Tâm lý thích đánh trống ghi tên ...

Trong vài năm qua, Việt Nam mới nổi lên thị trường chứng khoán, ngay đó các chuyên gia kinh tế đã xác định nhiều lần: người tham gia chứng khoán Việt đa số là lướt sóng ăn liền, không tính toán lâu dài, tâm lý bầy đàn, ào ào theo đuôi nhau theo kiểu nghe hơi nồi chõ…

Tại sao có tâm lý bầy đàn? Chữ “bầy đàn” là biểu hiện của đám đông, trong thiên nhiên còn gọi là các động vật ăn cỏ. Thử xem chúa sơn lâm làm sao có bầy, đại bàng cũng không có bầy, chỉ có đàn cừu cũng như chim sẻ mới có bầy. Khi người ta có tâm lý bầy đàn, bởi vì người ta chưa có khả năng tư duy độc lập, chưa trưởng thành, vì thế mới cần phải tụ hội thành đám đông để tự vệ lẫn nhau. Tâm lý bầy đàn cũng chính là con đẻ của nền sản xuất tiểu nông mà cho đến nay dân tộc ta vẫn còn 80%, hơn cả tỉ lệ đó là sự rây rớt trong tâm lý. Đã là tiểu nông thì trình độ hạn chế, vì thế người ta mới quần tụ thành làng “phép vua thua lệ làng” hay “xấu đều hơn tốt lỏi”.

Có không ít cuộc tranh luận, có người nói “không hiểu vào Hội Nhà văn là cái gì, có được gì thêm cho tác phẩm cũng như tầm vóc của mình, mà biết bao người chạy chọt lao vào như thiêu thân?”

Người trong Hội Nhà văn thường nói: “Chúng tôi có được cái gì đâu!”

Ai nghe cũng không tin, vì không được gì sao lắm kẻ lại lao vào đến khốn khổ như vậy? Thậm chí ngay cả nhiều thành viên của Hội kêu la, chúng tôi được nhuận bút ít quá, nhưng ngay cả cái nhuận bút ít đó người ta cũng không muốn cho ai khác hưởng, thế có phải vừa được ăn vừa được nói không?

Thích vào hội để làm gì ư? Câu hỏi rất dễ trả lời: vì người ta thích được ưu tiên! Hãy nhìn vào cuộc đời: kẻ yếu thì luôn phải đòi ưu tiên! Còn kẻ mạnh thì phải “có cứng mới đứng đầu gió”, hoặc như người xưa dạy “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” nghĩa là người quân tử vì nước vì dân thì phải: lo trước cái lo của thiên hạ, hưởng thụ cái vui sau thiên hạ. Hoặc người có đạo đức thì “cắn răng chịu thiệt, đứng vững gót để làm người”.

Còn người yếu thì sao? Trẻ con phải có ngày 1/6 tết thiếu nhi, phụ nữ có ngày 8/3 tết phái yếu, còn đàn ông hùng mạnh sao có ngày của mình. Người ta có các hội đồng hương tỉnh lẻ để gặp gỡ tụ tập lẫn nhau, làm gì có hội đồng hương thủ đô?! Người phương Tây dạy đàn ông: ra đường thì trước hết phải nhường trẻ con bé bỏng, sau đó phải nhường phụ nữ chân yếu tay mềm bộ não ít hơn đàn ông 20%, sau đó phải nhường chó… rồi mới đến đàn ông. Nhưng đàn ông phương Tây không tủi hổ mà kiêu hãnh về điều đó, điều đó chứng tỏ họ là phái mạnh nhất mới không cần ưu tiên, và chính thế họ cũng là hoàng đế, bởi vì trong các đám rước trẻ con bao giờ cũng đi trước, đàn bà đi sau, và cuối cùng mới là ngai vua.

Vào Hội được gì ư? Ít nhất được đăng bài trên báo, thậm chí được đăng đi đăng lại. Về tỉnh nghiễm nhiên xếp bậc trung ương trên trướng mấy người khác, thậm chí có uy tín khắp tỉnh, may hơn có thể còn được cấp nhà, vòi đất. Sự ưu tiên đem lại cho người ta những gì? Càng được ưu tiên người ta càng yếu đuối. Yếu đến mức, vài năm gần đây, báo Văn Nghệ còn kêu la bị thụt ti-ra bởi vì “các nhà văn, nhà thơ nhớn không chịu gửi bài”. Nói thế là sai. Mà nói thế này mới đúng: các nhà văn, nhà thơ nhớn bị dùng quá lâu ngày thành bã mía cả rồi, thậm chí các nhà văn đã gọi nhau bằng “bộ hài cốt”, nhà thơ Lê Đạt khi còn sống đã ví “những tài năng đã chết lâu ngày không được đem chôn làm mất vệ sinh của cộng đồng”. Có nhà văn còn bảo: “nhiều cây bút mậu dịch như thuốc bắc được cất khoảng dăm bảy chục nước, thành cái gì thum thủm không bổ bằng nước lã”.

