Những câu chuyện về sự lầm lạc của loài người

Có một định nghĩa ở đâu đó, con người là một loài động vật có hệ thần kinh, có bộ não phát triển nhất. Vì thế con người rất thông minh so với những loài vật khác. Nhưng trong sự thông minh đó, con người có biệt tài rất lạ - Tự lấy dây trói mình.

Câu chuyện thứ nhất
Mua Dây Trói Mình

Bạn hãy thử xem.

Hãy lấy một cái lồng được sơn son thếp vàng thật đẹp đem ra đặt ở ngoài vườn - nơi có nhiều loài chim xinh đẹp.

Bạn hãy đợi xem có chú chim nào vào và chờ bạn đóng cửa lồng lại không?

Loài chim không làm thế nhưng loài người thường làm thế.

Bạn thấy có lạ không?

Có lẽ ai trong chúng ta đều phải trải qua thời thơ bé. Khi đó, những người cha, người mẹ sợ ta đi ra khỏi nhà nguy hiểm nên họ làm những cửa, những rào để ngăn ta lại. Lớn lên một chút, họ thả ta ra từ từ. Ban đầu, ta chỉ đi ra ngoài, đến trường dưới sự chăn giữ của cha mẹ. Tiến thêm một bước, ta tự do hơn, rồi được đi xa hơn. Khi lớn, ta gần như là người tự do, làm việc trong xã hội. Lớn thêm một chút, ta cất một cái nhà và tự nhốt vào trong. Thấy vẫn chưa an tâm, ta xây thêm tường cao cửa rộng tự nhốt, tự thu hẹp với thế giới bên ngoài. Và khi đó, ta cho rằng: “Ta giàu có”. Nhưng rồi tình bạn bè, hàng xóm láng giềng cũng mất đi cùng với sự xa hoa, ích kỷ lớn lên.

Những đứa bé lại ra đời, những sợi dây cứ buộc lại, mở ra và trói chặt lại.

Câu chuyện thứ hai
Một sự lầm lạc khác cũng không kém phần kỳ lạ
Ta Làm Nô Lệ Cho Chính Ta

Những năm khó khăn, cả gia đình ông bà con cháu sống chung với nhau trong một mái nhà nền đất. Dẫu không dư ăn, dư để nhưng cũng đủ ăn, đủ mặc.

Rồi năm tháng trôi qua, ta lớn lên, dấn thân vào xã hội kiếm được khá nhiều tiền. Ta trở thành một nô lệ thuần thành của đồng tiền.

Nhìn ngôi nhà ông bà như cái ổ chuột đã buông lời dèm pha, trách móc. Ta quyết tâm xây dựng một tòa nhà cao đẹp, có hàng rào, có cây cảnh xanh tốt. Lao tâm, khổ trí kiếm tiền.
Thậm chí bất chấp việc không đồng ý của ông bà, ta dẹp bỏ nhà cũ nền đất thay bằng tòa nhà có lối kiến trúc bên Tây. Ông bà buồn giận, bệnh tật rồi qua đời.

Mẹ ngày xưa 2, 3 ngày mới phải quét dọn nhà, giờ thì ngày 4, 5 lần lau dọn vẫn không vừa ý con. Ngày trước, nhà cũ nền đất, ba còn có thời gian hàn huyên uống trà cùng hàng xóm, giờ thì ngày 2, 3 bận chăm sóc tưới cây.

Đôi khi, ba mẹ ngồi trò chuyện cùng nhau “Giá như ngày trước, mình cũng ngăn không cho con cất nhà mới thì giờ đâu có cực nhọc đến vậy. Bỏ mặc thì con cái nặng nhẹ, mướn người ở lau dọn, chăm sóc vườn tược thì tốn kém và phải trông chừng dòm trước ngó sau. Thời buổi này, đâu dễ tin ai?”.

Đúng là tự mua dây trói mình.

Câu chuyện thứ ba
Lối Sống Sai Lầm

Ngày xưa, con người rất quý trọng việc học. Việc đọc sách là một thú vui bổ ích. Không ít người quý trọng, xem sách như là sinh mạng của mình. Việc đọc sách giúp họ nuôi dưỡng nội tâm, tâm hồn lành mạnh. Những quyển sách, những bộ truyện cổ chứa đựng những bài học, những phương pháp tu dưỡng đạo đức mang đầy tính nhân văn.

Vì thế ông cha ta ngày xưa dẫu không có điều kiện học cao nhưng họ có đầy đủ đức tính quý báu của con người hữu ích. Họ sống theo Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín. Họ có đời sống nội tâm rất sâu sắc. Họ sống rất chân thật, hài hòa, thương yêu, san sẻ giúp đỡ lẫn nhau nhiệt thành trong lúc khó khăn.

Có một sự thật về con người thời nay - Phần lớn con người đã chuyển sang sống tham lam, ích kỷ, chỉ biết có bản thân và ngày càng tệ hại hơn,... Đời sống nội tâm thì nghèo nàn, cạn cợt,...

Lý do tại vì đâu?

Ngày nay thói quen đọc sách đã bị quên lãng. Loài người đã không còn chú trọng đến việc nuôi dưỡng tâm hồn.

