Tư tưởng địa vị, đẳng cấp

Từ trước tới nay, nguồn gốc xuất thân vẫn là một yếu tố quan trọng, thậm chí trong nhiều trường hợp là quyết định đối với việc xác lập địa vị xã hội của các cá nhân. Tình trạng đó biểu hiện ở câu nói "Con vua thì lại làm vua...". Xã hội chẳng cần xem xét, đánh giá năng lực phẩm chất của các cá nhân mà như một lẽ đương nhiên, con của vua thì được gọi là hoàng tử, công chúa, con quan thì được gọi là công tử, tiểu thư, còn con của dân đen thì...có rất ít cơ hội để chuyển mình từ "tầng lớp" nông dân lên "tầng lớp" quan lại.

Sự phân tầng xã hội vì thế như là sự phân chia thành những đẳng cấp rõ ràng. Xã hội căn cứ vào địa vị xã hội, gia sản... để gán cho các cá nhân phận sang, phận hèn. Những đặc quyền, đặc lợi đi kèm với địa vị chính là cơ sở cho tư tưởng địa vị, đẳng cấp. Bởi vậy mới có câu "Một người làm quan, cả họ được nhờ" và do đó "vinh thân, phì gia" như là động cơ để các cá nhân phấn đấu chiếm giữ địa vị cao trong xã hội. ...

Ngày nay, cũng có nhiều người bằng sự cố gắng, phấn đấu, nỗ lực trau dồi kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, được thể hiện thông qua hiệu quả công việc và được xã hội chấp nhận. Uy tín của người đó được nâng lên và đồng thời họ đạt được địa vị xã hội cao hơn. Nhưng nguồn gốc xuất thân vẫn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quá trình nỗ lực của cá nhân để có thể chiếm giữ những địa vị xã hội cao.

Trong điều kiện hiện nay, cơ chế quản lý mới còn chưa hoàn thiện, hệ thống pháp luật cũng như bộ máy quản lý còn nhiều thiếu sót thì vẫn tồn tại những cơ hội để những người có tư tưởng cá nhân chủ nghĩa lợi dụng, làm giàu bất chính và tư tưởng địa vị cũng không thể mất đi, mà còn có xu hướng tăng lên. Thực tiễn cho thấy có một bộ phận công chức hành chính lấy việc giữ chức này, chức nọ làm mục đích của mình với động cơ danh phận rõ ràng. Họ tìm mọi cách "phấn đấu" với những tính toán, thủ đoạn tinh vi, tham vọng cá nhân, mong muốn thông qua chức vụ mà mình có có được để làm lợi cho bản thân, gia đình theo kiểu "vinh thân, phì gia".

Để đạt được địa vị mong muốn của mình, họ không chỉ tìm cách phô trương mình mà còn lo đút lót, hối lộ, tiêu tiền của công vì mưu đồ riêng, cốt để vừa lòng cấp trên, mong được chuyển đến địa vị cao hơn. Vì vậy mới có thực trạng các địa vị lãnh đạo, quản lý đã trở thành mục tiêu của sự hằn học, ganh đua, "đấu đá" của một số người và chính họ khi cần thiết cũng hạ đòn độc với nhau. "Thuật ngữ đấu thầu chức vụ" mới xuất hiện trong những năm gần đây nhưng đã sớm trở nên quen thuộc trong xã hội. Một nhóm người chiếm giữ địa vị xã hội cao đã và đang dùng nguyên tắc tập trung dân chủ một cách hình thức, làm áo khoác bên ngoài cho những thủ đoạn, những hành vi đối phó, triệt hạ lẫn nhau, hoặc "thoả hiệp" để cùng nhau "chia ghế" và "giữ ghế".

Những đặc quyền, đặc lợi đi kèm với địa vị xã hội cao thường có xu hướng được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nói cách khác, khi đã chiếm giữ được địa vị xã hội cao, cá nhân thường mong muốn các thế hệ sau mình cũng có được những thuận lợi từ địa vị đó mang lại. Bởi vậy, mới xuất hiện hiện tượng tiêu cực trong tuyển sinh, tuyển dụng. Rất nhiều sinh viên giỏi ra trường khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm việc làm trong khi đó, nhiều cá nhân không có năng lực, trình độ chuyên môn kém lại được tuyển dụng, "cất nhắc" vào những "vị trí" nhất định nhờ vào mối quan hệ thân quen, họ hàng, dòng tộc, gia đình. Những người đó luôn "yên tâm công tác" bởi khả năng bị đuổi việc, bị sụt giảm địa vị xã hội vì không đủ năng lực để hoàn thành vai trò là điều hiếm khi xảy ra.

Sự giàu có nhanh chóng do lợi dụng chức vụ quyền hạn đã thôi thúc con người bằng mọi cách, thậm chí là mọi giá chiếm cho được vị trí cao trong xã hội. Đây đang là cuộc đua tranh không mệt mỏi của một bộ phận cán bộ nhà nước hiện nay. Nó thực sự là thách thức to lớn đối với sự phát triển và là nguy cơ đối với sự tồn vong của đất nước.

Previous Post
Next Post