Ái dục

"Chớ gần gũi người yêu
Trọn đời xa kẻ ác,
Yêu không gặp là khổ
Oán phải gặp cũng đau.

Do vậy chớ yêu ai
Ái biệt ly là khổ.
Những ai không yêu ghét.
Không thể có buộc ràng."
(Kinh Nikaya Pháp Cú: XXI: Piyavagga: Phẩm Hỷ Ái (210- 211)

Thưa các bạn thân mến!

Những lời dạy này của Đức Phật, đã nhắn gửi đến chúng ta rằng: cuộc đời mà chúng ta hiện đang sống và thở là một thế giới đương đại đầy những niềm đau và nỗi khổ, đầy máu lửa, đau thương, nước mắt, đầy những phân hóa hỗn tạp, hận thù đảo điên. Vì vậy, chúng ta đang được sống làm người là những chuỗi ngày dài vô tận đang ở trong một cái bể sầu khổ rơi đầy nước mắt. Nếu chúng ta có thiện duyên được gặp minh triết chân lý lẽ phải của nền đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người, khổ chúng sanh thì cuộc đời của mỗi chúng ta sẽ được soi sáng, tươi vui, an lành, hạnh phúc mỗi ngày. Nên những lời dạy này của Đức Phật đã khuyên nhủ và nhắn gửi đến chúng ta chớ gần gũi người yêu, bởi vì khi chúng ta vô minh để được thương yêu. Chúng ta nào biết đằng sau sự cảm giác lạc thú ấy là biết bao nhiêu hậu quả đau thương ê chề khốn đốn mà ta phải gánh chịu và đón nhận tất cả.

Vợ chồng con cái là những cái nhà tù chung thân chôn vùi cuộc đời xanh tươi trong trắng của đời ta. Là những ảo ảnh màu hồng, là những bông bóng nước vỡ tan khi có những giông bão đi qua. Vì vậy chúng ta hãy luôn có chánh tri kiến trong khi ta đang yêu thương. Chúng ta hãy có cái nhìn hiện thực về cuộc sống. Hãy nhận diện đâu là con đường thoát khổ và đâu là con đường vướng mắc trói buộc của khổ đau. Những giây phút ảo tưởng về chân trời hạnh phúc màu hồng trong khi gần gũi người yêu ấy. Đã làm choáng ngợp biết bao tâm hồn mê muội đắm đuối mê ly. Trừu tượng ảo giác về cuộc sống lý tưởng "một mái nhà tranh với hai quả tim vàng". Đó là những gì chúng ta lý tưởng hóa xây mộng đẹp bằng ảo mơ vô vọng về ái tình tuyệt vời như mộng huyễn nhưng thực tại nó không phải vậy?

Nếu chúng ta chui đầu vào mái nhà tranh với hai quả tim vàng đó, thì ta sẽ nếm được mùi vị đắng cay của ái tình khổ lụy sầu đau ấy. Và ta sẽ phải lãnh đủ những chuỗi tháng ngày dài bất tận trong trái tim ngục tù. Cái gọi là "lâu đài tình ái" ấy chẳng qua chỉ là một nhà tù mà thôi. Một nhà tù sơn son thếp vàng đề bốn chữ "lâu đài tình ái" khi cưới nhau chúng ta xây cho nhau những nhà tù. Ban đầu thì ôi thôi rất tuyệt đẹp. Sau đó rã ra những chất sơn thếp rốt cuộc chúng hiện nguyên hình là những nhà tù có những song sắt rất lớn cả hai đều kẹt cứng không thể nào thoát ra được. Đám cưới có thể là một tờ giao kèo ở tù chung thân mà dù có vùng vẫy cách mấy ta cũng không thoát ra được, khạc đã không ra, mà nuốt cũng không vào, nhìn xung quanh chúng ta sẽ thấy rất nhiều trường hợp như vậy, ly dị không được, mà không ly dị cũng không xong. Điều này không những đúng trong trường hợp: người tình với người tình, cha và con, mẹ và con, bạn và bạn, chị và em, thầy và trò hay trò và Thầy, v.v... Vì vậy cho nên chúng ta hãy thương làm sao để cho người kia còn có tự do, để cho người kia còn là người kia và để cho ta còn được là ta, thương mà còn có tự do thì tình thương ấy mới gọi là tình thương chân chánh có đạo đức.

