Chúng ta sống vì cái gì?

Con người sống trên đời vì cái gì? Câu hỏi này tưởng chừng như đơn giản mà lại khó trả lời. Tôi biết rằng, hỏi như vậy thì sẽ có hàng tá câu trả lời khác nhau xa lắc xa lơ. Con người sống vì cái gì ư? Sống để “ăn” chăng? Tầm thường quá! Sống để hưởng thụ chăng? Cuộc đời này có gì mà hưởng thụ, nếu không muốn nói rằng đầy dẫy những đau khổ, những điều trái ý nghịch lòng? Hay như Nguyễn Công Trứ:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”.

Hay sống để tu thân, trở thành một  người “tận thiện tận mỹ”? Vậy thì tận thiện tận mỹ để làm gì rồi đến lúc nhắm mắt xuôi tay chúng ta chẳng đem nó theo được. Hoá ra chúng ta sống mà chẳng có mục đích gì cả. Vô vị quá!

Có lần trạng nguyên nước ta là Mạc Đĩnh Chi đi sứ Trung Quốc, nhân một buổi đi thăm, bị các quan nhà Nguyên chất vấn: “Ngài qua nước tôi đã lâu, cũng đã đi nhiều nơi, thăm nhiều phong cảnh, vậy ngài có biết trong một ngày có bao nhiêu người qua lại trên đường này hay không?

Các bạn thử nghĩ xem trên đường một ngày có biết bao người qua lại?, đừng nói rằng mình không chú ý mà cho dù có quang tâm đi chăng nữa, làm sao mà đếm cho hết, quả thật là một câu hỏi oái ăm. Mạc Đĩnh Chi thoáng ngập ngừng rồi vui vẻ trả lời: “Có hai người chứ mấy!”.

- Ngài có đùa không?

- Phàm người đi qua trên đường cái quan này nhiều thật nhưng chỉ có hai hạng người thôi: một vì danh và một vì lợi!

Câu trả lời hết sức sâu sắc, trừ những vị thánh sống trên cõi đời này, ai dám tự hào rằng mình sống mà chẳng vì danh, vì lợi? Mạc Đĩnh Chi chỉ trả lời đúng thôi chứ chưa đủ vì chẳng phải còn bỏ sót “những vị thánh” đó sao? Vậy những vị thánh sống vì cái gì?

Vì “hạnh phúc”, và chúng ta cũng vậy, chúng ta sống cho “hạnh phúc”. Chỉ đơn giản có hai chữ hạnh phúc mà sao lại nhiều câu trả lời khác xa nhau thế nhỉ? Bởi quan niệm về hạnh phúc khác nhau lắm. Người ta nói “chín người mười ý”, có người cho rằng hạnh phúc chỉ có khi làm thật nhiều tiền và họ hướng tới việc kiếm tiền, kẻ lại bảo hạnh phúc là quyền lực và danh vọng. Lẽ dĩ nhiên họ lao vào tranh giành quyền lực, danh vọng … Chắc chắn bây giờ trong lòng bạn đã suy nghiệm lại bản thân mình, biết quan niệm về hạnh phúc của mình như thế nào rồi? Thật ra quan niệm về hạnh phúc khác nhau là vì con người khác nhau về tâm hồn, về trí tuệ. Người “ngu” thì bám vào cái hạnh phúc tạm bợ thoáng qua, cũng như kẻ trộm đạo chỉ thấy được cái lợi tiền tài trước mắt, mà không thấy được gông cùm, xiềng xích, tù đày phía sau số tiền kia. Người có trí thì bám vào cái gì chắc chắn, lâu dài hơn. Còn bậc đại trí thì … chả bám vào cái gì vì họ nhận được sự hạnh phúc khi họ chẳng bám vào cái hạnh phúc nào cả, đối với họ thì danh vọng, tiền bạc như hạt bụi dưới chân, chẳng đáng bận tâm.

Tôi không nói đến người “ngu” xem hạnh phúc là quyền lực, địa vị, tiền bạc, danh vọng vì chúng ta đều biết những thứ đó có rồi mất như đoá hoa phù dung sớm nở tối tàn. Tôi cũng không dám nói tới những vị thánh, vì hạnh phúc của họ quá cao siêu. Chúng ta tạm tự nhận mình là người có chút trí tuệ, vậy hạnh phúc thật sự của chúng ta là gì?

