Thế giới: Sự ác

Nếu thế giới là ý dục, thì đồng thời nó phải là một thế giới của đau khổ.

Trước hết bởi vì ý dục tự nó có nghĩa là thiếu thốn, và sự vồ nắm của nó luôn luôn lớn hơn tầm tay với của nó. Với mỗi ước ao được thoả mãn còn có mười ước ao bị từ chối. Dục vọng thì vô biên song sự thoả mãn lại có giới hạn - "nó giống như của bố thí ném cho người hành khất, giữ cho y sống hôm nay để nỗi khốn khổ của y có thể kéo dài ngày mai ... Bao lâu ý thức của ta còn tràn trề ý dục, thì bấy lâu chúng ta còn bị phó mặc cho dục vọng với những hy vọng và sợ hãi triền miên, còn nô lệ cho sự ham muốn, không bao giờ có thể có hạnh phúc hay bình an trường cửu" (I, 253).

Và sự thành tựu không bao giờ làm thoả mãn; không gì nguy hiểm cho một lý tưởng bằng sự thực hiện được nó. "Đam mê được thoả mãn thường đưa đến bất hạnh hơn là hạnh phúc. Vì những đòi hỏi của nó thường xung đột quá nhiều với an sinh của cá nhân liên hệ đến nỗi chúng phá hoại sự an sinh ấy" (III. 368). Mỗi cá nhân mang trong mình một mâu thuẫn phá hoại; dục vọng nào khi đã được thực hiện của phát triển thêm một dục vọng mới, và cứ thế cho đến vô cùng. "Tự căn để, điều này do bởi sự kiện rằng ý chí phải tự nuôi sống bằng chính nó, vì không có gì bên cạnh nó, và hơn nữa lại là một ý chí đói khát" (I, 201).

Trong mọi cá nhân, cái lượng đau khổ thiết yếu cho y được định đoạt bởi bản tính y; sao cho nó không được trống rỗng, cũng không được quá đầy... khi một nỗi lo âu to tát cấp bách vừa được nhấc lên khỏi ngực ta... thì một mối lo khác tức khắc đến thế chỗ cho nó, toàn thể chất liệu của mối lo này đã hiện diện ở đấy trước kia, nhưng không thể len vào ý thức bởi vì không có chỗ dung chứa... Nhưng bây giờ, khi đã có chỗ cho nó, nó liền tiến tới và chiếm ngôi (I, 409).

Lại nữa, đời sống là xấu ác vì khổ đau là nguyên động lực và thực tại căn để, và khoái lạc chỉ là tiêu cực, chỉ là một sự chấm dứt khổ đau. Aristote có lý: người minh triết không tìm khoái lạc, nhưng tìm sự giải thoát khỏi lo phiền khổ não.

Mọi sự thoả mãn, hay cái mà thông thường gọi là hạnh phúc, trong thực tại và tinh thể, chỉ là tiêu cực... Chúng ta không đặc biệt ý thức được những hạnh phúc và lợi lộc mà ta thực sự đang có, chúng ta cũng không cho những điều này là đáng giá, mà chỉ xem chúng như lẽ tất nhiên vì chúng chỉ làm cho ta thoả mãn một cách tiêu cực, bằng cách kiềm hãm sự khổ đau. Chỉ khi ta đã mất chúng, ta mới ý thức đến giá trị của chúng; vì sự thiếu thốn, sự mất mát, nỗi buồn sầu, mới là điều tích cực, liên can đến ta một cách trực tiếp... Cái gì đã khiến những nhà khuyển thuyết (cyniker - vô sỉ) xua đuổi khoái lạc dưới mọi hình thức; nếu không phải chính bởi sự kiện rằng khổ đau, không nhiều thì ít, luôn luôn được liên kết chặt chẽ với khoái lạc? ... cùng một chân lý ấy được chứa đựng trong câu cách ngôn tế nhị của Pháp: Le mieux est l ennemi du bien (I, 141).

Đời sống là xấu xa vì "ngay khi sự nghèo túng đau khổ vừa buông tha cho con người an nghỉ, thì lập tức ennui hiện ra gần gũi đến độ y nhất thiết cần phải giải trí" (I, 404) nghĩa là rước thêm khổ đau. Dù cho con người có đạt được xã hội lý tưởng, thì cũng còn có vô số tệ đoan khác bởi vì một vài tệ đoan trong số đó, sự tranh đấu chẳng hạn, vốn là thiết yếu cho cuộc sống; và nếu mọi tệ ác đều được gột tẩy, và sự đấu tranh hoàn toàn chấm dứt thì cơn buồn chán sẽ đâm ra khó chịu tương tự như nỗi khổ đau.

