Giải mã chiêu thức của Trạng Quỳnh

Giai thoại Trạng Quỳnh dùng mười đầu ngón tay vẽ mười con giun để chiến thắng trong cuộc thi vẽ con vật sau ba hồi trống có ẩn chứa mã số của trí khôn ngoan ứng xử Việt nam. Bản chất văn hóa của của chiêu thức đó là gì? Trong thời đại đổi mới và hội nhập có thể áp dụng những trí khôn kiểu Trạng Quỳnh để đưa đất nước đi lên không, hay đã đến lúc phải nói lời chia tay với thói biến báo linh hoạt kiểu khôn vặt đó?

Trò khỏa thân trí tuệ thông minh

Không phải ngẫu nhiên mà bao đời nay người dân Việt Nam lưu truyền giai thoại vẽ giun với một nụ cười khóai trá đầy hãnh diện trước giải pháp thông minh của Trạng Quỳnh khi giải bài toán các vua chúa đặt ra. Đây là một thắng lợi văn hóa đích thực, tôn vinh trí tuệ dân gian, cho phép người nông dân cười giễu tinh thần hàn lâm kênh kiệu của đám vua quan và nho sỹ khinh dân. Trạng Quỳnh nhúng mười đầu ngón tay vào nghiên mực không chỉ để vẽ giun, mà chính là để bôi xóa giễu cợt những quy phạm của triều đình, giống như đám trẻ con say mê graffic thích vẽ nguệch ngoạc lên tường những chỗ trang nghiêm nhất để khẳng định mình. Nhưng khi vẽ giun Trạng Quỳnh không phải là tín đồ của văn hóa Hip-hop chơi trò chơi “mỹ thuật tội lỗi” của đám người trẻ tuổi hôm nay, mà ông đã chơi trò khỏa thân trí tuệ một cách hợp pháp để lỡm những thế lực ra đề thi, lỡm cả những thí sinh thật thà chúi mũi vào vẽ những con rồng con phượng phức tạp, nhiêu khê.

Thế nhưng, chiến thắng của Trạng Quỳnh là một thắng lợi chính trị chứ không phải là một kỷ lục văn hóa. Trạng Quỳnh buộc những người tổ chức cuộc thi phải trao giải nhất cho mình vì ông biết tấn công vào cách ra đề mơ hồ của họ. Đây là chiến thắng của ông Trạng có tài biến báo ngôn từ, chứ không phải chiến thắng của ông Trạng có tài hội họa. Nếu đề ra yêu cầu vẽ con vật cụ thể nào đó sau ba hồi trống, thì Trạng Quỳnh không thể sử dụng sự láu cá của mình để giành phần thắng. Bí quyết của chiêu thức vẽ giun là cụ thể hoá theo hướng đơn giản đến cùng cực bài toán văn hóa để có thể hoàn thành nhanh nhất, giành lấy phần thắng. Có thể nói, giai thoại vẽ giun với nụ cười thỏa mãn của dân gian tiềm tàng trong đó cũng vô tình là lời tự thú về bản chất đơn giản hoá của tính linh hoạt Việt Nam.

Căn nguyên văn hóa của chiêu thức Trạng Quỳnh

Người Việt có lẽ là dân tộc linh hoạt nhất. Tính linh hoạt Việt Nam thường được trình bày như là một phẩm chất mang bản chất sáng tạo và phản giáo điều. Điều đó về cơ bản đúng, nhưng không bao quát hết bản chất văn hóa và tính chất hai mặt của phẩm chất này. Bản chất của tính linh hoạt đó là văn hoá Việt tạo cho mỗi cá nhân trong cộng đồng một khoảng trống tự do sáng tạo và định hình cái chung, tạo cho con người Việt nam một khoảng không bao la để triển khai sáng tạo cá nhân tham góp nhân cách và trí tuệ của mình vào tiến trình cụ thể hoá các chuẩn mực xã hội.

