Có ba hạng người tu hành giới, định, tuệ

Hỏi: Kính bạch Thầy! Có ba hạng người tu hành giới, định, tuệ:

1- Hạng người thứ nhất ưa thích bóng tối, sống trong bóng tối, tu tập trong bóng tối.

2- Hạng người thứ hai ưa thích ánh sáng, sống trong ánh sáng, tu tập trong ánh sáng.

3- Hạng người thứ ba tùy thuận bóng tối tự nhiên, tùy thuận theo ánh sáng tự nhiên. Sống trong bóng tối tự nhiên, sống trong ánh sáng tự nhiên. Tu tập theo bóng tối tự nhiên, tu tập theo ánh sáng tự nhiên.

Trong ba hạng người này, loại người nào tu đúng, sống đúng theo giáo lý của đức Phật và có thể tiến tới chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn?

Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được hiểu rõ và theo đó hành trì.

Đáp: Trong ba hạng người này:

1/ Hạng người thứ nhất ưa thích bóng tối, sống trong bóng tối, tu tập trong bóng tối. Đó là những hạng người làm việc mờ ám, gian lận, lừa đảo, lường gạt người khác, không xứng đáng là người tu sĩ Phật giáo.

Người ưa thích bóng tối, sống trong bóng tối, tu tập trong bóng tối là những người trộm cắp, cướp giựt, là những loài thú vật đi ăn đêm, là những người gian xảo lừa đảo, v.v..

Người tu sĩ đạo Phật không chấp nhận những điều này, phải ăn thật, nói thật, làm thật.

Vả lại tu hành là giải thoát cho mình chứ đâu phải giải thoát cho ai, tu hành đâu có cầu danh, cầu lợi, cầu khen ngợi, ca tụng v.v.. mà chỉ vì sự sống chết bệnh khổ và tái sanh luân hồi.

Tại sao chúng ta đã bỏ cuộc đời đi tu mà lại tu giả, tu dối, tu không thật?

Tại sao chúng ta đã bỏ cuộc đời đi tu mà còn ham vui thích nói chuyện, nói chuyện có ích lợi gì? Vừa làm cho mình tu không được mà cũng vừa làm hại người khác chẳng an tu hành.

Tại sao chúng đã bỏ cuộc đời đi tu, không tu đúng lời dạy của Thầy, nỡ tâm phá hạnh độc cư của mình bằng mọi cách, để rồi cuộc đời tu hành của mình chẳng ra gì? Đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, lại hằng ngày thọ dụng của đàn na thí chủ mà chẳng biết xấu hổ.

Những người tu hành trong bóng tối là những người lười biếng, dụng bóng tối để thỏa thích lòng tham ngủ, còn tham ăn, tham ngủ là người còn mang bản năng thú vật, sống chỉ biết tranh đấu cho cái ăn, cái ngủ thì không còn nghĩa lý gì cho cuộc sống, nhất là cuộc sống của người tu sĩ Phật giáo.

Đừng luận rằng đức Phật ngày xưa đâu có dầu đèn thắp, nên bây giờ mình tập sống trong bóng tối. Luận như vậy là sai, xưa đức Phật, đến chỗ nào sống không đèn đuốc thì vẫn sống tu không đèn đuốc như bình thường, nhưng đến nơi có đèn đuốc thì đức Phật cũng sống tu trong ánh sáng đèn đuốc, chứ không có đèn đuốc đòi cho có đèn đuốc hoặc có đèn đuốc lại tắt tối thui để tránh sự dòm ngó của người khác trong khi mình lén ngủ.

Trong tu viện sự tu tập có thời khóa rõ ràng, giờ tu, giờ nghỉ, người sử dụng bóng tối tu tập là có gian ý lười biếng để đánh lừa người khác.

