Những biểu hiện mới của thói hư tật xấu trong văn hóa người Việt hiện nay

Đương thời thi sĩ Tản Đà từng viết “Dân hai lăm triệu ai người lớn – Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Nói về tác phẩm “Người Việt – Phẩm chất và thói hư tật xấu” nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn nhận xét “Thói xấu lớn nhất của người Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình”. Nói như thế để thấy rằng người Việt bên cạnh những phẩm chất tốt đẹp vốn có cũng tồn tại không ít tật xấu và chuyện xấu hay không xấu không phải bởi vì họ vốn thế. Nhất là trong kỷ nguyên của hội nhập quốc tế hôm nay, vì lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, chúng ta cần có thái độ  tự phê phán cao hơn, phải hàng ngày hàng giờ  tự soi mình vào tấm gương toàn cầu hóa, để phát hiện ra và tích cực sửa những nét lạc lõng, dị biệt với những giá trị nhân văn của thế giới văn minh. Xung quanh những vấn đề về “thói hư tật xấu” mới trong văn hóa người Việt hiện đại, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa – PGS.TS Lê Quý Đức – Nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển – Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Văn hóa người Việt: phát triển hay xuống cấp?

Văn hóa là một khái niệm hết sức phức tạp. Nó có thể là văn hóa – tri thức, tư tưởng, ứng xử, nhân cách…, nó có những tầng nghĩa rất rộng và có chiều sâu. Nói về văn hóa người Việt có thể phân chia thành văn hóa của người Kinh và văn hóa của các dân tộc thiểu số khác hoặc phân chia văn hóa thành giai tầng: thượng lưu, hạ lưu, người tinh hoa, bình dân, trí thức, tầng lớp dưới đáy; hoặc phân chia theo tuổi tác. Điều này chứng minh sự phức tạp hay nói cách khác là sự đa dạng trong văn hóa của một dân tộc.

Ngày nay, muốn khẳng định sự phát triển hay xuống cấp của văn hóa người Việt phải căn cứ vào tầng lớp đại diện đó là “tầng lớp tinh hoa” – những cán bộ Đảng viên, công chức nhà nước, những con người có trình độ học thức. Xuất phát từ đó để xem xét trình độ tri thức, tinh thần – đạo đức, trình độ nhân cách, tâm hồn, trình độ ứng xử…

Từ khi “mở cửa” cho đến nay, có thể nói tuy nhiều vấn đề của đất nước trong đó có văn hóa đã được nhìn nhận theo chiều hướng tích cực hơn nhưng cơ bản nhìn chung xã hội vẫn còn bị phân hóa bởi hai xu hướng văn hóa Đông – Tây, điều này gây khó khăn trong việc xác lập những giá trị riêng mang tính cốt lõi, nền tảng trong xu hướng hội nhập phát triển của đất nước. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất của người dân được nâng lên so với thời kỳ “chưa mở cửa” thế nhưng ở chiều ngược lại đời sống văn hóa tinh thần lại “đi xuống” đến mức “báo động đỏ”. Đây là nhận định chung của khá nhiều người trong đó có những nhà nghiên cứu văn hóa. Nhiều người còn thẳng thắn lên án và “định danh” những biểu hiện “lệch lạc” trong lối sống, lối sinh hoạt của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, những người có chức có quyền hiện nay là: “suy đồi về đạo đức” hay “xuống cấp về văn hóa” nói chung. Ngoài ra, trong xu hướng thế giới mở, sự bùng nổ thông tin của thời đại ngày nay thì sự xáo trộn và mất ổn định thậm chí mất kiểm soát những giá trị văn hóa vốn góp phần làm nên “hồn cốt” của dân tộc đang ngày một trở nên bức thiết hơn và cái gọi là “chuẩn mực văn hóa” vẫn còn là một khái niệm chưa có hình dạng xác định.

