Nhân bản đạo Phật sự giải thoát của con người hiện đại

Ngược trở lại những năm tháng xa xưa, ta thấy con người hầu như có rất ít vấn đề phải đối phó. Cho dù nếu không giải quyết được thì họ cũng không vì vậy mà phải tự tử như thời hiện đại! Người ta cứ hồn nhiên sống, tranh đấu. Thành hay bại dường như đã được an bài bởi một đấng tối cao nào đó. Bởi vậy, dù phải đối mặt với một hoàn cảnh sinh tồn khắc nghiệt hơn chúng ta nhiều, song thời kỳ đó, theo nhà triết học người Pháp nổi tiếng thế kỷ 18 J. Rousseau, vẫn là thời kỳ mà con người sống bình yên và hạnh phúc nhất.

Thế giới ngày nay khác hẳn. Trong sự phát triển vượt bậc của khoa học, con người ngày càng thấy rằng mình đang thực sự làm chủ thế giới. Trước vô số những vấn đề phải đối phó, con người luôn tin tưởng ở chiếc chìa khóa vạn năng “thế trí biện thông” của mình sẽ hóa giải tất cả.

Bắt đầu từ Ludwick Feuerbach, một triết gia duy vật người Đức danh tiếng của thế kỷ 19, đã tuyên bố “chính con người đã tạo ra Thượng đế theo hình ảnh của mình” trái với lời dạy của Thiên chúa giáo cho rằng: “Thượng đế đã tạo ra con người theo hình ảnh của ngài”. Thậm chí, cuối thế kỷ thứ 19 đến đầu thế kỷ thứ 20 một số triết gia hiện sinh nổi tiếng đã nói thẳng với con người rằng: “Thượng đế không hề hiện hữu”.

Những chủ trương trên có đúng hay không? Tất cả vẫn còn nguyên đó chưa có câu trả lời dứt khoát, trong khi đó, con người có vô số những vấn đề phải giải quyết, không giải quyết không xong. Trong số những vấn đề ấy, tựu trung có một vấn đề căn bản là vấn đề cứu cánh của con người. Bởi trong thời hiện đại, nếu con người không tìm được con đường hướng thượng hay con đường giải thoát cho chính mình, thì sớm hay muộn con người sẽ lâm vào tình trạng bế tắc. Nói cách khác, vấn đề con người phải có lời giải đáp: Giải đáp đúng sẽ cho một cuộc sống suôn sẻ, giải đáp sai chắc chắn sẽ là một thảm họa, nhất là trong thời đại hạt nhân toàn cầu ngày nay.

Nếu như thế kỷ 20 đã ghi nhận sự phát triển rực rỡ của khoa học, thì đồng thời cũng là thế kỷ mà nhân loại đã trải qua những cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử. Như vậy, sự phát triển của văn minh và khoa học tại sao không kéo theo nó sự phát triển của luân lý và đạo đức, đến độ một nhà nhân chủng học người Pháp nổi tiếng là Yves Coppens đã phải chua chát đặt câu hỏi rằng: “Phải chăng về mặt đạo lý, chúng ta vẫn đang trong thời kỳ tiền sử của nhân loại?”. Thực vậy, khi mà sự thịnh vượng đáng mơ ước của những xã hội dân chủ phát triển chỉ là những ốc đảo giàu có hiếm hoi giữa cái sa mạc mênh mông của sự nghèo khó toàn cầu.

Ngày nay chiến tranh lạnh đã kết thúc, song con người hiện đại vẫn cảm thấy vô cùng khó khăn trong sự chung sống hài hòa với đồng loại của mình, và nhất là với môi trường sinh thái đã sinh ra chính mình. Chiến tranh và hủy hoại dường như vẫn là một giải pháp ưa dùng của nó. Chẳng thế mà trong tác phẩm Ánh sáng châu Á (The light of Asia) Edwin Arnold đã viết: “Khắp mọi nơi đâu cũng vậy, đều là cảnh sinh vật này giết hại sinh vật kia và đến lượt nó lại bị các sinh vật khác giết hại. Sự sống luôn được nuôi dưỡng bằng cái chết. Cảnh đời đẹp đẽ chẳng qua chỉ là tấm màn ngụy trang những mưu ma chước quỷ nhằm tiêu diệt lẫn nhau, từ con sâu cái kiến cho đến con người”. Và chúng ta đang tồn tại trong cái thế giới mâu thuẫn, phức tạp, nhiễu loạn chẳng ngừng này!

Nếu như mỗi cá nhân chỉ vì dục vọng bản thân mà cạnh tranh tiêu diệt lẫn nhau, thì các cộng đồng cũng chính vì dục vọng đã đẩy sự cạnh tranh thành chiến tranh. Nào là chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh, chiến tranh tôn giáo, chiến tranh sắc tộc, chiến tranh khủng bố, chiến tranh kinh tế, chiến tranh môi trường... thôi thì đủ các kiểu tai họa do con người gây ra với những cái danh rất là chính, và ngôn xem ra cũng rất thuận, con người một mặt gây ra những tai họa, một mặt lại kêu gọi hãy cùng nhau đóng góp để khắc phục tai họa.