2/ Hạng người thứ hai ưa thích ánh sáng, sống trong ánh sáng, tu tập trong ánh sáng. Đó là những người dùng ánh sáng làm bình phong che mắt mọi người, dùng ánh sáng để chứng tỏ mình là người tốt, người siêng năng tu tập, người làm thiện chứ thật ra cũng là cách thức lừa đảo lường gạt người khác. Đối với người tu sĩ đạo Phật còn một chút xíu tâm lừa đảo, gian lận thì tâm niệm đó còn mang đầy ác pháp, làm sao tu hành cầu giải thoát được. Phật dạy: “Các pháp ác chớ làm, nên làm các pháp thiện”. Tâm còn gian xảo dùng ánh sáng để che đậy sự xấu, sự lười biếng, để lường gạt kẻ khác.

Ví dụ: Một nhà giàu có muốn làm giàu hơn trong sự bất chánh họ dùng mánh khóe từ thiện để qua mắt Nhà nước và mọi người. Một ông thầy thuốc Nam bốc thuốc từ thiện, nhưng lại muốn làm tiền bằng cách khôn khéo lợi dụng lòng tin Phật của bệnh nhân nên đặt một tượng Bồ Tát Quan Thế Âm và một thùng phước sương trong phòng mạch. Nhờ đó ông thầy lang tuy không nhận tiền thuốc mà vẫn làm giàu còn được tiếng làm phước thiện. Thường trong các chùa trước điện Phật, đặt một cái tủ nhỏ, gọi là thùng phước sương, thùng phước sương là một hình thức lừa đảo tín đồ mê tín, đó cũng là một nguồn lợi đáng kể trong nhà chùa. Đó là lấy ánh sáng che mắt thiên hạ để lừa đảo dễ dàng. Người tu hành gian xảo dùng ánh sáng che mắt mọi người, cứ cho đèn cháy sáng rồi mặc tình mà ngủ. Họ đâu biết rằng tu hành là tu cho họ chứ đâu phải tu cho người khác, thế mà họ cũng lừa đảo người khác. Người tu theo đạo Phật tu như vậy để làm gì? Có ích lợi gì? Nên trở về sống đời sống cư sĩ với đạo đức nhân bản - nhân quả làm người còn tốt hơn.

Những năm tháng trong tu viện chúng tôi đã chứng kiến mọi sự lừa đảo của tu sĩ giả dối, người dùng bóng tối ngủ thẳng chân, kẻ dùng ánh sáng ngáy khò khò. Những điều này đã khiến cho chúng tôi rất thương tâm cho những người còn tham đắm, si mê trong ăn ngủ mà muốn tu theo đạo Phật thì làm sao được.

3/ Hạng người thứ ba tùy thuận bóng tối tự nhiên, tùy thuận ánh sáng tự nhiên, sống trong bóng tối tự nhiên, sống trong ánh sáng tự nhiên, tu tập theo bóng tối tự nhiên, tu tập theo ánh sáng tự nhiên. Đây là những hạng người biết sống đúng nghĩa bóng tối và ánh sáng, biết tùy thuận đúng nghĩa bóng tối và ánh sáng, biết tu tập đúng nghĩa bóng tối và ánh sáng.

Tùy thuận bóng tối tự nhiên như thế nào?

Khi bóng đêm đến, trời tối chúng ta nên sống trong tự nhiên với bóng đêm mà không đòi hỏi phải có đèn đuốc ánh sáng. Nếu chúng ta đòi hỏi hoặc chuẩn bị đèn đuốc hoặc đèn sáp, đèn cầy, đó là sự không tùy thuận trong bóng đêm, khiến cho tâm bất an phải lo lắng, nên tâm hồn không được thanh thản, an lạc và vô sự.

 Tâm hồn không được thanh thản, an lạc và vô sự đó là chướng ngại pháp trong tâm, chướng ngại pháp trong tâm tức là ác pháp, nếu tâm gặp ác pháp phải mau mau quán xét đẩy lui hoặc diệt cho thật sạch và luôn lúc nào cũng giữ gìn tâm bất động trước các chướng ngại pháp, đó mới chính biết tùy thuận bóng tối tự nhiên.

