hình ảnh một thanh niên độ ngoài ba mươi bị gãy cột sống cổ, đang kéo tạ bằng mấy mũi khoan trên xương sọ cạo nhẵn thín. Đó là một thanh niên vóc dáng cao to, nhưng giờ đây còm cõi trong hình dạng của một tử thi bị chết đói. Bệnh nhân nằm im, mắt nhắm nghiền, dường như đang phiêu du vào một thế giới của dĩ vãng ngày xưa đầy nuối tiếc. Thày Hoàng tiến Bảo buồn rầu khẻ nói: “Bệnh nhân là một thanh niên lực lưỡng, làm nghề điện lạnh. Với sức khỏe hơn người, khi anh tháo gỡ một chiếc máy lạnh, đội lên đầu bước xuống một chiếc thùng phuy thì nắp thùng không chịu nỗi sụp xuống. Cổ bị gãy ngang, liệt tại chỗ, anh gào lên và……. ” Thày im bặt, dường như chúng tôi thấy có gì long lanh trong cặp mắt của thày sau làn kính trắng. Bây giờ bệnh nhân nằm đây, đầu bị khoan, kéo tạ với hi vọng cứu chữa những gì còn sót lại trong cái tủy sống dập nát kia. Y học chỉ biết làm có thế, thày thuốc chỉ mở đầu cho một thủ thuật y khoa, phần còn lại sẽ do Chúa trời làm nốt.
Khi bước vào BV Ung bướu nỗi thất vọng trong tôi lại càng đạt đến cực độ. Những người đã bước vào nơi đây giống như những phạm nhân đã nhận bản án tử hình, chỉ chờ ngày thi hành án. Mỗi một ngày nhìn thấy mặt trời mọc và lặn, đó là một ngày sống thêm được ghi vào nhật ký của tử tù. Nhìn những cặp mắt khao khát sống của những con bệnh, người thày thuốc khoa Ung bướu thật trĩu nặng con tim khi biết rằng đó sẽ là những tia nhìn cuối cùng của một cuộc đời thăng trầm, giờ đang đếm những ngày còn sót lại của mình sau những bức tường vôi trắng. Tôi còn nhớ thày Hoàng Tiến Bảo nói rằng: “Hai mươi năm nữa con người có lẽ sẽ chữa được ung thư”. Bây giờ thày đã ra đi vào cõi vĩnh hằng nhưng ước muốn của thày vẫn chưa đạt được và có lẽ sẽ không bao giờ có được. Bao nhiêu cố gắng của y học ngày nay vẫn chỉ là kéo dài mạng sống và làm giảm những đớn đau do căn bệnh đục khoét ngày đêm trên thân xác bệnh nhân.

Khi tôi đem ý kiến hoài nghi về khả năng của y học nói với vị thày là một BS giàu kinh nghiệm. Thày trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Đúng như em nói, y học không phải là cây đũa thần có thể giải thoát bất cứ ai khỏi được bất cứ căn bệnh nào. Ngay cả các vị thần cũng không có quyền phép thay đổi mọi thứ trên thế gian này, vì mọi thứ đều diễn tiến theo quy luật của nó, thần không thể trái lại luật trời. Trong một ngàn thứ bệnh thì chúng ta chỉ chữa khỏi độ vài chục bệnh; giảm bớt khổ đau vài trăm bệnh và bó tay với những bệnh còn lại. Nhưng cũng rất may là những người đến với ta đa số là những kẻ nằm trong tốp hai nhóm đầu, còn lại những kẻ không may rớt vào tốp bất trị thì rất ít và chỉ là những người dành cho những viện nghiên cứu y học ra tay. Và ngành Y cố gắng để đưa những kẻ nhóm ba này về nhóm thứ hai, nếu không về được nhóm đầu. Nếu tất cả bệnh nhân đều là người bất trị thì cả tôi cũng không làm BS và e rằng sẽ không có ngành Y hiện hữu trên trái đất”.

Tôi đem ý tưởng này nói với một vị sư già. Người cũng trầm ngâm một lúc lâu rồi nói: "Theo nhà Phật thì mỗi cuộc sống con người đều là những cuộc thử thách. Những khổ đau chúng ta gánh chịu đều do luật nhân quả vận hành. Y học không thể cứu được mọi người là vì không thể trái lại luật nhân quả. Y học chỉ đem lại niềm an ủi cho những tâm hồn trong một thể xác đang quằn quại vì bệnh tật. Giống như viên thuốc bọc đường cho đỡ đắng khi nuốt, y học giúp làm giảm những thống khổ do cơn bệnh gây ra nhưng không thể đảo ngược tiến trình bệnh lý. Và nhà Phật cũng thế, không thể giúp cho chúng sinh khỏi những quả xấu do tiền kiếp gây ra, chỉ giúp cho chúng sinh tỉnh ngộ, đón nhận một cách bình tĩnh những gì do bánh xe luân hồi mang đến. "

Càng lớn tuổi thì tôi càng chiêm nghiệm lời thày xưa thật hữu lý. Tuổi càng lớn càng xa dần những ước vọng lý tưởng hóa, ta lại càng chín chắn hóa hơn trong hành động. Khi chúng ta trông thấy những kẻ kiên nhẫn nhổ từng cọng cỏ dại, trồng lên những hạt màu thay vào đấy ta phải hiểu rằng kẻ đó không hề nuôi hi vọng diệt được tất cả cỏ dại trên thế gian đâu. Họ chỉ là kẻ muốn bớt đi một chút gì đấy cái xấu hại, và thay vào đấy một chút lợi ích cho thế gian. Và chúng ta là những thày thuốc thật bé nhỏ đóng góp vào cuộc sống với những hành động cũng thật bé nhỏ, nhưng những tòa lâu đài nào lại không được xây bắt đầu từ những viên gạch nhỏ bé? Một cây cổ thụ nào cũng lớn lên từ những chiếc hạt tí xíu, và chúng ta khi gieo hàng nghìn hàng triệu hạt giống tốt, thì tương lai hi vọng con cháu ta sẽ được hái những quả ngọt ngào từ những cây sót lại do cha ông chúng từ bao đời trước ra sức vun trồng.

Chúng ta không được nản rồi buông xuôi khi thấy mình thật vô dụng trước một số bệnh tật hiểm nghèo vì cái người bệnh cần ở chúng ta không chỉ là tài năng – đôi khi ta thiếu-mà còn là tình thương, cái mà ai cũng có sẳn nhưng có chịu ban phát cho kẻ khác hay không thì còn phải hỏi lại. Ngược lại khi chúng ta khoác màu áo trắng chúng ta phải hiểu rõ những giới hạn của mình cũng như của Y học. Chúng ta không được tự cao, tự đại, xem mình ngang hàng với tạo hóa, tự cho mình cái quyền sinh sát, thay đổi mọi trật tự cuộc sống, khinh thường mọi người vì sở đắc những kiến thức mới mà kẻ khác chưa biết. Cái ta biết hôm nay mà ta cho là tuyệt diệu, độc đáo sẽ trở thành cái tầm thường, thô sơ của ngày mai.

Previous Post
Next Post