Đôi khi ta phải tự hỏi chính ta và ta phải tới hỏi người kia "Này anh, trong tình thương của tôi có tính chất độc tài không? Có tính chất chiếm hữu không? Có tính chất vướng mắc không? Có tính chất áp đặt không? Khi tôi thương anh, tôi có làm cho anh đau khổ hay không?" Nếu chúng ta hỏi được câu đó thì ta đã có can đảm và gan dạ: "Này em, em có khổ đau vì cách tôi thương em hay không?".

Cha cũng phải hỏi con câu đó, mẹ cũng phải hỏi con câu đó, thầy cũng phải hỏi trò câu đó, chị gái cũng phải hỏi em trai câu đó mà em gái cũng phải hỏi anh trai câu đó, đệ tử cũng phải hỏi sư phụ câu đó, người yêu cũng phải hỏi người yêu câu đó: "Này anh tình thương của em có phải là cái nhà tù của anh hay không?".

Thế nên, Đức Phật đã nhắn nhủ với chúng ta

"Chớ gần gũi người yêu"

là vậy đó, gần gũi lâu ngày là sẽ phát sinh các dữ kiện: độc tài vướng mắc, chiếm hữu, gần gũi lâu ngày cỏ rơm cũng phải cháy khô và lúc bấy giờ sẽ chẳng còn nước đâu mà dội tẩm cho mau nguội lạnh được. Khi chúng ta đang yêu thương mà không được gặp, không được nhìn thấy người yêu, thì ôi chao ơi! Là quá khổ sở, khổ ê chề, khốn đốn, tâm hồn ta quên ăn, quên ngủ, héo hắt, xác xơ vì nhớ người yêu da diết. Nên Nguyễn Du trong thơ Kiều đã nói lên tâm trạng ấy: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Vậy mà không được gặp, không được nhìn thấy nhau, không được gần gũi bên nhau, thì đó là những nỗi cơ hàn, lạnh lẽo buốt giá, những nỗi buồn vu vơ nhớ trăng, thương gió buồn tủi sầu lụy của con tim đang chờ đợi thương nhớ mong mỏi da diết. Nên Đức Phật dạy:

"yêu không gặp là khổ"

vì trái tim đang chờ đợi trông ngóng người mình thương, chỉ cần nhìn thấy người thương một chút xíu thôi cũng đỡ nhớ thương rồi. Tâm hồn của chúng ta quá khổ đau trong khi đã biết yêu thương đó là những hạt giống của nguyên nhân tái sanh luân hồi nếu ta yêu thương mà làm khổ mình nhiều như vậy thì thà rằng đừng yêu cho xong. Vì khi thương ta muốn có hạnh phúc cho ta và cho người ta thương nếu tình thương bi lụy sầu khổ kéo theo những bi kịch thì thương làm gì? Thà rằng không thương cho xong, chúng ta hãy thương như thế nào đó để ta còn là ta, để ta còn giữ được cái không gian của ta và người ta thương cũng giữ được cái không gian của người ấy. Thương mà không có đạo đức là ta đem khổ đau cho chính ta và cho người ta thương. Và gây thương tích cho chính mình. Chúng ta hãy luôn có chánh tri kiến và phải tự hỏi chính mình rằng: "là tình thương của ta có tính chất độc tài chiếm hữu và vướng mắc hay không?"

Ngay tình cha với con cũng vậy. Cha có thể nghĩ rằng con là vật sở hữu của mình: "Mày là con tao, vì vậy mày phải nghe lời tao, mày chỉ được học cái này, làm cái này và chơi cái này thôi, nếu mày không học cái này, không làm cái này, không chơi cái này thì mày không phải là con tao. Tao sẽ từ mày". Đó là tình thương độc tài có chiếm hữu áp đặt.

