Điều gì khiến chúng ta quay cuồng vì đồng tiền?

Điều gì khiến cho người ta quay cuồng với cuộc sống đến vậy? Kẻ nghèo lăn lộn với mưu sinh vì cái dạ dày đã đành, người khá giả cũng lặn ngụm trong vòng quay danh lợi. Vì lẽ gì mà nhiều người phải tối mắt tối mũi để kiếm tiền?

Cho dù tham lam là đặc tính cố hữu của con người, nhưng có lẽ không phải vì thế. Phải chăng nhiều người trong chúng ta “cày” ngày “cày” đêm là vì con? Nếu có chút gì đó vì bản thân thì đó chính là sức khỏe.

Hóa ra việc làm, giáo dục và y tế nó tác động tới con người ta ghê thật! Vươn lên để làm giàu cần khuyến khích, nhưng điên cuồng bằng mọi giá thì chứng tỏ xã hội đó đang có gì đó không ổn. Và cái “không ổn” ấy, tựu trung lại, liên quan đến việc làm, giáo dục và y tế?

“Hy sinh đời bố củng cố đời con” không chỉ là câu bông lơn cửa miệng mà nó đang được thực hiện ráo riết và triệt để. Là một nước Á Đông, chúng ta không có thói quen để con cái “tự bơi” khi tới tuổi 18 như các nước phương Tây. Và nền giáo dục của ta, đến thời điểm này, cũng chưa nhấn mạnh yếu tố tự lập. Con cái trưởng thành có gia đình riêng nhiều khi vẫn cậy nhờ bố mẹ hoặc được bố mẹ tự nguyện bao cấp.

Đời sống có chút cải thiện, cái ăn không còn thúc bách thì nỗi lo cho sự học nổi lên. Tiền trường là nỗi kinh hoàng của nhiều gia đình đầu năm học. Nhà khá giả thì tìm cách cho con vào trường điểm hoặc đi du học. Mọi người đều đồng tình: Đầu tư cho con là đầu tư bền vững. Và mọi người cũng đều thừa nhận: Muốn tìm được việc làm có thu nhập cao thì càng phải đầu tư vào việc học.

Thực ra lo cho con học cũng chỉ vì cái đích cuối cùng là việc làm. Việc làm thời suy thoái kinh tế đã hiếm thì chớ, những chỗ “mát mẻ”, dễ kiếm tiền thì không phải ai cũng thò chân vào được. Và thế là chỉ còn hai lựa chọn, hoặc là kiếm tiền thật nhiều để chi phí cho những chỗ làm “thơm tho”, hoặc là phải tạo điều kiện để con học giỏi hơn những ứng viên giỏi khác để lọt mắt xanh nhà tuyển dụng.

Với nền giáo dục trong nước èo uột như hiện nay thì đang có một cuộc chạy đua cho con đi du học. Đây là sự lựa chọn sáng suốt nhưng đồng thời cũng là cỗ máy xay tiền khổng lồ.

Như vậy, dù học trong nước thì chi phí cũng không nhỏ. Hiến pháp 2013, Điều 61 vẫn quy định tiểu học không thu học phí nhưng thực tế lại có quá nhiều các khoản phí khác phát sinh.

Xã hội càng phát triển, con người càng quan tâm đến sức khỏe. Khi chính sách bảo hiểm y tế chưa thỏa mãn được người bệnh, năng lực của bệnh viện còn hạn chế, còn nhiều tệ nạn…, thì không một ai yên tâm. Họ cần phải có thật nhiều tiền để phòng thân. “Vào viện không có tiền là chết” đừng xem là câu nói đùa.

Khi không phải quá lo cho việc học, việc làm; lo cho sức khỏe bản thân và gia đình lúc ốm đau, thì lúc đó người ta cũng bớt dần đi cái suy nghĩ tích cóp tài sản, tiền bạc; bớt đi cái tham vọng ngoi lên chiếc ghế quyền lực và củng cố các mối quan hệ với mục đích không trong sáng. Còn như hiện nay, nhiều người luôn quay cuồng để kiếm “một cục tiền” lo cho con cái, để phòng thân lúc về già hay khi sa cơ lỡ vận. Trong vòng xoáy man dại đó đôi lúc khiến người ta bất chấp tất cả.

Trong xã hội, các lĩnh vực đều gắn kết chặt chẽ và tác động qua lại. Song không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia đưa giáo dục, y tế, việc làm vào nhóm phúc lợi xã hội. Họ càng ngày càng làm tốt các lĩnh vực phúc lợi này vì nó giúp ổn định xã hội, giải phóng nguồn lực, kích thích và khơi nguồn cho những hoạt động lành mạnh, tích cực trong xã hội. Còn người dân thì yên tâm công hiến khi đã có trong tay bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế, còn giáo dục phổ thông được miễn phí hoàn toàn.

Theo VOV
Previous Post
Next Post