Người Việt: Cá nhân xuất sắc, cộng đồng rời rạc?

Không phải người Việt học giỏi nhưng thực hành kém, mà là họ chỉ giỏi làm giàu cho cá nhân nhiều hơn làm giỏi cho cộng đồng.

Không cần phát minh, chỉ cần bắt chước phát minh?

Có lẽ chẳng có sắc tộc nào phải gánh trên vai mặc cảm lớn như người da mầu. Người da mầu bị phân biệt chủng tộc đến mức trên thế giới trước đây, ở không ít quốc gia, họ bị vạch mồm xem răng như súc vật, không được vào quán ăn, thậm chí có những khu phố dành cho người da trắng. Khát đến cháy cổ, vậy mà muốn mua một cốc bia, người ta đã không rót lại còn đuổi đi...

Nhưng người da mầu bây giờ thì sao? Câu chuyện người đàn ông da mầu có tên là Barack Obama trở thành đương kim Tổng thống Mỹ là một minh chứng.

Tại sao từ một sắc tộc ở dưới đáy của sự định kiến, người da mầu lại trỗi vượt để đạt được thành công như vậy?

Một ca sĩ da đen đã tuyên bố: "Để đuổi kịp người da trắng, chúng tôi phải cố gắng gấp tám lần họ".

Ở đời muốn đấm thì phải co tay lại, muốn nhảy thì phải nhún chân lấy đà thấp xuống. Người Việt xưa cũng đã dạy: Lùi một bước để tiến ba bước.

Với dân tộc Việt, muốn hùng cường, có lẽ chẳng có cách nào hơn, giống những người da mầu đã từng thừa nhận và vượt qua mặc cảm để vươn lên, chúng ta cũng nên nhún mình. Không phải để hạ mình mà là để cải thiện, để nhảy cao hơn. Muốn chữa bệnh, làm cho cơ thể khỏe mạnh, thì việc đầu tiên chúng ta nên làm là bắt trúng bệnh. Chỉ có thế mới bốc thuốc trúng, mong chữa lành bệnh tật, làm cho cơ thể cường tráng khỏe mạnh.

Có không ít ý kiến cho rằng: Người Việt học giỏi nhưng thiếu khả năng phát minh sáng tạo. Điều này đúng! Nhưng theo tôi đó là ý kiến xa vời quá, nó có thể làm cho đại bộ phận chúng ta buông lỏng việc đào luyện kỹ năng hay tính cách trực tiếp gần gũi của mình.

Một xã hội lành mạnh, tốt đẹp, giầu có, không nhất thiết phải có phát minh. Tôi tin chắc, nếu gia đình nào cũng toàn những người biết sống bổn phận, thì gia đình đó chắc hẳn sẽ giầu có và hạnh phúc. Một xã hội cũng vậy, nếu nó có đại đa số công dân biết sống đúng bổn phận và chức năng của mình, thì xã hội sẽ ngăn nắp, sạch sẽ, lành mạnh, tốt đẹp, và sung túc.

Trong xã hội, có một số nghề không cần phát minh như các dịch vụ y tế và xã hội, ở đó người ta chỉ cần có sự tận tình, chu đáo, tử tế là đã tốt đẹp rồi. Riêng nghề dịch vụ ngày nay chiếm đến 1/3 doanh thu và công việc của xã hội. Nếu người ta biết làm đủ bổn phận cho việc này, thì sự tốt đẹp chẳng bé chút nào.

Về mặt khoa học kỹ thuật hay tiến bộ cũng không lệch tâm nhiều. Nhiều chuyên gia cho rằng, thế kỷ 20 nước Nhật không cần chú trọng vào phát minh nhiều, mà chỉ cần học theo, nói thẳng ra là bắt chước các phát minh của phương Tây là đã phát triển rất nhanh. Bài học đó cũng đang diễn ra với Trung Quốc trong thế kỷ 21 này.