Thực tại mâu thuẫn trên cho thấy đã đến lúc phải quan tâm tìm kiếm một con đường khả dĩ có thể giải thoát cho con người trong thời hiện đại. Lịch sử phát triển tư tưởng của con người luôn gắn liền với sự quan tâm như vậy trong từng thời kỳ của nó. Thời cổ đại con người quan tâm đến thế giới tự nhiên (Geocentrism). Thời trung cổ con người quan tâm đến thần thánh (Theocentrism) và thời hiện đại con người quan tâm đến chính mình (Anthropocentrism).

Quả thật con người là một thực thể được thần học, triết học quan tâm săn sóc nhiều hơn cả. Từ con người linh hồn siêu việt bị cầm tù trong thể xác ô trọc của Platon, đến con người phạm tội tổ tông của Thiên chúa giáo, con người sợ hãi lo âu của Kierkegaard, con người khổ đau của Dostoievski, con người dục tính ức chế của Freud, con người hư vô của Nietzsche, con người phi lý của J. Sartre và con người nổi loạn của A. Camus... Hết thảy đã được đúc kết trong cái phương trình của Faulkner “Con người chỉ là tổng số những bất hạnh mà nó đã kinh qua trong cuộc đời!”.

Chúng ta có thể đặt câu hỏi tại sao những nhà nhân bản chủ nghĩa trên con đường tìm kiếm cứu cánh cho con người đã dừng lại ở những định nghĩa bế tắc như vậy. Vấn đề nằm ngay trong hệ thống triết lý của họ. Triết học nào luận lý ấy. Con người ngay từ khi hiện hữu, từ trong vô thức sâu thẳm đã lờ mờ ý thức được sự cô đơn của mình có nguồn gốc bi kịch của một Anthé bị chia lìa khỏi đất mẹ bản thể. Thế nên nó luôn mơ tới Một cõi đi về. Mặc dù nó cũng chẳng biết sẽ đi về đâu. Platon dẫn nó về với thế giới ý niệm lý tưởng. Jesu dẫn về Thiên đường nước Chúa, Nho giáo dẫn về cõi Thiên lý, Lão giáo về cõi Đạo, Hegel dẫn tới ý niệm tuyệt đối và Ấn giáo là cõi Brahma đại ngã.

Tựu trung con đường về mà triết học cổ, kim, Đông, Tây tìm kiếm cho con người đều xuất phát từ ý đồ nhân bản. Song nó bị các triết gia hiện đại xem như là quá ư siêu việt, nên không có mấy ý nghĩa trước hiện thực nhân sinh. Bởi vậy, họ khuyến cáo con người hãy từ bỏ cõi giới siêu nhiên, từ bỏ thánh thần, để chỉ quan tâm tới con người và chỉ lo cho con người. Đây được xem là mục tiêu nhân bản của triết học hiện đại mà các triết gia hiện sinh thường được xem là tiêu biểu.

Nói tới triết học hiện đại là phải nói tới triết học hiện sinh Existentialism của những đại diện như Jaspers, Marcel, Berdiaev – Heidergger, Sartre và A. Camus. Ba người trên ảnh hưởng học thuyết hiện sinh tôn giáo thần bí của Kierkergaard, nên lối thoát mà họ tìm kiếm cho con người chủ yếu vẫn là các cảnh giới Thiên chúa giáo, nên thường gọi là hiện sinh hữu thần. Ba người sau ảnh hưởng bởi hiện tượng luận (phenoménologie) của Husserl; và đặc biệt là ảnh hưởng của những tư tưởng tự do, nổi loạn phá phách mang màu sắc duy vật hư vô của F. Nietzsche; có khuynh hướng chống lại những quan niệm về tôn giáo của phái hiện sinh hữu thần, nên thường gọi là hiện sinh vô thần.

Tuy nhiên, điều mà họ nhất trí là cùng quan tâm tới vấn đề thân phận con người, là vấn đề cụ thể và sâu sát nhất với thực tế nhân sinh. Do đó, các triết gia hiện sinh thường xem họ là những người đi tiên phong trong việc tìm kiếm cứu cánh cho con người hiện đại, nhất là những nhà hiện sinh vô thần. Chẳng hạn A. Camus từng nói: Vào lúc con người tự đặt ra câu hỏi “Cuộc đời này có đáng sống hay không?” thì cũng là lúc bi kịch có thể xảy ra. Trả lời được câu hỏi này là giải quyết được vấn đề lớn của triết học. Hoặc J. Sartre từng khẳng định khi đặt đầu đề cho tác phẩm lý luận quan trọng của ông là Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản (L’existentialisme est un Humanisme). Vậy do đâu phương trình nhân bản mà họ tìm kiếm cho con người chỉ dẫn đến những hư vô, phi lý, cùng bế tắc cho một đề toán nan giải mới là Thân phận kiếp người.

