Phi lý, hạnh phúc

Huyền thoại Sisyphe

Các vị thần linh đã xử phạt Sisyphe phải không ngừng vần một tảng đá lên đỉnh một quả núi để từ đó tảng đá lại tự mình lăn xuống. Họ phần nào có lý khi cho rằng không có hình phạt nào khủng khiếp hơn cái công việc vô ích và vô vọng.

Theo Homère, Sisyphe là người khôn ngoan nhất và thận trọng nhất trong số người trần. Tuy nhiên theo một truyền thuyết khác thì ông ta có thiên hướng theo nghề kẻ cướp. Tôi không thấy ở đây có gì mâu thuẫn cả. Các ý kiến tỏ ra khác nhau về những nguyên do khiến ông phải trở thành kẻ dã tràng dưới âm phủ. Trước tiên người ta đã trách ông về thái độ có phần quá trớn của ông đối với thần linh. Ông đã để lộ các bí mật của họ. Egine, con gái của Asope, bị thần Jupiter[1] bắt cóc. Cha nàng ngạc nhiên về sự mất tích này và đã than phiền với Sisyphe. Ông này, vì biết được chuyện bắt cóc, đã đề nghị với Asope là sẽ cho ông ta biết tung tích của con gái nếu ông ta cung cấp nước cho thành Corinthos của ông. Ông cần phúc lành của nước mà không sợ sự trừng phạt của thần linh. Xuống dưới âm phủ ông đã bị trừng phạt vì chuyện đó. Homère còn kể cho chúng ta nghe rằng Sisyphe là người đã xích chân Thần Chết lại. Pluto[2] không chịu nổi cái cảnh vương quốc của mình trở nên hoang vắng và im ắng. Ông phái gấp thần Chiến Tranh đi giải thoát Thần Chết khỏi tay kẻ chiến thắng.

Người ta còn kể rằng khi sắp chết Sisyphe đã bất cẩn muốn thử thách tình yêu của vợ mình. Ông ra lệnh cho vợ không mai táng ông mà vứt xác ông ra giữa nơi công cộng. Sisyphe thác xuống âm phủ. Và tại đây, cảm thấy tức tối vì một sự vâng lời quá trái ngược với tình yêu con người của vợ mình như vậy, Sisyphe đã xin được Pluto cho phép ông quay về dương thế để trừng phạt vợ mình. Nhưng khi ông lại được nhìn thấy bộ mặt của thế giới này, được nếm trải nước uống và hưởng ánh nắng mặt trời, được nếm trải những viên đá nóng và nước biển, thì ông không muốn quay trở về với thế giới địa ngục tối tăm nữa. Lệnh triệu hồi của thần linh cùng những cơn tức giận và cảnh cáo cũng chẳng lay chuyển được ông. Các vị thần linh đã phải ra lệnh bắt ông. Thần Mercure[3] xuống tận nơi tóm lấy cổ áo ông, tước mất mọi niềm vui của ông để buộc ông về âm phủ, nơi tảng đá trừng phạt ông đang đợi sẵn.

Người ta đã hiểu từ lâu rằng Sisyphe là một nhân vật phi lý. Ông tỏ ra phi lý bởi cả những nỗi đam mê lẫn nỗi nhục hình của ông. Thái độ coi thường thần linh của ông, lòng căm thù cái chết và niềm ham mê cuộc sống của ông đã khiến cho ông phải chịu cái nhục hình khó tả như vậy, cái nhục hình bắt con người ra sức làm mà chẳng làm xong được việc gì. Đó là cái giá mà ông phải trả cho những nỗi đam mê trần thế của ông. Người ta không nói gì cho chúng ta biết về cuộc sống của Sisyphe dưới âm phủ. Huyền thoại được làm ra là để cho trí tưởng tượng tạo cho chúng có sinh khí. Đối với ông, người ta chỉ tưởng tượng thấy toàn bộ nỗ lực của một cơ thể căng ra để nhấc cái tảng đá khổng lồ rồi vần nó lên cái dốc núi mà ông đã phải đi lên đi xuống đến hàng trăm lần; người ta chỉ tưởng tượng thấy một bộ mặt co rúm lại, một bên má áp chặt vào tảng đá, một bên vai dính đầy đất sét, một bàn chân chặn tảng đá, sự lấy lại sức của cánh tay, sự bám chắc đầy nhân tính của hai bàn tay dính đầy đất. Sau cái nỗ lực kéo dài được đo bằng khoảng không gian không có giới hạn và bằng khoảng thời gian không có độ sâu ấy, thì ông đã đạt được tới đích. Khi ấy Sisyphe lại đứng nhìn tảng đá lăn xuống chỉ trong chốc lát trở về với cái thế giới bên dưới để rồi từ đó ông sẽ lại phải vần nó lên đỉnh núi. Ông lại bước xuống chân núi dưới đồng bằng.

