Ta thương ta hay đang hại ta

Nên hành xử thế nào?

Trong gia đình, cha mẹ thương con nên làm giúp con, cho con tiền, để lại tài sản nhà xe hay cho con một cái nghề, một học vấn, cho con một tư duy suy nghĩ logic, biết phải trái và yêu thương đồng loại?

Trên thương trường, doanh nghiệp thương lợi nhuận và doanh số của mình nên trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, lãng tránh các trách nhiệm xã hội để đạt mục tiêu lợi nhuận lớn nhất có thể? Hay nên hoạt động hài hòa trong nền kinh tế xã hội với sự dung hòa mục tiêu lợi nhuận và trách nhiệm xã hội?

Trong chính trường, các quan chức chính phủ nên thực hành các chức trách công chức theo tiêu chí nào, với những ưu tiên vì lợi ích của người dân, của đất nước hay của bản thân mình? Làm thế nào để phân biệt rạch ròi lợi ích cá nhân và lợi ích đất nước (tư lợi và công lợi)?

Trên nghị trường, các nghị viên, nghị sĩ nên hành động bằng cách xây dựng một nền pháp trị với các điều luật, qui định nhằm vun đắp và xây dựng hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch, khả dụng, góp phần tạo nền tảng pháp lý cho mọi hoạt động của người dân, doanh nghiệp trong xã hội hay chạy theo các nhóm lợi ích, phe phái quyền lợi để tìm kiếm lợi ích riêng?

Trong hệ thống tư pháp và bảo vệ tư pháp, các quan tòa, thẩm phán, bồi thẩm đoàn, công tố viên, luật sư nên hành động nhằm bảo vệ sự trong sáng của pháp luật, bảo vệ người dân vô tội bị hàm oan, bảo vệ hiến pháp và pháp luật hay công lý của loài người hay chạy theo các lợi ích cục bộ, sẳn sàng bán mình cho quỷ dữ để đổi lấy cơm no, áo ấm và vinh hoa phú quý?

Trong các hệ thống quân đội, cảnh sát, những người bảo vệ sự bình yên cho đất nước, cho nhân dân có dám hy sinh thân mình vì sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc và bình yên cho nhân dân hay vào quân ngũ chỉ để trèo cao lên các bậc thang danh vị và chạy theo danh lợi?

Ta phải thương ta thôi!

Ta phải bảo vệ ta trước, ta phải tìm kiếm các ưu tiên quyền lợi cho bản thân trước chứ, phải lo toan cho bản thân và gia đình mình trước đã chứ? Có gì sai nào?

Không ai nói điều “ta thương ta trước” là xấu xa cả! Xã hội các nước phát triển vẫn vậy mà?

Chỉ sợ những luân lý và suy nghĩ thông thường như trên sẽ trở thành “khôn quá hóa dại”.

Cuộc sống trong xã hội ta đã chứng kiến biết bao thay đổi. Từ nền kinh tế chỉ huy, bao cấp, chậm phát triển, tư duy “một người nghĩ thay và làm thay cho nhiều người” trong nền kinh tế chỉ huy dần được chấp nhận và thay thế bởi một “nền kinh tế thị trường” có điều tiết của nhà nước mà tư tưởng và khát vọng hướng đến một xã hội lý tưởng “do dân, vì dân” hay “định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Liệu chúng ta có làm được điều đó hay không và cơ hội nào để đạt đến mức độ phát triển kinh tế xã hội ở mức độ lý tưởng cao cả như trên? Chúng ta hiện đang ở mức độ phát triển kinh tế xã hội nào so với các quốc gia khác trên thế giới? Trình độ dân trí và trình độ năng lực quản lý nhà nước của ta so với các quốc gia khác ra sao?

Có thể nhận chân được mình đang ở đâu trên bản đồ phát triển mọi mặt của thế giới? Nếu có cuộc khảo sát chung về mọi mặt như kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị, xã hội ..v..v.. thì có nhận biết được ta đang ở đâu trên bình diện thế giới hay khu vực? Nếu căn cứ theo các tiêu chí mức độ phát triển được thừa nhận rộng rãi trên thế giới như thu nhập bình quân đầu người GDP, chỉ số phát triển con người HDI, các chỉ số hay chỉ dấu khác về năng lực xã hội, năng lực con người, năng lực quản lý, khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư, .v.v. chúng ta dễ thấy dân tộc và đất nước ta còn rất nhiều điều phải làm, nhiều điều phải trăn trở, ray rứt vì sự lạc hậu, chậm tiến của đất nước.

