Tự xét mình, ngẫm thấy...

Lâu rồi, tôi có quen một phóng viên nước ngoài. Tình cờ trong quán cà phê phố cổ, sau thành bạn thân. Làm nghề viết báo, nay dọc mai quên, anh lại mê triết học. Một cây bút có tài, động vào cái gì cũng sắc sảo. Mấy năm học ngôn ngữ, “ăn mòn bát” Việt Nam, tiếng Việt làu làu. Anh là một người có điều kiện nghiên cứu Nho giáo, Lão giáo, Khổng giáo, rồi cả Phật giáo. Nhìn mọi sự ở đời, anh thường truy nguyên nguồn gốc rồi triết lý. Rất hay nhắc câu nói của triết gia cổ Hy Lạp Socrates: “Phải tự xét mình, vì sống mà không suy xét không đáng gọi là sống”.

Lúc rỗi rãi, tôi và anh thường tìm đến một ngôi chùa khuất nẻo, vắng vẻ. Lần ấy lại vào Văn Miếu, khi chiều tắt nắng, vắng người. Ngồi sau gốc đa khuất xa lầu Khuê Văn Các, tôi hỏi, sao anh hay nhắc tới Socrates, người chưa tự tay viết một câu chữ nào để lại hậu thế? Đúng là ông không viết chữ nào, anh nói, nhưng cũng như đức Phật, đức Khổng Tử ở phương Đông, Socrates là triết gia gây ảnh hưởng đậm nhất lên lịch sử tư tưởng phương Tây. Câu châm ngôn nổi tiếng mà ông theo đuổi suốt đời là: “Hãy biết chính mình!”. Thay vì bàn chuyện vũ trụ xa vời, ông chỉ quan tâm đến thế sự. Ông tin, ai ai cũng biết lẽ phải, sẵn sàng làm theo lẽ phải, nếu được thức tỉnh.

Những đứa trẻ đứng giữa “ngã ba”

Rồi anh nhắc lời Phật dạy “Trong con đã có sẵn cái mà con đang tìm”. Còn nhà hiền triết thì bảo “Kẻ tự thắng chính mình thì có sức mạnh”. Hỏi thực, anh có hiểu vì sao Nho giáo và Lão giáo đều dạy người ta phải “thắng người” là làm sao? Loay hoay suốt cả đời chỉ lo hơn người là lẽ sống ư? Nho giáo lại khuyên người ta đua tranh nơi quan trường. Lão giáo thì dạy không thể chấp nhận ai hơn mình. Phật giáo không hướng con người hòa vào cộng đồng. Ai cũng chỉ lo tu riêng cái đức của mình. Vậy thì lý tưởng tu thân là để có một xã hội ai biết người nấy sao?

Ở nước tôi, anh chậm rãi, có lẽ ở nước anh cũng thế. Trẻ em từ khi lọt lòng, đa phần mọi sự sau đó đã được người lớn sắp đặt xong rồi. Gia đình, nhà trường, xã hội “bao” mọi chuyện ăn mặc, học hành. “Bao” luôn cả suy nghĩ của chúng. Khi vấp phải mọi vấn đề trong cuộc sống, chúng rất ít phải động não tìm cách giải quyết. Chỉ cần dựa theo sự sắp đặt sẵn có của người lớn mà ứng xử, thế là xong. Từ tiểu học đến đại học, cái gọi là đạo lý dường như coi nhẹ, học sinh học vẹt nhiều thứ.

