Học dã hảo? Bất học dã hảo?

Ðến thời điểm này đã có rất nhiều người hùa nhau hiểu sai cụm từ trên, quả thật là chuyện rất đáng... cười ra nước mắt. Họ tin vững chắc rằng ở đời ai cũng như ai, "học cũng tốt, không học cũng tốt" để xuyên tạc ý người nói - vua Tống Huy Tông - và họ đã vô tình bào chữa đầy thiên vị cho những kẻ lười nhác học hành.

Với cương vị hoàng đế, Tống Huy Tông (1101 - 1125) là một phần tử hăng hái bảo tồn và phát huy Nho học, lại được sự góp công sức của các đại gia Nho học như Trình Chu (Trình Hạo, Trình Di và Chu Hi) là những thạc nho vốn được xếp ngang với Khổng Mạnh nên từ lâu, giới nghiên cứu đã nhất trí coi Tống Nho là thành phần chủ lực của nền văn hiến Trung Quốc suốt hàng nghìn năm qua, ngay cả khi dân tộc họ bị các ngoại bang như Liêu, Kim, Nguyên, Thanh lần lượt đô hộ qua nhiều thế kỷ.

Ta cần hiểu đúng và đủ ý kiến của Tống Huy Tông gởi gắm trong bài "Khuyến học văn". Bài này có nội dung như sau:

- Học là tốt (hay) không học là tốt? Kẻ có học như lúa như thóc, kẻ không học như rác như cỏ. Như lúa như thóc hề! Lương tốt của nước, báu lớn của đời. Như rác như cỏ hề! Kẻ cày căm ghét, kẻ bừa bực bội. Ðến ngày úp mặt vào tường (ý nói mù mờ không nhìn nhận được gì trên đời) mới hối hận về việc ấy (việc không học) thì đã già mất rồi!.

(Học dã hảo? Bất học dã hảo? Học giả như hòa như đạo, bất học giả như cảo như thảo. Như hòa như đạo hề! Quốc chi tinh lương, thế chi đại thảo. Như cảo như thảo hề! Canh giả tăng hiềm, sừ giả phiền não. Tha nhật diện tường, hối chi dĩ lão - Khuyến học văn)

Người nào đã đọc đến đây có lẽ không còn duy trì quan niệm "bất học dã hảo" được nữa. Tuy nhiên, quan niệm học để đỗ đạt làm quan, cho vinh thân phì gia, "một người làm quan, cả họ được nhờ", v.v... xét ra còn tệ hại hơn quan niệm "bất học dã hảo" nhiều. Ðỗ đạt với làm quan là hai phạm trù riêng biệt, không hề có liên quan nhân quả như nhiều người tưởng. Xin đơn cử một bằng chứng khá cụ thể: tác giả truyện Kiều là Nguyễn Du đời Gia Long thi hỏng trường tư kỳ thi Hương (chỉ đỗ tú tài) nhưng lại làm quan đến Nhất phẩm (chiếm một địa vị trong tứ trụ), được phong đến tước Hầu (Du đức hầu) được phái đi sứ, tham quan danh lam thắng cảnh gần khắp Trung Quốc ngót hai năm trời nhưng cuộc sống vật chất của ông thì khó thể hình dung là... vinh thân phì gia cho được:

Mười miệng đói kêu ngoài cõi Bắc,
Một mình bệnh rụi ở thành Ðông.
(Dịch thơ chữ Hán)

Trái lại, Nguyễn Tường Phổ (ông nội các nhà văn lớn Nhất Linh, Hoàng Ðạo, Thạch Lam) đỗ đầy đủ cả thi Hương, thi Hội, thi Ðình thời Thiệu Trị nhưng làm quan suốt đời cũng chỉ đạt đến Lục phẩm, giữ chân Tri huyện ở một miền nghèo nàn lạc hậu (Cẩm giàng - Hải Dương) và các nàng dâu của ông cũng phải thức khuya dậy sớm, tảo tần nghề hàng xén, hàng xáo nuôi con. Các nhà văn Nhất Linh, Thạch Lam, đã đưa những hình ảnh ấy vào nhiều đoạn văn đặc sắc.