Hoặc ghét bỏ người con: "Mày đi đâu thì đi, mày không dính dáng gì đến tao nữa, mày không phải là con tao". Đó là tình thương độc tài áp đặt ghét bỏ.

Còn người tình thì nói với người tình: "Em không được đi chợ giờ đó, em không được mặc áo màu đó, em không được bôi thứ nước hoa đó". Đó là tình thương độc tài có chiếm hữu; còn em gái thì nói với anh trai: "Anh không được ở đó lâu phải về thăm nhà mau, nếu anh không về thì em sẽ đi đến chỗ ấy. Anh không được làm cái này, anh không được làm cái kia v.v…". Đó là tình thương độc tài áp đặt chiếm hữu và vướng mắc.

Đệ tử thì nói với sư phụ: "Sư phụ không được nói chuyện nhiều, không được nói với cô đó, chị đó, anh đó, em đó mà sư phụ phải nói cái này, chứ không được nói cái kia v.v…". Đó là tình thương có sự chiếm hữu độc tài và vướng mắc, áp đặt.

Vướng mắc là bản chất của tình thương khổ lụy. Tình thương mà Đức Phật muốn chúng ta thương yêu là tình thương không khổ lụy, không vướng mắc. Có người hỏi nếu tình thương không vướng mắc thì đâu phải là tình thương? Đó là tại vì ta chưa thấy được bản chất của tình thương đích thực. Trong mỗi chúng ta đều có khuynh hướng thương vướng mắc, độc tài chiếm hữu. Người trẻ cũng vậy mà người già cũng vậy, chị em, hay anh em ruột thịt cha và con, mẹ và con, thầy và trò, trò và thầy v.v… đều có khuynh hướng ấy, có nguyên do ở ngã chấp và vô minh. Vô minh và ngã chấp ấy đã trở thành câu sinh, nghĩa là khi sinh ra đã có như vậy rồi. Thành thử ra khi thương một người, ta có khuynh hướng chiếm hữu người đó. Ta nói: "Người đó là người thương của tôi, anh không được đụng tới chị không được đụng tới", khi ta được thương ta cũng có khuynh hướng đó. Ta muốn rằng ta là đối tượng duy nhất của tình thương kia, người ấy đã thương mình rồi thì không được thương người nào khác nữa.

Tình thương ấy có chất liệu của sự vướng mắc, của sự chiếm hữu, khi thương ta có khuynh hướng chiếm hữu người ta thương, ta nói: đây là "ta" và đây là "của ta" (ngã và ngã sở) tình thương ấy có tính chất độc tài. Độc tài nghĩa là tôi thương anh thì tôi muốn anh không được thương người khác, không được làm cái này, không được làm cái kia, chỉ được làm theo ý muốn của tôi mà thôi. Tình thương bi lụy sầu khổ là sẽ có tính chất chiếm hữu độc tài và có nhiều vướng mắc. Đôi khi trong tình đồng đạo cũng có một chút ít sự độc tài, vướng mắc và chiếm hữu ấy. Nếu có chút ít thì không sao, nhưng nếu mức độ ấy mà lên cao thì nó bắt đầu tạo khổ đau cho người thương và cho người được thương. Chúng ta biết rằng trong thế gian có biết bao nhiêu bi kịch đã và đang xảy ra. Tại vì loại tình thương vướng mắc đó. Một mặt chúng ta thấy rằng: không có tình thương thì đời sống rất đau khổ, và mặt khác nếu tình thương độc tài vướng mắc và chiếm hữu thì cuộc đời cũng rất khổ đau. Phải không hỡi các bạn?