Nhìn vào mắt tôi, anh trầm ngâm, tôi chính là một sản phẩm “sống” của nền giáo dục ấy. Không có nhân sinh quan đúng đắn, càng học càng mơ hồ. Một số học sinh được phép tranh luận cũng thú nhận: “Chúng em học giỏi là để vào đại học. Có bằng đại học thì mới làm cán bộ, để kiếm việc, kiếm tiền”. Văn hóa Nho giáo có mặt tích cực là nhấn mạnh ý thức tập thể, xong lại xóa bỏ ý thức chủ thể của cá nhân. Đạo trung dung mà Nho giáo đề xướng là nguyên tắc cơ bản, là tiêu chuẩn đạo đức được ra sức đề cao. Ảnh hưởng rõ nhất của tư tưởng này là thầy giáo chỉ thích học sinh ngoan ngoãn vâng lời, không ưa chúng nói năng hoặc có suy nghĩ ngoài “khuôn phép”. Vậy theo anh, tôi cắt ngang, phải bắt đầu từ đâu? Không nghĩ ngợi, anh đáp, nếu quả thật chúng ta đã mệt mỏi cái cung cách dạy dỗ ấy, thì phải bắt đầu từ trẻ em. Để cho mỗi đứa bé được là “công dân” ngay trong nhà chứ không chỉ là phận “con cái”. Trẻ phải hiểu các quy tắc sống ngay trong gia đình, biết sống quy củ, trách nhiệm và tự chủ ngay với ông bà, cha mẹ. Để mỗi đứa trẻ cắp sách đến trường được là “công dân” thực sự, chứ không chỉ để uốn như cây cảnh. Không dám và không được tự khẳng định mình. Để mỗi ngày trẻ đi học, thực sự là một ngày vui háo hức. Tôi hỏi anh, trường học có phải là nơi tốt nhất không? Con người vốn là một sinh linh bao gồm tâm-sinh-lý. Ba cái này không ăn khớp với nhau tất sẽ sinh chuyện.

Con người luân lý, xã hội luân lý

Cúi xuống nhặt chiếc lá vàng vừa rụng, anh thong thả, Mạnh Tử dạy “Gốc của thiên hạ là đất nước. Gốc của đất nước là gia đình. Gốc của gia đình là bản thân”. Có con người luân lý mới có gia đình luân lý và có xã hội luân lý. Hiện thời, cái xấu, cái ác khiến cho tôi, anh và chúng ta mất niềm tin. Nhưng đành phải chấp nhận như một quy luật. Cái ác thường làm rúng động xã hội, khiến ta kinh hoàng bởi những kẻ gây ác có bộ mặt trẻ măng. Con người sinh ra đâu phải để trở thành tội phạm? Nhiều người thở dài ngao ngán: xã hội xuống cấp ghê quá, đạo đức làm người và chất nhân văn trong giới trẻ đang chết dần. Phán xét như thế có quá lời không?

Khoảng lặng rất lâu giữa hai chúng tôi. Phá tan sự im lặng, tôi nói tội ác thì xã hội nào chả có. Thông tin phủ sóng và nối mạng quá nhanh, người ta nghe nhiều quá, thấy nhiều quá, mà lại không đủ thời gian, đủ tỉnh táo lý giải cái nghe nhìn được. Cái ác thường giật gân, kích động tò mò. Trong khi cái thiện thì vẫn âm thầm lặng lẽ tồn tại. Cứ đổ tại hoàn cảnh xã hội, tại game bạo lực. Song, rốt cuộc đâu là trách nhiệm làm người của từng gia đình, từng cá nhân? Đừng trút tội oan cho xã hội. Bạn tôi dẫn trong sách cổ học Trung Hoa: “Nhất cần thiên hạ vô nan sự. Bách nhẫn gia chung hữu thái hòa” – “ Một sự cần cù cả xã hội vô sự. Trăm sự nhẫn nhịn gia đình hòa thuận”. Anh kể đã có dịp vào nhiều nhà ở Hà Nội thấy họ rất thích treo chữ “Tâm”, chữ “Nhẫn”. Triết tự tượng hình chữ Nhẫn là lưỡi mác đâm vào tâm – tim. Một gia đình không nhẫn nhịn, hòa thuận, xã hội sẽ mất đi sự nhường nhịn, bao dung, tha thứ. Trong nhà, trẻ phải được dạy biết chừng mực, biết chia sẻ. Con trẻ phải được hít thở không khí gia đình không bị “ô nhiễm”. Ông bà, cha mẹ vun đắp cho con cháu kỹ năng nhận biết cái ác, cái xấu, giúp chúng bình tĩnh xử lý những tình huống khó xử. Có chuẩn mực sống, con người sẽ bớt ác. Ngoài đường người lớn hung hăng, bạo lực, ấy là xúi trẻ làm ác nhanh nhất. Xã hội mất đi tính nhân văn thì hành vi bạo lực bị dồn nèn dễ bùng phát mạnh mẽ hơn, liều lĩnh hơn và thú tính hơn. Không nguyên cớ gì sao ra đường lại thủ sẵn dao trong người? Va chạm nhỏ, “cười đểu, nhìn đểu” là rút dao đâm xối xả người khác. Nếu có chuẩn mực sống, cái ác có thể không biến mất hoàn toàn, nhưng đỡ hơn.