Đây cũng chính là phát ngôn của các chuyên gia Mỹ, họ cho rằng: Ở châu Á không giành nhiều tiền bạc để đầu tư cho những tìm tòi, phát minh tiên phong và vĩ mô.

Đây không chỉ là hiện thực, mà chính là nguyên lý sống mà người Pháp đã thừa nhận trong nhiều thế kỷ. Nguyên lý đó ngày nay còn được áp dụng nhiều vào trong cơ chế kinh tế thị trường tự do, đặc biệt sau khi nền kinh tế kế hoạch của các nước Đông Âu phá sản, đó là "laissez faire", tức là "để mặc nó".

Cụ thể người Pháp đã tiến hành hàng loạt các cuộc điều tra. Vào mùa hạ chẳng hạn, người ta phát sốt khi phát hiện, mỗi tháng có đến cả chục triệu khách du lịch đến Pháp, như vậy, dịch vụ, rồi thực phẩm, rồi môi trường sẽ ra sao? Nhưng không hiểu sao mọi việc vẫn đâu vào đấy! Rồi người ta phát hiện rất ngẫu nhiên năm nào cũng vậy, số người đi du lịch ra khỏi nước Pháp luôn luôn xấp sỉ số du lịch đến nước Pháp.

Đó là sự tài tình của sắp đặt tự nhiên mà không ai có thể lường được, hay sắp xếp mà thành. Vậy thì trong kinh tế thị trường cũng vậy, hiện thực của nó luôn luôn phong phú sống động hơn cả người ta sắp đặt hay điều chỉnh. Bởi thế mà "hãy để cho nó tự điều chỉnh".

Không có tinh thần quốc tộc, quốc gia làm sao vững mạnh?

Ở Việt Nam thì sao? Chúng ta làm đường, rồi mới đào lên đặt cống. Việc đó thì liên quan gì đến phát minh. Rồi các công ty dịch vụ thông tin, lẽ ra chỉ cần đào đường lắp một đường dây, nhưng người ta không thỏa thuận được việc ai phải thuê đường dây của ai. Thế là mỗi công ty lắp đặt một đường dây và đào đường một lần ít nhất. Thế là đường phố bị xới tung lên, hết lần này đến lần khác.

Hàn Quốc, sau 10 năm lắp đặt công nghệ ô tô, thì dường như cả nước có xe nội địa để đi, hơn thế còn xuất khẩu đi khắp thế giới. Còn ở Việt Nam sau hơn 10 năm, chúng ta vẫn loay hoay chưa xác định được đâu là dòng xe chiến lược, giữa 2 dòng xe con và bán tải? Chẳng lẽ việc này lại cần phải có nhiều trí óc phát minh và sáng tạo đến vậy? Nếu muốn hiểu người ta chỉ cần 3 ngày làm các điều tra là xong!

Tất cả sự chậm tiến và ngược đời đó nói lên cái gì? Theo thiển ý của tôi, không phải là việc người Việt học giỏi nhưng kém thực hành, mà là họ chỉ giỏi làm giàu cho cá nhân nhiều hơn làm giỏi cho cộng đồng. Ở đây , thêm một lần nữa nói lên, tính cách công lý của người Việt rất yếu. Người ta không nghĩ đến quyền lợi chung mà chỉ nghĩ đến quyền lợi cục bộ của cá nhân, sau đó là của cơ quan hay chuyên ngành nào đó.

Học giỏi nhưng thực hành kém ư? Học chính là chuẩn bị cho trí tuệ và tư tưởng. Tư tưởng luôn dẫn đến hành động. Vậy thì tại sao hiệu quả hành động của người Việt lại yếu? Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên thấy, một người nói ngang, nói sai lè lè ở giữa nhiều người, nhưng anh ta không hề gặp bất cứ sự phản đối nào để thấy xấu hổ hay phải điều chỉnh mình.

