Học để thi, thi để làm gì?

Quá khập khiễng khi cứ đến mùa thi đại học người ta lại mang chuyện “trăm năm trước” ra để tán tụng, ý để làm gương cho thí sinh thời nay.

Chủ yếu là nêu gương hiếu học. Chuyện ấy bằng thừa. Hơn nửa triệu thanh niên đang “gồng mình vượt khó”, “thà hy sinh tất cả” cho kỳ thi này chưa đủ chứng minh lòng hiếu học ngày nay hơn hẳn hàng ngàn sĩ tử ngày xưa sao. (Nếu xem tỉ lệ 65-70% dân số học qua đại học ở các nước tiên tiến thì dân ta vẫn chửa là hiếu học lắm đâu!).

Khập khiễng đầu tiên là nhầm đầu vào với đầu ra. Các cụ xưa khi thi là thi đầu ra của một ngành duy nhất là “hành chính”, thấp nhất là cử nhân sẽ được cử ra làm quan nhỏ ở đâu đó! Thí sinh bây giờ là thi đầu vào, chót bảng là đạt điểm sàn để theo học một trong hàng trăm ngành học khác nhau chia làm bốn năm “khối” ! Một anh xuất phát - một anh về đích tất rất khác. Về đích làm quan cả họ được nhờ, vinh thân phì gia nên mới vinh quy-bảng vàng-bia đá! “Nứt mắt” sắp vào năm thứ nhất đã vinh quy, ăn khao hay “võng anh đi trước võng nàng theo sau” thì thật quá lố quá nguy! Biết một mà không biết hai! Nước mình vào đại học rồi đố có ai rớt, không tốt nghiệp, ra trường. Nên đầu vào cũng 99% là đầu ra, 5 năm đại học là chuyện nhỏ. Cứ sờ rùa tiến sĩ và vinh quy luôn cũng chả sai! Cả họ ồn ào tiệc tùng, du lịch, ăn khao mấy đứa đỗ vớt mấy trường “xã hội hóa”, liên kết dzỏm. Còn khi ra trường thì im lìm, âm thầm, luồn lọt… xin/tìm/kiếm việc làm lương bằng anh “lao động phổ thông”!

Đó là nói cái hình thức. Xin đi vào nội dung học. Các cụ học cái gì suốt mấy trăm năm, suốt cả một đời, để thi trong tất cả các kì thi cao thấp khác nhau? Đều cùng những thứ đó cả: “Tứ thư (Đại Học, Luận Ngữ, Mạnh Tử, Trung Dung), dần đến Ngũ kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu) rồi Bắc sử (sử Trung Quốc), Nam sử (sử nước ta) ngoài ra còn phải đọc Bách gia chư tử, Đường thi, Tống thi… Cách học là “tất thẩy phải học thuộc lòng, quên một chữ phải tìm thầy để hỏi”! Khổ cực là tất cả học bằng 2/3 ngoại ngữ, tức tiếng Hán mà các cụ chỉ biết đọc viết chứ không nói được! Cách thi là các kì đều cùng những nội dung ấy cộng với hàng trăm quy định, húy kị vô lý, vô nghĩa nhất. Không khập khiễng bao nhiêu. Nay ta học kiểu đọc - chép, đáp án mẫu, văn mẫu cũng nô lệ y thế chứ kém gì! Chớ nói sàm. Ngày nay nội dung học vô cùng phong phú, cập nhật liên tục ở tầm, mức toàn cầu chứ đâu “hũ nút” như thời các cụ. Có cụ kia sống đủ 13 triều vua Nguyễn, thi tới 21 lần (hai lần đỗ tú tài- Giờ có ai thi lấy 2 cái bằng PTTH để làm anh tú kép không nhỉ?).

Cả một đời người, cả một thời đại sáo vẹt: Học và thi những thứ hủ lậu, bất biến mà không biết chán! Giữa cái thời Nguyễn ấy trí thức thời Minh Trị Nhật đã học tất tật mọi tư tưởng, khoa học, công nghệ của toàn thế giới để mà đưa nước nhà thành cường quốc Á Đông. “Nghĩ mà tủi mà nhục” cho kẻ sĩ nước nhà là tâm tư của biết bao trí thức ta đầu thế kỷ 20. Kì thi hương năm 1918 lần đầu tiên ứng dụng “công nghệ cao” là có dán ảnh vào lý lịch sĩ tử cũng là kì thi kết liễu hệ thống GDĐT lạc hậu, cản trở phát triển đất nước. Thức giả và thanh niên “trăm năm cũ” đã hân hoan chào đón cuộc “cách mạng giáo dục” vĩ đại nhất trong lịch sử này! Họ cũng ngờ rằng: Cái học nô dịch, tôn sùng, thần phục phương Bắc lâu dài, toàn diện, triệt để ấy không chỉ kìm hãm trí thức, làm trì trệ hành chính, kinh tế mà còn tạo tâm lý sợ sệt, bắt chước phương Bắc đến ăn vào tiềm thức dân chúng, di hại mãi về sau, không dễ bề tẩy rửa.

Chuyện nực cười là các cụ đều than rằng không màng công danh. Không màng sao thi hoài vậy! Bà mẹ 97 nhủ con 82 đi thi để “giữ thể diện gia đình”. Cả làng nhủ cụ đi thi để “làng còn mở mày mở mặt”. Bản thân cụ nói mình đi thi để “báo hiếu” . Chỉ thế thôi! Học để thi, để không làm gì sất!

Hôm nay ngẫm cái sự hư danh vô bổ ấy vừa xót xa vừa chột dạ bởi tâm lý noi theo, tán dương cái học hủ lậu - thi giáo điều - hành vô dụng kia chưa đứt rễ mà còn đang tái phát trầm trọng nơi học-thi-hành nghề của con cháu ta.

Đáng lo thay, đáng buồn thay!

Các vị media khi tác nghiệp có lấy chuyện xưa nói nay xin hãy cảnh giác, suy xét trước sau, đừng “đi ngược dòng lịch sử”. Lợi một hại mười hai!

Previous Post
Next Post