Viết lại cổ tích, tại sao không?

Đừng nghĩ rằng nếu biên soạn lại truyện cổ tích sẽ làm "mất thiêng" ý nghĩa xa xưa vì khi nghĩ thế, chúng ta đang cố ru cho mình tin rằng di sản quá khứ là bất biến, là không cần thay đổi. Vả chăng, nếu đi thêm vài bước nghĩ nữa thì tại sao không tự hỏi cái mà ta sửa hôm nay, vài mươi năm sau chắc hẳn là đương nhiên cổ tích thật rồi?

Dư luận mấy tuần gần đây nóng nhiều nhất không phải là chuyện cơm áo gạo tiền mà là tranh luận xung quanh truyện cổ tích Cô Tấm 'thảo hiền'! Dù đúng sai thế nào chưa rõ, nhưng chắc chắn có một điều đáng mừng, nó chứng tỏ người Việt vẫn còn thiết tha, trăn trở vì văn hóa nước nhà nhiều lắm lắm, chứ chưa đến nỗi vô cảm, thờ ơ hay có xu hướng tiền tệ hóa văn hóa, các giá trị tinh thần khác như bấy lâu chúng ta vẫn âu lo.

Dã man... chẳng kém nhau

Hơn nữa, sự quan tâm của dư luận còn khẳng minh rằng, thực ra Cô Tấm chỉ là một biểu hiện rõ của sự trăn trở nhằm tìm kiếm một cách nghĩ khác, một lời giải mới cho mục tiêu chấn hưng dân khí, làm mạnh mẽ dân trí hiện nay...

Đoạn kết truyện Cô Tấm (bản phổ biến) trước kia là Tấm trả thù bằng cách chặt Cám- cô em ra làm mắm rồi gửi cho "mẹ ghẻ". Còn theo SGK (bản mới, đang soạn) thì Tấm đào hố, lừa Cám xuống và dội nước sôi(!) Có lẽ không cần suy ngẫm nhiều cũng thấy ngay rằng cả hai đoạn kết trên đều mang tính... dã man chẳng kém nhau nhiều lắm!

Đó là chưa nói cái kết sau còn tệ hơn ở cái điểm lừa đảo mà bất cứ sự thảo hiền nào cũng không thể dung nạp. So với dội nước sôi sau khi đào hố thì cái kết cho Cám bị sét đánh hay bị đày ra đảo xa tất nhiên là hay hơn nhiều.

Rõ ràng, trừng phạt nghiêm khắc (dẫu tàn nhẫn) vẫn tốt hơn là nghiêm khắc, tàn nhẫn tương tự nhưng lại thiếu thuyết phục vì cái sự dối gian mà nghĩ suy của một tâm hồn trong trắng chẳng bao giờ nên biết chứ đừng nói là nên làm.

Như vậy, nếu sửa cổ tích mà chẳng làm cho cổ tích hay hơn, tốt hơn, nhân văn hơn thì sửa để làm gì?

Mặt khác, cũng cần phải thống nhất với nhau rằng nếu truyện cổ tích không có tính giáo dục cao thì rất cần phải sửa!

Nguyên tắc đầu tiên của truyện cổ tích là nó được kể từ đời này sang đời khác (tính truyền miệng, tính chất tạo dựng rất nhiều dị bản và nhiều giải thích thậm chí rất xa nhau). Trong quá trình của hàng trăm năm đó, mỗi thế hệ lại thay đổi, thêm bớt theo ý chủ quan của chính người kể, hoàn cảnh kể truyện cũng như cả tác động khách quan của thời đại mà người ấy sống.

Nhiều huyền thoại khác cũng nên có sự điều chỉnh?

Từ cái đặc thù của truyện kể cổ tích này, việc thời nay chúng ta xem xét, đánh giá lại truyện cổ tích là điều chẳng có gì phải tốn quá nhiều giấy mực. Vấn đề còn lại là nên sửa như thế nào thôi.

Đừng nghĩ rằng nếu biên soạn lại truyện cổ tích sẽ làm "mất thiêng" ý nghĩa xa xưa vì khi nghĩ thế, chúng ta đang cố ru cho mình tin rằng di sản quá khứ là bất biến, là không cần thay đổi. Vả chăng, nếu đi thêm vài bước nghĩ nữa thì tại sao không tự hỏi cái mà ta sửa hôm nay, vài mươi năm sau chắc hẳn là đương nhiên cổ tích thật rồi?

Cổ tích, dân ca, ca dao là những tài sản tinh thần quý giá, có ảnh hưởng quyết định đến quá trình hình thành nhân cách tuổi thơ mà bậc làm cha làm mẹ nào cũng biết. Không thể tiếp tục để cho các thế hệ hôm nay và mai này khoái trá từ vô thức, hằn sâu nếp nghĩ về sự bàng quan trước cái dã man, lọc lừa mà cổ tích cứ "vô tình" mang đến - nói nặng hơn, gieo rắc những điều khó chấp nhận...

Một điều nữa cũng cần bàn là không chỉ truyện Cô Tấm mà rất nhiều truyền thuyết, huyền thoại khác cũng nên cần có sự điều chỉnh, chẳng hạn cái "đề thi" quái đản trong Sơn Tinh - Thủy Tinh. Chưa thi đã biết Thủy tinh không thể có voi chín ngà, gà chín cựa nên thua cuộc là cái chắc (chứ chẳng cần lý giải chuyện đến sớm hay muộn - một cách ngụy biện của những người kể khác).

Hoặc trong loạt truyện kể về Trạng Quỳnh có đầy rẫy tính cơ hội, hành hạ động vật (bắt mèo ăn rau thực ra là sự tàn nhẫn không thể tha thứ). Nếu Trạng - tiến sĩ lừng danh mà quanh đi quẩn lại chỉ lươn lẹo, khôn vặt, lỏi ranh thì ta dạy gì cho trẻ nhỏ đây? Chẳng lẽ chúng ta muốn cho thế hệ tương lai hiểu rằng thông minh, tài năng bao giờ cũng đồng nghĩa với lừa đảo?...

Cổ tích, dân ca, ca dao là những tài sản tinh thần quý giá, có ảnh hưởng quyết định đến quá trình hình thành nhân cách tuổi thơ mà bậc làm cha làm mẹ nào cũng biết. Không thể tiếp tục để cho các thế hệ hôm nay và mai này khoái trá từ vô thức, hằn sâu nếp nghĩ về sự bàng quan trước cái dã man, lọc lừa mà cổ tích cứ "vô tình" mang đến - nói nặng hơn, gieo rắc những điều khó chấp nhận...

Theo Tuần Việt Nam
Xem thêm: Khi dối trá được đảm bảo bằng… vàng
Previous Post
Next Post