Vào thập niên 70 của thế kỷ XX, tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung tràn ngập các tờ báo, trong số đó có bộ “Tiếu ngạo giang hồ” (Tiếng cười cao ngạo trên giang hồ) mang một tinh thần triết lý hết sức sâu sắc. Nhân vật chính là Lệnh Hồ Xung có cơ duyên học được một loại kiếm pháp mà yếu quyết là ở chỗ “Kiếm chiêu là chết, con người là sống, người xử kiếm chứ không phải kiếm xử người. Người ta đặt ra khái niệm phá chiêu là vì có chiêu thức, vậy nếu đánh mà không có chiêu thức thì làm sao mà phá, đó là cái lý lẽ vô chiêu thắng hữu chiêu”. Với một tinh thần như vậy, sau khi dẹp tan các thế lực đen tối, Lệnh Hồ Xung đã phủi tay phiêu du khắp nơi không bị ràng buộc bởi danh lợi, lề thói. Chàng đã thấm nhuần được ý nghĩa của hai chữ “hạnh phúc”, con người chỉ hạnh phúc khi sống đời sống của chính mình, làm những việc mình thích một cách an nhiên tự tại, đó chính là cái hạnh phúc của sự bình yên. Sự bình yên trong tiểu thuyết của Kim Dung có phần nào giống tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài “Cảnh nhàn”:

“Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dầu ai thú vui nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Vậy là quá rõ, hạnh phúc là bình yên. Nhưng hình như cái hạnh phúc của Lệnh Hồ Xung hay của Nguyễn Bỉnh Khiêm quá xa vời với chúng ta thì phải. Tôi biết, trong chúng ta, mỗi người là một phần tử của xã hội, có nhiều mối quan hệ xã hội, và chúng ta cũng cần phải đi làm để sống chứ, sống để mà còn … đi tìm hạnh phúc, phải không các bạn? Có một câu chuyện về hai bức tranh như thế này: Ngày xưa có một vị minh quân treo giải thưởng cho người hoạ sĩ nào vẽ được bức tranh đẹp nhất về sự thái bình thịnh vượng của nước nhà. Trong các bức tranh tham dự, nhà vua chú ý nhất là bức tranh vẽ một hồ nước trong xanh, mặt hồ in bóng những vườn cây trái sum sê, từng đôi thiên nga nhẹ nhàng lướt sóng hoà lẫn vào bóng của những đám mây trắng mịn … Tất cả mọi người đều công nhận bức tranh này xứng đáng được trao giải. Bất chợt nhà vua nhận ra trong góc còn một bức tranh nữa, ngay tức khắc nhà vua trao giải cho bức tranh này. Mọi người đều ngạc nhiên vì bức tranh ấy chẳng có gì là thanh bình cả, nó vẽ cảnh núi non lởm chởm, bầu trời u ám giận dữ trút những cơn mưa, từng dòng nước lũ tràn về cuốn phăng mọi thứ. Vẫn ôn tồn, nhà vua liền nói: “Các người có thấy không, trong cái hốc đá nhỏ xíu đó có một tổ chim rất đầm ấm, bình yên!”. Bấy giờ các quan lại mới để ý, quả thật có một tổ chim nhưng nó qúa nhỏ … Nhà vua tiếp lời: “ … Trẫm trao giải thưởng cho người hoạ sĩ này vì anh ta vẽ được sự yên bình thật sự, đất nước ta có ngày hôm nay chẳng phải nhờ vào biết bao xương máu của các tướng lãnh và tâm sức của các quan đại thần cùng toàn dân chống lại ngoại xâm hay sao? Ta cũng nhắc nhở các khanh ngoài kia bão táp phong ba vẫn còn đó … ”.

Chúng ta hiểu rằng, bình yên không có nghĩa là không có sự ồn ào, không có khó khăn, không có trở ngại. Sự bình yên tồn tại  ngay giữa cuộc sống này, giữa những trái ý nghịch lòng, chúng ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Hạnh phúc chỉ đến khi ý thức được rằng chúng ta đang sống trong hạnh phúc. Bạn hãy tận hưởng hạnh phúc trong từng phút giây bạn sống, trong từng công việc bạn làm, trong từng con người bạn tiếp xúc. Sống bình yên giữa cuộc đời là hạnh phúc.

Tôi viết bài này không có tham vọng đưa ra một định nghĩa, một chân lý về hạnh phúc trong cuộc sống, tôi chỉ xin đưa ra vài mẩu chuyện, vài nhận xét để chúng ta có cái nhìn từ nhiều khía cạnh rồi tự định nghĩa cho riêng mình; và cũng để chúng ta có một cái gì mà hướng tới, mà hy vọng bởi phía trước còn cả một chặng đường dài cần phải đi.

TUỆ MINH
Previous Post
Next Post