Cho nên thương nghĩa là hiến dâng hạnh phúc, thương không có nghĩa là nhốt người kia vào nhà tù chiếm hữu, người kia muốn đi đâu cũng không được, muốn làm gì cũng không cho, bị trói buộc, thành thử không có tự do, không có không gian để người kia được thở và nếu người kia không làm theo ý muốn của ta, thì ta rất đau khổ, trách móc giận hờn, ghét bỏ. Vì ta đã có tình thương độc tài, chiếm hữu, vướng mắc nên khi người kia không đồng ý là ta rất khổ đau. Vì vậy người kia phải có can đảm đi và gan dạ nói rằng: "Này em, tôi rất đau khổ trong tình thương của em, em đã thương tôi bằng quá nhiều tính chất của sự vướng mắc, chiếm hữu và độc tài áp đặt. Tôi đã mất hết tự do, tôi ngột ngạt, bế tắt, tắt nghẻn sự sống, tôi không còn là tôi nữa. Em có hiểu biết điều đó chăng? Vì vậy tôi và em phải thấy rõ niềm đau và nỗi khổ của chúng ta, chúng ta phải ngồi lại để tìm ra một con đường có thể đem lại an bình và hạnh phúc cho cả hai ta". (Khi biên tập những đoạn văn trên tôi có cảm tưởng người viết đọc thuộc lòng sách của Thầy Nhất Hạnh!). Nếu nói không được, ta phải viết thư, có thể ta nên đi xa người ấy một tuần lễ, hay hai tuần lễ và trong hai tuần lễ đó ta viết một lá thư gửi về cho người ấy. Người ấy sẽ có không gian đọc để suy ngẫm và quán chiếu lại tình trạng đó, không có lý do gì mà cả hai cùng phải tiếp tục kéo lếch theo một tình trạng vướng bận và bi lụy như vậy.

Chúng ta hãy biết rằng: phải thoát ra khỏi hai cực: một cực là "vướng mắc" và một cực là "ghét bỏ". Ta bây giờ như con chim trong lồng, như một người tù trong ngục. Ta phải biết rằng muốn thoát ra khỏi vòng trầm luân đó, là phải cố gắng tu tập giải thoát cho mình, và giải thoát cho người thương của mình. Tốt hơn hết lúc ban đầu, "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" chúng ta phải cẩn thận, thường thường tình thương lúc ban đầu có tính cách phơi phới khi đã đi sâu vào trầm luân rồi ta mới giật mình tỉnh thức, lúc đó có thể là đã rất trể. Ta có thể vùng vẫy muốn thoát ra và từ cực vướng mắc đi sang cực ghét bỏ. Ta nghĩ rằng khổ như thế này thì chỉ có cách lìa thoát người kia. Ly khai với người kia, đi xa người kia, tại vì còn sống chung một nơi thì còn phải trầm luân, còn phải vướng mắc. Từ cực này ta đi sang cực khác cả hai cực đều không phải tình thương chân thật. Có khi ta đang vùng vẫy giữa hai cực. Ngày nào cũng là địa ngục hết. Một mặt chúng ta vùng vẫy, muốn thoát nghĩ đến chia tay với người kia. Hoặc đi đâu đó xa xôi cách trở không bao giờ còn thấy người đó. Một mặt chúng ta vẫn còn có chút ân tình với người đó nghĩ rằng nếu không có ta thì người đó sẽ mất chân đứng. Ở Việt Nam ta thường nói: "Bỏ thì thương, sương thì nặng", sương nghĩa là gánh. Có rất nhiều người đang bị kẹt cứng trong tình trạng đó. Thấy người kia cũng tội nghiệp, bỏ thì không đành mà tiếp tục thì không tiếp tục nổi. Vậy đâu là con đường thoát? Con đường thoát là con đường phải cố gắng nỗ lực tu tập để thoát khổ của hai cực là "vướng mắc và ghét bỏ".

Thế nên Đức Phật rất cảm thông sâu sắc những tâm lý tình cảm của mỗi chúng sanh, chính là những di chứng của cái bể sầu khổ lụy trầm luân muôn ngàn kiếp đau thương ê chề gia đình, anh em, chị em, vợ chồng, con cái là những sợi dây ái kiết sử trầm luân nên Đức Phật đã nhắn nhủ:

"Các con hãy xa lìa nội tâm ái dục đi, các con hãy đoạn trừ tâm cấu uế ái dục thì mới chấm dứt trầm luân khổ đau".