Thực tế thì sao? Các nhà văn, đặc biệt nhà thơ mậu dịch suốt ngày lo mua vui cầu thực, nên tài năng cạn kiệt ngay mép con số không. Thử nhìn, họ đưa cả văng tục, chửi thề, phân gio vào thơ, nhưng vẫn có kẻ cùng hội biện hộ rằng “văng như thế không tục mà thơ mới tự nhiên”. Tại sao người đời lại xếp hạng vàng 99 hơn vàng 98 và hơn vàng cốm? Bởi nồng độ vàng của nó. Nếu văng tục là thước đo “tự nhiên” của mỹ học, thì liệu người khác văng tục nhiều hơn có được xếp cao hơn? Và nhà thơ liệu có văng tục nhiều bằng đám đầu đường xó chợ? Vì sống ưu tiên quá lâu nên trình độ của nhà thơ ta vô cùng yếu ớt. Họ không đủ bản lĩnh để nghe một lời chê. Có rất nhiều vụ đụng độ chỉ vì bị chê một câu đã ném mắm tôm, hắt chậu nước, đánh chửi nhau. Mới giải thưởng văn học năm ngoái thôi (2012), khi tôi đã chỉ ra tập thơ “Giờ thứ 25” là đạo tên “đầu đề – tức chứng minh thư” 100%, nhưng Hội Nhà văn vẫn trao giải thưởng. Đó là một sự trắng trợn hiếm thấy, cậy quyền, cậy chức, cậy đông, cho rằng mình muốn làm gì cũng được, hoặc giả đã nuốt tiền chạy giải rồi khó nôn ra? Sự việc này còn tố giác một điều quan trọng hơn, có người nói: trình độ nhà thơ ta thấp lắm, toàn đọc mấy tập thơ vần vèo không có gáy của nhau, có mấy khi đọc sách có gáy đâu. Trời ơi một cuốn sách nổi tiếng khắp thế giới như vậy mà cả hội đồng sơ khảo và chung khảo không ai biết, thì quả thật văn hóa đọc của nhà thơ ta quả là không bén mảng sách có gáy?! Trình độ của họ thấp đáng ngạc nhiên! Nhưng trình độ bịt cửa đố kỵ của họ cũng gây ngạc nhiên không kém. Họ đóng cửa báo chỉ đăng cho cánh hẩu đến mức có ngày họ bảo “các nhà văn, nhà thơ lớn không chịu gửi bài”. Chỉ có trong nhà hết mẹ hát lại đến con hát, micro tranh nhau dù chỉ vài người trong nhóm lợi ích, thì làm sao biết đến những giọng ca tươi mát của cuộc đời. Chính cái tâm lý tiểu nông đã làm cho lịch sử văn hóa Việt Nam sau bao nhiêu thế kỷ không tươi mới hơn mấy vở chèo?!

Người Việt 90% vô thần, nhưng mới đây họ cũng ào ào đi dự lễ No-en cùng thế giới. Nhiều đám mới lớn chen bằng được vào nhà thờ để cảm thấy mình không mất phần, vào được rồi họ chiếm ghế và nhắm mắt ngủ khì vì đâu có nhập tâm những bài giảng đạo không hề biết. Đó là cái tâm lý sợ mất phần, sợ bị cô lập, sợ thua chị kém em, hay nói thẳng tưng “kém miếng khó chịu”…

Nhưng làm chính trị người ta cần quần chúng, đắp đê cần đông người, hát hợp xướng cần đoàn lũ, nhưng nhà văn cần hát đơn ca thì càng tham gia đám đông tài năng càng xuống cấp. Có nhà thơ kia rất tự hào về vốn tiếng Anh của mình, tôi bảo, “anh xem trên thế giới có bao nhiêu người nói tiếng Anh? Nước Anh có khoảng 100 triệu, nước Pháp có khoảng 20 triệu, nước Nhật có khoảng 100 triệu, nước Mỹ có 300 triệu, Canada có 20 triệu, Ấn Độ thuộc địa cũ của Anh có khoảng 100 triệu, các nước khác có khoảng 100 triệu… tóm lại thế giới có ngót một tỉ người biết tiếng Anh. Bạn muốn làm người vĩ đại mà chỉ là một trong hàng tỉ người thì có vĩ đại được không? Có nhà thơ vừa vào Hội đã cong cớn hỏi không nói gọi không thưa. Tôi hỏi: anh muốn lên chức, chức hội viên của anh có bằng chức của gần hai trăm ủy viên trung ương không? Tất nhiên không! Anh ta trả lời. Tôi lại hỏi thơ anh làng nhàng trong hàng nghìn người, ở trình độ Việt Nam có ngót triệu nông dân có thể nghê nga bẻ vần làm như vậy, liệu anh có phải số độc đáo để làm người vĩ đại không?

Tất nhiên là không rồi! Đặc biệt với cái các chen vai thích cánh vào Hội, trình độ ưu tiên khiến người ta chỉ cùn mòn đi chứ làm sao lớn lên được. Tôi xin dẫn ra câu của thi hào Tagore: “Hắn coi vũ khí của hắn như thần thánh, nhưng khi vũ khí của hắn thắng thì chính hắn là kẻ bại”. Vậy thì với Hội hè sẽ có câu: ai lấy hội đoàn làm sức mạnh, thì khi hội đoàn của nó càng thắng thì tài năng của nó càng chẳng có gì.

Hãy ra đại dương mà xem, các con tầu lớn đều phải tự hành. Và kìa trong ao số vô số những thuyền nan bé như lá tre đang quần tụ vỗ tay cả mừng vì vinh quang “bất hủ” tẻo teo làm bằng tre nứa!

Nguyễn Hoàng Đức
Previous Post
Next Post