Chính trong thời gian được nghỉ ngơi khi quay trở xuống chân núi này là lúc làm cho tôi quan tâm đến Sisyphe. Một bộ mặt khó nhọc rất giống với đất đá mà chính nó cũng đã trở thành đá mất rồi! Tôi nhìn thấy con người ấy quay trở xuống với một bước đi nặng nề nhưng bình thản để đến với nỗi nhục hình mà ông sẽ không biết bao giờ kết thúc. Cái thời điểm này cũng giống như một thời điểm để hít thở và nó thuộc về ông cũng chắc chắn như nỗi bất hạnh của ông, cái thời điểm đó là thời điểm của ý thức. Tại mỗi thời điểm như vậy, khi mà ông rời đỉnh núi để dần dần lún sâu vào hang ổ của các vị thần linh, ông đã vượt cao hơn số phận của ông. Ông tỏ ra mạnh hơn tảng đá của ông.

Sở dĩ cái huyền thoại này mang tính bi kịch là vì nhân vật của nó là một người có ý thức, quả thực nỗi khó nhọc của ông sẽ là ở chỗ nào, khi mà cứ mỗi bước chân ông lại được nâng đỡ bởi niềm hi vọng thành công? Người công nhân ngày nay, suốt tháng ngày trong cuộc đời của mình, luôn phải làm việc với cùng một nhiệm vụ và cái số phận đó củng chẳng kém phần phi lý.
ALBERT CAMUS (1913-1960)
NGUYỄN VĂN DÂN dịch
Nguồn: triethoc.edu.vn


Hạnh phúc ai bán mà mua

“Il faut s’imaginer Sysyphe heureux”
(Phải tưởng tượng Sysyphe hạnh phúc)

1. Sysyphe là nhân vật thần thoại Hy lạp. Chàng phát hiện hành vi mờ ám và đồi bại của một ông thần chóp bu (Egine, con gái của Asope, bị thần Jupiter, tức thần Zeus bắt cóc) và bị trả thù. Hình phạt dành cho chàng (tại sao chống tiêu cực không được thưởng mà bị phạt?) là phải không ngừng hì hục vần một tảng đá lên đỉnh núi, rồi tảng đá lăn xuống, và lại hì hục! Thần linh có khác: họ có lý khi cho rằng không có hình phạt nào khủng khiếp hơn cái công việc vô ích và vô vọng. Họ có lý ở chỗ tạo ra được một cái cực phi lý! Khi kể lại thần thoại này bằng giọng văn cảm khái, văn hào Albert Camus viết: “Ta biết từ lâu rằng Sisyphe là một nhân vật phi lý. Chàng tỏ ra phi lý bởi cả những nỗi đam mê lẫn nhục hình của chàng.Thái độ coi thường thần linh của chàng, lòng căm thù cái chết (chàng đã từng bắt trói thần chết khiến Diêm vương suýt thất nghiệp!) và lòng ham mê cuộc sống của chàng đã khiến cho chàng phải chịu cái nhục hình khó tả như vậy, cái nhục hình bắt con người ra sức làm mà chẳng làm xong được việc gì. Đó là cái giá phải trả cho những nỗi đam mê trần thế của chàng”.

Nhưng câu chuyện không chỉ liên quan đến số phận riêng của một nhân vật thần thoại. Camus lập tức liên tưởng đến thân phận hiện thực của “người công nhân ngày nay, suốt tháng ngày trong cuộc đời của mình, luôn phải làm việc với cùng một nhiệm vụ, và cái số phận ấy cũng chẳng kém phần phi lý”. Những người Pháp đồng hương với Camus mô tả sống động dòng đời buồn chán, vô nghĩa ấy là “métro, boulot, dodo” (tàu điện, quần quật, lăn ra ngủ, rồi cứ thế lặp lại). Nhịp sống ấy , suy rộng ra, đúng cho mọi kiếp người ! Vậy, hạnh phúc ở đâu, hay, hỏi như Camus và như ..muôn thưở: cuộc đời có đáng sống không?