Ngay trong Nghị quyết TW6 của Đảng về văn hóa  cũng đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ rõ 7 biểu hiện của sự xuống cấp: Chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ thực dụng vụ lợi có xu hướng ngày càng phát triển; nạn tham nhũng, hối lộ, bòn rút, lãng phí; quan liêu, xa dân, lãnh đạm; lối sống ích kỷ thiếu trung thực; lời nói không đi đôi với việc làm; suy thoái đạo đức trong quan hệ gia đình quan hệ cá nhân với xã hội; đạo đức nghề nghiệp sa sút, hiện tượng mê tín dị đoan. Những biểu hiện này dẫn tới một loạt hệ quả là từ hành vi bên ngoài ảnh hưởng tới các yếu tố cốt lõi bên trong của văn hóa, suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống. Từ sự suy thoái của một số ít cán bộ đảng viên dẫn đến sự gia tăng của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên; từ sự suy thoái đạo đức của cán bộ đảng viên cấp dưới ngoi lên cán bộ chủ chốt các cấp; từ suy thoái từ bộ phận đảng viên riêng lẻ tự phát tới một bộ phận lớn có tổ chức theo kiểu “đường dây” gắn liền với lợi ích nhóm lợi ích của một bộ phận; từ suy thoái về tư tưởng đạo đức biểu hiện ở tham nhũng về kinh tế chuyển sang tham nhũng về quyền lực – chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ mà còn tham nhũng tinh thần; lấy lý tưởng làm lẽ sống sang lợi ích cá nhân làm lẽ sống, thậm chí là cá nhân vị kỉ; Mức độ của sự gia tăng suy thoái, nghiêm trọng hơn, tinh vi hơn, phổ biến hơn.

Tất nhiên không thể phủ nhận hoàn toàn những biểu hiện đẹp của văn hóa trong đời sống xã hội thời gian qua. Những chương trình vinh danh những con người ưu tú, những cá nhân có đóng góp tích cực cho xã hội không đơn thuần chỉ là sự tôn vinh, sự ghi nhận của xã hội đối với cá nhân con người đó mà còn cho thấy sự đa dạng trong đời sống xã hội, bên cạnh những biểu hiện chưa đẹp về văn hóa, sự xuống cấp của một bộ phận con người vẫn còn đó rất nhiều tấm gương tiêu biểu cho sự nỗ lực vì sự phát triển của cộng đồng xã hội. Những con người đó không hẳn là xuất phát từ tầng lớp đội ngũ trí thức có trình độ học thức mà còn là những con người lao động bình thường với những công việc vô cùng bình dị.

Kiếm tiền đã khó, “tiêu” tiền còn khó hơn!

Có nhiều người giàu lên do khách quan, do sự phấn đấu của họ, nhưng cũng có người tham nhũng thậm chí thông qua lợi ích nhóm để giàu lên. Mặc dù ta có chương trình xóa đói giảm nghèo nhưng sự chênh lệch giàu nghèo có chiều hướng tăng. Việc sử dụng đồng tiền trong xã hội của ta hiện nay cũng đang có sự chênh lệch và thái độ sử dụng đồng tiền trong một bộ phận không nhỏ trong xã hội đang thể hiện sự vô cảm trước những khó khăn của người khác, tiêu tiền một cách phung phí. Hiện tượng sử dụng đồng tiền một cách “thiếu văn hóa” đang nổi lên trong một xã hội còn đầy rẫy những khó khăn, còn quá nhiều người nghèo khó đói ăn cần trợ cấp. Đây là một hồi chuông cảnh báo. Giá trị của con người nằm ở bên trong tâm hồn, biểu lộ ra qua cách cư xử đầy tính nhân bản, trách nhiệm với đồng loại. Nếu hai người cùng trút bỏ “hình thức” thì bề ngoài họ sẽ như nhau, nhưng ai trong số đó có giáo dục, có văn hóa, đã được trau dồi đạo đức thì tức khắc ta sẽ nhận ra họ qua các hành vi sống đẹp và cách họ tiêu tiền.

Thời gian qua, dư luận xôn xao với những đám cưới “đại gia”, con của những quan chức tham nhũng, hay cách trưng diện mua sắm của các người đẹp, người mẫu, hoa hậu. Cái sự “khủng” của nhiều đám cưới của những vật dụng họ khoác lên người vượt khỏi trí tưởng tượng của nhiều người, nhất là những người dân chân lấm tay bùn ở chính những miền quê ấy còn lắm nhọc nhằn, là một câu chuyện về lối sống đáng để chúng ta nghĩ suy nghĩ. Nước ta còn nghèo. Dù đời sống có khá hơn thời bao cấp nhưng số đông bà con lao động chân tay ở nông thôn, ở miền núi, miền biển… vẫn còn nhiều khó khăn.

