Ðạo đức thương mình

Trên đời này, ai cũng bảo rằng: trong cuộc sống chung của mọi người, không ai thương mình bằng chính mình, dù đó chính là cha mẹ, người đã sanh thành dưỡng dục, chịu cực khổ muôn vàn để nuôi dạy chúng ta khôn lớn, để trở thành những người có ích cho mình, cho xã hội. Tuy lòng thương yêu của cha mẹ đối với con cái có thể ví cao lớn như núi Thái Sơn, rộng rãi mênh mông như biển Thái Bình Dương, nhưng cũng không bằng chính mình thương mình.

Nhưng thương mình như thế nào cho đúng và như thế nào là sai, thì chưa có ai đã xác định được rõ ràng cho chúng ta biết. Nếu đã có một người xác định được rõ ràng cho chúng ta biết cách thức thương mình như thế nào đúng và như thế nào sai, thì đó chính là người đã xây dựng, thành lập cho chúng ta một nền tảng vững chắc về đạo đức nhân bản - nhân quả làm người không còn làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh nữa. Và như vậy, người ấy giúp cho mọi người thoát khỏi vòng tay đau khổ của cuộc đời, chính người ấy là một ân nhân của nhân loại. Nhờ có nền đạo đức như vậy thì không ai còn thương mình một cách lầm lạc như từ xưa đến nay nữa. Hiện giờ, ai cũng xác định mình thương mình, nhưng thương như thế nào thì ai cũng chẳng biết. Theo chúng tôi biết thì mọi người thường làm khổ mình, hại mình, chứ không thương mình.

Như vậy, lời nói trên đây của chúng tôi có đúng hay không? Xin các bạn cứ suy nghĩ lại đi! Suy nghĩ để thấy lời nói trên đây của chúng tôi là đúng sự thật.

Hầu hết mọi người ai cũng nghĩ rằng mình thương mình, nhưng thực ra lại làm hại mình, làm khổ mình mà không biết. Làm khổ mình, làm hại mình mà cứ nghĩ mình thương mình. Thật là điên đảo, ngu si và mê muội! Ðiều này xác quyết chắc chắn không sai, phải không hỡi các bạn? Mọi người luôn đều nghĩ rằng mình thương mình, và thương mình nhiều nhất. Nhưng vì chính thương mình nhiều nhất mà lại làm khổ mình nhiều nhất. Làm khổ mình nhiều nhất chỉ vì thương mình mà không biết cách thức thương mình như thế nào cho đúng, nên tự làm khổ mình. Vì thế chúng tôi bảo: “Con người đang sống hiện tại là sống trong điên đảo tình, điên đảo tưởng, điên đảo kiến, v.v...”. Các bạn cứ suy nghĩ lại đi thì sẽ rõ.

Bởi vậy, mọi người đang sống trong điên đảo, vô minh, ngu si mà không biết; tự làm khổ mình mà không hay. Cứ nghĩ rằng: con người là trí tuệ, là thông minh, thường khám phá và phát minh ra những điều chưa từng biết, những vật chưa từng có, để nâng cao trình độ hiểu biết của con người, để phục vụ đời sống vật chất của con người ngày càng đầy đủ hơn. Nhưng cũng vì thế, với những điều này mà con người càng khổ hơn. Cho nên chúng tôi khẳng định: “Cái trí tuệ thông minh của con người là cái vô minh, để đưa con người vào sự khổ đau tận cùng trong cuộc sống, và có thể đi vào chỗ chết trong sự văn minh ấy”. Vì thế, con người đang sống một đời sống vô đạo đức đối với mình mà không biết.

Thương mình như thế nào? Mọi người ai cũng không hiểu rõ, họ thường hiểu một cách lờ mờ lầm lạc; hiểu thương mình bằng một cách quá nông cạn, quá hời hợt. Thương mình mà có việc gì nghịch ý, trái lòng lại tức giận ngay liền. Tức giận ngay liền là một sự khổ đau, là một điều vô đạo đức đối với mình. Biết vậy, thế mà không ai tránh khỏi, không ai ngăn chặn được lòng tự ái của mình. Cho nên, thương mình lại càng tức giận hơn, lại càng làm mình khổ hơn. Phải không hỡi các bạn?

Thương mình có nghĩa là bảo vệ mình, khi bị ai xâm phạm danh dự, tài sản thì phải chống trả lại. Nhưng chống trả lại bằng cách nào??? Chưa ai biết cách thức chống trả như thế nào mà không làm khổ mình, khổ người. Chống trả mọi nghịch cảnh mà không làm khổ mình, khổ người thì mới thật sự là đạo đức nhân bản - nhân quả.