Tôi kể, có quen một bà luật sư tham dự nhiều vụ án trong giới trẻ, từng tâm sự, trường học nào cũng có khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, song hình như ít để ý tâm giáo dục đạo lý làm người. Môn giáo dục công dân vẫn nặng về rao giảng, thuyết lý, mà nhẹ về những việc rất gần gũi về tình yêu thương đồng loại, đồng bào. Đã đành, thầy cô dạy học trò ngoan ngoãn, lễ phép, nhưng còn phải dạy trẻ biết xin lỗi và nhận lỗi. Đừng đổ thừa cho lớp trẻ, trách nhiệm của người lớn, lớn lắm. Muốn giới trẻ có nhận thức sâu hơn về bản thân, giúp chúng bình tĩnh khi hành động ứng xử trước những tình huống “ngoài ý muốn”, thì cả gia đình, cha mẹ, nhà trường lẫn xã hội phải xắn tay vào. Thấy cái ác, bạo lực sát bên mình, ai cũng đau đớn tìm lời giải. Hóa ra nó nằm ngay trong mỗi con người.

Đám đông và ý thức cộng đồng

Bà luật sư đó còn nhận xét, các vụ án hình sự ngày càng tăng và số tội phạm ngày càng trẻ, thanh thiếu niên ra tòa ngày càng nhiều. Một vị giáo sư thì lý giải : “Đây là một điều hết sức đáng lo ngại. Nhưng không phải vì tỷ lệ thanh niên phạm tội cao, nhiều tội ác man rợ rồi đánh giá cả giới trẻ ngày càng vô cảm, lạnh lùng. Rất nhiều bạn trẻ tập trung cho học tập, lao động và có nhiều thành tích cao, nhiều phong trào đóng góp cho xã hội”.

Anh bạn tôi đồng tình nhưng lại dẫn lời một nhà nghiên cứu xã hội bên nước anh gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự tan rã của ý thức cộng đồng.

