Chuyện “người Việt xấu xí”

Bàn về tính cách của một dân tộc thực không đơn giản chút nào. Sẽ đụng chạm đến những thứ “nhạy cảm”, không thận trọng rất dễ bị qui kết… sai phạm. Ở Trung Quốc có một tác giả viết cuốn sách “Người Trung Quốc xấu xí”, bên cạnh người ủng hộ lại có không ít người phản ứng, “ném đá” quyết liệt. Chính vì vậy, không mấy ai dám bàn đến chuyện này, đặc biệt là ở nước ta.

Gần đây, trên báo chí, nhất là các báo điện tử của Thanh niên, Dân trí, Tuổi trẻ… bỗng nóng lên đề tài này. Tác giả các bài viết không ngần ngại khi dùng đến những tít chính, tít phụ như: “Người Việt đang rất xấu”, “Thói xấu của du học sinh Việt”, “Người Việt xấu xí - tại sao?”, “tính xấu của người Việt: căn bệnh dối trá”… Đáng buồn nhất là thói xấu của người Việt lại gồm toàn những thứ rất… hạ đẳng. Nào là tham ăn, đi tiểu tiện bừa bãi, khạc nhổ lung tung, hỉ mũi tại quán ăn, lừa lọc, ăn cắp vặt, khôn lỏi, sĩ diện, ghen tị… Chao ôi, nghe mà buồn thê thảm.

Đau nhất là những thói xấu ấy không chỉ được “lưu hành nội bộ” mà nó đã lan truyền ra nhiều nước. Thật là xấu hổ khi ở nơi ăn uống đa quốc gia nhưng người ta chỉ yết bảng bằng chữ Việt (nghĩa là chỉ dành riêng cho người Việt) những dòng chữ nghe mà đau lòng: “Xin mời ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu”, “Đi vệ sinh nhớ dội nước”… Rồi trong các khu du lịch không hiểu vì sự đeo bám thế nào đó của các tiếp thị viên và các tài xế lái xe taxi mà đến mức một số người nước ngoài khi đi vãng cảnh cũng phải lẵng nhẵng đeo theo một cái biển ghi chữ Việt: “Tôi không có nhu cầu mua hàng”, “Tôi không cần thuê xe”…

Vậy người Việt có xấu không? Nếu đứng trên quan điểm không “vạch áo cho người xem lưng” thì ai cả gan đưa ra câu hỏi ấy hãy liệu hồn. Nhưng vào những năm tháng này, lối nghĩ ấy đã giảm nhiều. Sự thật đang có chiều hướng được/ phải phơi bày. Đó là sự phản tỉnh cần thiết của cả một dân tộc. Phản tỉnh để đi tới tốt đẹp.

Cũng nên bàn luận đôi điều về chuyện “vì sao người Việt xấu xí?”. Thực ra, mỗi dân tộc cùng những đặc điểm tốt, xấu, đều có nền móng, gốc gác từ lâu đời. Ví như thói tham ăn có lẽ chỉ được xuất phát từ những dân tộc quá nghèo đói. Từ cái nghèo đói kinh niên ngàn đời nên dân ta có tâm lí lấy ăn uống làm trọng. Mời đến nhà nhau chơi mà không có bữa cơm rượu tươm tất thì thế nào cũng bị chê trách. Ở nước ngoài người ta mời nhau đến thăm nhà vì những mục đích văn hóa, nghệ thuật… chứ ít vì miếng ăn.

Hoặc cái chuyện đi đại, tiểu tiện bừa bãi chẳng hạn. Ở nông thôn, vườn bãi, ruộng đồng rộng mênh mông, lại không qui hoạch gọn gàng, thế là khi cần thì cứ vô tư thôi. Đã chẳng có cả câu thành ngữ: “Thứ nhất quan công, thứ nhì…ị đồng” là gì. Rồi cái thói xấu như hiềm tị, khôn lỏi, sĩ diện… cũng đều có những nguyên nhân sâu xa cả. Trải qua hàng nghìn năm phong kiến, mua quan bán chức, một miếng giữa làng còn hơn một sàng xó bếp; Ra đường võng giá nghênh ngang/ về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày?… mà lại không sinh ra thói xấu hiềm tị, sĩ diện thì mới là lạ.

Khi nói về nguyên nhân vì sao người Việt xấu xí, có người nghĩ là do hệ thống giáo dục. Có người nói do cơ sở hạ tầng yếu kém. Có người gán trách nhiệm cho công tác quản lí quá thờ ơ.... Các nhận định trên đều có cơ sở. Nhưng ngoài những nguyên nhân thuộc về ý thức, có lẽ ta không nên bỏ qua những nguyên nhân thuộc về vô thức, ở đây là vô thức cộng đồng, nghĩa là có sự di truyền văn hóa, di truyền tâm lí từ rất xa xưa, thậm chí từ thời tiền sử. Nói vậy không phải là chuyện đổ thừa cho lịch sử để chối tội, mà nó cũng là một yếu tố cần được nghiên cứu.

Cuối cùng, điều nên bàn nhất là ta nên chạy chữa cái bệnh xấu xí của người Việt như thế nào? Đây là một chuyện khó, nếu không muốn nói là quá khó nên không phải là câu chuyên của vài năm, vài thập kỉ…

Tuy nhiên, có lẽ điều đáng làm ngay trước mắt là mỗi người dân Việt Nam đều nên bớt tính sĩ diện để nhận ra những cái xấu xí của chính mình. Điều ấy, tuy nhỏ, nhưng chắc chắn sẽ góp một phần quan trọng vào sự làm nên cái đẹp cho thuộc tính dân tộc.

Previous Post
Next Post