Trong đời sống, người Việt coi trọng tinh thần cụ thể. Thái độ coi trọng cái cụ thể xuất phát từ văn hóa trọng tình. Với người Việt, mỗi con người cụ thể, mỗi đồ vật cụ thể là một thế giới độc nhất vô nhị không thể nào thay thế cho nhau vì mỗi người mỗi vật đều bắt rễ sâu vào tình cảm cộng đồng theo một cách riêng. Vì thế, thằng Bờm lưu luyến mãi cái quạt mo cụ thể của mình kiên quyết không đổi cho phú ông lấy ba bò chín trâu xa vời trừu tượng. Bờm chỉ chịu đổi khi phú ông đưa ra một nắm xôi cụ thể gần gũi, nó có thể cầm ăn. Ca dao Việt Nam có không ít những câu khuyên con người ứng xử linh hoạt theo từng tình huống cụ thể. Phương châm “TÙY” “LỰA”, “LIỆU” ( “Tuỳ mặt đặt tên, tuỳ tiền biện lễ”, “Lựa lời mà nói”, “Lựa gió xoay chiều”, “Liệu bò đo chuồng”, “Liệu cơm gắp mắm”…) là phương châm sống có bản chất thích nghi với cái cụ thể. Mỗi cá nhân phải tự mình thăm dò từng cái cụ thể để sáng tạo ra những giải pháp, nhưng ứng xử phù hợp nhất. Văn hoá Việt không áp đặt chi tiết những quy chuẩn đạo đức và thẩm mỹ, nó nhường cho cá nhân, cho khu vực địa lý và cho giới tính những mảnh đất sáng tạo riêng và chịu trách nhiệm với sáng tạo này.

Trong nghệ thuật, người Việt cũng giành cho cá nhân quyền sáng tạo tối đa trong những không gian ước lệ, những quy ước thoáng đãng. Người diễn viên trên sân khấu chèo là phù thuỷ không gian, anh ta làm công việc cụ thể hoá không gian trong dòng chảy thời gian. Anh ta vừa mới chia tay người yêu ở sân đình, lượn một vòng với vài câu hát và điệu múa, không gian ấy đã trở thành biển cả, núi cao. Theo động tác, lời ca, cái không gian cụ thể được cất giấu, tàng hình bỗng hiện diện sinh động trước mắt ta trên cái nền trắng của khoảng không ước lệ.

Người nghệ sĩ Việt Nam khi chơi đàn trong dàn nhạc cũng có một khoảng tự do riêng như vậy-anh ta không bị câu thúc bởi các qui định chi tiết của tổng phổ như các nghệ sĩ phương Tây trong truyền thống của họ. Anh ta tuỳ ý biến báo, luyến láy, cụ thể hoá để bằng trực giác nghệ thuật tham góp vào âm thanh tổng thể của cả dàn nhạc. Tính ước lệ của tư duy nghệ thuật đã tạo khoảng không gian thoáng đãng cho người nghệ sĩ cụ thể hoá một cách sáng tạo, mỗi lúc một khác tuỳ theo cảm hứng, trực giác. Trực giác nghệ sĩ đã giúp anh ta thăm dò mỗi khoảnh khắc để tìm ra câu trả lời cụ thể cho giải pháp nghệ thuật. Cũng như trong cuộc đời không có mệnh lệnh chung, không có câu trả lời chung, có lý nhưng có tình, phép vua thua lệ làng – người nghệ sĩ Việt nam chỉ bị ràng buộc bởi những điểm hẹn nơi hội tụ những tự do sáng tạo cá nhân cho một hiệu quả chung.

Chính quyền năng tự do sáng tạo cái cụ thể mà văn hóa Việt đã trao cho mỗi cá nhân ấy đã trở thành cái xung năng văn hóa dẫn đến chiêu thức vẽ giun của Trạng Quỳnh. Như một nghệ sỹ chèo dùng vũ đạo cụ thể hóa khoảng không sân khấu thành núi non sông nước, Trạng Quỳnh đã dùng những ngón tay thay bút cụ thể hóa đề thi trừu tượng thành những con giun. 

Phải tra vấn truyền thống linh hoạt biến báo

Bí quyết Trạng Quỳnh quả là đã từng phát huy tác dụng trong lịch sử. Trong các cuộc chiến tranh giành độc lập, để huy động sức mạnh toàn dân, chúng ta phải đơn giản hoá lý tưởng, cụ thể hoá các nhiệm vụ chính trị quân sự, loại trừ tối đa tính chất lý thuyết suông và mọi cách hình dung vấn đề quá phức tạp, cao siêu. Nhưng bí quyết Trạng Quỳnh cũng có mặt trái của nó là: thói quen cụ thể hoá, đơn giản hoá đã trở thành một truyền thống linh hoạt mang tính vô nguyên tắc, vô chính phủ, cản trở sự phát triển của tư duy khoa học và các quan hệ hợp tác quốc tế vì những mục tiêu chung.