Trước đây xã hội Á Đông có nhiều thứ để gắn kết con người: gia đình, láng giềng, làng xóm. Nhiều thứ rất thiêng, nay đã mất “mất thiêng” trong con mắt giới trẻ. Có những suy nghĩ tưởng là mê tín: nhân quả, quả báo, thế mà lại làm cho con người biết sợ. Nay, chẳng ai sợ gì hết. Ở ngoài thế giới, họ giáo dục học sinh bằng lý luận rất ít. Đào tạo kỹ năng sống cho trẻ. Nhiều người “nội soi” mặt trái của xã hội với con mắt đạo đức học. Vậy thì, thử cắt nghĩa động cơ gì khiến những đứa trẻ tay chưa một lần nhúng chàm, chỉ trong nháy mắt đã vung tay sát thương người khác, thậm chí sát nhân “máu lạnh”? Không thể chỉ phán xét đạo đức một cách xơ cứng mà phải “mổ phanh” ở khía cạnh tương tác tâm lý và xã hội học mới tìm kiếm nguyên nhân đẩy con người đến phạm tội. Anh kể, có một đồng nghiệp là nhà báo châu Âu nhiều lần đến Hà Nội và TP. HCM. Ông ta ví von: “Ngoài đường là một màn balet không kịch bản. Tại các nút giao thông kẹt cứng người và xe cộ, ai cũng cố sức chen lấn, bấm còi inh ỏi. Hầu như không có chuyện nhường đường cho người khác”. Ông ấy nói, trong đám đông chen chúc, ý thức cộng đồng gần như bị tê cứng. Hành vi văn hóa và tôn trọng nhau bị “đốt cháy” theo hơi xăng và tiếng động cơ. Chỉ còn lại bản năng gốc. Những ức chế tinh thần bị dồn nén như chiếc lò xo khiến hành vi hung bạo bùng phát. Rồi ông cắt nghĩa, bản chất của đám đông là thiếu khả năng suy nghĩ, thừa khả năng hành động. Đứng tách riêng, có thể anh là một cá nhân có văn hóa. Ở trong đám đông, anh dễ biến thành kẻ bản năng: tự phát, hung hăng và bạo lực. Có cả sự “can đảm” của người nguyên thủy. Một đám đông mất chuẩn, hành xử bạo lực như xoáy nước hút mọi cá thể và tạo ra tập tính hành xử mất chuẩn.

Tôi nhớ có một nhà văn lớn có nói một sự thật khiến mọi người phải suy nghĩ: “Nếu không mục ruỗng từ bên trong thì không có gì từ bên ngoài có thể xâm nhập được”. Hàm ý sự đề kháng của cơ thể mỗi con người trước vi khuẩn, vi rút đầy rẫy ngoài môi trường xã hội. Lâu nay, khi xác định chuẩn đói nghèo, người ta chỉ lấy thước đo thu nhập đầu người. Nay, một số tổ chức quốc tế lại có thêm khái niệm “nghèo sức mạnh”. Khác với nghèo vật chất, nghèo sức mạnh chính là “gốc rễ” của đói nghèo mà không thể đo lường. Ví như ở Hà Nội, TP. HCM, nhiều người trên xe buýt thấy kẻ cắp móc túi, thấy trên đường kẻ xấu hành hung dân lành nhưng đố dám hé răng. Sợ liên lụy, sợ bị trả thù, dù kẻ ác chỉ là một hai tên. Có những em nữ sinh thấy bạn bị đòn “hội đồng” ngay trong lớp, trên sân trường, vẫn nhắm mắt làm ngơ. Dần dà, các em mất hết phản xạ trước cái xấu. Thay vào đó là sự vô cảm. Tôi nghĩ, “nghèo sức mạnh” tức là con người không đủ sức mở miệng kêu to hay ra tay trước cái ác, sai trái, giả dối, xấu xa… Ai cũng muốn yên thân.

Trời tối từ lúc nào. Ngoài kia, phố sá đã lên đèn. Chung quanh vắng tanh. Vì chúng tôi ngồi trong một góc khuất, nên chẳng ai trông thấy. Cũng chẳng ai nghe thấy vì tiếng còi xe, tiếng động cơ náo động như một cỗ máy khổng lồ ùa vào, át đi tất cả. Cánh cửa Văn Miếu đã khép. Anh nói nhỏ nhưng rất rõ, trước hết người lớn chúng ta phải tự xét mình. Có thể vì đã lâu, mình quên mất rằng mình có thể sai, quên cách nhận ra mình sai. Thế nên không thể mở miệng nói “xin lỗi” ngay cả với trẻ con. Người lớn mải mê dấn bước, kiếm tiền, làm giàu bất chấp tất cả. Nên quên là còn nhiều người cùng đi trên đường, nên nhiều khi mình phải lùi lại nhường bước. Nhiều thứ đã quên, đã đánh mất. Giờ phải tự soi xét mình, tự thức tỉnh.

Nguyễn Chí Thành
Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam
Previous Post
Next Post