Cứ thế "cuộc sống đu đưa như một quả lắc đồng hồ treo, lắc qua lắc lại giữa khổ đau và buồn chán... Sau khi con người đã biến tất cả những khổ đau và ray rứt thành khái niệm về địa ngục, thì không còn gì cho thiên đường nữa ngoại trừ sự bực mình (I, 402). Càng thành công bao nhiêu, chúng ta càng chán bực bấy nhiêu. "Cũng như sự thiếu thốn là hình phạt liên miên của con người, sự buồn chán là hình phạt của thế giới phong lưu. Trong đời sống giới trung lưu buồn chán được biểu hiện qua những ngày chủ nhật và sự thiếu thốn biểu hiện qua những ngày trong tuần" (I, 404).

Đời sống là xấu xa vì cơ thể càng cao đẳng, thì sự khổ đau càng lớn lao. Sự tăng trưởng tri thức không phải là giải pháp thoát khổ. "Vì khi hiện tượng ý chí toàn vẹn hơn, thì khổ đau cũng rõ rệt hơn. Trong thảo mộc chưa có cảm tính, vì thế không có đớn đau. Một độ khổ đau nào đó rất nhỏ được cảm nghiệm bởi loài thấp nhất trong sự sống động vật, trong thảo mao trùng và phóng xạ động vật; ngay trong côn trùng khả năng cảm nhận và khổ đau cũng còn có giới hạn. Nó xuất hiện đầu tiên với một cường độ cao nơi thần kinh hệ hoàn bị của những động vật có xương sống và luôn luôn trong một cường độ cao hơn nếu trí thông minh càng phát triển. Như thế, tri thức càng đạt đến chỗ phân biệt, ý thức càng cao, nỗi khổ đau cũng tăng dần, và đạt đến độ cao nhất của nó nơi con người. Và, lại nữa, một người càng biết nhiều bao nhiêu, càng thông minh bao nhiêu thì càng đau khổ bấy nhiêu; con người có thiên tài lại đau khổ hơn tất cả".

Bởi thế, người nào gia tăng tri thức chỉ gia tăng khổ sầu. Ngay cả sự nhớ dai và thấy trước cũng chỉ làm tăng thêm nỗi khổ của con người vì phần lớn khổ đau của chúng ta nằm trong sự phản quan hay tiên liệu, chính nỗi khổ đau thì ngắn ngủi. Ý tưởng về sự chết đã gây biết bao khổ đau hơn là chính sự chết !

Cuối cùng, và trên tất cả, sự sống là xấu xa vì sự sống là chiến tranh. Khắp nơi trong thiên nhiên ta thấy sự phấn đấu, cạnh tranh, xung đột và một sự luân phiên có tính cách tự sát giữa chiến thắng và chiến bại. Mọi loài chiến đấu chiếm lấy vật chất, không gian và thời gian của những loài khác.

"Con rắn con, vốn lớn lên như một cái mầm của con mẹ, và sau đó tách rời khỏi mẹ, thường chiến đấu khi nó còn được nối liền với con mẹ, để giành mồi, đến nỗi con này giật lấy mồi từ miệng con kia. Những con kiến của Úc châu cho ta tỉ dụ phi thường nhất thuộc loại này; vì nếu nó bị cắt đôi, một trận đấu sẽ bắt đầu giữa cái đầu và cái đuôi. Cái đầu dùng răng giữ lấy cái đuôi, và cái đuôi tự vệ một cách anh dũng bằng cách châm chích cái đầu; cuộc chiến có thể kéo dài nửa tiếng đồng hồ, cho đến khi cả hai chết hoặc bị những con kiến khác lôi đi.

Cuộc đấu này xảy ra mỗi lần người ta thí nghiệm... Junghahn kể rằng ông ta thấy ở xứ Java một đồng bằng trải dài đến vô tận, hoàn toàn được phủ đầy bởi những bộ xương, và ông ta đã tưởng đấy là một bãi chiến địa; tuy nhiên, đấy chỉ là những bộ xương của những con rùa lớn... đã ra khỏi biển đến đấy để đẻ trứng, rồi bị những con chó hoang tấn công, những con chó này đã hợp sức đặt ngửa những con rùa, lột chiếc mai nhỏ ra khỏi bụng chúng, rồi ăn tươi nuốt sống. Nhưng thường khi như thế, sẽ có một con hổ chồm tới bọn chó... Những con rùa này được sinh ra để chết như vậy ...