Sự xuống cấp của văn hóa tiêu tiền còn được nhìn thấy qua một “lăng kính” khác. ODA là nguồn vốn hỗ trợ của Nhật dành cho một số nước. Sở dĩ Nhật dành nguồn hỗ trợ này cho Việt Nam một phần lí do là để đền bù cho những thiệt hại về người với hơn 2 triệu người chết đói những năm 1944 – 1945 mà họ gây ra, ấy vậy mà ở một số Dự án ném tiền qua cửa sổ, sử dụng một cách vô lối, mưu cầu lợi ích cá nhân.

Trong văn hóa sử dụng đồng tiền người ta thường nói; nếu biết sử dụng đồng tiền thì bạn là ông chủ, nếu không biết sử dụng thì bạn là nô lệ. Tuy nhiên để phân biệt thế nào là nô lệ, thế nào là ông chủ cũng rất khó.  Làm chủ đồng tiền không có nghĩa là chúng ta làm ra bao nhiêu tiền thì có quyền làm gì tùy thích mà làm chủ là sử dụng đồng tiền đó sao cho hợp lý, sao cho có ý nghĩa. Đấy mới chính là ông chủ.

Văn hóa từ chức của quan chức: Xưa có, nay hiếm

Trong xã hội phong kiến xưa mà sử sách còn lưu lại được thì có Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…, họ đều là những bậc trung thần, tài năng và đức độ của các triều đại phong kiến dám rời bỏ danh vọng, quyền lực, tiền bạc. Đó là những tấm gương phẩm chất nhân cách cao, tính liêm sỉ, cái tôi cá nhân tự ý thức, khẳng định mình. Trong cải cách ruộng đất những năm 50 của thế kỉ trước, bản thân Tổng Bí thư Trường Chinh lúc bấy giờ là người lãnh đạo cao nhất của cải cách ruộng đất đã xin từ chức bởi những sai lầm trong tổ chức thực hiện.

Ngày nay, văn hóa từ chức được hiểu theo nghĩa rộng hơn, nó bao gồm ý thức, sự tự ý thức về từ chức và thói quen từ chức. Nghị quyết TW4 cũng đã đề cập đến vấn đề này trong đó khuyến khích những người không đủ năng lực đảm đương chức vụ hoặc có khuyết điểm, sai phạm tự giác rút khỏi vị trí, nhưng cho đến nay chưa thấy ai từ chức. Nhìn ra thế giới, việc từ chức của những chính trị gia không phải là chuyện hiếm. Lấy ví dụ ở Nhật Bản, chỉ đơn giản là một hành động không đẹp, một sai phạm, một câu nói lỡ lời….họ sẵn sàng rút khỏi vị trí nắm giữ. Còn ở ta, ý thức từ chức thấp mà thói quen từ chức lại chưa có. Nhiều người tham quyền cố vị, cố giữ lấy cái ghế của mình, bởi vậy nên nhiều người nói: văn hóa từ chức ở Việt Nam là một cái gì đó rất xa xỉ. Có lẽ không thể gọi là văn hóa từ chức được bởi ở nước ta không hề có văn hóa từ chức, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa có tinh thần tự giác, tự ý thức, tự trọng và liêm sỉ.

Đằng sau bộ quy tắc ứng xử văn hóa

Người Việt Nam vốn tự hào về truyền thống văn hóa lâu đời đặc biệt là văn hóa ứng xử nơi công cộng. Thế nhưng hiện đang tồn tại một bộ phận không nhỏ có cách hành xử thiếu văn hóa. Mà không cần nói đâu xa, chỉ cần bước chân ra đường, hòa vào dòng người tham gia giao thông sẽ thấy rõ nhất ứng xử văn hóa của người Việt đang ở ngưỡng nào. Ở bất cứ nơi công cộng nào chúng ta cũng dễ dàng nhận ra những hình ảnh thiếu văn minh của không ít người. Đó là cảnh chen lấn, xô đẩy khi mua vé tàu, vé xe; vứt rác bừa bãi nơi công viên; văng tục, chửi thề trên đường phố; hút thuốc nơi công cộng; thờ ơ khi gặp người bị nạn… tệ chèo kéo, cướp giật, “ăn theo” khách du lịch nước ngoài làm xấu hình ảnh của người Việt trong con mắt bạn bè thế giới. Tệ hại hơn, không ít người cho rằng đây là những chuyện bình thường, chẳng có gì phải ngạc nhiên. Nhìn vào cách ứng xử ở nơi công cộng có thể thấy được trình độ văn minh của một dân tộc cũng như trình độ dân trí của dân tộc đó. Những người có đầy đủ lòng tự trọng không bao giờ có những ứng xử vô văn hóa như các hiện tượng nêu trên. Đáng buồn là cách ứng xử phản văn hóa đó lại được thể hiện một cách “hồn nhiên” mà chủ yếu lại là trong giới trẻ.