Bởi lẽ cái ẩn số của phương trình trên nằm ở phần bản thể đã bị các nhà hiện sinh vô thần chặt đứt một cách không thương tiếc khỏi sự hiện hữu của con người. Thế nên, con người hiện sinh là một con người chơi vơi chẳng còn biết bấu víu vào đâu, chỉ còn biết la lên về sự hiện hữu phi lý của mình! Tiêu biểu cho quan điểm này là Sartre và Heidergger. Cả hai đều cho rằng con người tình cờ mà sinh ra, và chỉ có một lần sống, đời người là hữu hạn, đằng sau cái chết chỉ là hố thẳm của hư vô tuyệt đối. Như vậy, sự tồn tại của con người bề nào cũng chỉ dẫn đến một thất bại chua chát đắng cay, và con người dù tài ba lỗi lạc đến mấy cuối cùng vẫn chỉ là kẻ thua cuộc.

Người ta thường xem cuốn tiểu thuyết Ông già và biển cả (The Old man the Sea) của nhà văn được giải Nobel là Hemingway, đã minh họa cho những quan điểm triết học trên. Trong truyện, Hemingway đã mô tả ông già đánh cá đơn độc San Chi A Gô, bằng sự nỗ lực phi thường đã đánh bắt được một con cá kiếm cực lớn. Song, trên đường vào bờ, nó đã bị lũ cá mập hung bạo ăn thịt chỉ còn trơ lại bộ xương. Ở đây, tác giả đã mô tả bộ xương kỳ vĩ của con cá như là biểu tượng cho sự thất bại của con người. Thế nên, nó lớn chừng nào thì thất bại của con người làm ra nó cũng lớn theo chừng ấy! Có cần phải nói thêm rằng, Hemingway, con người huyền thoại của biết bao kỳ tích văn chương, cuối cùng cũng đã tìm tới cái chết bằng một phát đạn súng săn oan nghiệt!

Do tách rời bản thể, con người hiện sinh chỉ còn là một thực tại bế tắc và phi lý. Bởi vậy, rất khó đặt thành vấn đề đạo lý cho những hành động của nó. Mặc dù các triết gia hiện sinh, nhất là J. Sartre luôn hô hào về sự dấn thân, về sự nhập thế (engagement) của con người, rằng, con người có tự do lựa chọn, nên con người phải có trách nhiệm với lịch sử, và nhất là với thời đại của mình...

Chung quy thì những lời lẽ trên chỉ là một thứ trang trí (decoration) không hơn không kém. Bởi nó chẳng tạo được mấy chút ảnh hưởng. Giá trị của các triết gia hiện sinh nằm ở mặt khác. Bởi trên con đường tìm kiếm chân lý, quả thật họ luôn ưu tư về nỗi khổ của con người. Với trực giác nhạy bén, nhiều lúc tưởng như họ đã tiếp cận chân lý Phật giáo. Chẳng hạn như Heidergger, khi luận về bản thể ông đã từng nói: “Trong tất cả các kỳ quan vũ trụ, bản thể của tính “không” là cái vĩ đại nhất”, thật chẳng khác gì một vị bồ tát.

Cho nên, không lấy gì làm ngạc nhiên khi họ nhận thức được sự tất yếu của đời người là khổ, thì chính là họ đã minh họa đế thứ nhất trong Tứ diệu đế nổi tiếng của đạo Phật từng khẳng định “Đời là bể khổ”. Có thể nói chính trên cơ sở này, triết học hiện sinh đã có một ảnh hưởng lớn lao tới đời sống văn học nghệ thuật hiện đại ở phương Tây, và qua đó đã ảnh hưởng sâu sắc tới tâm trạng của một bộ phận lớn giới trí thức đương thời. Bản thân hai đại diện tiêu biểu là J. Sartre và A. Camus cũng được xem là thành công về mặt văn chương hơn là triết học, và chúng ta đều biết cả hai người đều được giải Nobel về văn chương. Nhà văn Đức H. Boll đã có lý khi ông nhận xét: “J. Sartre là một nhà văn tài ba, nhưng là một nhà luận lý xoàng xĩnh” (II est un écrivain talenteur, mais un piètre logicsien).

Như vậy, dù không thành công trong việc tìm kiếm cứu cánh cho con người về mặt triết học, song các triết gia hiện sinh bằng thiện chí, và bằng trực giác mẫn cảm, đã dẫn dắt những văn nghệ sĩ trí thức hàng đầu của thế kỷ nắm bắt được những vấn đề bức xúc nhất của thời đại ngày nay. Ấy là vấn đề thân phận kiếp người. Qua họ, chúng ta thấy cần phải tìm kiếm một sự giải thoát toàn diện và triệt để cho con người. Và con đường đó chính là con đường mà đức Phật đã chỉ cho chúng sinh từ 2500 năm về trước. Đó chính là con đường nhân bản Phật giáo.