Như thế, dục vọng muốn sống ở khắp nơi đều lấy chính nó làm mồi ăn, và là dưỡng chất của chính nó trong những hình thức khác nhau, cho đến cuối cùng loài người vì đã khắc phục mọi loài khác, xem thiên nhiên như một xưởng chế tạo dành riêng cho mình sử dụng. Tuy vậy, ở loài người ... Lại có sự biểu lộ rõ rệt kinh khủng nhất của sự tranh đấu này, sự xung khắc giữa ý dục với chính nó; và chúng ta nhận ra rằng homo homini lupus (người là chó sói đối với người).

Toàn diện bức tranh của sự sống hầu như quá thống khổ để ngắm nhìn; muốn sống chúng ta đừng biết quá rõ về sự sống. "Nếu ta chỉ cho một người thấy rõ những khổ đau và cay cực ghê gớm mà cuộc đời của y phải chịu đựng miên viễn, y sẽ vô cùng kinh hãi; và nếu ta dẫn người lạc quan "kinh niên" qua những bệnh viện, chẩn y viện và phòng giải phẫu, qua những nhà tù, phòng tra tấn, và cũi nhốt nô lệ, qua bãi chiến trường và nơi hành quyết; nếu ta mở ra cho y thấy mọi chỗ ở tối tăm của sự cơ cực, nơi đó nỗi thống khổ dấu mặt khỏi cái nhìn của sự tò mò lạnh nhạt và, cuối cùng, để cho y nhìn vào những nhà tù giam đói của Ugolino, thì cả những người lạc quan kia cuối cùng sẽ hiểu được bản chất của cái "thế giới tốt đẹp nhất trong mọi thế giới " khả hữu này.

Vì từ đâu Dante đã lấy tài liệu cho địa ngục của ông nếu không phải từ chính thế giới thực thụ của chúng ta? Và tuy nhiên ông đã làm nó trở thành một địa ngục rất đặc biệt. Nhưng trái lại, khi mô tả thiên đường và những lạc thú của nó, Dante gặp một khó khăn không thể vượt, vì thế giới chúng ta không cung cấp một tí tài liệu gì về điều này cả... Mọi bài anh hùng ca và bi hùng kịch chỉ có thể trình bày một cuộc tranh đấu, một nỗ lực, một sự chiến đấu cho hạnh phúc, không bao giờ tả chính hạnh phúc lâu dài và toàn vẹn. Kịch dẫn dắt những nhân vật qua một ngàn hiểm nguy và khó khăn để đạt tới đích; vừa khi đích đã đạt được thì màn bỗng từ từ hạ; vì bây giờ vở tuồng không còn gì để diễn tả ngoài ra sự chỉ rõ rằng cái mục đích chói sáng trong đó nhân vật mong đợi tìm thấy hạnh phúc chỉ làm cho anh ta thất vọng, và sau khi đạt được mục đích ấy, anh ta chẳng khá gì hơn trước".

Chúng ta không hạnh phúc khi đã kết hôn, và không kết hôn chúng ta lại không hạnh phúc. Chúng ta bất hạnh khi ở một mình, bất hạnh trong xã hội: chúng ta giống như những con nhím tụ lại cùng nhau để sưởi ấm, và cảm thấy bất tiện khi quá ép lại gần nhau, nhưng lại khổ sở khi rời xa nhau. Tất cả việc đó đều rất đáng cười và "cuộc đời của cá nhân, nếu nhìn bao quát ... và chỉ nhấn mạnh trên đặc điểm ý nghĩa nhất, thật luôn luôn là một bi kịch; nhưng nếu ta đi qua từng chi tiết của nó, cuộc đời ấy lại có tính chất của một hài kịch".

Xem: Vào lúc 5 tuổi đi vào một xưởng dệt vải hay một xưởng nào khác, và từ lúc ấy trở đi cứ mỗi ngày ngồi đấy ban đầu mười tiếng, rồi 12, cuối cùng 14 tiếng, làm cùng một công việc máy móc đó để mua bằng giá đắt đỏ sự thoả mãn là còn giữ được hơi thở. Nhưng đây là số phận của hàng triệu người, và số phận của hàng triệu kẻ khác cũng tương tự... Lại nữa, dưới lớp vỏ cứng của hành tinh này chứa nhiều năng lực hùng hậu của thiên nhiên mà, vừa khi một sự tình cờ nào đó mở lối cho chúng tự do sẽ tất nhiên phá hoại cái vỏ cứng ấy với mọi sự sống trên đó như đã xẩy ra ít nhất là ba lần trên hành tinh của chúng ta, và có lẽ còn xảy ra thường hơn nữa, trận động đất ở Lisbonne, ở Haiiti, sự tàn phá Pompei, chỉ là những ám hiệu nhỏ đùa chơi của những gì có thể xảy đến" (III, 389, 395).

