Đạo đức ăn uống

Hành động ăn uống là một hành động hết sức đạo đức đối với mình. Nếu ăn nhanh quá, nhai thực phẩm không nhỏ dễ sanh ra bịnh tật làm khổ mình, còn ăn chậm quá làm mất thì giờ vô ích, ăn ngốn ngấu là tướng cố ăn, tham ăn, ăn như vậy là cách thức ăn của kẻ phàm phu tục tử, chớ không phải cách ăn của người có đạo đức, có giáo dục. Người ăn uống không đúng cách sẽ khiến cho người khác chê cười và khinh thường. Người tu sĩ đạo Phật khi ăn uống cần nên tránh cách ăn thô tháo như vậy vì nó làm mất vẻ đẹp và phạm hạnh của người tu hành chân chánh của đạo Phật.

Người đời chỉ biết lo làm ra của cải để sống, ít có ai để ý về cách thức ăn uống, ai muốn ăn làm sao cũng được, hầu như họ xem thường về cách thức ăn uống, miễn ăn như thế nào cho no bụng mà thôi. Nhiều khi chúng ta vô tình ăn uống theo cách giống như loài thú vật mà không biết, cách ăn chẳng khác một con thú đang ăn tươi nuốt sống những miếng thịt của loài vật khác còn tươi máu chưa khô.

Tánh tham ăn là một tánh rất xấu, người ở ngoài đời có học đạo đức, họ còn từ bỏ tánh tham ăn, huống chúng ta là những tu sĩ đệ tử của Đức Phật, nương theo con đường đạo giải thoát, mà không giải thoát được tham ăn thì còn giải thoát cái gì?

Người tham ăn là một người thiếu đạo đức làm người. Vì loài thú vật bản tánh tham ăn nên thường giết hại lẫn nhau; nếu con người không vượt ra hành động tham ăn thì cũng giống như con thú vật. Đạo đức làm người không chấp nhận những người tham ăn, thế mà con người không học tập và xây dựng mình trên nền tảng đạo đức làm người từ bỏ tánh tham ăn này. Từ bỏ tánh tham ăn tức là tránh giết hại nhau và đấu tranh với nhau vì miếng ăn. Vì miếng ăn mà chà đạp lên nhau thì còn đâu là đạo đức làm người.

Người ta bảo: thương trường như chiến trường. Đúng là con người đang đói đạo đức, nên mới biến thương trường thành chiến trường. Vì thiếu đạo đức làm người, con người giết con người bằng mọi thủ đoạn độc ác hơn loài cầm thú. Người tu sĩ đạo Phật cần phải cảnh giác xa lìa tâm tham ăn để giữ trọn giới luật của Đức Phật đã dạy về ăn uống, vì tham ăn là tánh rất xấu và ăn uống không đúng tư cách đạo đức làm người thì chẳng khác nào là con thú vật. Như vậy làm sao xứng đáng là đệ tử Phật và làm sao làm gương tốt cho tín đồ?

Đạo đức ở đời người ta cũng không chấp nhận tánh tham ăn, người tham ăn là người thiếu giáo dục đạo đức. Trẻ con đều mang tánh tham ăn cho nên phải được giáo dục từ lúc còn thơ ấu, sau này lớn lên mới trở thành người có đạo đức không còn tham ăn, nếu không được giáo dục như vậy lớn lên chúng sẽ còn mang tánh tham ăn.

Người ta đừng nghĩ rằng người lớn không tham ăn. Nếu không được giáo dục đạo đức, người lớn vẫn tham ăn như thường. Thấy ai còn mang tánh tham ăn thì biết người đó thiếu giáo dục đạo đức về ăn uống. Tham ăn là một tánh rất xấu cần phải được khắc phục để thực hiện đạo đức làm người cho tốt đẹp. Người tu sĩ đệ tử của Đức Phật không nên vi phạm giới này. Vi phạm giới này sẽ làm mất oai nghi tế hạnh phạm hạnh của người tu, khiến cho người khác có sự hiểu biết sẽ khinh chê Phật Pháp và sau này còn thọ tội ấy rất nặng, không thể tha thứ hoặc sám hối mà hết được.

Ăn uống là một hành động đạo đức của con người, chúng ta cần phải biết, nếu không biết đạo đức về ăn uống thì không khéo sự ăn uống của chúng ta cũng giống như những con vật. Con vật không có đạo đức nên muốn ăn sao cũng được. Còn con người phải có những hành động tề chỉnh nghiêm trang hơn loài thú vật, nghĩa là phải có những hành động đạo đức biết cách thức ăn uống mới được gọi là con người. Cho nên cái ăn uống của con người phải có tư cách đạo đức biết nhường nhịn trong bữa ăn rõ ràng, cụ thể mới là một con người, không còn là con vật.

Con người cũng từ ăn bốc bằng tay, cắn xé bằng răng và lần lượt tu sửa biến dần thành những hành động của con người hơn để thoát ra kiếp thú vật bằng cách ăn với chén, bát, muỗng, nĩa, dao, đũa, v.v...

Phật dạy cách ăn uống có đạo đức để con người vượt ra khỏi cách ăn uống của loài thú vật. Phàm làm người phải biết cách ăn uống như thế nào là con người và ăn uống như thế nào là con vật? Ăn uống đúng cách đạo đức mà Đức Phật đã dạy trong kinh giới thì mới trọn vẹn đạo đức làm người, bằng nếu xem thường cách ăn uống, coi chừng trở thành con thú vật không hay.

Mục đích của đạo Phật là phải ly dục; ly dục tức là ly tâm tham. Vì thế người tu sĩ đạo Phật phải cảnh giác khi ăn uống xem tâm mình còn tham ăn hay không? Nếu còn tham ăn thì nên quán thực phẩm bất tịnh hôi thúi, ăn nơi miệng thì còn dục lạc nuốt khỏi cổ thì trở thành đồ uế trược, thấy mà ghê gớm và mùi hôi thúi khó chịu, nên dùng pháp Như lý tác ý: Thực phẩm là đồ bất tịnh, uế trược không nên tham ăn phải từ bỏ và viển ly xa lìa.

Trưởng Lão ThíchThông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post