Hãy cảnh giác với thần thông

Hỏi: Trong đoạn 51 kinh Kandaraka trong kinh Trung Bộ có mô tả một vị tu sĩ đạt qua các trạng thái chứng Thiền thứ Nhất, Thiền thứ Hai, Thiền thứ Ba, Thiền thứ Tư. Trong đó hoàn toàn không có tịnh chỉ hơi thở. Vậy tịnh chỉ hơi thở có phải là ngoại đạo, thần thông không? Nếu có mô tảvề tịnh chỉ hơi thở thì mô tả ở kinh Nguyên Thủy nào, mục nào? Nhờ Thầy chỉ dẫn rõ ràng. Nếu không có trong kinh Nguyên Thủy là ngoại đạo. Như vậy Thầy Thông Lạc có bị kẹt trong thần thông không? Hãy cảnh giác với thần thông.

Đáp: Thưa các bạn! Về văn phạm một câu mà viết hai chữ “trong” thì câu văn “què”, Nguyên Thanh xin sửa lại câu hỏi của bạn: “Trong đoạn kinh 51 Kandaraka thuộc kinh Trung Bộ có mô tả một vị tu sĩ đạt qua các trạng thái chứng…”.

Các bạn chỉ đọc kinh Trung Bộ mà dám bảo rằng kinh Nguyên Thủy Phật không đề cập đến thần thông thì sự hiểu biết của bạn quá nông cạn. Nếu các bạn không tin Thầy Thông Lạc nói “tịnh chỉ hơi thở nhập Thiền Thứ Tư” thì các bạn cứ gửi thư hỏi báo Giác Ngộ hay trực tiếp đến Vạn Hạnh hỏi Hòa Thượng Minh Châu người dịch ra kinh sách Nguyên Thủy thì sẽ rõ.

Thưa các bạn! Kinh sách Nguyên Thủy đức Phật đã đề cập đến thần thông có ba loại:

1 - Thần thông giáo hóa.
2 - Thần thông ký thuyết.
3 - Thần thông biến hóa.

Nguyên Thanh sẽ trình bày ba loại thần thông để các bạn hiểu.

Đức Phật đã xác định ba loại thần thông rất rõ ràng như sau:

- Tâm tôi có tham, tôi biết tâm tôi có tham. Đó là thần thông giáo hóa.

- Tâm tôi có sân, tôi biết tâm tôi có sân. Đó là thần thông giáo hóa.

- Tôi ăn uống phi thời, tôi biết tôi ăn uống phi thời, tôi sẽ cố gắng khắc phục không ăn uống phi thời. Đó là thần thông giáo hóa.

- Người ta chửi mắng, mạ lị, mạt sát tôi, tôi biết nhưng tôi không giận họ. Đó là thần thông giáo hóa.

- Tâm tôi có dục ăn, dục ngủ tôi biết tâm tôi có dục ăn, dục ngủ, tôi cố gắng khắc phục không cho dục ăn, dục ngủ phi thời. Đó là thần thông giáo hóa.

- Khi tôi bị hôn trầm, thùy miên, vô ký tôi biết tâm tôi có hôn trầm thùy miên và vô ký, tôi liền tác ý: “Cút” thì hôn trầm, thùy miên, vô ký biến mất. Đó là thần thông giáo hóa.

- Khi thân tôi đau nhức, tôi biết thân tôi đau nhức, tôi liền tác ý: Thọ là vô thường, “Cút”đau nhức tự biến đi mất. Đó là thần thông giáo hóa.

- Tôi biết cơ thể tôi già yếu, chẳng làm ích lợi gì cho đời, tôi liền tác ý: “Hơi thở tịnh chỉ bỏ thân tứ đại” thì ngay đó hơi thở ngưng, tôi bỏ thân tứ đại. Đó là thần thông giáo hóa.

Thưa các bạn, khi tôi có khả năng làm chủ thân tâm mình như vậy, mà đức Phật gọi là thần thông giáo hóa hay còn gọi là Tứ Như Ý Túc. Xem thế, thần thông giáo hóa đem lại lợi ích cho thân tâm tôi như vậy, thì Thầy Thông Lạc có kẹt trong thần thông đó không các bạn?

Có cần phải cảnh giác với thần thông này không các bạn?

