Tiếng ồn

Hỏi: Kính thưa Thầy, theo như nhà học giả dạy: “cái chướng ngại của Sơ Thiền là tiếng ồn đi vào tai”, có đúng không thưa Thầy?

Đáp: Không, nhà học giả đã hiểu sai những danh từ Phật dạy. Phật dạy: “Tịnh chỉ ngôn ngữ nhập Sơ Thiền”, nhà học giả nghe chữ “ngôn ngữ”, rồi nghĩ tưởng ra là tiếng ồn, vì tiếng ồn thường làm động thiền định ức chế tâm, nên Ngài luận: “Cái chướng ngại của Sơ Thiền là tiếng động đi vào tai”.

Ngài không hiểu thiền của đạo Phật là thiền gì? Ngài cho Sơ Thiền ngại tiếng đọng cũng giống như Thiền Đông Độ và Thiền Đại Thừa sao?

Sơ Thiền là một loại thiền xả tâm, nên còn có rất nhiều tên như:

1- Tịnh chỉ ngôn ngữ
2- Ly dục, ly ác pháp
3- Sống trầm lặng
4- Sống độc cư
5- Sống phạm hạnh
6- Bất động tâm định
7- Vô tướng tâm định
8- Sơ Thiền
9- Tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm
10- Giới luật thanh tịnh
11- Tâm không phóng dật
12- Tâm vô dục, vô ác pháp

Từ xưa đến giờ, các nhà học giả không có thực hành hoặc thực hành chưa đến nơi đến chốn, cho nên sự hiểu biết của các Ngài bằng tưởng tri, không phải bằng trí tuệ. Xét lại sự hiểu biết về Sơ Thiền của các Ngài, mà dạy như vậy thì kinh sách của các Ngài không còn có giá trị tu hành nữa.

Tịnh chỉ ngôn ngữ, tức là sống độc cư, sống trầm lặng, như đức Phật đã dạy 42 bài kệ sống độc cư và thường ca ngợi cuộc sống trầm lặng của vị khất sĩ.

Nhà học giả không có thực hành bốn thiền hữu sắc (Tứ Thánh định), nên đã hiểu sai lệch quá nặng, gần như không biết về bốn loại thiền này.

Nên ở đời, mọi người ít ai chịu mình ngu dốt, cái không biết cứ tưởng mình là biết, từ đó cái sai này dẫn đến cái sai khác. Nhà học giả cũng vậy, không biết về loại thiền Tứ Thánh Định này, dám viết ra sách dạy người tu thiền này, xem thiên hạ đều là bọn ngu dốt chẳng biết gì về Phật pháp cả.

Sơ Thiền không phải là một trạng thái thiền vắng lặng, không có tiếng ồn đi vào tai, Sơ Thiền chỉ là một trạng thái an lạc, thanh thản, có tầm, có tứ, có hỷ, có lạc của tâm bất động. Nhà học giả chỉ luận theo danh từ trong kinh nên chẳng rõ trạng thái Sơ Thiền như thế nào? Thấy kinh dạy: “Tịnh chỉ ngôn ngữ nhập Sơ Thiền” nên tưởng nghĩ ra “Cái chướng ngại của sơ thiền là tiếng ồn đi vào tai”.

Tịnh chỉ ngôn ngữ, mà nhà học giả hiểu là tiếng ồn đi vào tai, làm chướng cho Sơ Thiền, thì rõ ràng nhà học giả chẳng biết gì về Sơ Thiền cả như trên chúng tôi đã nói, hiểu như vậy thật là hiểu sai ngàn vạn dặm. Nhà học giả xưa đã hiểu sai như vậy, nhà học giả ngày nay cứ theo lối mòn cũ mà giải thích, khiến cho người đời sau chẳng biết đâu mà tu hành.

Ý của Phật dạy ở đây “tịnh chỉ ngôn ngữ để nhập Sơ Thiền”, tức là phòng hộ sáu căn, phòng hộ sáu căn, tức là sống độc cư, chỉ có độc cư mới phòng hộ sáu căn trọn vẹn, nhờ có phòng hộ sáu căn trọn vẹn, tâm mới không phóng dật, tâm không phóng dật, tức là tâm mới ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp, tức là tâm mới nhập Bất Động Tâm Định. Từ Bất Động Tâm Định mới nhập được Sơ Thiền.

Vào thiền thứ nhất mà nhà học giả hiểu sai, giảng sai thì làm sao giảng dạy Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền và Tam Minh cho được, nên đời sau không ai nhập bốn thiền thuộc loại Tứ Thánh Định này. Kinh sách thì dạy rõ ràng mà người không tu lại giảng kinh sách, đó là buôn Phật bán pháp, bán chữ bán nghĩa mà ăn, làm một nghề bất lương, chứ không phải dạy người tu hành. Mình có tu được chưa mà dám dạy người tu như vậy?

Trích Đường về xứ Phật VI
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post