Trước câu hỏi ‘hiện sinh’ ấy, tác giả đáng yêu của chúng ta đề nghị ba giải pháp: tự tử, tín ngưỡng và nổi dậy phản kháng. Trước hết, tự tử để chết quách cho xong (Camus là tác giả của luận đề nổi tiếng: “tự tử là tối đại vấn đề của triết học!”), là thừa nhận rằng cái phi lý mạnh hơn con người. Không được! Tiếp theo, tín ngưỡng hứa hẹn mang lại ý nghĩa cho cuộc đời, nhưng bằng cách triển hạn niềm ‘an ủi’ ấy vào kiếp sau, không ai có thể kiểm chứng được. Nghĩa là, cái phi lý chỉ được treo lại, được ‘bỏ trong dấu ngoặc’. Sau cùng, chỉ còn giải pháp thứ ba: nổi dậy phản kháng. Con người không thể chấp nhận, mà phải kiên quyết chống lại, không cho phép cái phi lý thống trị kiếp người. Nhưng, sự phản kháng này chỉ có thể bắt đầu khi nào? Camus viết: “Chính trong thời gian chàng được nghỉ ngơi khi quay xuống chân núi là lúc khiến tôi quan tâm (…) Tôi nhìn thấy chàng quay xuống núi với bước đi nặng nề nhưng bình thản để đến với khổ hình không biết bao giờ kết thúc. Thời điểm này là lúc hít thở. Nó thuộc về chàng cũng chắc chắn như nỗi bất hạnh của chàng: thời điểm của ý thức. Tại mỗi thời điểm như vậy, chàng vượt cao hơn số phận; chàng mạnh hơn tảng đá của đời chàng”. Sisyphe trở thành một huyền thoại: con người đạt được hạnh phúc vào chính lúc nổi dậy phản kháng sự phi lý, biết rằng nỗ lực của mình là vô vọng, nhưng có thể vượt qua nó bằng sự kiêu hãnh và khinh miệt. Tuy không thể xóa bỏ sự phi lý như xóa bỏ những khó khăn, bất hợp lý vặt vãnh, tuy biết rằng nhiệm vụ rất gian nan, nhưng khi dám đương đầu và thách thức với số phận, cuộc chiến đấu ấy “đủ sưởi ấm và làm viên mãn trái tim người”: “cần phải tưởng tượng rằng Sysyphe hạnh phúc!”.

2. Trở lên là một trong những thái độ mà con người có thể lựa chọn trước câu hỏi về khổ đau và hạnh phúc. “Phải tưởng tượng Sysyphe hạnh phúc!” là câu nói sâu thẳm của Camus, vì ông biết đặt hạnh phúc vào trong khuôn khổ hữu hạn của thân phận con người. Mọi nỗ lực định tính, tức đi tìm một định nghĩa nhằm xác định nội dung cho hạnh phúc, buồn thay, đều là công dã tràng, không khác mấy việc làm của Sysyphe! Không phải do con người kém thông minh (từ ngàn đời nay, có biết bao nhiêu nhà tư tưởng!), mà do đặc tính kỳ lạ của bản thân sự việc. Hạnh phúc, cũng như nhiều khái niệm hệ trọng khác đối với con người, chẳng hạn: chân, thiện, mỹ…, xét đến cùng, đều trượt khỏi bàn tay con người. Hãy lấy một ví dụ. Ta có thể định nghĩa hay đề ra năm tiêu chuẩn của chân lý: nó phải nhất quán, hiển nhiên, được đồng thuận rộng rãi, hữu ích và là mục đích tối hậu của mọi sự tìm tòi. Nhưng câu hỏi còn lại vẫn là: nó có phải là…chân lý không ? Tấm vé số nào cũng đáp ứng năm điều kiện ấy cả, nhưng không phải ai cũng có thể trúng số! Ông triết gia hoài nghi Sextus Empiricus (200-250) thấy điều ấy từ lâu: “Trong hang tối mò có nhiều người đi tìm vàng. Người nào cũng tìm được một thỏi, tin là vàng, nhưng không ai dám chắc, dù đang nắm trong tay! Cũng thế, hàng đàn những triết gia sinh ra đời như trong hang tối để đi tìm chân lý. Khôn ngoan là: ngay người nào đã nắm được chân lý trong tay, cũng nên nghi ngờ rằng có chắc thế không”. Cái gì là chân, thiện, mỹ, hạnh phúc.. thì phải tự thân nó là như thế chứ không phải do mình tin là như thế! Cái trượt ra khỏi bàn tay con người ấy thường được gọi là tính trội (supervenient) của sự việc và nằm ngoài tầm với của con người.