Vì vậy Đức Phật mới khuyên dạy chúng ta:

"Chớ gần gũi người yêu
Trọn đời xa kẻ ác.
Yêu không gặp là khổ.
Oán phải gặp cũng đau"

Do vậy, cuộc đời mỗi chúng ta khi đã chấp nhận đi theo lộ trình giải thoát của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì phải đoạn trừ, xa lìa tâm luyến ái vấn vương này. Đó chính là mục đích tối thượng nhất mới chấm dứt hết đau khổ sanh tử luân hồi; đó mới chính là lời dạy này:

"Chớ gần gũi người yêu
Trọn đời xa kẻ ác"

Thưa các bạn! Những kẻ ác độc, những kẻ đại tiểu nhân thì chúng ta hãy nên tránh xa họ, vì chúng ta đang còn trên đường tu tập, nên chúng ta phải tránh né, phải cố gắng tạo duyên cảnh thuận lợi để được tu, chứ không nên lân cận với những kẻ tiểu nhân, vì lân cận với những kẻ tiểu nhân thì ta rất khó tu tập. Khi nội tâm còn rất non yếu, chưa đủ ý thức lực nội tại vững mạnh thì tốt nhất phải nên xa lánh những kẻ ác. Chỉ khi nào tâm của chúng ta có đủ nội lực bén nhạy vững chãi thì lúc đó hãy nương vào tri kiến giải thoát, lấy đối tượng nghịch cảnh kia để xả tâm, tùy theo duyên nhân quả của mình mà chiến thắng quân ma ác pháp. Những lời dạy này của Đức Phật đã nhắn gửi đến chúng ta, Các bạn nhớ mãi đừng quên nhé!

"Chớ thân với bạn ác
Chớ thân kẻ tiểu nhân
Hãy thân người bạn lành
Hãy thân bậc thượng nhân"
(Kinh Nikaya Pháp Cú: II Panditavagga: Phẩm Hiền Trí (78.)

Khi đã có sự cừu oán với nhau rồi, chúng ta không thể ngồi chung bàn được, cả hai đều phải cởi bỏ sự thù oán bên trong nội tâm, phải nhận diện thông suốt lý nhân quả và nguyên nhân sự hận thù đó bắt đầu từ điểm nào khởi sự. Chúng ta hãy có chánh tri kiến chuyển hóa nhân quả của chính mình. Nhân quả do chính thân, khẩu, ý của chúng ta tạo thành, nên mọi sự hận thù cừu oán phải tự chính mình hóa giải tìm nguyên nhân phát sinh nên sự khổ đau ấy. Phải không hỡi các bạn?

Đức Phật dạy:

"Chớ nói lời thô ác.
Nói ác bị nói lại Khổ thay lời thù hận.
Hình phạt tất đến thân".
(Kinh Nikaya Pháp Cú: X: Dandavagga: Phẩm Đao Trượng (133.)

Thưa các bạn, những lời Phật dạy này đã gửi đến chúng sanh những ân đức rất thâm sâu vô cùng cao quý, biết bao nguồn năng lượng yêu thương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang thương xót nhân loại, đang chìm đắm trong biển khổ ái dục. Người đã thấu rõ mọi ngõ ngách tâm niệm và nỗi khổ của chúng sanh. Người đã trao gởi nhắn nhủ những lời rất tha thiết thương yêu cho mỗi chúng ta trên đường tu tập. Cho nên mọi người hãy nên lánh xa, buông xả những cạm bẫy ái tình đầy những niềm đau và nỗi khổ.

"Do vậy chớ yêu ai.
Ai biệt ly là khổ.
Những ai không yêu ghét.
Không thể có buộc ràng".