Ngay từ xa xưa, khi đức Phật còn tại thế, Ngài vẫn thường khuyên các chúng sinh trí thức chớ nên tìm hiểu những vấn đề siêu hình, huyễn hoặc, mà chỉ nên chú trọng đến con người và lo cho con người. Vì con người có sinh, lão, bệnh, tử, có tham, sân, si nên con người khổ. Vậy thì phải tìm cách giải thoát cho họ. Như vậy chúng ta thấy, đức Phật chính là nhà nhân bản thiết thực nhất, hiện sinh nhất, theo ý nghĩa đó.

Nhân bản Phật giáo (Buddhish Humanism) là một hệ thống nhận thức luận gồm đủ: bản thể, hiện tượng, nhân sinh, luân lý, con đường giải thoát... nhằm giúp cho con người tìm kiếm cứu cánh trong lộ trình của bản thể. Như thế, về căn bản cũng xuất phát từ những điểm tương tự như triết học nhân bản phương Tây hiện đại, lấy mục đích giải thoát cho con người là chính. Tuy nhiên, về phương pháp, nó có những điểm khác biệt với triết học nhân bản phương Tây hiện đại. Chẳng hạn với triết học hiện sinh vô thần, hệ thống nhân bản của con người bị khép kín trong một cuộc sống duy nhất, không có sự tương giao nhân quả giữa kiếp trước và kiếp sau, và cũng không đặt vấn đề thông cảm với những người khác (tha nhân). Biểu hiện qua câu nói tiêu biểu của J. Sartre: “Địa ngục chính là những kẻ khác” (L’enfer c’ est les autres). Như vậy, con người hiện sinh xem những người khác chỉ là những kẻ cạnh tranh sinh tồn với họ. Mặt khác, tạo nên sự tha hóa của số đông, làm mất đi bản chất đích thực của mỗi cá nhân, cũng tức là làm mất tự do của con người. Trong khi ở Phật giáo là một hệ thống nhân bản cởi mở.

Sự hiện hữu của con người gắn liền với bản thể nên nó được triển khai với giáo lý nghiệp báo (karma) từ quá khứ, cùng với giáo lý luân hồi (samsa) trong tương lai. Mặt khác Phật giáo chủ trương vô ngã nên người Phật tử trong khi tu tập để giác ngộ, luôn thể hiện tinh thần vị tha, nhiệt tình giúp đỡ những người khác và hết lòng vì đồng loại của mình. Và nếu như các hệ thống hiện sinh hữu thần của Jasper và Marcel mở lối cho con người đi tới các cảnh giới siêu hình của Chúa. Hegel mượn con đường lịch sử để con người tinh thần tìm lại chính điều nó đã mất, mong đồng nhất với ý niệm tuyệt đối tức Thượng đế. Trong khi Phật giáo khai thông lộ trình cho con người quán thức để chuyển thức thành tuệ (wisdom), tức là cái thức đã được giác ngộ; để đưa con người hòa nhập trở lại với điểm đồng nhất nơi bản thể thường tịch.

Đó có thể được coi như một tổng quan cho vấn đề nhân bản luận Phật giáo trên bối cảnh nhân bản triết học Đông, Tây, cận, hiện đại, và là con đường nhân bản luận Phật giáo hiện đại. Nền tảng nhân bản ấy được xây dựng trên cơ sở của giáo lý nghiệp báo, luân hồi và vô ngã, được chứng minh bằng những luận cứ khoa học.

Hai giáo lý quan trọng mà người học Phật phải biết rõ. Đó là giáo lý nghiệp báo và luân hồi, hay những kiếp sinh tồn trở đi trở lại. Đó cũng là hai giáo lý cốt yếu của Ấn Độ giáo, khi những người theo Ấn giáo thấm nhuần những ý niệm về một linh hồn tự ngã, thì trái lại Phật giáo hoàn toàn phủ nhận. Nghiệp báo và luân hồi là định luật mang tính nhân quả, là ánh sáng soi rọi bản thể con người. Do đó, nó chính là nền móng đạo đức học của Phật giáo. Tóm lại, hiểu một cách rốt ráo, nghiệp báo là sự tác ý, hay ý muốn. Còn luân hồi theo Phật giáo thì sau khi chết hoặc trước khi sinh ra không có đời sống nào nơi con người là không tùy thuộc vào nghiệp, hay hành động có tác ý. Nghiệp báo là hệ luận của con người, và ngược lại, luân hồi là hệ luận của nghiệp báo. Hai giáo lý này bổ sung và gắn bó với nhau mật thiết.

