Dừng lại

Bạn làm sao biết được những gì xảy ra trong tâm hồn mình, nếu bạn không chịu nhìn vào bên trong.

“Mệt quá đôi chân này
Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi”
(Ngẫu nhiên - Trịnh Công Sơn)

Khi đôi chân đã mệt nhừ vì lội bộ đường xa thì bạn phải dừng lại. Đó là quyết định đúng đắn, hợp lẽ tự nhiên. Tìm một chiếc ghế để ngồi xuống, để thả lỏng đôi chân, để toàn thân được nâng đỡ, để bạn không phải gắng sức nữa, để bạn được nghỉ ngơi thực sự. May mắn tìm được chiếc ghế để ngồi thì tốt, không có cũng không sao. Chỉ cần bạn dừng lại, đừng đi nữa, đừng vắt chút tàn lực để lao tới nắm bắt thêm cái gì nữa, bạn ơi!

Bạn cần được nghỉ ngơi. Đôi chân bạn, thân thể bạn, và cả con người bạn đang kêu cứu bạn, van nài bạn, bạn có nghe không? Dừng lại đi! Dừng lại để rồi đi tới mà, bạn có từ bỏ cuộc đời này đâu mà sợ, bạn có làm hư hại cuộc hành trình to tát ấy đâu mà lo. Dừng lại để lấy sức, để những bước đi sắp tới phải là những bước đi tự tin, đĩnh đạc, vững chãi, có như vậy bạn mới có thể chạm tới thành công, đạt chí nguyện lớn. Trong thuật dụng binh, kẻ khôn ngoan phải biết lui binh đúng lúc để bảo toàn lực lượng, chứ không phải lúc nào cũng nhào tới tấn công, bất chấp. Lùi một bước để tiến ba bước.

Nếu không thể dừng lại lâu để giúp cho thân thể hồi phục hoàn toàn, thì vài giờ, vài phút, thậm chí chỉ vài khoảnh khắc thôi cũng được. Còn hơn là cứ cố bước tới trong tình trạng bệ rạc như vậy, sớm muộn gì bạn cũng sẽ ngã quỵ thôi. Cú ngã đó có thể khiến bạn không đứng dậy nổi. “Về đây đứng ngồi/ Đường xa quá ngại” (Chiếc lá thu phai - Trịnh Công Sơn). Cứ về đây đi, đứng hay ngồi gì cũng được, miễn là đừng đi, miễn là về với giây phút hiện tại, với chính bạn, với chính tâm hồn bạn. Chỉ có sự nghỉ ngơi trọn vẹn trong giây phút này thôi, chỉ có bạn với chính bạn mà thôi, bạn không thấy cần sao?

Hay là bạn vẫn chưa cam lòng dừng cuộc săn đuổi ấy? Bạn thực sự đói khát, hay chỉ vì muốn chiếm hữu con mồi rồi để dành đó, hoặc chỉ để cho vui cho qua ngày đoạn tháng? Bạn biết không, nguyên tắc sống trên cõi đời này là ngay cả khi đói khát thực sự mà bạn vẫn phải cắn răng chịu đựng, nhịn nhục, nếu bạn không muốn gánh lấy thương tật hay chịu mất mạng. Con hổ khi bị thương thì nó rút ngay về hang để tự chữa trị bằng cách liếm vào vết thương. Có khi mất cả tháng trời vết thương mới lành lặn. Dù không muốn, nó cũng phải chịu đựng sự hành hạ của cái đau và cái đói để vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Nếu không tuân thủ theo nguyên tắc tự nhiên ấy, không kìm chế nổi bản năng, cứ tiếp tục lao đi săn mồi, thì nó phải đối mặt với cái chết. Con mồi không phản công thì thú dữ khác cũng sẽ tấn công. Mà dù có tóm được con mồi thì chính con mồi ấy cũng sẽ hủy diệt nó, vì cơ thể nó không đủ sức để vừa tiêu hóa mà vừa trị liệu.

Bạn đã từng tóm được biết bao con mồi rồi, bạn đã từng đón nhận biết bao cảm giác sung sướng thỏa mãn rồi, vậy bạn có học được kinh nghiệm săn mồi chưa? Bạn có khả năng khi nào cần tiến thì tiến, khi nào cần lùi thì lùi không? Bạn có thông minh hơn con hổ để kịp thời nhận ra tình trạng tồi tệ của mình mà đưa ra quyết định sáng suốt không? Đợi đến khi máu trên thân thể chảy ra đầm đìa thì bạn mới biết mình bị thương hả? Máu trong tim bạn đang ứa ra kìa, những ham muốn và đòi hỏi đang cứa vào trái tim bạn kìa, bạn không cảm thấy đau đớn sao? Bạn tỉnh lại đi, nhìn lại đi, quên kẻ ấy đi, để cho hoàn cảnh ấy trôi đi, tiếc gì, có tiếc thì hãy tiếc cho những giọt máu nóng của bạn kìa.

Đừng bất chấp nữa, bạn ơi! Bạn muốn sống mà, phải không? Sống trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, bệ rạc, thì đâu phải là sống, bạn. Cái đó chỉ là đang tồn tại thôi. Bạn nhìn đời bằng cái tâm đầy bất an thì đừng hỏi tại sao bạn thấy ai hay cái gì cũng có vấn đề hết. Chính bạn đang có vấn đề, thậm chí là khá trầm trọng, mà cứ đổ lỗi cho kẻ khác hay hoàn cảnh. Bạn làm sao biết được những gì xảy ra trong tâm hồn mình, nếu bạn không chịu nhìn vào bên trong. Sao không chịu nhìn vào bên trong, hả bạn? Vì xã hội đã dạy bạn và luôn khiến bạn nhìn ra bên ngoài, vì bạn đã quen nhìn ra bên ngoài, hay vì bạn thấy bên ngoài thực sự có quá nhiều màu sắc đẹp đẽ và hấp dẫn hơn bên trong? Chưa chắc đâu bạn. Nhìn vào trong tâm bạn thử đi. Can đảm thử nhìn một lần cho tử tế đi.

Trước tiên, bạn chỉ cần nhắm mắt lại, chừng mười lăm phút hay nửa giờ, tạm thời không quan tâm đến những gì đang xảy ra xung quanh. Làm như vậy không chỉ giúp đôi mắt và toàn thân thư giãn, năng lượng hồi phục, mà khi mở mắt ra bạn sẽ thấy mọi thứ và mọi vấn đề rất khác. Nào, hãy làm ngay bây giờ đi. Đóng quyển sách này lại. Khép mắt lại. Thả lỏng toàn thân và cảm nhận nó. Chỉ có nó thôi, đừng nghĩ thêm điều gì cả.

Previous Post
Next Post