Vì vậy trên đường tu tập chúng ta chớ có yêu ai, chớ có vấn vương tình cảm một ai, chớ có để ý làm duyên, làm dáng với một ai, vì ái biệt ly là khổ. Một khi ta đang yêu thương người ấy, mà bỗng nhiên ta phải xa lìa người ấy hay bỗng dưng người ấy giã từ cuộc đời này, ra đi, biệt ly mãi mãi không quay về nữa (chết đột ngột) thì chúng ta sẽ rất khổ đau. Bởi vì yêu là một tai nạn thương tích rất nặng trên đường tu tập. Cuộc đời chúng ta sẽ dở dang lở đời lở đạo, lở hiếu hạnh với cha mẹ. Ta đứng giữa ngã ba đường, bước tới không được, bước lui cũng không xong, dở sống dở chết. Rất đáng thương cho những người con đang có những tâm tư tình cảm như vậy, đang có những trăn trở nỗi khổ và niềm đau ấy. Nên trái tim chúng tôi rất cảm thông, chúng tôi chỉ còn có một tâm nguyện mong sao các bạn cố gắng tu tập vượt thoát dòng sông ái dục mê muội đang cuồn cuộn chảy xiết, giữa sóng gió ba đào. Các bạn hãy cố gắng, và hãy cố gắng vượt lên…

Vì vậy, yêu và ghét là một tình trạng hiện thực rất tự nhiên trong mỗi con người. Chính đó là quy luật tự nhiên của quá trình duyên hợp của nhân quả. Nên chúng ta hãy cố gắng tu tập để chuyển hóa và giải tỏa mọi tâm lý tình cảm thương ghét của thất tình lục dục:

"Có vui mừng: hỷ
Có bực tức: nộ
Có yêu thương: ái
Có căm ghét: ố
Có lo buồn: ai
Không bệnh tật: lạc
Có tham dục: dục".

Hễ còn thương là còn ghét, hễ hết thương là hết ghét. Hết thương hết ghét là chấm dứt mọi sự khổ đau, tái sanh luân hồi. Vì vậy, khi gặp nghịch cảnh, chướng duyên đến, chúng ta cảm thấy tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự thì biết rằng: tâm của chúng ta đã có tiến bộ nhiều, giảm sút yêu và ghét, như vậy nội lực có mạnh hơn lên.

Khi cảm thấy tâm an lành trước mọi chuyện xảy đến mà tâm điềm đạm bình tĩnh không lo lắng sầu muộn, không chấn động rộn ràng. Lại còn có chánh tri kiến nhìn thấy các sự kiện xảy ra xung quanh ta đang sống đều do luật nhân quả tạo thành và tác động. Luật nhân quả tạo thành và tác động, cũng chỉ vì chúng ta đang còn sống trong vòng tay nhân quả. Do biết chủ động điều khiển nó, chính là không để cho nhân quả chi phối tâm ta. Muốn không để cho nhân quả chi phối tâm ta, là phải cố gắng làm chủ thân, khẩu, ý của mình.

Mỗi lời nói ra đều phải có chánh tư duy nên ta không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Mỗi khi muốn làm một điều gì đó, thì các bạn đừng vội vàng mà hãy chánh tư duy và tự hỏi: cái mà các bạn muốn làm có tốt không? Có thiện không? Khi đã chánh tư duy xong mới bắt đầu nói, hay làm, và như vậy bạn sẽ không làm khổ mình khổ người.

"Những ai không yêu ghét
Không thể có buộc ràng"

Đúng vậy, nếu chúng ta có chánh tư duy mỗi ngày thì sẽ không làm khổ một ai cả. Trong mỗi hành động tâm tư và ngôn ngữ ta đều có suy xét kỹ nên nói hay không nên nói? Nên chúng ta làm chủ nhân quả của thân, khẩu, ý. Giáo lý cốt lõi cơ bản của Đạo Phật chỉ có bấy nhiêu đó thôi, tức là tu tập làm chủ "thân khẩu ý" cho được thanh tịnh. Mỗi một ngày chúng ta cố gắng tu tập làm chủ thân, khẩu, ý nên ta không yêu ghét, không có buộc ràng nên ta không đau khổ. Nếu chúng ta biết điều phục buông xả những tâm niệm thói quen tật xấu trong ta thì chúng ta đã lần lần chuyển hóa nhân quả. Sự công phu tu tập nào cũng vậy, cũng phải đòi hỏi sự nhiệt tâm tinh cần mỗi ngày siêng năng bền chí tập luyện trau dồi tinh chuyên thì mới có kết quả năng lực nhạy bén nhanh chóng để làm chủ thân khẩu ý. Vì vậy chúng ta hãy cố gắng nỗ lực tu tập để làm chủ mọi hành động tâm tư ngôn ngữ của chính mình. Thì ta sẽ không còn yêu ghét buộc ràng khổ đau nữa. Phải không hỡi các bạn?