Bạn đọc kinh sách chưa thấu suốt, mà kêu gọi mọi người hãy cảnh giác với thần thông. Vậy, thần thông nào cảnh giác bạn biết không?

Đọc qua câu hỏi của bạn, người ta biết bạn chưa hiểu một chút gì về Phật giáo.

Còn những thần thông khác, có dịp Nguyên Thanh sẽ giải thích cho các bạn hiểu, nếu các bạn muốn nghe. Nguyên Thanh chỉ ước mong, các bạn thức thời hiểu biết nên sám hối những sự hiểu lầm nông cạn của mình, để các bạn còn có duyên may gặp được chánh pháp. Còn nếu không thì kiếp kiếp đời đời, các bạn sẽ trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi.

Như vậy mà các bạn bảo rằng, đức Phật không đề cập đến thần thông, bạn hãy nghiên cứu lại kỹ, đừng có đưa ra ý kiến bừa bãi mà người hiểu biết Phật pháp sẽ cười bạn là người dốt. Các bạn có hiểu không?

Đọc chỉ một vài bộ kinh mà dám xác định cả hệ thống giáo lí của Phật và bảo rằng: Phật không có đề cập thần thông, tự xác định một việc làm như vậy, các bạn thấy có đúng không? Các bạn có bộp chộp không?

Bức thư ngỏ, Thầy Thông Lạc đã cảnh cáo các bạn, muốn nói một điều gì về kinh sách Nguyên Thủy thì hãy tu cho được như Thầy Thông Lạc, phải làm chủ được bốn sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết phải chấm dứt luân hồi, phải nhập Bốn Thiền, phải thực hiện Tam Minh thì mới bàn về kinh sách Nguyên Thủy, còn chưa làm được như vậy thì các bạn hiểu biết gì? Mà nói ngoại hay không ngoại đạo.

Nếu muốn biết những điều này thì các bạn hãy về đảnh lễ Thầy Thông Lạc, xin Người chỉ dạy cho, chứ đừng dùng tri kiến phàm phu mà hiểu tri kiến Thánh, các bạn làm sao hiểu được. Các bạn lo cho Thầy Thông Lạc hay các bạn phỉ báng Thầy Thông Lạc? “Nếu không có trong kinhNguyên Thủy là ngoại đạo. Như vậy Thầy Thông Lạc có bị kẹt trong thần thông không? Hãy cảnh giác với thần thông”. Các bạn bảo nhau cảnh giác thần thông hay cảnh giác Thầy Thông Lạc?

Như các bạn đã nói: “Vào trang web của Nguyên Thủy Chơn Như thấy hình của Thầy Thông Lạc. Như vậy Thầy vẫn còn THAM danh phải không? Chưa bỏ được THAM phải không?”.

Vì những câu hỏi này, chắc chắn các bạn cho rằng Thầy Thông Lạc còn tham danh, đắm lợi nên bảo mọi người hãy cảnh giác Thầy Thông Lạc. Có đúng như vậy không các bạn?

Ăn ngày một bữa, ngủ trên một tảng đá và ở trong túp lều tranh, chùa không to vách liếp, Phật không lớn bằng xi măng thì còn gì là danh, là lợi nữa. Và danh lợi để làm gì nữa các bạn?

Nếu mọi người đều có ý như vậy thì chắc Thầy Thông Lạc xin thân ái chào các bạn và ra đi vĩnh viễn. Điều này đối với Thầy Thông Lạc là duyên nợ nhân quả đã hết rồi. Vì Thầy biết mình chỉ có một kiếp này nữa mà thôi. Thầy ra đi, Nguyên Thanh quyết chắc rằng không còn ai dựng lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người. Thật là chúng sanh vô phước!

Hơn 2500 năm mới có một người tu chứng làm chủ sanh, già, bệnh, chết chấm dứt luân hồi. Thật là hy hữu! Quá hiếm! Quá hiếm!!!

Nếu tâm của chúng sanh có ác ý và nghĩ xấu như vậy thì các bậc vĩ nhân sẽ không xuất hiện. Nỗi đau của nhân loại sẽ không có gì hàn gắn được. Tiếc thay! Tiếc thay!!!

Trích Đường về xứ Phật II
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post