Quả báo có hay không?

Hỏi: Kính thưa Thầy, kẻ tham nhũng làm điều phi đạo lý trong xã hội ngày một béo tốt nhiều, tiền lắm của, kẻ ăn cắp ngày một giàu lên. Vậy họ đang tạo nghiệp ác, đến bao giờ họ phải trả nghiệp ác này, ít ra thì cũng phải trả trong đời hiện tại này để mọi người thấy được. Còn họ trả nghiệp ác này trong tương lai thì trừu tượng quá vậy? Xin Thầy dạy rõ cho chúng con rõ.

Đáp: Phước đời trước họ khéo tạo nên đời nay họ mới sanh vào chỗ làm dễ ra tiền, thế mà, vì lòng tham của họ không đáy, nên đã làm tiền phi đạo lý như: tham nhũng, trộm cắp, hối lộ v.v... Tuy hiện tại, chúng ta chưa thấy quả báo của họ là vì phước báo của họ còn dư thừa chưa hết, nhưng khi phước báo ấy đã cạn hết thì thiên tai hỏa hoạn đến thì họ chỉ còn sống trong màn trời chiếu đất, thậm chí cơm không đủ ăn, áo không có mặc. Các con đừng nghĩ rằng, nhân quả trừu tượng, nhân quả là một định luật đạo đức công bằng và công lý mà trong thế gian này không có một định luật nào công bằng và công lý hơn.

Nếu họ biết dừng ngay những điều làm ra tiền phi đạo lý của họ thì bây giờ họ cũng phải trả quả trong hiện tại, huống là họ chẳng biết dừng những việc làm ác đó thì họ sẽ phải trả quả ngay trong kiếp này, để cho mọi người chứng kiến biết rõ luật nhân quả công minh, khi phước họ đã cạn hết chứ không phải ở kiếp sau. Bằng chứng các con có đọc báo Công An thành phố Hồ Chí Minh nhiều kẻ làm giàu phi đạo lý sẽ bị tù tội, tử hình, tài sản và nhà cửa đều bị tịch thu như: Minh Phụng, Trần Đàm v.v...

Nhân quả không trừu tượng như các con đã hiểu, những phước báo của kẻ tạo ra những điều phi đạo lý chưa hết, nên họ còn hưởng thêm một vài ngày, nếu phước báo kia vừa hết thì quả báo khổ đau sẽ đến với họ liền.

“Phước bất trùng lai họa vô đơn chí”, người xưa đã nói như vậy, tức là họ đã có kinh nghiệm trong cuộc sống nên đã nhận ra được luật nhân quả rõ ràng và cụ thể “vay một trả mười”.

Nhân quả không những phải trả ở tương lai trong kiếp khác mà còn phải trả ngay trong kiếp hiện tại. Chỉ khi nào người tạo quả ác đã hết phước thì họ phải trả ngay liền, còn quả ở vị lai thì nó đã trở thành nghiệp lực, để tiếp tục tương ưng với nhân quả của người khác mà tái sanh vào môi trường sống xấu hơn, nếu họ làm ác nhiều hoặc tốt hơn nếu họ làm thiện nhiều.

Trước mặt chúng ta đã thấy bao nhiêu kẻ làm ác mà chẳng thấy quả khổ của họ, nên mọi người đâm ra nghi ngờ luật nhân quả. Họ đâu biết rằng, luật nhân quả rất công bằng và công lý, ai làm thiện thì hưởng phước, còn ai làm ác thì thọ chịu quả khổ, không có một ai tránh khỏi, chỉ có phước thừa của họ chưa hết, nên họ làm ác vẫn còn thấy được an vui, nhưng sự an vui chưa thật sự là an vui. Nếu chúng ta nhìn kỹ cái vui của họ là tiếng khóc, cái hãnh diện của họ là những ưu tư da diết trong lòng, chứ chưa phải là hạnh phúc đâu.

Trong thế gian này, duy nhất chỉ có một đạo luật nhân quả là công bằng và công lý, đó là một đạo luật do từ những hành động thiện ác của con người tạo ra để phân xử lấy họ, chứ không có ai hoặc một đấng sáng tạo nào đặt ra cả. Từ hành động thiện ác của loài người, mà con người phải chịu quả khổ vui chính hành động của họ, chứ không phải quả khổ vui tự nhiên mà có hay có ai xét xử phạt tội ban phước cho chúng ta.

Phật dạy: “Các pháp trong thế gian là do duyên hợp mà thành, nhưng sự thành hoại đều do hành động nhân quả mà có”. Nhân quả có lúc hiện rất rõ, lại có lúc thấy như không có nhân quả, nhưng chúng ta phải biết nhân quả lúc nào cũng đang chi phối loài người theo mỗi hành động của con người. Và vì vậy, con người mới thấy có khổ, có vui, có giận hờn, thương ghét, có buồn phiền đau khổ, có oan ức, có hận thù v.v...

Có lúc thấy như không có nhân quả, do đó người ta đã lầm và mất lòng tin nhân quả, nhưng nhân quả lúc nào cũng có mặt trong tất cả mọi con người, nên không có người nào trốn tránh khỏi luật này được, dù kẻ đó, có nhiều tiền, nhiều bạc, có quyền cao, chức trọng cũng không thoát khỏi luật này phân xử, do đó nó rất công bằng và công lý, mặc dù chúng ta thấy có kẻ kia làm ác mà vẫn không thấy quả khổ đến với họ, đó là vì phước của kẻ kia chưa hết, như chúng tôi đã nói ở trên, nên quả khổ đau của họ chưa đến mà thôi.

Trích Đường Về Xứ Phật tập VIII
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây


Previous Post
Next Post