Thời nay người tu hành chẳng biết tùy thuận bóng tối tự nhiên nên chẳng làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.

Sống, tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên như thế nào?

Trong khi chúng ta sống trong ánh sáng ban ngày mà ước muốn có ánh sáng trăng ban đêm, cũng như chúng ta đang sống trong ánh sáng đèn dầu mà đòi hỏi phải có ánh sáng đèn điện, v.v.. Những sự ước muốn này là sống không tùy thuận, không bằng lòng, không tu tập ánh sáng tự nhiên.

Ví dụ: chúng ta đang ngồi dưới ánh sáng đèn điện bỗng nhiên bị cúp điện, tất cả mọi vật đều trở thành bóng đen, do đó tâm ta rất khó chịu, phải đi tìm đèn đuốc thắp lên, đó là sự sống không tùy thuận, không bằng lòng, không tu tập ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng có như thế nào thì chúng ta sống tùy thuận, sống tu tập theo ánh sáng đó đã có, ánh sáng không có thì chúng ta sống tùy thuận và tu tập theo ánh sáng không có. Người biết tùy thuận sống và tu tập như vậy là người biết ngăn ác diệt ác pháp, còn ngược lại sống không biết tùy thuận và tu tập như vậy thì dù có nói ngăn ác diệt ác pháp một triệu lần thì cũng chỉ là lời nói suông mà thôi chẳng có ích lợi gì cho mình cho người và tu hành như vậy chỉ hoài công vô ích, uổng một cuộc đời bỏ công tu tập.

Sống, tùy thuận và tu tập theo bóng tối tự nhiên như thế nào?

Sống, tùy thuận và tu tập theo bóng tối tự nhiên là sống theo bóng tối như thế nào thì chúng ta sống theo bóng tối như thế nấy, không than trách, không phiền toái là hôm nay trời tối quá hoặc trời sáng quá. Tối hay sáng không có nghĩa làm bận tâm cho người tu sĩ. Người tu sĩ sống theo bóng tối tự nhiên là luôn luôn giữ gìn tâm, cảnh giác tâm trong mọi thời gian để phòng hộ bảo vệ tâm lúc nào tâm cũng thanh thản, an lạc và vô sự thì đó là sống theo bóng tối tự nhiên.

Sống, tùy thuận và tu tập theo bóng tối tự nhiên là người biết ngăn ác diệt ác pháp không cho tâm bị chướng ngại pháp vì thế bóng tối như thế nào họ sống như thế nấy, sống một cách an vui nhẹ nhàng thanh thản an lạc của một tâm hồn vô sự.

Sống, tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên như thế nào?

Sống, tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên tức là không lưu ý đến thời gian và không gian, có nghĩa là không để ý đến trời sáng, chiều, tối, khuya luôn luôn ôm pháp tu tập không để kẽ hở khoảng trống nào cả, lúc nào cũng phòng hộ sáu căn, luôn giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Sống, tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên là sống dưới mọi ánh sáng như: tối không ánh, sáng, sáng mờ mờ, sáng tỏ, sáng trắng, sáng nhạt, v.v.. đều tự nhiên sống dưới ánh sáng đó, không bất toại nguyện, không than thở, không buồn phiền, không trách cứ, không lo ngại tâm luôn thanh thản, an lạc và vô sự trước mọi thứ ánh sáng.

Sống, tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên tức là sống không làm khổ mình, khổ người, sống không dối trá, lừa đảo, lường gạt người khác, trước mặt cũng như sau lưng không bao giờ nói xấu, nói lén ai cả.

Sống, tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên tức là sống không giết hại sanh linh, sống không làm khổ chúng sanh, sống không ăn thịt chúng sanh, sống với tâm từ bi thương yêu muôn loài vạn vật, thậm chí đến ngàn cây nội cỏ tâm hồn vẫn luôn biết thương yêu như con của mình.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post