Như vậy, luận cứ về hai giáo lý trên không phải từ Phật giáo ra đời mới có, mà nó xuất phát từ Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, ở hai giáo lý này, ta thấy Phật giáo đã vượt qua hai vấn đề siêu hình và bản thể ở Ấn giáo. Luận cứ nghiệp từ kinh Vệ đà qua đạo Phật đã biến đổi và mang một sắc thái khác hẳn: Nghiệp trong Phật giáo hàm chứa tính chất tự do và tinh thần trách nhiệm của cá nhân trên lộ trình đi đến bến bờ giác ngộ... Ở đây, cần phải nói là nghiệp đã dạy cho con người tự mình xây dựng kiếp mai sau cho mình, chứ không trông chờ ở đấng sáng tạo Brahma ban phát cho một ân huệ siêu hình nào cả. Như vậy Phật giáo đã đặt vấn đề lý giải hành động con người trên cơ sở hợp lý, và thiện, ác cũng không do siêu hình bản thể nào áp đặt, mà do chính con người quyết định. Ở đây, ta thấy nghiệp trong Phật giáo thể hiện tính công lý và công bằng triệt để. Vậy nên tất cả những gì đang diễn ra trong hiện kiếp của một con người, chỉ là sự triển khai toàn bộ những hành động của nghiệp báo kiếp trước. Nó chẳng khác gì số mệnh đã được lập trình ngoài ý muốn của con người hiện sinh.

Đạo Phật chẳng những khẳng định sự áp đặt tiên thiên lên cuộc đời mỗi cá nhân biệt nghiệp mà còn cho cả cộng đồng dân tộc cộng nghiệp, thậm chí cho cả thế giới này nữa. Ở điểm này, ta thấy tính tất yếu nghiệp báo của đạo Phật cũng tương tự như quan điểm tất yếu lịch sử của triết học Hégel rằng: Mỗi sự kiện lịch sử đã xảy ra ở một nơi nào đấy, vào một thời điểm nào đấy, là tất yếu, chứ không ngẫu nhiên. Tuy nhiên, Hégel xem tính tất yếu ở đây là mục đích của ý niệm tuyệt đối, cũng tức là Thượng đế. Như vậy nhân tố tất yếu Hégel thực chất là nhân tố siêu hình. Với cách nhìn này, những nhân vật lịch sử như: Napoléon, Tần Thủy Hoàng, Cézar, Thành Cát Tư Hãn, Hitler... Chỉ là những người sinh ra để làm cái việc mà lịch sử chờ đợi ở họ; nói cách khác, họ là những con rối lịch sử, hoàn toàn thụ động, do đó không chịu trách nhiệm về những hành vi của họ trước lịch sử.

Trong khi Phật giáo khẳng định những gì xảy ra cho một cộng đồng là tất yếu nghiệp báo; có nguyên nhân sâu xa từ những việc làm mang tính cộng nghiệp, được thực hiện bởi những người lãnh đạo trong suốt tiến trình lịch sử của nó - Như vậy, Phật giáo quan niệm tất yếu lịch sử có nguyên nhân chính là do hành động của con người - Bởi những gì tồn tại như một tiềm năng siêu thức nơi cộng đồng; thì chính mọi thành viên của cộng đồng đã tham gia biến nó thành hiện thực, qua sự dồn phiếu lựa chọn người đứng đầu và cổ xúy cho những ý nghĩ cũng như việc làm của họ - Thế nên, tất thảy những gì là hay hoặc dở từng diễn ra suốt quá trình lịch sử của đời sống cộng đồng, chỉ là sự thể hiện của hiệu ứng cộng nghiệp; được tạo nên từ chính hành vi của số đông thành viên trong cộng đồng mà những người lãnh đạo là tiêu biểu.

Theo ngài Long Thọ, nghiệp báo: “Là người chủ nợ theo đuổi con nợ, quyết không tha... không cho con nợ một nơi nào để trốn tránh”, và một khi đã mang lấy nghiệp vào thân, dù trong cuộc đời ta có gặp phải những oan trái bất hạnh lớn đến đâu chăng nữa, thì hãy xem đó là thời hạn đã đến của một món nợ, mà thản nhiên thanh toán với ý thức đầy đủ của một con nợ có trách nhiệm, thậm chí để trút bỏ gánh nặng hữu lậu luân hồi, thay vì oán trách trời gần trời xa.

Mặc dù nghiệp báo là một định luật rất nghiêm ngặt, nhưng cũng uyển chuyển linh động vô cùng. Nhân nào quả ấy, nghiệp nào kiếp ấy chẳng hề đơn sai. Tuy nhiên, theo Phật giáo trong mỗi con người, bất kể ai ai, kể cả những con vật sơ đẳng nhất, đều hiện hữu một Phật tính vốn có, dưới dạng rõ hơn, nó là Thiện tính vô ngã, thường được thể hiện như là quyền tự do lựa chọn (libre arbitre). Tùy theo cách ta sử dụng quyền tự do lựa chọn ấy như thế nào. Bởi vậy mới có nhân định thắng thiên, hoặc, tận nhân lực tri thiên mệnh, chính là biểu hiện ý chí hướng thiện thành khẩn của con người, đồng thời cũng chứng minh sự tự do của con người. Đúng như quan niệm của Dostoievski: “Con người không phải vật thao tác thụ động, mà là một cá nhân có ý chí tự do, và chịu trách nhiệm đối với những hành vi đã thực hiện”. Bởi vậy nghiệp trong thực tiễn cuộc sống hành xử chẳng khác gì định mệnh, nhưng không theo tinh thần quyết định luận sắt thép, mà có thể bị uốn dòng, đổi chiều, theo hướng tốt hơn, hoặc xấu hơn, tùy theo ta lựa chọn cách ứng xử nào, đối trước một hoàn cảnh mà nghiệp đặt ta vào.

