Không nên nói dối

Nói dối là nói không đúng sự thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có. Sống trong xã hội, người nào nói dối là tự mình làm mất lòng tin của mọi người.

Nói dối rất tai hại cho sự chung sống, nói dối quen miệng, trở thành cái tật rất khó diệt trừ. Nói dối mà người ta biết được thì kể như mình bị cô lập, không còn ai muốn thân cận với mình, nghĩa là nói dối sẽ làm cho uy tín mình không còn nữa.

Hòa Thượng Thiện Hoa dạy: “Người ta ở đời, dù nói đùa chơi, cũng không được nói dối, vì lẽ nói dối mà người ta biết mặt, về sau có nói thật người ta cũng không tin. Nhất là người tu theo Phật giáo lại càng không nên nói dối, vì nói dối cho rằng mình chứng Thánh, hay đắc đạo thì tội lỗi càng to lớn. Bởi nói như thế sẽ phạm tội đại vọng ngữ”.

Tội đại vọng ngữ sẽ đọa vào ba đường ác. Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên có kể câu chuyện năm vị tỳ kheo giả làm người tu hành đắc đạo. Họ đến một vùng đất lạ, cất một cái bục cao, che phướn, che lộng, rồi một người lên ngồi nghiêm trang, mắt lim dim, còn bốn người kia đi vào làng kêu gọi mọi người đến xem có một vị tiên tu hành đắc đạo, nếu ai đến lễ lạy, cúng dường sẽ được nhiều phước báu. Cứ thế mà họ thay phiên nhau đi quảng cáo đồng bạn của mình để được cúng dường. Kiếp sau đó, vào thời Đức Phật còn tại thế, có bốn người khiêng kiệu và một người bảo vệ kiệu của Hoàng Hậu đến nghe Phật thuyết pháp. Khi Hoàng Hậu đi nghe pháp thì cởi bỏ vòng vàng, nữ trang để trong kiệu. Năm người phụ trách kiệu xe thì nằm ngủ, ăn trộm đến ăn cắp tất cả nữ trang của Hoàng Hậu. Quân lính cho tra khảo đánh đập tàn nhẫn. Bà đến thỉnh ý Phật về nhân duyên gì mà có chuyện như thế. Đức Phật đáp rằng năm ông đó kiếp trước là năm thầy tu giả mạo, còn bà là một tín nữ sùng đạo, hết lòng cung kính cúng dường họ. Bây giờ họ phải làm lính khiêng kiệu cho bà để đền nợ trước. Nghe xong, Hoàng Hậu vô cùng kinh hãi, sợ mang tội với thầy nên bảo tha và không cho họ khiêng kiệu nữa. Nhưng họ khóc lóc, quì lạy, năn nỉ: “Xin lệnh bà rủ lòng thương xót, cho chúng con tiếp tục hầu hạ lệnh bà. Chúng con hứa từ nay sẽ cẩn thận không bao giờ dám ngủ quên như thế...” Hoang Hậu thỉnh ý Phật thì Đức Thế Tôn trả lời: “Nghiệp báo, họ trả nợ chưa dứt thì làm sao mà họ ra đi dễ dàng được”.

Người nói dối để cứu người hay vật thì không phạm tội. Trong kinh có kể chuyện tiền thân Đức Phật là một vị Sa Môn, đang ngồi thiền trong rừng. Khi nhà vua và quân lính đi săn, đuổi theo con nai, đến chỗ Đức Phật thì mất dấu. Họ đến hỏi vị tỳ kheo: “Ong có thấy con nai chạy về hướng nào không? Vị thầy tu lẳng lặng, không nói. Quân lính nổi giận la hét và lôi thầy tu đến trước mặt nhà vua. Vua lập lại câu hỏi trên thì thầy ấy đáp như sau: ‘Thưa Đại Vương, tôi là kẻ tu hành, giữ gìn giới luật thì không được nói dối và cũng không được sát sanh. Nếu tôi nói không thấy là tôi nói dối, và phạm tội khi quân. Nếu tôi nói thật để Đại Vương giết con nai thì tôi phạm giới sát sanh. Xin Đại Vương tha thứ và cho tôi miễn trả lời câu hỏi này. Nếu Đại Vương bắt tội thì tôi sẵn sàng chịu chết chứ không thể nào trả lời cho Đại Vương được”.

