Đắm nhiễm - khó tiêu - tán loạn

Hỏi: Kính thưa Thầy, xin Thầy giảng rõ cho con hiểu: “Đắm nhiễm, khó tiêu, tâm thường sanh tán loạn” như thế nào?

Đáp: Đắm nhiễm, khó tiêu, tán loạn là những động từ kép.

- Đắm nhiễm: có nghĩa là dính mãi, không bỏ được, thành thói quen, nghiện ngập, nghiệp lực.

- Khó tiêu: có nghĩa là không dứt bỏ được, không xa lìa được, không tiêu hóa được.

- Tán loạn: có nghĩa là tâm thường khởi niệm tưởng chuyện này đến chuyện khác không dứt, gọi là vọng tưởng lăng xăng.

“Đắm nhiễm khó tiêu tâm thường sanh tán loạn” nghĩa là tâm dính mắc thành thói quen không bỏ được nên sinh ra nghĩ ngợi lung tung chuyện này đến chuyện khác, tùy miên trong mỗi niệm tâm khởi ham thích chạy theo vật chất thế gian như: tiền tài, danh lợi, sắc đẹp, ăn, ngủ phi thời, khiến cho người tu sĩ ham mê chùa to Phật lớn, trở thành những người phóng dật, chứ không còn là người tu sĩ giải thoát. Bởi, trước khi đắm nhiễm thì phải có phóng tâm, phóng tâm mà không kịp thời xả bỏ, đoạn diệt tâm niệm ấy, thì bắt đầu tâm phóng dật, tâm phóng dật mà không đoạn dứt thì tâm đắm nhiễm.

Đức Phật dạy: “Đứng về phương diện nội phần, này các Tỳ Kheo, Ta không thấy một phần nào khác bất lợi như vậy, này các Thầy Tỳ Kheo, như phóng dật. Phóng dật đưa đến bất lợi lớn” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 36).

Khởi sự bằng sự phóng tâm, nếu chúng ta thiếu sự phòng hộ và bảo vệ sáu căn thì không có người nào là không có sự phóng tâm, cho nên người mới bắt đầu tu hành là phải lấy giới luật phòng hộ sáu căn tức là phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình, nhất là pháp “Độc Cư” dùng để phòng hộ sáu căn không cho tiếp xúc sáu trần thì ít phóng tâm và dần dần sẽ không còn phóng tâm nữa, không còn phóng tâm nữa, thì đó là tâm đã ly dục ly ác pháp, nếu không phòng hộ sáu căn thì tâm thường phóng tâm, tâm thường phóng tâm mà không ngăn ngừa thì tâm phóng dật, tâm phóng dật mà không đoạn diệt thì tâm đắm nhiễm, tâm đã đắm nhiễm thì khó mà đoạn trừ, nếu đoạn trừ không được thì tâm sanh ra tán loạn, tâm sanh ra tán loạn là tâm bất an, tâm bất an thì tham, sân, si, mạn, nghi, đầy đủ và thất kiết sử khó bứt được, giống như con cá đã mắc lưới, mắc câu thì chỉ còn chờ chết mà thôi.

Người tu hành mà còn đắm nhiễm, khó tiêu và tán loạn là người không thể nào sống độc cư được, họ thích nói chuyện, họ thích tranh luận, họ thích đi chơi, không bao giờ ở yên một chỗ.

Chúng ta không tu theo đạo Phật thì thôi, mà đã tu theo đạo Phật thì phải tu cho đúng pháp của Phật. Trước tiên, chúng ta phải lấy giới luật để phòng hộ giữ tâm mình, tức là chúng ta phải sống cho đúng Phạm hạnh, sống không đúng Phạm hạnh thì tâm hay khởi niệm tức là phóng tâm, nếu không có pháp ngăn giữ phóng tâm, mà lấy giới luật ngăn ngừa và phòng hộ tâm sẽ trở thành pháp môn ức chế tâm.

Do đó, người tu sĩ chỉ biết có giới luật mà tu tập theo đạo Phật, thì người tu sĩ ấy chấp giới, tức là lấy giới ức chế tâm và như vậy vô tình, người tu sĩ lấy giới ức chế tâm sẽ biến dạng giới luật, từ đó lý luận thêm thắt trong giới luật, để tránh né phạm giới, do đó, kinh sách hiện giờ lệch lạc ý giới luật và ý kinh của Phật. Kinh sách phát triển và Nguyên Thủy có nhiều điểm rất sai khác nhau mà các Tổ đã làm lệch lạc, cũng như các nhà sư Nam Tông hiện giờ, họ soạn viết ra một tập sách lấy tên là “Vấn Đề Ẩm Thực Trong Phật Giáo”. Của Jan Sanjivaputta viết, dịch ra Việt ngữ do Tỳ Kheo Thiện Minh. Theo lý luận của họ giống như con cọp lý luận ăn thịt người để nuốt cho trôi, còn lý luận theo các nhà tu hành Phật giáo phát triển thì cũng giống như con bò lý luận để ăn cỏ cho đỡ nghẹn, do đó, khiến cho người sau tu hành phá giới, bẻ vụn giới và còn tạo thêm tội lỗi lén lút phá giới và chính như vậy là người tu sĩ chỉ còn có hình tướng tu hành, ngoài khéo che, khéo đậy trong sự đắm nhiễm của mình. Và đã bị đắm nhiễm như vậy thì xả bỏ rất khó như đã nói ở trên.

Một tu sĩ mà phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới là tu sĩ đã sống tà mạng, không còn là một tu sĩ chân chánh, những tu sĩ này là “những con sâu làm rầu nồi canh”.