Liệu chúng ta có chấp nhận được các giá trị đạo lý chung của nhân loại hay chúng ta đang có sự khác biệt đơn độc nào? Liệu chúng ta nên hội nhập với xu thế chung của thế giới hay tìm kiếm các giá trị xuất sắc đột biến hay đột phá? Liệu ta có đủ năng lực làm nên các điều thần kỳ khác người nào? Hay chỉ là một quốc gia bình thường, con người bình thường…

Khách quan là một đất nước Việt Nam chuyển mình từ địa ngục của các cuộc chiến tranh dai dẳng, đau thương, đổ nát, chia rẽ dân tộc, gia đình ly tán. Chủ quan là một nền quản lý lạc hậu, chậm thay đổi, chậm tiếp thu cái mới mà hệ quả là sức ì hệ thống hay quán tính của thói quen cũ, cách làm cũ, công thức máy móc, phương pháp tuyển dụng và dùng người dựa trên sự gửi gắm, quen biết hơn là mở cửa trọng dụng nhân tài và áp dụng các phương thức quản lý sản xuất hiện đại.

Hậu quả là gì?

Đổi mới và mở cửa chậm trể nhiều năm kể từ sau năm 1975, thống nhất đất nước, cho đến tận hơn 10 năm sau mới bắt đầu khởi động và sự chuyển mình tương đối chậm sau đó khiến cho đất nước đi sau, lỗi nhịp so với cộng đồng các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Nền kinh tế nông nghiệp dù đã thoát cảnh đói nhưng vẫn còn nghèo, xuất khẩu gạo tăng nhiều đạt số 2, số 3 thế giới nhưng nông dân vẫn nghèo, rủi ro thiên tai mất mùa vẫn thường trực hàng năm và chưa có nền nông nghiệp kỹ thuật cao, năng suất lao động đạt hiệu quả so sánh được với nông dân các nước trong khu vực. Xuất khẩu cả tấn gạo cũng chỉ mua được 1 chiếc TV mà thôi! Nuôi hàng vạn heo gà cũng chỉ không mua nổi 1 chiếc ô tô!

Về công nghiệp thì sau bao năm vẫn còn lắp ráp, tham gia các công đoạn gia công với giá trị gia tăng thấp, thâm dụng nhiều lao động giá lao động rẻ, lương nhân công thấp nhất trong khu vực và thế giới.

Hàng chục liên doanh sản xuất ô tô cho tới nay cũng chỉ nhập nguyên cụm, nguyên kiện về lắp ráp. Chính sách thuế nhập khẩu, chính sách phát triển hạ tầng giao thông không hỗ trợ được cho công nghiệp sản xuất ô tô.

Công nghiệp điện tử, máy tính thì sau bao năm chỉ quanh quẩn các dây chuyền lắp ráp TV, đầu máy, nhập linh kiện máy vi tinh mà sắp tới phải đóng cửa hầu hết vì lạc hậu công nghệ (nghe nói các dây chuyền lắp ráp TV của Vietronics sắp tới sẽ phải thu hẹp công suất vì không ai mua TV màn hình CRT nữa mà đã chuyển sang dùng TV công nghệ LCD, LED cả rồi) hay phải chuyển sang nhập khẩu/bán hàng hay nhập hàng về đóng mác thương hiệu nào đó ở Việt Nam rồi bán.

Công nghiệp cơ khí chế tạo vẫn luôn đi sau với việc sao chép, copy, ăn cắp bản quyền thiết kế từ phần mềm đến khuôn mẫu tràn lan và cạnh tranh sản xuất hàng giá rẻ, chất lượng thấp không thể động viên những người làm ăn chân chính phát huy sáng tạo và sử dụng chất xám vào việc chế tạo sản phẩm tốt.

Công nghiệp đóng tàu với cách quản lý vốn nhà nước thiếu hiệu quả, đầu tư tràn lan, gây thất thoát lớn kiểu như Vinashin ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quản lý nhà nước đã được báo chí nói nhiều và các quan chức quản lý nhà nước mổ xẻ, rút kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp tái cấu trúc, sửa đổi, cải cách lớn lại doanh nghiệp.

Ngành thủy hải sản có nhiều bước tiến nhờ tận dụng ưu thế khí hậu và thiên nhiên ưu đãi của vùng đồng bằng sông nước Cửu Long nhưng rồi cũng sẽ phải trả giá nếu không chú ý tới yếu tố đất nhiễm mặn, mất đất canh tác, dịch bệnh thủy hải sản hàng loạt mà cái giá phải trả sẽ không kém như các quốc gia Nam Mỹ đã từng phát triển và từ bỏ hay giảm dần việc nuôi tôm và thủy hải sản cách đây vài thập kỷ.