Con đường hết đau khổ là con đường thiện, bờ bên kia, con đường đau khổ là con đường ác, bờ bên này. Và ai muốn chấm dứt khổ đau thì chọn đường thiện, ai muốn khổ đau thì chọn đường ác.

Lộ trình của đau khổ là bờ bên này. Lộ trình hết đau khổ là bờ bên kia. "Tà" là đau khổ, "Chánh" là hết đau khổ; "ác" là đau khổ, "thiện" là hết đau khổ; "yêu ghét" là đau khổ, "không yêu ghét" là hết đau khổ. Bờ bên kia là đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh. Còn bờ bên này là vô đạo đức, sống thường làm khổ mình, khổ người khổ chúng sanh.

Giáo lý tinh hoa của nền đạo đức văn hóa Phật Giáo Nguyên Thủy chỉ có bấy nhiêu đó thôi mà chúng ta tu hoài, tu mãi 10 năm 20 năm hay 30, 40 năm qua, mà vẫn chưa buông xả được yêu và ghét. Nhiều kiếp đã trôi lăn trong vòng lục đạo tử sinh luân hồi, khổ lên, khổ xuống, bầm dập lỡ làng, quằn quại đau thương trần ai, quá ư là khổ sở ê chề, mà vẫn chưa xả ly được yêu và ghét. Nên ta bị buộc ràng khổ đau úa tàn héo hắt xác xơ cả xác thân lẫn tâm hồn tiều tụy lụi tàn, băng hoại vì thiếu chánh tri kiến và tấm lòng nhiệt huyết của con tim vì thiếu sự bền chí gan dạ tu tập. Nên ta đã bị vướng mắc và trói buộc trong "yêu và ghét". Vì vậy chúng ta hãy cố gắng tu tập làm sao để vượt thoát lộ trình đầy đau khổ này: "yêu và ghét". Để cho tâm hồn và trái tim ta còn được một chút xíu thanh thản, an lạc và vô sự, không còn trói buộc vướng mắc trong yêu và ghét này nữa. Phải không hỡi các bạn?

Đọc đoạn kinh trên đây. Những lời dạy này của Đức phật chúng ta xét thấy sự giải thoát của Phật Giáo rất rõ ràng cụ thể dễ dàng không có khó khăn. Bởi vì chúng ta cần có chánh tri kiến hiểu biết thiện và ác là giải thoát ngay liền, như ở bên bờ này, liền qua bờ bên kia, không có khó khăn, không có mệt nhọc.

Chỉ có những ai quyết tâm tìm cầu một cuộc sống an lành, hạnh phúc thì sự giải thoát ở ngay trong tầm tay. Đó là sự rốt ráo tận cùng của Đạo Phật, nhưng phải thông hiểu chữ "yêu và ghét" như thế nào để biết mà giữ gìn tu tập và sống cho đúng nghĩa của nó, thì ước vọng của các bạn sẽ thành hiện thực trong đời nay. Thân ái chào các bạn, chúc các bạn thành công trên đường tu tập.

Chúng tôi xin gửi gắm đến các bạn:

"Thương và ghét!"

Gông cùm ta đã trót tạo nên
Bởi kiếp mê tình tạo trước tiên
Thương ghét vô thường thương hóa khổ.
Ái ân như huyễn ái thành huyền
Vì thương nên ghét, thương thêm tức
Bởi ghét rồi thương, lại ghét thêm
Nhất quyết từ nay, ngưng thương ghét
Không thương không ghét chẳng vấn vương.

Kính ghi,

Thiền sinh – Chơn Như

Previous Post
Next Post