Tại sao? Vì hầu hết những người xung quanh đã từng giống và hành xử như anh ta, cho nên dễ bỏ qua, và thông cảm. Như vậy, người Việt rất ít đào luyện ý thức cho công lý, mà mạnh ai người ấy làm, "còi to cho vượt". Từ tư tưởng bé nhỏ và cá nhân đó, người ta khó mà hình thành ý thức cộng đồng.

Cái yếu nhất của người Việt nói riêng và Châu Á nói chung là tinh thần công lý chung của cộng đồng. Đây chính là bài học mà lãnh tụ Tôn Trung Sơn đã chỉ ra: Trung Quốc dù 400 triệu dân nhưng chỉ là bãi cát rời rạc vì chỉ có tinh thần tông tộc và gia tộc mà không có quốc tộc.

Không có tinh thần quốc tộc, quốc gia làm sao vững mạnh, cho dù ở đó có rất nhiều người sôi kinh nấu sử học giỏi đi nữa. Học giỏi mà chỉ nghĩ đến vinh thân phì gia, làm giầu cho công ty mình để lĩnh thưởng, mưa đâu ấm chân đấy... Quốc gia làm sao giầu mạnh, hùng cường nếu kẻ có học chỉ dùng tài của mình, tìm cách gom mái giọt ranh làm ướt bàn chân bé nhỏ hay mấy người của nhà mình?

Vì thế, có lẽ tư duy thiếu tính cộng đồng, tức công lý mới chính là thứ làm còi cọc học vấn, hay làm thui chột khả năng của người Việt. Còn thực hành là cái thứ hai. Và cho dù có thực hành giỏi đi nữa mà người ta chỉ thực hành cho cá nhân mình thì có ý nghĩa gì?

Tác giả: Nguyễn Hoàng Đức
Bàn về Xã hội toàn trị và Dân sự

Xưa kia, theo binh pháp Tôn Tử của Tầu, thì: khi chọn những người dẫn đầu đoàn quân, nếu chọn người yếu nhất thì họ sẽ chây lười nản chí, nếu chọn người khỏe nhất thì họ đi phăng phăng khiến phía sau không theo kịp, tốt nhất là chọn người trung bình, để không nản chí cũng như không bỏ rơi đoàn quân. Khi làm chính sách mà dựa vào chính quyền, có khác gì làm kinh tế chỉ bênh ông chủ còn đánh thuế nặng dân đen? Khi dạy học, thầy chỉ lưu ý học sinh học giỏi mà bỏ quên học sinh kém? Khi phát khẩu phần ăn chỉ để ý đồ nhậu cho con cái nhà giầu mà bỏ quên người cần ăn no? Làm chính sách mà dựa vào người cầm quyền tức là thiên vị người có thế lực mà bỏ rơi người thấp cổ bé họng.

Chính trị bao gồm Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp là những vấn đề hết sức phức tạp, nhưng thực ra nó cũng rất gần gũi và dễ hiểu bởi vì nó liên quan trực tiếp đến đời sống và sinh mệnh hàng ngày của mỗi con người. Tuy vậy, ở các nước, mà mỗi tờ báo ra hàng ngày đều liên quan đến vấn đề “kiến trúc thượng tầng” – tức giai cấp cầm quyền lãnh đạo, thì người dân được làm quen với vấn đề chính trị rất nhiều. Trái lại báo chí của ta lâu nay, lảng tránh tuyệt đối vấn đề của cấp lãnh đạo thậm chí từ vụ cục trở lên, báo của cả nước, của thủ đô, của thành phố lớn rặt chuyện nuôi cá trê phi, rau xanh, tai nạn, và những tội tình của cấp bình dân đầu đường xó chợ… Tóm lại báo chí chỉ nhắm vào cơ sở hạ tầng mà chì chiết phê phán thoải mái, còn cấp trên thì “an toàn” tuyệt đối, vì thế mà dân chúng chẳng hiểu gì về chính trị cả. Nói thẳng ra Dân trí của người châu Á nói chung của Việt Nam nói riêng là cực thấp, cực dốt, ngay cả nhiều người có bằng cấp đại học, rồi nhà văn, nhà thơ nói về chính trị cũng ấm ớ chẳng hiểu gì?