Đây cũng chính là điểm khác nhau về mặt nhân bản giữa lý nghiệp báo và thuyết định mệnh của các tôn giáo khác. Thuyết định mệnh chủ trương những gì xảy ra cho một đời người đều do một Thượng đế siêu hình áp đặt. Con người dù có nỗ lực đến mấy cũng không thể thay đổi được mảy may số phận của mình. Cách đặt vấn đề này khiến cho con người hoàn toàn thụ động và trở nên tiêu cực. Mặt khác, thử hỏi căn cứ vào đâu mà Thượng đế lại tạo ra các số phận may, rủi cho con người, hoặc nói rộng ra cho các cộng đồng dân tộc? Vì sao kẻ này được ngài quá ư ưu đãi, nuông chiều, còn biết bao kẻ khác thì lại bị ngài trừng phạt một cách lạnh lùng, tàn nhẫn! Đến nỗi nhà văn Pháp G. Maupassant đã phải chua chát thốt lên: “Nếu quả thật Thượng đế hiện hữu và làm ra những nghịch cảnh trên, Thượng đế vĩnh viễn là một kẻ sát nhân!”. Còn Standhal ôn hòa và hóm hỉnh hơn: “Chúng ta tha thứ cho Thượng đế, vì Thượng đế không hiện hữu”.

Song song với lý nghiệp báo là thuyết luân hồi. Đức Phật đã dạy: Hễ chúng sinh nào chưa được giác ngộ, đều phải luân hồi mãi mãi trong bể khổ. Do đó, mỗi chúng ta đều đã trải qua hàng ngàn, hàng vạn cuộc đời. Thậm chí có người kiếp trước còn là động vật như chim muông, trâu bò, gà lợn... Nếu bạn chưa tin những điều này hãy nhớ lời đức Phật khi còn tại thế vẫn thường nói với các đệ tử: “Ta là, người nói thật, nói đúng chứ không nói bừa”.

Tuy nhiên, không giống thuyết luân hồi của các tôn giáo khác, Phật giáo chủ trương luân hồi trên cơ sở vô ngã (Anatta). Thông thường, chúng ta thường hiểu sự luân hồi nghĩa là có một cái tôi cố định biểu hiện qua linh hồn bất tử luân hồi từ kiếp này qua kiếp khác. Đó là một cái tôi thường hằng, bất biến, một thực thể có một không hai, biết phân biệt nó với thế giới khách thể. Đức Phật cho rằng chính sự ngộ nhận về một cái tôi như vậy đã khiến con người trở nên tham lam, ích kỷ, kiêu căng, độc ác... Tóm lại, nó là nguồn gốc gây ra những khổ đau cho đồng loại và cho chính bản thân mình. Bởi vậy mục đích giáo lý của đức Phật là chỉ cho chúng sinh thấy được thực chất bản thể của nó là vô ngã. Cần thấy rằng đây là điểm vô cùng siêu việt của nhận thức luận Phật giáo.

Theo Phật giáo, mọi chúng ta đều có một cái tâm (cita) thường trụ bất biến. Tâm ấy đồng nhất với bản thể vũ trụ, vốn tính bất nhị, không phân chia chủ thể, khách thể, hoặc của ta, của người. Đức Phật gọi là Tâm bát nhã hay Tâm chân như, là Phật tính, là cái ta không phải ta (le moi non moi). Tóm lại, nó là bản thể nhất như với vô vàn diệu dụng. Chính tâm này đã tạo tác nên thế giới hiện tượng của chúng ta, với hiệu năng đặc trưng vô ngã của nó. Do vậy, hết thảy sự vật (gọi là vạn pháp) trong thế giới này, đều không có thực tướng, thực ngã. Đúng như thuật ngữ nổi tiếng vạn pháp do tâm tạo. Nói cho đúng ra, các vật thể chỉ là sự tập hợp bởi vô vàn những phần tử vô thường cực vi (lượng tử). Quan điểm này dường như đã được khoa học hiện đại thừa nhận qua sự nghiên cứu về cấu trúc của các hạt cơ bản, những phần tử cuối cùng của vật chất. Các nhà vật lý lượng tử cho biết rằng, chúng không phải là những thực thể (object) ổn định mà luôn biến đổi. Đúng hơn, chúng chỉ là những tiến trình (process) hợp tan, tan hợp...