Trước tất cả cảnh này, "lạc quan là một sự nhạo báng cay chua về nỗi sầu thảm của con người" (I, 420) và "chúng ta không thể gán cho tác phẩm Theodicy của Leibnitz một giá trị nào hơn là giá trị này; ấy là tác phẩm ấy đã tạo cơ hội cho cuốn Candide bất hủ của Voltaire; trong đó sự chống chế què quặt mà Leibnitz luôn luôn đưa ra được bênh vực cho sự xấu xa của thế giới -ông cho rằng sự xấu xa đôi khi đem lại cái tốt đẹp- đã được một sự xác nhận mà ông không ngờ" (III, 934). Tóm tắt, "bản chất của sự sống suốt quá trình nó chỉ là sự cốt ý đánh thức niềm xác tín rằng không có một tí gì đáng cho ta nỗ lực, đáng cho những cố gắng và tranh đấu của ta; rằng mọi điều tốt đẹp chỉ là hư vô trống rỗng, thế giới hoàn toàn suy sụp phá sản, và đời là một kinh doanh không bù lại những phí tổn" (III, 383).

Muốn được hạnh phúc, người ta phải ngu si như tuổi trẻ. Tuổi trẻ nghĩ rằng sự ham muốn và nỗ lực là những nguồn vui; nó chưa khám phá ra rằng dục vọng là một túi tham không đáy đáng chán chường, và mọi sự hoàn thành đều vô ích; nó chưa thấy rõ tính cách tất yếu của thất bại.

"Sự vui vẻ và hoạt bát của tuổi trẻ một phần do ở sự kiện rằng khi chúng ta đang đi lên đồi dốc của sự sống, cái chết chưa rõ rệt; nó đang còn ở dưới chân đồi bên kia... Khi về già, mỗi ngày ta sống cho ta cùng loại cảm giác như kẻ tử tội cảm nghiệm mỗi bước trên đường đến nơi hành quyết... Để thấy rõ cuộc đời ngắn ngủi, người ta phải đã sống lâu. Cho đến năm ba mươi sáu tuổi, ta có thể được ví, trong cách sử dụng sinh lực, với những người sống bằng lợi tức của tiền cho vay; số tiền tiêu xài hôm nay họ sẽ có lại ngày mai. Nhưng từ ba mươi sáu tuổi trở đi, chúng ta giống như người đầu tư bắt đầu xâm phạm số vốn của y...

Chính nỗi sợ hãi tai nạn này đã làm cho lòng ham dồn của thường tăng theo với tuổi già... Nhưng tuyệt nhiên không phải tuổi trẻ là giai đoạn hạnh phúc nhất của cuộc đời, nhận xét của Platon ở đầu cuốn Cộng hoà có phần đúng hơn, ấy là phần thưởng kia đang dành cho tuổi già, vì lúc ấy cuối cùng con người đã giải thoát khỏi cái dục vọng thú tính mà cho đến bây giờ chưa bao giờ ngưng quấy rối y... Tuy nhiên không nên quên rằng, khi đam mê này đã tắt, thì mầm sống cũng mất, và chỉ còn cái vỏ trống rỗng, hoặc, trên một phương diện khác, sự sống khi ấy trở thành như một hài kịch mà ban đầu do những tài tử thật đóng nhưng lại được tiếp tục và kết thúc bằng những người máy được mặc y phục của họ". ("Lời khuyên và châm ngôn", 124 - 139).

Cuối cùng, chúng ta gặp phải cái chết. Vừa khi kinh nghiệm bắt đầu phối hợp thành minh triết thì óc não và cơ thể cũng khởi sự suy tàn "Mọi sự chỉ ở nán lại một phút chốc, rồi vội vã đi đến cái chết" (II, 454; III, 269) và nếu sự chết thong thả chờ đợi chính là vì nó muốn giỡn với ta như mèo vờn chuột. "Rõ ràng là hệt như sự bước đi của ta ai cũng nhận thấy chỉ là một sự té ngã luôn luôn được gượng lại, cũng thế, sự sống của thân xác ta chỉ là sự chết luôn luôn được gượng lại, một cái chết luôn luôn được triển hạn" ("Lời khuyên và châm ngôn" 28, phần ghi chú). "Trong số những đồ trang sức mỹ lệ của những vị chúa độc tài Đông phương, luôn luôn có một chai độc dược đắt đỏ" (I, 119).