Hiện nay trình độ chính trị ở Việt Nam là thấp bậc nhất thế giới, đó cũng chính là môi trường dung dưỡng vô tận cho tham nhũng cũng như lũng đoạn quyền hành. Cụ thể, người châu Phi, vẫn bị coi là lạc hậu, tối tăm, cam chịu, trùm khăn lên đầu, che khăn ngang mặt, bảo sao nghe vậy, nhưng năm 2011 dân nhiều nước như Ai Cập, Siria, Lybia… đã nhảy một bước về dân chủ lớn chưa từng có làm rung chuyển cả vũ đài lịch sử. Còn Ấn Độ trước kia cũng chỉ là một nước Quân chủ, nhưng với cuộc hành hương “Bất bạo động” của thánh Gandhi, ông không chỉ giành được độc lập cho đất nước từ tay đế quốc Anh, mà còn nâng dân trí của dân tộc lên khi nói “Chúng ta chống lại người Anh, nhưng không chống lại thể chế Anh”. Kể từ đó, Ấn Độ theo Quân chủ lập hiến, với kiến trúc chính trị mô phỏng của Vương quốc Anh. Còn ở Trung Quốc, trong cuộc diễu hành dân chủ mùa xuân năm 1989, hàng triệu sinh viên đã trương khẩu hiệu ở quảng trường Thiên An Môn: “Xấu hổ thay người Trung Quốc chúng ta đến thế kỷ 20 rồi vẫn còn học bài học vỡ lòng về dân chủ”. Còn người Việt ta đã nghĩ và làm được gì với đám văn sĩ lèo tèo mấy vần thơ vẫn còn quanh quẩn quanh nỗi lo “cơm áo không đùa với khách thơ”, trí thức thì dẫn một con bò sang Nga khi về làm tiến sĩ chỉ có một giấc mộng duy nhất là vinh thân phì gia, còn dân chúng thì chỉ lầm lụi trong cơn ám ảnh cơm áo gạo tiền.

Tôi xin nhắc lại, dân trí Việt về chính trị bao gồm cả bộ phận lớn các trí thức là cực thấp và cực dốt. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà ngay ở Trung Quốc, lãnh tụ Tôn Trung Sơn đã cảnh tỉnh rằng: người Trung Quốc xưa nay cả ngàn năm chưa hề có mấy từ “cá nhân”, “bình đẳng” và “tự do”. Tất nhiên dân chúng chỉ là đám nô tài, thảo dân, vô lại, đi đâu cũng quì mọp như chó thì làm sao có được “cá nhân”, “bình đẳng” và “tự do”. Đối với nhiều người ở Trung Quốc cũng như Việt Nam, chính trị chỉ có nghĩa là nắm quyền, ở trên người khác, đè đầu cưỡi cổ người ta, hay ăn cơm chúa múa tối ngày. Tóm lại, chính trị có nghĩa là vừa được oai, vừa làm quan được nhàn, lại vừa được ăn yến triều đình. Có thể tóm bắt trong một câu này của người Tầu “Ở dưới một người, ở trên vạn người”, rồi học giỏi cũng chỉ để làm quan “học nhi ưu tắc sĩ”, không có khoa bảng thì đem tiền đi mua chức, như Cao Cầu đá cầu hầu vua rồi leo lên chức tể tướng. Một loạt các quan lớn của Trung Quốc vừa rồi thú tội: tôi làm quan phải thu tiền của người khác là bởi tôi đã phải mất rất nhiều tiền để mua quan. Đó là bằng chứng minh định rất rõ về cái gọi là trình độ dân trí và quan trí của châu Á, quanh đi quẩn lại chỉ là nắm quyền và giữ quyền. Còn những lời lẽ hay ho nào tam quyền phân lập, dân chủ, tự do chỉ là những lời bóng bảy làm mẽ bề ngoài. Trong tình hình dân trí thấp của chúng ta, tôi xin được bàn về “Toàn trị” và “Dân sự” một cách dễ hiểu nhất.