Như vậy tất thảy sự vật thế gian, bao gồm cả chúng sinh chúng ta, chỉ là sự thể hiện của một cái tâm bản thể, tùy nhân duyên mà mang một hình tướng tạm thời và luôn luôn biến đổi. Do đó, không thể có một cái tôi tự ngã biểu hiện như một linh hồn bất tử, luân hồi từ kiếp này qua kiếp khác làm nên một nhân cách thường hằng, vĩnh cửu. Thực thể người của chúng ta, gồm cả hai phần tâm, sắc suy đến cùng chỉ là sự tập hợp của vô vàn những lượng tử vô thường, luôn biến động và diễn tiến theo những định luật nhân quả, tức nghiệp vậy. Trên hết của hai thành phần ấy, đạo Phật thừa nhận cái tâm là thành phần linh diệu nhất, vi tế nhất, nó thể hiện những đặc tính của tuyệt đối, vô biên thường tịch...

Trên cơ sở ấy, đạo Phật quan niệm hồn chỉ là sự biểu hiện của cái tâm vô ngã, do duyên khởi với cõi đời phàm tục, nên nó rơi vào mê lầm, vọng chấp, mà trở thành cái gọi là linh hồn[1]1. Với ý nghĩa đó, nó chính là thần thức tạo nên nghiệp báo cho các chủ thể luân hồi. Ta sẽ thấy khá rõ tính chất vô ngã của nó. Một khi con người chết đi, cơ thể ngừng hoạt động, cũng là lúc thần thức trút bỏ toàn bộ những ký ức thông tin về một kiếp người, xem như đã trả xong nghiệp báo. Mặt khác do tích lũy những chủng tử mang nghiệp tính của kiếp sống vừa qua, nên thần thức sẽ lại tạo thành nghiệp báo cho một chủ thể mới, để tùy theo duyên nghiệp mà có mặt ở một trong sáu nẻo luân hồi.

Với cơ chế này ta thấy rõ người kiếp sau không phải người kiếp trước. Nhưng nếu không có người kiếp trước sẽ không có người kiếp sau tương ứng. Và sự tương ứng này chỉ là sự nối tiếp chuyển hóa của cơ chế nhân quả, chứ không phải hai con người được đồng nhất hóa bằng một linh hồn bất tử. Ở đây, cùng lắm chỉ nên xem linh hồn như một dòng điện liên tục thắp sáng những bóng đèn, là các chủ thể luân hồi. Bởi vậy nó hoàn toàn vô ngã. Do tính chất vô ngã của nó, nên những ký ức thông tin về một đời người mà thần thức trút bỏ lúc lâm chung, chỉ có nghĩa là một trường sinh học mang thông tin về nhân cách của kiếp sống đã qua. Thay vì xem nó là linh hồn của một người cụ thể. Đúng hơn phải gọi nó là những di cốt tâm linh (Spiritual Remains), được lưu giữ đầy dẫy trong các vật thể và trong không gian chung quanh chúng ta.

Để hiểu rõ thêm vấn đề này, ta cần tham khảo quan điểm của giáo sư J. R. Buchanan, chủ nhiệm khoa điện sinh học của viện y học Covilton. Theo ông, mọi vật thể đều bức xạ thông tin khi chịu tác động bởi xúc cảm của con người. Bởi vậy, lịch sử của cả thế giới này được lưu giữ trong mọi vật thể và trong không gian quanh ta, mà con người, bằng sự phát triển một công năng nào đó, hoàn toàn có thể tái dựng các sự kiện lớn lao hay bi thảm, từ trong quá khứ xa xưa của lịch sử con người.

Bởi vậy, không có gì là mâu thuẫn, khi các nhà ngoại cảm bằng năng lực đặc biệt có thể khai thác những thông tin đó ở dạng gọi hồn, mà chúng ta vẫn thường nghe kể, hoặc trực tiếp chứng kiến với những chi tiết chính xác đến sởn gai ốc. Trong khi chủ thể của những thông tin đó đã mang nghiệp báo mới để đầu thai làm kiếp khác từ lâu. Như vậy mâu thuẫn của hai hiện tượng tái sinh và gọi hồn mà không ít người trong chúng ta đã từng thắc mắc, thực chất ở đây nó đã được hóa giải bởi sự nhất thể hóa trên cơ sở vô ngã của linh hồn.

Đây chính là điểm cực kỳ tinh tế của giáo lý đạo Phật. Chính sự tinh tế này đã hóa giải triệt để cái tinh thần nhị nguyên đối đãi, vốn đã ngự trị đầu óc con người từ ngàn xưa, khiến họ chỉ tin vào sự tồn tại của cái tôi chủ thể và thế giới khách thể, và sự mê lầm này chính là nguyên nhân trói buộc con người vào cái vòng quay miên viễn của sinh tử luân hồi.

Chỉ ra được bản chất vô ngã của sự vật và con người là một trong những điểm vĩ đại nhất của đạo Phật. Vì con người chỉ có thể được giải thoát trên cơ sở đó. Bởi nếu con người là một thực ngã, nó sẽ vĩnh viễn bị giam hãm trong sự đơn độc (monolithic) giống như một nguyên tử bất biến của Démmocrite. Không có cách nào để thể nhập với cái không bản thể, vốn là đất mẹ, mà nó đã để mất trong suốt quá trình làm người, hay đúng hơn, trong suốt quá trình mê, lầm, vọng, chấp của một cái tôi giả hiệu qua vô lượng kiếp luân hồi.