Tư duy khoa học đòi hỏi sự tôn trọng và hiểu biết lý thuyết trong tính trừu tượng và tính tổng thể phức tạp của nó. Hợp tác quốc tế đòi hỏi thái độ tôn trọng luật chơi, và thiện chí trong quá trình cụ thể hoá, chi tiết hoá những điều thoả thuận. Trên thực tế tính linh hoạt Việt Nam đã nhiều khi dẫn dến các hành vi phá huỷ hệ thống để thắng trong chi tiết. Chàng Trạng Quỳnh đối phó với vua quan phong kiến có thể cười ngạo nghễ vì chiến thắng vẽ giun trong cuộc thi tài. Nhưng những chàng Trạng Quỳnh trong các cuộc đua tài quốc tế có thể nào giành chiến thắng chỉ bằng cách đơn giản và linh hoạt theo kiểu mua đề thi, quay cóp hay mua giò đội bạn được không? Hơn thế nữa còn giễu cợt tinh thần chuyên môn và sự thật thà tuân theo quy chuẩn?

Không phải ngẫu nhiên hiện nay chúng ta đang gắn tính linh hoạt truyền thống với thái độ khôn vặt cần phải vượt qua. Khi Trạng Quỳnh cụ thể hoá đề thi theo hướng đơn giản nhất, dễ làm nhất để chiến thắng, ông đã bộc lộ trí thông minh dân gian trong việc lố bịch hoá những thách đố của quyền lực phong kiến. Nhưng chiến thắng đó dễ dãi. Nếu như Trạng Quỳnh vẽ được mười con rồng trong ba hồi trống thì chiến thắng vẻ vang hơn, nó bộc lộ tài năng đích thực của con người khi giải quyết những bài toán hóc búa nhất trong đời sống bằng trình độ chuyên môn cao.

Chúng ta vẫn có thể vui và tự hào với chiến thắng của Trạng Quỳnh như một chiến thắng chính trị trong đấu tranh giai cấp, nhưng chúng ta cần giáo dục thái độ dũng cảm dám đối diện, đối đầu với những bài toán hóc búa nhất, phức tạp nhất của lịch sử và văn hoá. Nghĩa là phải tra vấn chính bản thân truyền thống linh hoạt của chúng ta để vươn lên một đức hạnh cao hơn, một linh hoạt có tầm khoa học và có tầm nhân loại. Thậm chí, biết dừng lại, biết thua, biết nhẫn nhục để tiếp tục tích luỹ, học hỏi, tìm hiểu bài toán khó đó sẽ đưa chúng ta đến những cơ hội chiến thắng vẻ vang hơn và thuyết phục hơn. Nếu chỉ tìm cách thắng bằng mọi giá sẽ dẫn đến huỷ hoại tư duy khoa học, đánh tráo đề thi và phá hoại luật chơi.

Truyền thống linh hoạt mang tính cụ thể hoá và đơn giản hoá không chỉ tiềm ẩn những yếu tố gây ra những xung năng phản phát triển trong văn hoá, mà có thể còn làm phân hoá cộng đồng trong xu hướng cá thể hoá, gây mất ổn định về chính trị và kinh tế. Xu hướng linh hoạt, cụ thể hoá và đơn giản hoá để thắng bằng mọi giá sẽ trở thành lực ly tâm lớn nhất chi phối trong chiều sâu tâm thức. Những biểu tượng chung, những giá trị chung những phẩm chất chung, những chiến lược chung, những nhiệm vụ chung khi đi vào thực tế cuộc sống dễ bị tính linh hoạt truyền thống phân huỷ biến thành những nhiệm vụ đơn giản, những lợi ích cá nhân do mỗi người mỗi nơi lại “tuỳ”, “lựa”, “liệu” theo cách của mình, đơn giản hoá nhiệm vụ theo sở thích riêng và thế mạnh riêng, dẫn đến tình trạng chuyển động Braonơ trong toàn xã hội. Truyền thống linh hoạt sáng tạo biện minh cho sự phá huỷ lý thuyết, phá huỷ chiến lược và phá huỷ tổ chức. Lợi ích cá nhân phá huỷ lợi ích chung. Đó là cấu trúc bề sâu của tình trạng tham nhũng, hỗn loạn, địa phương chủ nghĩa, cơ hội và vọng ngoại khá phổ biến hiện nay./.
.
Nguồn: viet-studies
Previous Post
Next Post