1- Lịch sử của con người là lịch sử của Nhà nước. Triết gia Hegel còn nói thẳng tưng: châu Á không có lịch sử, bởi vì Nhà nước của nó đâu có phải con đường lập pháp dựng nên, mà chỉ là thứ bộ tộc, sắc tộc, làng xã, hay quốc gia thiên hạ làng xã tổ hợp, một thứ vua ngồi ngai vàng, rồi tranh ngôi phế truất nhau, chỉ là sự thay thế của quyền lực đâu có sự tiến triển nào của nấc thang lập pháp, mà được gọi là Nhà nước đích thực. Không có Nhà nước đích thực thì sẽ không có lịch sử đích thực. Bởi lịch sử không chỉ là những hiện tượng thay thế đơn thuần, buổi sáng tôi ăn, rồi chiều tôi tiêu hóa, sao có thể gọi đó là “lịch sử”. Rồi Trung Quốc với Hán, Tùy, Đường; Việt Nam với Đinh, Lê, Lý … kế tiếp nhau y như cũ thì có được gọi là lịch sử giống như sự phát triển của nhận thức không?

2- Chỉ khi có nhà nước, với điều kiện bắt buộc phải có luật pháp, thì dân tộc đó mới thoát thai khỏi sắc tộc bán khai, sống hoang rợ trong rừng chưa hề có pháp luật.

3- Luật pháp chỉ có với điều kiện tiên quyết: Không ai được ở trên luật pháp. Nếu ông là vua ông ra lệnh xử tử người khác như không, đến khi ông mắc tội giống người ta ông lại tự tha cho mình, thế thì còn gì là luật. Chưa hết ông không chỉ tha cho mình mà còn tha cho mọi con cháu vương gia, con cháu vương gia lại tha cho kẻ thân của mình, rồi pháp luật có phải là thứ hổ lốn không? Ở Việt Nam, khi Đảng cộng sản với điều bốn đòi lãnh đạo tất cả, cũng là lãnh đạo mọi thứ thuộc về nhà nước, mà nhà nước là pháp luật. Với điều kiện tiên quyết “pháp luật chỉ có khi không có ai được ở trên pháp luật”, như vậy là vi hiến. Nói rõ hơn là “Bất hợp hiến”.

4- Độc tài là duy nhất một người lãnh đạo, lãnh đạo luôn cả luật pháp. Toàn tài là lãnh đạo bao sân tất cả mọi người lẫn mọi việc. Xưa kia vua chúa độc tài, nhưng kể từ khi có đảng Quốc Xã của Hitle ra đời, đảng Fascism của Mussolini xuất hiện, rồi sau này đảng Cộng Sản bao trùm cả hệ thống Liên Xô và Đông Âu thì thế giới biết đến thuật ngữ “Độc tài tập thể” và “độc tài đám đông”. Và có thêm thuật ngữ “vua ngai da”.

5- Nhà nước với luật pháp sinh ra là để vì ai? Chắc chắn nhà nước sinh ra vì nhân dân bởi với sức mạnh của pháp luật nhà nước bảo vệ những dân chúng thấp cổ bé họng. Một nhà nước lại bảo vệ kẻ mạnh là một nhà nước vô nghĩa, bởi lẽ kẻ mạnh đã sẵn mạnh vì gạo bạo vì tiền, tiền hô hậu ủng còn lo bảo vệ làm gì? Vả lại, nhân dân tạo ra một nhà nước là để bảo vệ và giúp họ sống chứ không có nhân dân nào muốn dựng lên nhà nước để khoác ách vào cổ họ. Nhà tư tưởng Mỹ Thoreau có nói: “Một chính thể càng ít cai trị thì càng tốt, nhưng tôi muốn nói rằng, một chính thể tốt nhất là không cai trị gì cả”.