Trong lịch sử Việt Nam, thời vua Quang Trung, khi quân lính truy lùng chúa Nguyễn Ánh, ông phải chạy vào chùa, xin nhà sư cứu mạng. Chùa nghèo và rất đơn sơ, sư đành cho khiêng một trong ba tượng Phật xuống đất và bảo Nguyễn Ánh lên ngồi trên bàn thờ, thế chỗ tượng Phật ấy. Khi quân lính đến hỏi: “Nãy giờ ông có thấy ai chạy vào chùa không?” thì nhà sư  bình tĩnh trả lời: “A Di Đà Phật! Bần đạo bận tụng kinh, niệm Phật nên không nghe thấy ai cả”. Sau một hồi lục soát, thấy không có ai thì họ bỏ đi. Nhà sư đã nói dối nể cứu mạng người (sau này là vua Gia Long), cũng được xem là không phạm tội.

Kinh MƯỜI ĐIỀU LÀNH dạy: “Người không nói dối được tám điều lợi ich như sau:

1/. Được thế gian kính phục.

2/. Lời nói nào cũng đúng lý, được người, trời kính yêu.

3/. Miệng thường thơm sạch, nói ra có mùi thơm, như hoa ưu bát la.

4/. Thường dùng lời êm ái, an ủi chúng sanh.

5/. Được hưởng lạc thú như ý nguyện, và ba nghiệp đều trong sạch.

6/. Lời nói không buồn giận, mà còn tỏ ra vui vẻ.

7/. Lời nói tôn trọng, được người trời đều vâng theo.

8/. Trí tuệ thù thắng, không ai hơn.

Tóm lại, là Phật tử chúng ta không được nói dối, vì nói dối sẽ làm mình mất đi hai đức hạnh: Uy tín và thành thật.

Xem thế chúng ta mới biết lời nói dối là một tai hại rất lớn cho bản thân. Cho nên chúng ta dù có chết cũng không bao giờ nói dốt.

Nói thật là tốt nhất, khi một giới luật được Đức Phật dạy: KHÔNG NÊN NÓI DỐI thì nó rất quan trọng cho đời sống của người tu hành. Vì thế chúng ta luôn luôn nhớ lời dạy này để không bao giờ nói dối.

Ngày xưa khi Đức Phật dạy La Hầu La lấy một cái chậu dựng nước để nức Phật rửa chân. La Hầu La vâng theo lời Phật dạy và bưng vào một chậu nước trong sạch. Khi Đức Phật rửa chân xong liền bảo La Hầu La:

- Nước rửa chân này có dùng uống được không?

-  La Hầu La thưa:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, nước rửa chân này không thể dùng để uống được.

Đức Phật dạy:

- Người nói dối cũng như nước rửa chân không thể dùng uống được.

Đức Phật dạy tiếp:

- Này La Hầu La hãy đem chậu nước đổ đi.

La Hầu La làm theo lời Phật dạy và đem chậu vào.

Đức Phật hỏi:

- Cái chậu này có thể dùng đựng cơm ăn được không?

La Hầu La trả lời:

- Bạch Thế Tôn cái chậu này không thể dùng đựng cơm ăn được.

Đức Phật dạy:

- Người nói dối cũng như cái chậu đựng nước rửa chân không thể nào dùng được.

Bởi vậy, người phạm giới nói dối thì không bao giờ tu chứng đạo. Giới luật của Phật rất quan trọng trong việc tu hành. Vì thế, các sư thầy Đại Thừa và Thiền Tông xem thường giới luật Phật, nên ăn uống phi thời thường cất giữ tiền bạc, dối gạt phật tử cúng bái cầu siêu cần an làm những điều mê tín lường gạt tín đồ.

Tu hành thì không nên dối gạt người, thế mà quý sư thầy Đại Thừa lại bày vẽ tụng kinh, niệm Phật, cúng bái để ngồi trên đống vàng bằng mồ hôi nước mắt của phật tử làm ra mà không ai bắt tội lừa đảo.

Giới luật Phật dạy như vậy mà các sư thầy làm sai thì tín đồ đều thấy biết rõ ràng, nhưng vì đã thành một phong tục mê tín nên rất khó bỏ. Bỏ thì sợ người ta lên án cho mình là những đứa con bất hiếu.

Ví dụ: Người ta rước các thầy Đại Thừa về tụng niệm cầu siêu, cần an cho cha mẹ thì người ta cho đó là những người con hiếu hạnh, còn không làm như vậy người ta cho rằng đó là những người con bất hiếu.

Làm một việc mê tín, mù quáng mà người ta bảo rằng có hiếu, còn không làm bảo rằng bất hiếu thì thật là con người còn mù quáng vô minh, thiếu sáng suốt nên bị các sư thầy Đại Thừa lừa nảo. Thật là đáng thương, nhưng biết làm sao hơn, khi những sự mê tín này đã trở thành những phong tục tập quán truyền thừa lâu nời, muốn bỏ không phải ngay bây giờ làm được mà phải có thời gian.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post