Sự phù phiếm của đàn ông

Một người bạn thuộc loại chữ nghĩa và tri thức, hôm ngồi cà phê, vui miệng định nghĩa: Cuộc sống càng hiện đại, hình như người đàn ông càng phù phiếm! Hay sự phù phiếm là mặt trái của người đàn ông hiện đại! Quái, lấy đâu ra thì giờ cho sự phù phiếm ấy nhỉ? Có lẽ, khi bạn đọc những dòng đầu tiên bài viết này cũng sẽ buộc miệng thốt lên một câu hỏi như vậy! Cũng như tôi, sau buổi uống cà phê về suy ngẫm, thấy bật ra rất nhiều vấn đề thú vị quanh chuyện đi tìm định nghĩa mới về “phái mạnh” trong nhịp sống hiện đại này!

Vậy sự thực làm sao? Đàn ông có phù phiếm không? Có! Rất nhiều phù phiếm nữa là khác! Không những hôm nay mà có nguồn gốc rất sâu xa. Không chỉ những thằng khờ mà ngay cả các bậc Thánh nhân. Càng cao siêu, triết thuyết Đông – Tây lại càng phù phiếm!...

Trước hết, sự phù phiếm đó thuộc về bản chất. Tôi nhớ ngày xưa ông bà mình vẫn hay so sánh đàn ông với con công. Thấy gái là “xòe đuôi xòe cánh”. Tại sao lại so sánh với công mà không phải con khác nhỉ? “Con công hay múa / Nó múa làm sao / Nó thụt cổ vào / Nó xòe cánh ra…” như lời cổ của một bài hát đồng dao. Thử phân tích nhé! Tại sao không là những con khác mà lại là con công? Con công không thuộc về phái đẹp mà chính là sự phù phiếm. Bởi không có gì vô duyên hơn khi nói về phái đẹp… lại dùng chính cái đẹp! Cái đẹp phô trương không đúng lúc sẽ vô cùng yếu đuối. Đàn ông khi tán tỉnh “trổ mã” xem rất…buồn cười. Tôi luôn nghĩ đến sự phù phiếm của đàn ông như những bộ lông sặc sỡ vẽ nhiều mặt trời của con công!

Ngạn ngữ Hy Lạp nói đại ý “Đàn ông là bầu trời, đàn bà là mặt đất”. Sự phù phiếm đôi khi là kích thích tố của những đám mây. Mây tích điện thành mưa. Không có sự phù phiếm đôi khi cuộc sống nhạt như không có mưa. Nếu ngày nào cũng thẳng và dài như những cái hành lang trổ về phía trước thì ôi thôi, chán! Chán quá thì lộn tùng phèo. Đôi khi chỉ vì thích một cái nốt ruồi mà phải cưới luôn một cô gái! Phù phiếm như thế thì có ích quá đi chứ! Nhưng ở góc độ nào đó phù phiếm vẫn hoài là phù phiếm và sa sỉ vẫn còn nguyên là sa sỉ. Các giá trị không được cộng thêm hay chia đều cho các giá trị.

Sự phù phiếm chính là dư vị nhạt hoét như một nhà thơ đã viết “Ta là ta mà vẫn cứ mê ta”. Luôn nhìn ra vĩ đại của chính mình mà hoàn toàn ít công nhận sự lớn lao của kẻ khác. Đàn ông đôi khi ít chịu nhau. Những con gà tức nhau tiếng gáy. Bởi đôi lúc những tiếng gáy cũng chả để làm gì ngoài một âm thanh “phô trổ mã” trong cổ họng. Sự phù phiếm có lúc phản đề như cuộc đời này nếu thiếu mình thì thực sự là… vấn đề. “Không mợ thì chợ vẫn đông”. Một chút máu me bởi sự quan trọng nghĩ cho cùng là phù phiếm.