Ở đời thương mình bằng cách ai động đến mình là ăn thua đủ, có nghĩa người ta chửi mắng mình thì mình chửi mắng lại người ta; người ta đánh mình thì mình đánh lại người ta... Mình không chịu thua ai hết, đó là mình thương mình. Thương mình như vậy ai cũng làm được và làm được một cách dễ dàng.

Nhưng thương mình theo kiểu đó thì chính mình lại làm hại mình, làm khổ mình thêm, chứ không phải là thương mình chút nào cả. Cách thức thương mình như trên là chịu ảnh hưởng cách thức thương mình của những người xưa cho đến ngày nay. Theo quan niệm này, từ xưa đến nay ai cũng cho hành động như vậy là thương mình; hành động như vậy là bảo vệ mình, là đúng.

Nhưng chúng tôi nghĩ rằng đó là một quan niệm hết sức sai lầm; một quan niệm sai lầm đã trở thành một nếp sống đau khổ, vô đạo đức, khó bỏ. Vì quan niệm sai lầm như vậy đã thành một thói quen, nên hễ có những việc gì xảy ra đụng đến danh, lợi của họ là có sự tức giận, phiền não, la hét, thù oán, đánh nhau. Ðánh không lại người khác thì tự cào xé cơ thể mình để gây thương tích, hầu làm chứng cớ vu oan người khác để kiện thưa. Có khi quá căm tức, nhưng vì sức yếu thế cô, nên tự sát, v.v... để chứng tỏ mình trả đũa bằng cách mình thương mình, thương mình hơn ai hết. Hành động ăn thua trả đũa như vậy có đúng là mình thương mình không? Các bạn hãy trả lời đi!

Theo quan niệm đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người, thì chúng tôi cương quyết xác định và luôn luôn giữ vững lập trường này: “Hành động thương mình như vậy là không đúng các bạn ạ!”. Thương mình theo kiểu trên là làm khổ mình, làm hại mình. Làm khổ mình, làm hại mình tức là vô đạo đức với mình. Có phải vậy không hỡi các bạn? Thương mình mà làm khổ mình, biến mình trở thành một con thú vật ngu si, một người điên khùng, có khi đi đến tự sát. Một con người tự làm khổ mình đến cùng tận như vậy thì có còn đạo lý làm người là gì nữa, phải không hỡi các bạn?

Lời nói của chúng tôi trên đây có thể đụng chạm rất nhiều người, nhưng chúng tôi không thể nói khác được. Nói thẳng, nói thật, nói để giúp cho mọi người nhận thấy được những thói quen sai trái của mình đối với mình. Từ nhận thấy được thói quen tức giận là thói quen sai trái của mình, để rồi mới cố gắng khắc phục tâm mình, để tâm mình trở thành thói quen không sân hận, tức giận nữa. Khi tâm không sân hận, tức giận là mình đã trở thành người tốt với mình. Khi mình là người tốt với mình thì mình mới là người tốt với mọi người. Phải không hỡi các bạn?

Tóm lại, sống có đạo đức thương mình thì không nên có những hành động trả đũa như trên. Vì những hành động trả đũa là những hành động không thương mình, là vô đạo đức với mình, là làm khổ mình, là làm hại mình, v.v...

“Hận thù diệt hận thù
Ðời này không thể có”
(Lời Thích Ca Mâu Ni)

Lấy sự oán ghét, thù hận, chửi mắng, đánh đập lẫn nhau mà dẹp sự oán ghét, thù hận, chửi mắng, đánh đập lẫn nhau thì làm sao dẹp oán thù được. Phải không hỡi các bạn? Muốn sống có đạo đức thương mình, thì phải sống có lòng thương sự sống của mọi người và thương sự sống của muôn loài.

“Từ bi diệt hận thù
Là định luật thiên thu”
(Lời Thích Ca Mâu Ni)

Ðúng vậy, hãy lấy lòng thương yêu, sự tha thứ, đức nhẫn nhục, tính tùy thuận, hạnh buông xả đối với những người đang oán ghét, đang thù hận mình, đang chửi mắng và đang đánh đập mình, đang mạ nhục và đang cố tâm muốn giết chết mình, v.v... Chỉ có những đức tính trên đây mới hóa giải và tiêu diệt được hận thù và tất cả các ác pháp.

Có sống đúng như vậy mới thấy lối sống cao thượng người đời ít ai nghĩ đến; lối sống an lạc, hạnh phúc cho mình, cho người rất là tuyệt vời. Ðó là một lối sống xưa nay ít ai làm được; một lối sống đầy tình thương yêu mình và mọi người; một lối sống cao quý của con người thật là người.

Bốn câu kệ trên đây của Ðức Thích Ca Mâu Ni dạy con người thể hiện một đời sống đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Lời dạy này thật là hy hữu, tuyệt vời!

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Trích ÐẠO ÐỨC LÀM NGƯỜI.2
Previous Post
Next Post