Suy ngẫm ...

“Một con người thiếu đạo đức cũng giống như một con thú vật, nhưng con thú ấy lại mang lốt người. Con người ấy chẳng bao giờ có một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự. Cuộc đời của họ chẳng có hạnh phúc, thường sống trong tâm trạng đau khổ, giận hờn, phiền muộn, lo âu, sợ hãi, bất an, bất toại nguyện v.v.. Một gia đình thiếu đạo đức là một gia đình đau khổ, phần đông mọi người sống trong gia đình đó chỉ còn biết chịu đựng với nhau, chịu đựng để mà sống, sống trong khổ đau, nên không bao giờ tìm được chân hạnh phúc, an vui chân thật. Sống trong gia đình đó cũng giống như sống trong địa ngục, địa ngục của trần gian.”

“Là con người sinh ra ở đời ai cũng có những hành động thiện và ác, hành động thiện gọi là đạo đức, hành động ác gọi là vô đạo đức; hành động thiện còn gọi là những oai nghi tế hạnh của con người thật người, của bậc Thánh, tức là Phạm hạnh của những người tu sĩ Phật giáo; hành động ác còn gọi là ác quỉ, ma vương, quỷ la sát  v.v.. Những hành động ấy đều xuất phát ba nơi trong thân của mọi người: 1/ Ý hành 2/ Khẩu hành 3/ Thân hành. Nếu chúng ta không học và không tu tập những oai nghi tế hạnh thì làm sao chúng ta biết được oai nghi tế hạnh nào đúng và oai nghi tế hạnh nào sai.”

“Khi nói đến Lòng Yêu Thương đối với mọi người thì chúng ta nên dè dặt cẩn thận để xét qua những hành động có thật Lòng Yêu Thương hay không, hay chỉ lời nói suông ngoài đầu môi chót lưỡi. Phải tránh Lòng Yêu Thương bằng cách mua bán trao đổi “bánh sáp đi thì bánh qui trở lại”, vì Lòng Yêu Thương ấy chưa thật sự là Yêu Thương. Lòng Yêu Thương lúc nào cũng đi song song với Lòng Cung Kính và Tôn Trọng thì Lòng Yêu Thương ấy mới thật sự là Yêu Thương. Thiếu Lòng Cung Kính và Tôn Trọng thì Lòng Yêu Thương ấy sẽ có những hành động thô bạo, hung dữ, lời nói thường to tiếng, nặng nhẹ với nhau, có khi còn chửi mắng và còn đánh đập nhau nữa. Đó là Yêu Thương, nhưng thiếu sự cung kính và tôn trọng.”

“Phật giáo không phải là tôn giáo; không phải là đảng phái chánh trị; không phải một đế quốc lợi dụng thần quyền cai trị thế giới. Phật giáo chỉ là một nền đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người; Lời Phật dạy là những ngôn ngữ bình dân, giản dị, Phật chỉ có nhắc lại những gì của con người đã có sẵn, chứ không sáng tạo ra cái gì mới cả và cũng không bịa đặt, thêu dệt những chuyện ảo tưởng, hư cấu, và cũng kkông sử dụng quyền năng siêu việt của bản thân mình để lừa đảo mọi người theo mình. Nếu hiểu Phật giáo theo cách cao siêu ảo tưởng thì sẽ sai nghĩa.”

“Chúng ta là những người có đủ duyên nhất là có phước báu vô lượng, vô biên được sinh ra làm người, được học đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai thì thật là hạnh phúc nhất trần gian.”

“Phải thấy nhân quả, đừng thấy đúng sai, phải trái, xấu tốt, trắng đen, đó là sự thật của cuộc đời này, nếu thấy đúng sai, phải trái, tốt xấu, trắng đen, là thấy sai sự thật.”

“Cuộc sống con người và vạn vật trên hành tinh này có một sự sống liên kết chặt chẽ với nhau, người này nương tựa vào người kia, người kia nương tựa vào người này để sống; người nương tựa với vạn vật mà sống, vạn vật nương tựa vào người mà sống... Do hiểu biết sự sống có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, chúng ta mới không làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài vật cho đên cỏ cây, đất đá, núi sông.”

“Nếu sự sống có giá trị thì chỉ có lòng yêu thương mới bảo vệ giá trị sự sống ấy được. Vì sự sống không có lòng yêu thương, cho nên giá trị sự sống bị chà đạp, bị đánh mất. Trên đời, ai cũng có sự sống và muốn sống nhưng vì sự sống lại chà đạp lên giá trị sự sống, đành phải đánh mất lòng yêu thương. Quý vị nên nhớ câu này mãi mãi, vì mỗi khi có chướng ngại trong đời thì chỉ có lòng yêu thương mới đem lại sự sống bình an”

“Con người chúng ta là con người của nhân quả, của nghiệp lực THAM, SÂN, SI, MẠN, NGHI. Muốn thay đổi nó ta phải thay đổi thành KHÔNG THAM, KHÔNG SÂN, KHÔNG SI, KHÔNG MẠN, KHÔNG NGHI!”

“Trong cuộc sống chúng ta nên luôn chia sẽ và giúp đỡ người khác, vì như thế là chúng ta đã đem lại niềm vui cho chính cuộc sống của mình.”

“Sống là sự trả nghiệp, chứ không phải sự tham đắm. Vì nghiệp sanh chúng ta ra, nếu chúng tra trả nghiệp mà không tạo nghiệp mới thì làm gì có cuộc sống vị lai?”

“Đánh mất lòng yêu thương chúng sanh là đánh mất mạng sống của mình.”

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Nguồn: thuvienthaythonglac.net
Previous Post
Next Post