Đã có biết bao nỗ lực đáng kính nhằm định nghĩa hạnh phúc. Nào là phân biệt hạnh phúc chủ quan như là trạng thái hài lòng, hoặc khách quan như sự may mắn vì hội đủ các điều kiện cần thiết cho hành động. Những điều kiện ấy có thể là ngoại tại như sự giàu sang, danh vọng. Cũng có thể là sự hoàn thiện nội tâm, tăng an lạc, giảm khổ đau, thậm chí có thể đồng nhất hạnh phúc với sự hiến dâng đầy hy sinh cho một lý tưởng bằng con đường khổ hạnh hoặc ‘tử đạo’. Có người đặt tiêu chuẩn rất cao cho hạnh phúc đích thực như sự chí thiện (Khổng), giác ngộ (Phật) hay, như nơi Plato, hợp nhất chân, thiện mỹ, sánh ngang với thần linh. Có người lại bi quan như Schopenhauer: “Mọi sự thỏa mãn lầm tưởng là hạnh phúc thật ra đều là tiêu cực chứ không bao giờ là tích cực”. Giải pháp dung hòa nhưng không kém sâu sắc là quan niệm của Immanuel Kant: “hạnh phúc là khẩu hiệu đầu môi của mọi người, nhưng nó không bao giờ có mặt thật sự trong thế gian. Điều duy nhất con người có thể đạt được là sự xứng đáng để được hưởng hạnh phúc”. Hạnh phúc, theo nghĩa đó, được chuyển thành một lý tưởng để vươn tới như một chân trời bất tận, như một lẽ công bằng sẽ bù đắp cho những kẻ thiện tâm nhưng luôn gánh chịu bất hạnh, oan khiên nơi trần thế, chứ không phải hoa trái chín mọng luôn sẵn sàng mời đón con người. Hơn ai hết, Kant thấu hiểu sự hữu hạn của kiếp người, tuy nhiên, thưa ông, cũng chính vì sự hữu hạn trần tục ấy, họ cũng cần được hưởng ngay chút ít hoa trái trần gian cụ thể như Sysyphe vẫn có giây phút nghỉ ngơi, hít thở bên cạnh tảng đá của đời mình. Thế là bắt đầu có những ‘thống kê’ định lượng về hạnh phúc!

3. Khi hai quốc gia khác nhau lại đứng đầu trong hai bảng ‘thống kê’ về hạnh phúc trong cùng một thời điểm, ai cũng thấy ngay rằng một trong hai hoặc cả hai bảng là không ổn. Điều lạ lùng là hầu như dư luận thụ động tiếp nhận, rồi thông tin rình rang nếu thấy có lợi cho tên tuổi quốc gia mình, hơn là phân tích và phê phán nghiêm chỉnh. Trong Bản đồ thế giới về Hạnh phúc, mười nước đứng đầu chủ yếu là các nước Âu châu (chẳng hạn năm 2006, Đan mạch đứng đầu, tiếp theo là Thụy sĩ vá Áo). Ngược lại, trongChỉ số hạnh phúc hành tinh (HPI), tốp đầu là các nước nghèo, chậm phát triển (năm 2006, đứng đầu là đảo quốc Vanuatu, Việt nam đứng thứ 12), rồi năm 2009, đứng đầu là Costa Rica, và Việt nam được nâng lên hạng 5).Trong bảng thứ nhất (2006), Mỹ đứng hạng 23, Anh đứng hạng 41; trong bảng sau, cả hai bị đánh tụt xuống hạng 150 và 108!