Triết lý của Đông phương hiểu rõ sự hiện diện khắp nơi của cái chết, và đem lại cho những nho sĩ vẻ bình thản và phong độ khoan thai do ý thức về sự ngắn ngủi của đời người. Lòng sợ chết là khởi điểm của triết học, và là nguyên nhân cuối cùng của tôn giáo. Người trung bình không thể hoà giải với cái chết; do đó y tạo ra vô số nền triết học và thần học; sự thịnh hành của một đức tin vào bất tử là dấu hiệu của nỗi sợ hãi rùng rợn trước cái chết.

Thần học là một lãnh vực để ẩn trốn cái chết, điên loạn là một tình trạng để trốn tránh khổ đau, "sự điên loạn đến như một phương thế trốn khỏi ký ức về khổ đau" (I, 250). Nó là một gián đoạn cứu rỗi trong sợi chỉ ý thức; chúng ta có thể sống sót sau một vài kinh nghiệm hay sau nỗi sợ hãi chỉ nhờ lãng quên.

Chúng ta thường rất miễn cưỡng khi nghĩ về những điều tổn hại đến lợi lộc, lòng tự kiêu của ta, những điều quấy rối ước vọng của ta. Chúng ta cảm thấy vô cùng khó khăn khi quyết định đặt những điều ấy ra trước trí năng của mình để truy tầm một cách cẩn thận nghiêm chỉnh... Trong sự chống kháng của ý dục không muốn để cho những yếu tố mâu thuẫn với nó len lỏi vào và chịu sự khám xét của trí năng, ta thấy được cái chỗ mà sự điên loạn có thể đột nhập... khi ý dục ngăn cản trí năng lĩnh hội một chuyện gì, và khi sự chống kháng của ý dục đã đi đến một mức độ khiến cho sự lãnh hội ấy không được hoàn toàn, thì đối với trí năng một vài yếu tố hay hoàn cảnh nào đó sẽ bị ức chế, vì ý dục không thể chịu đựng được sự thấy mặt chúng.

Khi ấy vì tâm thức cần có sự liên tục, cho nên những khoảng hở phát sinh do sự ức chế sẽ được lấp đầy tuỳ thích; do đó mà tình trạng điên cuồng xuất hiện. Bởi vì tất cả trí năng là để làm vừa lòng ý dục, nên bây giờ con người tưởng tượng ra những chuyện không có thực. Tuy nhiên sự điên loạn nổi lên như thế chính là phương pháp lãng khuây mọi đau khổ không thể chịu đựng; đấy là liều thuốc cuối cùng của bản tính bị ray rứt, nghĩa là của ý dục *) [(*) III, 167 - 9. Một nguồn cho thuyết Freud].

Chỗ trú ẩn cuối cùng là tự sát. Ở đây, cuối cùng, điều kỳ quặc là tư tưởng và trí tưởng tượng đã thắng được bản năng. Tương truyền Diogène đã tự sát bằng cách nhịn thở - quả là một chiến thắng vẻ vang đối với ý dục tham sống. Nhưng sự chiến thắng này chỉ ở cá nhân; ý dục vẫn tiếp tục trong nòi giống. Sự sống cười lớn nhạo báng việc tự sát, và mỉm cười trước cái chết; vì tương ứng với mỗi cái chết có tính toán thì lại có hàng ngàn sự sinh không suy tính. "Sự tự sát, sự cố ý phá huỷ một hiện hữu đơn độc trong thế giới hiện tượng, chỉ là một hành vi điền rồ vô lối, vì vật-tự-thân, giống nòi, sự sống, ý dục nói chung, vẫn không bị ảnh hưởng gì bởi hành vi ấy" (I, 515). Sự thống khổ và đấu tranh vẫn tiếp tục sau khi một cá nhân chết, và phải tiếp tục, bao lâu ý dục còn thống trị con người. Không thể có chiến thắng đối với những nỗi khổ của sự sống khi mà ý dục chưa hoàn toàn phục tùng tri thức và trí tuệ.

Trích Câu Chuyện Triết Học – Schopenhauer (1788 – 1860)
Previous Post
Next Post