Thực chất phù phiếm có khác với ảo tưởng không? Sự vĩ đại lớn lao của bầu trời nếu tách bỏ năng lực của trí tuệ, mơ ước, tham vọng, đôi khi chập cheng ảo tưởng hay hình tượng thiếu vắng nghiêm trọng những cơn mưa cân bằng đời sống thì có lẽ không còn đúng một người đàn ông nữa. Nhưng rõ ràng phù phiếm khác hẳn ảo tưởng. Trong tận cùng bản chất nó là sự diêm dúa của chủ nghĩa hưởng thụ, sự xa sỉ vô độ của khoái lạc. Ví dụ tôi có anh bạn qua thời hàn vi bỗng phất lên giàu có. Anh thích uống cà phê và thường chọn những chỗ ngồi sang trọng nhất cốt làm sao để cho thiên hạ được nhìn ngắm vị trí “đổi ngôi” của anh. Rồi một lần anh khoe: -“Tớ bây giờ sáng uống cà phê Bờ Hồ Hà Nội, trưa ngắm các em chân dài từ Segafredo - Espresso Đà Nẵng và buổi chiều có thể ở Đồng Khởi Sài gòn…”. Đó có phải lả một sự phù phiếm chăng? Khi thực  ra cà phê không phải cốt ngắm chân dài hay khoe một vị trí chỗ ngồi mà dư vị sâu xa hơn ta đã nghĩ, đã nghiền ngẫm ra được điều gì hiền triết với chất đắng đó?  

Sự phù phiếm đôi khi còn được ngắm rọi qua sự làm dáng, khoe mẽ trí thức. Khi ve vãn cong công xù lông lên, phô hết vẻ hùng hồn của mình ra. Nhưng cũng chính vào khoảnh khắc ấy, kẻ tinh ý nhận ra những cái vảy cườm đẹp nhất chính là lông giả. Tri thức không đến nơi chốn nó chỉ là những câu nói đắng đót, hàm hồ hay sự vay mượn. Đôi khi đàn ông sa vào điểm yếu chết người của mình. Mớ lý thuyết sõng sượt, salon. Rẻ tiền. Những hiền triết nửa mùa tán gái nghe những tàn phai…

Sự phù phiếm đôi khi có chất men ngoa dụ, biến cải một vấn đề giản dị thành ra phức tạp, ngụy biện. Trượt theo đó, kẻ giả hành cũng không hiểu mình đang bị lạc đến đâu? Nhưng ngẫm kỹ, đôi khi nó cũng có đôi chút thú vị như tăng thêm màu sắc của đời sống. Nó cũng giống như đàn ông được cho là phái mạnh. Nhưng mạnh thế nào, ở đâu và quan niệm thế nào là mạnh thì mới là vấn đề. Có nhiều nghiên cứu gần đây lập luận đàn ông nên gọi là “phái yếu” thì mới phải vì họ thường gục ngã trước vẻ đẹp của đàn bà. Lại là câu chuyện của những con công sa bẫy!

Nhưng phần lớn sự phù phiếm của cuộc đời này đều bắt đầu như vỏ bọc của lớp nhan sắc. Nói cách khác, trước cái đẹp mọi thứ trở nên phù phiếm dù là đối tượng chính hay bầy công chiêm ngắm thờ phụng đối tượng. Phù phiếm như những áng thơ ca ngợi sự nô lệ của cái đẹp. Nó không phải cực hình hay nhục hình mà chính là sự tình nguyện như con thiêu thân lao vào ánh lửa. Biết mình chết và sẽ chết như một bó đuốc cháy rực nhưng đầy đắc ý và mãn nguyện. -“Ta đã có những khoảnh khắc đẹp nhất bên nàng. Để được phụng hiến hay chết vì người đẹp há chẳng là một cái chết có ý nghĩa nhất của cuộc đời này sao?”. Ôi, nghe sao phù phiếm thay…

Nhưng bạn hãy thử thay đổi xem. Theo tôi, bạn sẽ khó làm được gì! Biết đâu, suy nghĩ đó cũng đang bắt đầu một nhánh của phù phiếm. Hãy sống chung với nó như một thẩm mỹ khác của cái đẹp. Nó giống như một nhà thơ đã định nghĩa “Hoa hồng là hoa hồng là hoa hồng là hoa hồng…”        

Previous Post
Next Post