6- Nhân dân được dân chủ (cũng có nghĩa là dân sự), hợp tác lại trong một chính thể của chung được gọi là chế độ cộng hòa. Đó là những điểm căn cốt do triết gia Socrate tuyên xưng và được triết gia Platon chép lại trong cuốn Cộng Hòa (La Republique). Trái lại, triết gia Aristote lại quảng bá cho thuyết quân chủ là chỉ có mình vua lãnh đạo. Ông và những người giống ông như Hitle hay Mussolini cho rằng: dân chủ là thứ lãnh đạo giống con cuốn chiếu hay con rết nhiều chân đi rất chậm, thêm nữa đó là con rết nhiều đầu thì nó không biết đi đâu? Nhưng lịch sử với độ tàn khốc của nó đã chứng minh lý thuyết này là sai lầm, bởi vì không có bất cứ ai tự giác xuất sắc để làm gương và lãnh đạo dân chúng (trừ vua Nhiêu, vua Thuấn trong huyền thoại), mà khi đã làm vua rồi thì chỉ thích hưởng thụ không để ý gì đến dân chúng. Dân chúng lầm than muốn phế truất ông thì không thể, vì ông độc tài ngồi xổm trên pháp luật đâu có tự giác xử mình. Đặc biệt mới ít năm gần đây, toàn bộ hệ thống độc đảng sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, mới đây là các nước dù còn lạc hậu ở châu Phi, đã chứng tỏ một hiện thực lịch sử rất hùng hồn: không một ông vua nào đủ tự giác để tuột xuống khỏi cái ngai đầy ắp những bổng lộc và hưởng thụ?!

- Rút cục nhà nước hiện đại sinh ra vì cái gì? Do dân - cho dân và - vì dân! Đúng nghĩa hơn: nhà nước chỉ là cơ quan dịch vụ cho nhân dân sống mà thôi. Nhà nước chỉ là cơ quan đóng dấu, trơn dầu hệ thống đóng dấu thông quan từ chợ nhà quê đến cửa khẩu. Ngoài ra chẳng là cái gì cả. Một số kẻ cứ cố tình quan trọng nhà nước, đó chẳng qua chỉ là muốn đề cao cái quyền lực mà mình đã có. Một nhà nước tốt nhất là không cai trị gì cả, đó cũng chính là ước mơ của Karl Marx khi nhắm đích: chủ nghĩa cộng sản cùng đích thì nhà nước tự tiêu vong.

Việc còn lại một vài chính thể như Việt – Triều – Lào – Trung – Cu, vẫn còn rơi rớt bám chặt lấy cái gọi nhà nước mà không có pháp luật đích thực (tôi xin nhắc lại: pháp luật chỉ có với điều kiện “không ai được ở trên pháp luật”), điều đó càng chứng minh luận điểm của Hegel rằng: châu Á không hề có lịch sử, bởi vì nó chỉ có các cuộc thay thế mà không có vận động. Điều đó cũng nói rằng, nước ta từ dân trí đến quan trí, rồi trí thức còn thấp lắm, nói đúng ra là còn “ngu lâu dốt bền” lắm. Mong mọi người hãy biết mở mắt và ngẩng đầu lên, đừng có tự ái vớ vẩn, để nước ta còn tiến kịp thời đại. Và chính thức viết lên trang sử có vận động của mình. Nếu sự nói thẳng của tôi không làm mọi người thức giấc mà chỉ gây tự ái thì tôi xin tạ lỗi muôn lần. Xin cám ơn!

Tác giả: Nguyễn Hoàng Đức
Previous Post
Next Post