Lợi ích thiết thực của việc học là nó đem lại cho người ta đủ điều kiện để hình thành một nhân cách giá trị. Người học cao, đọc nhiều sẽ nâng tầm hiểu biết, cư xử với đồng loại khá hơn. Một đứa bé thực sự ham học thì dù có sống trong nhung lụa nuông chiều cũng sẵn sàng dậy sớm thức khuya như bao kẻ lao động bình thường, còn nếu sống trong hoàn cảnh thiếu thốn chật vật nó cũng ngẩng cao đầu dự cuộc ganh đua với mọi kẻ đầy đủ sung sướng. Thậm chí kẻ chăm học thì dù tật nguyền hay ốm đau thập tử nhất sinh họ cũng vẫn sẵn sàng thi thố tài năng cùng kẻ lành lặn, có sức lực sung mãn.

Nói chung, việc học hành chân chính sẽ làm con người bớt tham lam; vị kỷ và rèn được tính tự trọng, tự tin, có nghị lực mạnh mẽ, có vốn tri thức phong phú, có tâm hồn cao đẹp. Chỉ những kẻ mượn việc học làm chiếc thang leo cao, hái nhiều mới không tách rời nổi cuộc sống bản năng, mới phát triển thú tính thấp hèn, tham lam hưởng thụ, mưu tính chuyện vinh thân phì gia mà thôi.

Ở tầm vĩ mô, tri thức do học tập đem lại cho người dân là thứ tài sản quý giá, luôn sinh lợi cho tổ quốc. Chính vì thế, nhà cầm quyền Trung Quốc đời Minh buộc các nước thần phục phải cống nạp định kỳ một số lượng nhân tài (chính Hồ Nguyên Trừng - con trai Hồ Quý Ly, bị bắt làm tù binh - đã nghĩ ra cách cải tiến súng đại bác cho quân đội Trung Quốc ngay từ đầu thế kỷ 15) và ngày nay, các nước đã phát triển luôn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút số người có học lực xuất sắc ở các nước đang phát triển đến phục vụ cho nước họ (dư luận coi đây là vết thương trí mạng - chảy máu chất xám - làm ngắc ngoải nền kinh tế của nhiều nước nhỏ). Ðấy là bằng chứng cụ thể về gía trị thực thụ của học vấn.

Ðể đánh thức lòng hiếu học đúng thời kỳ phù hợp của nó, người xưa đã sáng suốt nhắm vào lứa tuổi còn thơ, với tuổi ấy thì chỉ có thể "dụ" chứ chưa thể "giảng", vì vậy, sách Ấu học quỳnh lâm (rừng văn học của tuổi ấu thơ) phải "dụ" trẻ nào là "trong sách có gái... siêu đẹp" (thư trung hữu nữ nhan như ngọc), nào là "trong sách có sẵn nhà vàng" (thư trung tự hữu hoàng kim ốc), v.v.. những lời "dụ" trẻ ấy chỉ nhằm mục đích giúp trẻ vượt những khó khăn ban đầu thế nhưng có những kẻ ác ý lại thường mượn đó để dè bỉu, bôi nhọ việc giáo dục đào tạo của người xưa, thủ đoạn nhỏ mọn ấy thật rất đáng trách.

Vậy ta phải "cập nhật hóa" quan niệm của Huy Tông trong bài văn Khuyến học nọ là:

- Kẻ không học là lực cản tệ hại cho sự phát triển. Chẳng ai dám mong ở họ ý thức công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đổi mới đất nước, nâng cao đời sống người dân được. Và một khi người dân coi nhẹ vốn liếng tri thức, đề cao bợ đỡ kẻ vô học thì nhất định quốc gia xã hội ấy chỉ có được những giá trị ảo.

Giáo Sư Ngô Văn Lại
Previous Post
Next Post