Nhiều nhà bình luận nhận ra nguyên nhân chủ yếu của sự mâu thuẫn là ở các cách tiếp cận khác nhau và, từ đó, ở phương pháp thu thập và tổng hợp thông tin. Cách tiếp cận nào cũng bao hàm tính xu hướng và ít nhiều định kiến. Một bên xem trọng sự tiến bộ trong khoa học, công nghệ, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Bên kia, nhân danh bảo vệ môi sinh, tất yếu có xu hướng giáng cấp các nước có mức tiêu thụ cao, và, vô tình hay cố ý, kiềm hãm sự phát triển và gây thêm ngộ nhận và ảo tưởng cho các nước nghèo. Về phương pháp, thật là khó và liệu có hợp lý không khi kết hợp hai yếu tố dị loại (yếu tố khách quan dễ định lượng như tuổi thọ và yếu tố chủ quan như cảm nghĩ cá nhân về sự hài lòng) thành một thước đo duy nhất như trong bảng chỉ số HPI. Điều này cho thấy: việc sắp hạng hạnh phúc là rất tương đối và không thật sự đáng tin cậy, đó là chưa nói đến tính trội đã đề cập ở trên. Một nhà bình luận nhận xét: hạnh phúc trong các bảng sắp hạng này là “hạnh phúc” của người sắp hạng hơn là của dân chúng các nước được sắp hạng!

Một nỗ lực đáng ghi nhận và ca ngợi khác là sáng kiến độc đáo từ năm 1972 của nước Bhutan nhỏ bé ẩn mình bên Hy mã lạp sơn nhằm đo lường chất lượng sống và sự tiến bộ xã hội mang nghĩa tổng thể và tinh thần nhiều hơn là chỉ số đơn thuần kinh tế và có tính lừa mị quen thuộc của GDP (tổng sản phẩm quốc nội), đó là: tổng hạnh phúc quốc gia (GNH). Mang đậm bản sắc và truyền thống tâm linh Bhutan lúc ban đầu, nhưng quan niệm này ngày mang tính liên-văn hóa và được tán đồng rộng rãi qua nhiều hội nghị quốc tế với sự cam kết không ngừng gia tăng của nhiều nước khác nhau. Dựa trên bốn trụ cột thoạt nhìn có vẻ định tính và khó đo lường: sự phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn môi trường tự nhiên và sau cùng, có nền quản trị quốc gia tốt đẹp, GNH ngày càng được các chuyên gia chi tiết hóa và định lượng hóa, xoay quanh bảy lĩnh vực:

sự hài lòng kinh tế (tiết kiệm, nợ, sức mua)
sự hài lòng môi trường (ô nhiễm, tiếng ồn, giao thông)
sự hài lòng về chỗ làm việc (nghề nghiệp, động lực, đạo đức, xung đột)
sức khỏe thể chất (bệnh nặng, béo phì)
sức khỏe tâm thần (dùng thuốc an thần, trầm uất, lạc quan, bi quan thông qua thái độ tích cực hay tiêu cực…)
sự hài lòng xã hội (bao gồm gia đình và thân thuộc: tình dục, phân biệt đối xử, tỉ lệ ly hôn, kiện tụng trong thân tộc, kiện tụng ngoài xã hội, tỉ lệ tội phạm, sự an toàn, sự tương trợ…)
sự hài lòng chính trị (chất lương dân chủ cơ sở, tự do cá nhân, tranh chấp với nước ngoài..)
(nhiều báo cáo chi tiết về bảy lĩnh vực nêu trên trong trường hợp Bhutan đã được phổ biến trên mạng).

Bàn về “Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia” trong một bài viết, GS Chu Hảo nhận định: “(…) thành tựu kinh tế mà chúng ta đạt được, tuy chưa phải đã nhiều và vững chắc, đã đi kèm theo sự xuống cấp văn hóa nghiêm trọng. Xuống cấp văn hóa không phải chỉ đơn giản là nói về những tiêu cực trong lĩnh vực văn hóa hiểu theo nghĩa hẹp, mà là sự xuống cấp văn hóa chung, mang tính nền tảng phát triển của xã hội, một sự suy thoái đạo đức, tinh thần… Sự xuống cấp ấy biểu hiện trước hết ở chỗ khủng hoảng niềm tin của nhân dân vào nền quản trị quốc gia và nền giáo dục quốc dân; ở sự dối trá và đảo lộn giá trị trong mọi quan hệ ở mọi lĩnh vực; ở tình trạng tham nhũng tràn lan và gia tăng bạo lực.