Công nghiệp dệt may thì chủ yếu thâm lạm lao động, một lao động cộng một máy may trị giá đầu tư 200USD, làm ra giá trị gia tăng rất thấp, nguyên phụ liệu nhập khẩu chiếm tỉ trọng rất cao kể cả bông, sợi cho đến chỉ, nút .v.v. dù đang tăng trưởng và tiến lên thành nước xuất khẩu may mặc hàng đầu!

Công nghiệp dược phẩm dược liệu vẫn còn lâu chưa sánh nổi với các sản phẩm nhập khẩu về chất lượng và cả mẫu mã dù giá cả có rẻ hơn nhiều lần thì người bệnh và bác sĩ vẫn có xu hướng chọn thuốc “ngoại” hơn ưu tiên “nội”!

Các kênh phân phối hàng tiêu dùng trong nước cũng bị các nhà phân phối nước ngoài thao túng và lấn sân dần. Các hệ thống siêu thị của nước ngoài đang ngày càng lấn sân với các dịch vụ gia tăng càng lúc càng nhiều. Các công ty phân phối trang bị hệ thống máy tính và phần mềm quản lý hiện đại, có thể theo dõi kiểm tra các hoạt động mọi lúc mọi nơi và cập nhật tình hình, đưa ra các giải pháp hữu hiệu kịp thời. Các nhà phân phối Việt Nam phần nhiều lấy công làm lời và chấp nhận % lợi nhuận thấp đề tồn tại. Chuổi phân công giá trị thặng dư dành cho nhà phân phối Việt Nam không nhiều, dư địa thương lượng với đối tác rất ít và luôn bị chèn ép.

Các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất nhiều hiện tượng sử dụng hệ thống máy móc thiết bị cũ lạc hậu, giá thành cao, do công tác đấu thầu chạy theo lợi ích cục bộ, tham nhũng hối lộ, chung chi hoa hồng làm méo mó kết quả đấu thầu. Việc các báo đài phản ánh hiện tượng doanh nghiệp nhà nước đang nhường sân chơi cho các công ty, nhà cung ứng Trung Quốc trong các gói thầu EPC (gói thầu dạng “chìa khóa trao tay”) từ điện lực tới cầu đường và các công trình khai thác khoáng sản chỉ là hệ quả của một thời buông lỏng quản lý công tác đấu thầu và hậu kiểm, thanh tra các nguồn kinh phí và cách sử dụng ngân sách nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước này.

Không ai cấm các doanh nghiệp Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác tham gia cạnh tranh tự do, sòng phẳng hay chào hàng giá hợp lý để thắng các gói thầu tại Việt Nam kể cả các gói EPC, nhưng việc có quá nhiều điều cần bàn xung quanh việc cung ứng các gói thầu này sau đó như thi công chậm trể, giao hàng kém chất lượng, nhà thầu mang cả công nhân, lao động phổ thông sang công trường thi công, chào giá ban đầu thấp sau đó kê khai chi phí phát sinh gây tranh cãi, sử dụng thủ đoạn tăng chi phí bảo trì sửa chữa máy móc thiết bị khi có sự cố, bán phụ tùng thay thế giá cao .v.v. là điều các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam cần phải cảnh giác cao độ!

Trước khi trách người hãy tự trách mình! Nếu chúng ta quản lý tốt, không có kẽ hở cho tham ô, nhũng nhiễu thì lấy đâu ra việc nhà thầu Trung Quốc hay nước nào lũng đoạn các gói thầu lớn EPC?

Đây cũng là các ví dụ cho việc “ta thương ta” nhưng cuối cùng lại “hại ta”!

Nhà nước cấp phép cho thật nhiều liên doanh lắp ráp ô tô tưởng chừng “có tiền bỏ túi” khi cấp phép và “càng đông càng cạnh tranh” nhưng sau bao năm các liên doanh vẫn chỉ lắp ráp và mua bán, không hề có chuyển giao công nghệ hay tăng tỉ lệ nội địa hóa đáng kể nào! Trung Quốc chỉ có chủ yếu cấp phép cho Volkswagen (Đức) nhưng ngày nay phát triển được nhiều thương hiệu ô tô nội địa của mình, sản xuất được động cơ ô tô và nhiều phụ kiện quan trong khác do khéo léo trong thương lượng các hợp đồng về lộ trình chuyển giao công nghệ cũng như cách tiếp cận các ngành công nghiệp phụ trợ.

