Trong một xã hội điếc

Lần cuối cùng em nghe tiếng reo của một gánh hàng rong là khi nào? Chắc cũng phải là xa xôi lắm. Tuổi thơ của chúng ta, những đứa bé lớn lên trong sự nghèo khó một đất nước nghèo bậc nhất thế giới, đã quen với tiếng ồn ào của những chiếc Honda gắn máy lúc 6h giờ sáng, quen với cảnh và mùi rác ở chợ đời mà những du khách da trắng thường tỏ ra ái ngại khi họ ghé thăm, quen với những tiếng í ới gọi nhau của những đám đông bát nháo. Tất cả đã đậm trong máu, là một phần của tim và không thể xóa nhòa, dù chúng ta có lê chân đến phương nào đi nữa. Những đứa trẻ năm đó lớn lên với một lý tưởng, dù là một lý tưởng nhồi nhét. Sự đa dạng là một cái gì đó rất xa xỉ. Một chiếc đồng phục, một tập thể, một giáo viên, một giáo trình. Và cứ thế chúng ta lớn lên. Chúng ta không biết nhảy ngựa, chẳng chú tâm vào game và càng không chờ hàng giờ trên màn hình laptop để chít chát với bạn ảo.

Nhưng đó là quá khứ. Xã hội hôm nay điên cuồng thật em ạ. Con người chạy thật nhanh theo công nghệ, thời trang, và vật chất. Đôi mắt chúng ta ngày càng kém tinh, đôi tai kém thính, và cái đầu kém đơn giản. Chúng ta nhìn nhưng không thấy, nghe nhưng không hiểu, nghĩ nhưng không thông. Tất cả như một gói mì ăn liền, rẻ tiền nhưng lại hiệu quả. Mà công nhận nó hiệu quả đến nỗi chúng ta không thể không tận hưởng. No đấy rồi lại đói, đói đấy rồi lại no. Cái vòng luẩn quẩn lặp lại, và cứ thế ngày tháng trôi qua. Bao nhiêu thiền tập cũng là ít, bao nhiêu du lịch cũng không đủ. Sinh ra cái tâm đã không tịnh, và cũng quá khó để tịnh.

Mà cũng có thể anh sai, vì anh chỉ nhìn vào mặt trái của xã hội và lên án nó nhẹ nhàng qua những dòng chữ vô hại, vô tình thể hiện cái tôi bất lực của chính mình. Nhưng ít ra anh không gồng để mạnh mẽ, không mắc lừa bởi cái lý lẽ phổ biến của xã hội. Vì cuối cùng, mỗi chúng ta là một sản phẩm của xã hội, theo cách này hay cách khác. Đó cũng là điểm giống nhau duy nhất của anh và em.

Chỉ có đôi mắt của trẻ thơ là đẹp.

Nguồn: ndphu.com
Previous Post
Next Post