Đức Phật là người giác ngộ chân lý đó đầu tiên của nhân loại, đã chỉ cho con người sự ngộ nhận đó và trả lại cái bản chất vô ngã cũng có nghĩa là Phật tính vốn có ở mọi người. Vì vậy đức Phật đã khẳng định: mọi chúng sinh đều có thể thành Phật.

Con người chúng ta từ khi sinh ra đến lúc già nua là cả một cuộc đấu tranh dữ dằn với cuộc sống. Đắm chìm trong dục vọng, trong khổ đau, trong hạnh phúc. Tất cả những cái đó đã làm mờ đi Phật tính vốn có trong ta. Chính vì những lẽ đó đã mãi mãi đẩy ta biệt lập với những người khác, biệt lập với bản chất vô ngã của chính mình, biệt lập với cái không bản thể của vũ trụ. Biệt lập với thế giới chung quanh cho đến chết.

Muốn giải thoát, con người đương nhiên phải tu tập, phải phá bỏ triệt để cái lô cốt kiên cố mà cái tôi nhị nguyên đã cố thủ trong đó để làm hiển lộ trở lại Phật tính vốn có của nó. Như vậy sẽ vượt qua định luật nhân quả, vượt qua sáu nẻo luân hồi, để nhất thể hóa với cái không bản thể, và đạt tới trạng thái hoàn toàn tự tại, hoàn toàn giải thoát.

Như vậy, mục đích con đường giải thoát mà đức Phật chỉ cho chúng sinh là xuất thế (detachement). Trong đó bản thân con người cần hết sức nỗ lực bạt nghiệp, để tự mình chuyển khỏi dạng thức tồn tại của thế gian này, để tới những cõi giới cao hơn và cuối cùng là niết bàn, cõi giới không có nhị nguyên, không còn sự sinh diệt.

Tuy nhiên không phải vì mục đích xuất thế mà xem nhân bản Phật giáo tách rời con người ra khỏi đời sống như nhiều người đã lầm tưởng. Trước sau Phật giáo vẫn chủ trương Phật pháp bất ly thế gian pháp. Người Phật tử trong khi tu dưỡng để đi tới niết bàn vẫn có thể hành đạo, vẫn có thể cứu nhân độ thế giữa đời thường, nghĩa là luôn gắn sự tu dưỡng để giác ngộ bản thân mình, đồng thời giác ngộ những người khác, trong tinh thần bất ly thế gian giác. Như vậy, ở một phương diện nào đó, con người Phật giáo là con người tại thế, như con người của triết học phương Tây hiện đại... chẳng những tại thế mà nó còn vươn lên (overcome) từ trong cõi sống.

Hơn nữa, mục đích tu tập xả bỏ cái tôi để con người hòa nhập với thế giới nhất nguyên, sẽ luôn là nền tảng của đạo lý Phật giáo rất cần thiết cho con người hiện đại. Ấy là đạo lý vị tha (Altruism). Người hành xử theo đạo lý này có thể rất khắc kỷ với bản thân mình. Song, anh ta lại luôn hết lòng vì những người khác, bởi xem thiên hạ với mình vốn nhất như, vốn là một.

Ngày nay, sự phát triển kinh tế rầm rộ trên qui mô toàn cầu, đang kích hoạt sự bùng nổ của tham, sân, si đến mức khiến người ta cảm thấy không một hành tinh nào đủ lớn để có thể đáp ứng cái nhu cầu tham ái khát dục vô độ của con người. Trong khi trái đất già nua kiệt quệ này chỉ có thể cung cấp đủ dùng cho nhu cầu của mỗi người, chứ đâu có thể thỏa mãn lòng tham của tất cả mọi người! Thế nên, người ta luôn nói tới sự chấn thương của địa cầu, luôn nói tới sự phân hóa giàu nghèo giữa các quốc gia Nam Bắc, gây nên bởi sự ích kỷ của con người. Thiết nghĩ đạo lý nhân bản Phật giáo nói trên, chính là cứu cánh cho con người trong thời hiện đại.

* * *

Sau hết, sự siêu việt của nhân bản luận Phật giáo đã khai ngộ cho chúng ta biết được cái lai lịch của con người mình qua những câu hỏi:

Chúng ta là ai?
Chúng ta từ đâu tới?
Chúng ta sẽ đi về đâu?

Những câu hỏi mang tính triết học nói trên thường xuyên ám ảnh tâm trí con người. Thực chất đã được giải đáp qua con đường giải thoát mà đức Phật đã chỉ cho chúng sinh.

Với ý nghĩa đó, nhân bản luận Phật giáo đã đưa con người ra khỏi cái thân phận bi kịch của một sinh vật vô minh, và trả lại cho nó cái dáng vẻ đẹp đẽ, thanh cao của con người minh triết.

Tác Giả: Chí Anh

[1]1. Theo chúng tôi gọi là linh hồn hay thần thức đều được, chỉ cần hiểu nó không phải là một thực ngã.
Previous Post
Next Post