Hàng ngày, người ta đọc những tờ báo lá cải, những quyển sách mì ăn liền,... Xem xong chẳng có gì đáng để giữ lại.

Một số khác thích xem những tờ báo phanh phui về đời tư của người khác, những xì - căng - đan để làm đề tài bình phẩm những lúc nhàn đàm.

Họ nghĩ rằng như thế là có hiểu biết. Thật nhạt nhẽo, vô bổ!

Một số khác xem giá vàng, đô la, tỉ giá cổ phiếu để rồi buồn lo sầu khổ.

Phương tiện truyền thông phát triển. Thế là vợ chồng con cái quay quầng xem những bộ phim tình cảm uỷ mị để rồi nước mắt hoen mi. Họ cho rằng họ là người có những trái tim yêu thương biết đồng cảm với khổ đau của người khác trong những bộ phim dài tập.

Nhưng khi nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh ở trước mắt, họ ngoảnh mặt quay đi và bảo nhau rằng “Coi chừng bị lừa gạt!”.

Thật là hết chỗ để khen chê!

Người lớn đã thế, trẻ em nào đâu chịu kém. Chúng chúi mũi vào những trò chơi bạo lực rồi tiêm nhiễm, rồi làm một gian hùng, một tay anh chị bắt nạt bạn bè, dối mẹ gạt cha, dễ dàng tiếp cận những bộ phim ngoài luồng. Vậy là sống thử.
Biết trách ai đây?

Một lối sống có quá nhiều sai lầm. Tôi chỉ phác họa đôi nét, những sai lầm còn lại bạn thử tìm xem. Một lời khuyên gửi đến mọi người:

Hãy quay về thói quen xem sách lành mạnh! Hãy nuôi dưỡng lại nội tâm, tâm hồn mình trước khi chúng mục nát, hư rỗng. Nếu điều đó xảy ra thì tình yêu thương trong bạn sẽ chết. Gia đình sẽ chỉ còn là những mảnh vá vụng về chứa đầy những khổ đau.
Câu chuyện thứ tư
Câu Chuyện Về Loài Người Lầm Lạc

Khi trái đất mới xuất hiện loài người. Người ta sống bằng việc săn bắt và hái lượm. Họ bắt được con nai, con hươu, hái được trái cây, đào được củ rừng thì chia nhau ăn. Ban đầu, loài người tập hợp thành nhóm nhỏ, sống gần gũi nhau. Dần dần, họ tách nhau ra.
Nếu có người lạ xâm phạm khu vực cư trú thì họ cùng hò hét, đánh đuổi. Ít khi, họ phải khiến đồng loại thiệt mạng.

Dần dà, con người tinh khôn hơn làm được vũ khí để săn bắn thú rừng. Để bảo vệ nơi ở, họ có thể bắt giết những đồng loại vô tình đi lạc.

Cứ thế, vũ khí được chế tạo ngày một tốt hơn, độ sát thương nguy hiểm hơn. Những ranh giới được vạch ra rõ ràng, sự phân biệt ngày càng lớn hơn - Tôi thuộc chủng người này, còn bọn giống người kia là bọn mọi rợ xấu xa. Vũ khí được trang bị để săn bắn thú rừng và bảo vệ lãnh thổ.

Không dừng lại đó, loài người bắt đầu biết vượt ranh giới xâm phạm những vùng lãnh thổ khác cướp bóc, bắt người khác làm nô lệ. Kẻ nào ngang ngạnh giết chết không tha.

Để khiến những tên còn lại khiếp sợ thuần phục, con người dùng những cách thức giết người kinh khiếp, dã man nhất.

Ôi! Thật khó phân biệt ai là mọi rợ, là những kẻ giết người xấu xa.

Cứ thế ... cứ thế ... vũ khí ngày trước chỉ có thể giết được vài người. Càng ngày càng hiện đại tối tân hơn hủy diệt cả một thành phố lớn, một khu dân cư đông đúc chỉ bằng một cái nhấn nút.

Còn nữa, con người bây giờ có nhiều thủ đoạn giết người hơn - Họ có thể dùng tiền, dùng ma túy, dùng sữa, dùng đồ ăn, thức uống giết người hàng loạt; Họ còn tự đào một cái hố sâu ngay dưới chân mình. Rồi vênh vênh tự đắc “Ta phát triển, ta văn minh, ta tiến bộ”.
Ôi! Người đời lầm lạc!

Con người thường có thói quen chỉ nhìn thấy lỗi người chứ ít khi nhận ra lỗi mình.

Bạn thì sao?

Bạn có bao giờ tự hỏi “Mình có vướng những lầm lạc trên không?”.

Cũng như khi người ta đang sống ít khi họ nghĩ rằng “Rồi họ cũng phải chết, khi chết họ sẽ đi về đâu?”.

Họ vẽ ra những kế hoạch lâu dài mà không nhận ra mạng sống chỉ nằm trong hơi thở. Đến khi hơi thở dứt, họ không nghĩ mình đã chết, không kịp nhắm cả mắt lại.

Đã có rất nhiều người già chết mà vẫn không chịu buông bỏ, còn lo cho con cháu nên nỗi cứ quanh quẩn, xót xa, tiếc nuối. Chẳng được ích lợi gì mà còn hại mình sống kiếp đói rách, lang thang.

Previous Post
Next Post