Bởi, những tu sĩ này đã làm cho những tu sĩ chân chánh xấu hổ.

Hiện giờ, có nhiều người muốn theo đạo Phật tìm tu giải thoát, nhưng nhìn vào giới tu sĩ phá giới, phạm giới đang đắm nhiễm vật chất thế gian, đang sống trong chùa to Phật lớn có đầy đủ tiện nghi như những người giàu sang thì họ chẳng dám bước chân vào cổng chùa. Nếu có người đã mạnh dạn bước vào chùa thì lại càng thấy rõ ràng hơn và cuối cùng, tâm dù muốn tu hành mà chẳng biết nơi đâu để mình tìm tu giải thoát.

Nhìn chung, các tôn giáo không riêng gì Phật giáo, phần đông mọi tu sĩ đều đắm nhiễm.

Sự làm thiện của những tu sĩ này đối với những người khác, là sự cám dỗ người khác để theo tôn giáo mình, hoặc gây ảnh hưởng chánh trị với các nhà lãnh đạo quốc gia, chứ không phải với tâm thiện thật lòng. Họ làm thiện để được sanh lên Cực Lạc, Thiên Đường, chứ không phải làm thiện vì thương người bất hạnh; họ làm thiện để dành hạnh phúc về sau cho họ; họ làm thiện để được sự khen tặng là nhà từ thiện.

Bởi, làm thiện như vậy là làm thiện đắm nhiễm. Có nhiều nhà từ thiện mà tai nạn xảy đến, họ bảo rằng chúng tôi làm thiện mà sao không được phước.

Làm thiện để cầu danh, cầu lợi; làm thiện để được tiếng khen; làm thiện để móc nối làm ăn bất lương; làm thiện như vậy thì làm sao có phước được; làm thiện đó là làm thiện đắm nhiễm.

Chúng ta là những tu sĩ Phật giáo phải cố gắng tránh sự đắm nhiễm. Một người nghiện thuốc lá, rượu, cà-phê, thuốc phiện v.v.. là những người đắm nhiễm.

Một tu sĩ Phật giáo, mà cầm một điếu thuốc lá, uống một ly bia hay uống một tách cà-phê, chén trà đậm đặc là những tu sĩ đắm nhiễm. Những người tu sĩ đắm nhiễm này là những loài trùng bọ trong lông sư tử, họ chỉ còn biết lý luận để che đậy sự đắm nhiễm của mình bằng những danh từ rất tuyệt mỹ: “Trà Đạo, rượu nghĩa”.

Một người bài bạc, đĩ thõa, điếm đàng là những người đắm nhiễm, những người này được xem là những người đồi trụy xấu xa của xã hội.

Vì đắm nhiễm những người này sanh ra trộm cắp, giết người, cướp của, làm cho cuộc sống của mọi người bất an, xã hội rối trật tự.

Người ta nói đến tình dục, tức là nói đến sự đắm nhiễm của nhục dục.

Một người nam và một người nữ gần nhau sanh ra tình dục, tình dục là sự đắm nhiễm rất khó bỏ cũng ví như thuốc lá, cà phê, rượu, thuốc phiện v.v..

Tình dục là một sự khổ tuyệt cùng theo sau đó, nhất là người phụ nữ phải chịu bao nhiêu nỗi cay đắng, đau khổ của tình dục, gần như suốt đời của họ. Tục ngữ có câu: “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”.

Đúng vậy, sau khi tình dục, bao nhiêu sự khổ đau đều đổ lên đầu của người đàn bà. Người ta bảo rằng không có sự đau khổ nào bằng sự đau bụng đẻ, thế mà người ta đắm nhiễm tình dục, người ta không thể bỏ được, dù biết sự khổ như cắt da cắt thịt, gần như chết đi sống lại nhưng người ta vẫn không bỏ được tình dục, đó là sự đau khổ về thể xác, chứ không phải hạnh phúc gì cả.

Khi sanh con ra họ còn tiếp tục chịu nhiều lao khổ; phải nuôi con cho lớn khôn; phải chịu hôi, chịu thối sự bài tiết của con; phải chịu cực nhọc khi con đau ốm; phải chịu nhọc nhằn nuôi con cho nên người, và còn biết bao nhiêu sự khổ khác nữa, cho đến khi họ đi vào lòng đất.

Tình dục là khổ như vậy, nhưng khi đã đắm nhiễm nó thì hầu hết không có ai bỏ được. Nam nữ gặp nhau là ham thích liền. Biết tình dục là khổ mà vẫn chịu đi vào chỗ khổ đó, thật là điên đảo, ngu si.

Bởi vậy, người ta ca ngợi con người là một động vật thông minh, nhưng sự thật con người không thông minh mà con người là một động vật điên đảo, vô minh, tự tạo ra cho mình biết bao nhiêu sự đau khổ để rồi phải gánh chịu sự khổ đau ấy từ kiếp này đến kiếp khác cũng chỉ vì sự đắm nhiễm. Cho nên, lời Phật dạy: “Đắm nhiễm, khó tiêu, tán loạn” là vậy.


Bởi thế, người tu sĩ cũng như mọi người ở đời cần phải cảnh giác, đừng để thân tâm đắm nhiễm dù bất cứ một vật chất gì, nhỏ mọn đến đâu trong thế gian này, thì chúng ta nên xem nó là một đối tượng khổ, do cảnh giác như vậy thì thân tâm mới được an lạc và hạnh phúc.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây

Previous Post
Next Post