Xuống cấp văn hóa không phải là cái giá tất yếu phải trả cho sự phát triển kinh tế, mà có lẽ do chúng ta đã chọn một mô thức phát triển sai. Trong bối cảnh của thế giới hiện đại, mô thức nào là thích hợp cho mỗi quốc gia, vẫn là một câu hỏi khó. Nhưng không chạy theo tăng trưởng GDP bằng bất cứ giá nào, mà chú trọng phát triển “Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia” dựa trên sự bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và môi trường sinh thái như Bhutan đã làm, có lẽ là một kinh nghiệm tốt cho chúng ta”.

4. Trở lại với Sysyphe. Có lẽ như với từ “độc lập” trong một thời gian khổ, có thể nói như thế chăng về từ “hạnh phúc”: hạnh phúc ai bán mà mua, ai cho mà lấy, ai thừa mà xin. Sysyphe đã “tỏ ra mạnh hơn tảng đá của đời chàng”. Sao giống quá với người thợ lặn lão thành ở đảo Lý sơn mở trừng mắt để thấy mình mạnh hơn con cá mập hung dữ.

Phúc cho những ai mưu cầu hạnh phúc trong bão giông, và, phải “tưởng tượng rằng họ hạnh phúc!”.


Đời phi lý, vậy có đáng sống không?

Mở đầu Huyền Thoại Sisyphe, Camus nói ngay:

“Chỉ có một vấn đề triết lý thực sự nghiêm chỉnh, đó là tự tử. Xét xem đời đáng sống hay không đáng sống, là trả lời cho câu hỏi cơ bản của triết học.” (trang 17, Folio Essais, 1998). Và tác giả đã trả lời câu hỏi này bằng biện chứng phân tâm đối tượng.

Sisyphe là một nhân vật huyền thoại Hy Lạp, được Homère coi như kẻ minh mẫn nhất và cẩn trọng nhất trong bọn nhân sinh. Nhưng lại có những ý kiến khác rất tiêu cực về Sisyphe. Và đó là lý do khiến các vị thần thánh đã đầy đọa Sisyphe xuống địa ngục, bắt phải triền miên lấy hết sức bình sinh lăn một hòn đá lớn từ chân núi lên trên đỉnh núi, nhìn nó rơi xuống. Rồi lại từ từ xuống núi, và cố gắng lăn nó trở lên đỉnh…

Sisyphe là biểu tượng của người phi lý: Hình ảnh Sisyphe không xa với hình ảnh một người thợ, một người lao động tay chân hay trí óc: suốt ngày làm một công việc, suốt đời làm một công việc, hoàn tất rồi, lại quay trở lại bắt đầu một công trình khác cũng y như trước. Thân phận con người nào cũng có một chút Sisyphe ở trong: sáng vác ô đi, tối vác ô về. Ðiều đáng chú ý nhất là lúc Sisyphe xuống núi, ý thức được những cố gắng mình vừa hoàn thành, ý thức được tính phi lý của đời mình mà còn có can đảm bắt đầu lại: Lúc đó Sisyphe lớn lao hơn định mệnh và ngoan cường hơn đá tảng: Ðó là giá trị, đó là hạnh phúc của con người. Camus kết luận: “Sự tranh đấu để đạt tới những đỉnh đủ để lấp đầy trái tim con người. Phải mường tượng là Sisyphe sung sướng.” (trang 168)

Tất cả biện chứng trong huyền thoại Sisyphe quay quanh vấn đề: Ðời phi lý, vậy có đáng sống không? Và kết luận lô-gích nhất trong sự khám phá tính chất phi lý phổ quát của cuộc đời, đó là tự tử. Tại sao Sisyphe không tự tử để chấm dứt thân phận nghiệt ngã của mình? Camus từ chối lô-gích tự tử. Bởi cuộc đời dù phi lý, dù vô nghĩa, không có nghĩa là đời không đáng sống. Ngược lại, trong cái vô nghĩa ấy, con người tồn tại, Sisyphe chấp nhận tính vô nghĩa của cuộc đời và tìm thấy hạnh phúc trong thân phận phi lý.
Previous Post
Next Post