“Ta thương ta” nên nhà nước luôn đưa ra các chính sách tưởng chừng như giúp đỡ doanh nghiệp như đối với trường hợp bảo hộ ngành ngân hàng nhưng rốt cuộc các ngân hàng Việt Nam vừa nhiều, quy mô nguồn vốn nhỏ, vừa hoạt động manh mún, mạnh ai nấy làm, cạnh tranh lãi suất huy động, lãi suất cho vay, góp phần làm thị trường vốn phân tán, mất tập trung cho sản xuất kinh doanh mà chạy theo việc tài trợ các đầu tư tín dụng phi sản xuất, đôi khi góp phần làm tăng giá bất thường các thị trường bất động sàn và cổ phiếu. Khi thị trường bất động sản và chứng khoán đóng băng hay đi xuống, nếu các con nợ lớn của ngân hàng mất khả năng thanh toán hay phá sản, liệu lợi nhuận cao của ngân hàng từ cho doanh nghiệp vay với lãi suất cao ngất ngưỡng, có gánh nổi các khoản nợ xấu dù chỉ vài phần trăm trên tổng nợ vay hay % tài sản ngân hàng vài trăm ngàn tỉ so với số vốn chỉ vài ngàn tỉ của ngân hàng?

“Ta thương ta” nên các cuộc họp chỉ “rút kinh nghiệm” nội bộ, không truy cứu trách nhiệm cá nhân, du di cho nhau, vui vẻ cả làng! Cho dù việc điều hành chính sách tại các cơ quan nhà nước có khi không theo kịp tình hình thị trường, chỉ mang tính đối phó, chạy sau diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, các giải pháp chỉ có tính tình thế, ngắn hạn. Các chính sách có cái vừa đưa ra đã lạc hậu và phải thay đổi ngay!

“Ta còn thương ta” nên giúp nhau tạo chính sách đưa con em chúng ta tuy có thiếu năng lực, thiếu học vấn và kinh nghiệm, thậm chí thiếu cả đạo đức tác phong để vào các vị trí công tác có nhiều quyền uy nhằm có cơ hội mưu cầu “vinh hoa, phú quý” dài lâu! Tới khi các “con em” này, do thiếu tài kém đức gây ra các hậu quả nghiêm trọng thì chính “ta” lại phải đi giải quyết các hậu quả đôi khi khó mà xử lý được. Con một quan chức công an cấp đầu tỉnh ở Trung Quốc, khi bị cảnh sát giao thông phạt do vi phạm nghiêm trọng luật lệ giao thông quốc gia thì buộc miệng kêu to: “cha tao là …” như báo chí đưa tin. Báo hại cho cha già của gã thanh niên tới phiên mình phải một phen trả giá “con dại cái mang”.

Các cơ quan nhà nước thường có việc bè phái tập trung quyền lực, thống lĩnh các vị trí then chốt, hất cẳng các phe phái khác, thao túng toàn bộ quyền lực trong cơ quan từ doanh nghiệp tới quản lý nhà nước, tưởng chừng có quyền lực tuyệt đối sẽ muốn làm gì cũng được, không cần phải nghe ai, không cần có tiếng nói phản biện hay cơ quan giám sát chéo, kiểm tra và chia sẻ quyền lực nào khác. Rốt cuộc cái giá phải trả sẽ là lớn nhất. Vì quyền lực có xu hướng tham nhũng, và quyền lực tuyệt đối sẽ sinh ra tham nhũng tuyệt đối. Tất cả các vua chúa ngày xưa nếu không biết khoan sức dân, không biết chiêu hiền đãi sĩ, không trọng đạo thánh hiền, lo cho dân, cho nước mà chỉ biết bòn rút của cải vật chất, tận hưởng vinh hoa phú quý cho riêng mình và giai cấp thống trị của mình, trước sau thì phân hóa xã hội cùng với bất công xã hội ngày càng gia tăng ...

Các nhà nước trung ương tập quyền phong kiến xưa nay luôn thiếu vắng tiếng nói phản biện trung thực, đúng đắn. Thiếu vắng sự phân bổ và cân bằng quyền lực giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp. Cán cân quyền lực luôn lệch về một bên. Sự dẫn dắt xã hội hoàn toàn ngã về xu hướng tranh thủ trục lợi, tranh giành quyền lực. Các nhóm lợi ích thắng thế sẽ dẫn dắt xã hội bất chấp các nền tảng pháp luật có hay không.

Ta thương ta quá khác nào tự hại nhau.

Cảnh Thái
Previous Post
Next Post