Một điều đáng buồn là văn hóa ứng xử lại xuống cấp ngay trong môi trường mô phạm nhất là trường học. Trong nền văn hóa Nho học chưa bao giờ có hiện tượng trò đe dọa hay đánh giết thầy, chuyện bạn bè mâu thuẫn, làm hại lẫn nhau cũng là chuyện hiếm thế nhưng trong chế độ ta hiện nay những vấn nạn này lại trở nên phổ biến. Một số mối quan hệ “biến chất” giữa thầy và trò hiện nay thể hiện sự xuống cấp nghiêm trọng. Chưa nói đến thực tế giáo dục phiến diện, mới dạy chữ chứ chưa dạy làm người, các môn học KHXH, GDCD, luân lí đạo đức,…không được coi trọng. Rõ ràng sự suy thoái mối quan hệ thầy trò trong nhà trường cho thấy căn bệnh của xã hội, triết lí  giáo dục con người cần bàn bạc lại. Tại một cuộc họp HĐND TP Hà Nội, có đại biểu đã báo động một thực tế đáng buồn và đáng lo khác là theo một cuộc điều tra thì hơn 40% học sinh cho rằng không cần tôn trọng thầy cô vì đã bị thu học phí, cả ở trường và học thêm, quá cao.

Quan hệ gia đình có mặt tích cực giới trẻ tự do lựa chọn bạn đời, nơi công tác. Quan hệ bố mẹ với con cái dân chủ hơn, nhưng đôi khi quá trớn, ứng xử với bố mẹ ông bà thể hiện sự thiếu tôn trọng, thiếu sự dạy dỗ. Quan hệ vợ chồng, bình đẳng hơn, dân chủ hơn, tự do hơn, bị ảnh hưởng của nước ngoài, có tình trạng ly thân, ông ăn chả bà ăn nem. Không phải tất cả đều là xấu nhưng nó cũng làm mất đi mỹ tục của dân tộc, kéo theo hàng loạt các hệ quả: tình dục trước hôn nhân, bồ bịch nơi công sở, sống thử….

Không giống như vật chất cụ thể, văn hóa không thể cho lên bàn để cân, cũng không thể đem ra đong đếm. Văn hóa ứng xử không hẳn tỉ lệ thuận với trình độ học vấn của con người. Sự thiếu tôn trọng những giá trị truyền thống, nếp sống văn minh đô thị không được chú trọng, lối sống lệch chuẩn, thiếu văn hóa ở một bộ phận không nhỏ người dân… đã khiến Hà Nội – trái tim của cả nước phải lên kế hoạch xây dựng một hệ thống các quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Thủ đô thanh lịch, văn minh. Chưa cần biết nội dung của kế hoạch đó bao gồm những gì nhưng ngay giữa thủ đô ngàn năm văn hiến với truyền thống văn hóa nghìn đời mà phải cần đến một bộ quy tắc ứng xử thì quả thật văn hóa ứng xử ngày nay đã tụt xuống mức thảm hại.

Tác phẩm “Người Việt – Phẩm chất và thói hư tật xấu” mới chỉ dừng lại ở liệt kê chứ chưa phải nghiên cứu, lẽ ra tác phẩm phải chỉ ra được nguyên nhân sâu xa vì sao lại có hiện tượng này và tìm ra phương án giải quyết. Những “thói hư tật xấu” hình thành và phát triển có một phần nguyên nhân sâu xa từ lịch sử của nền văn hóa song nguyên nhân quan trọng nhất vẫn xuất phát từ môi trường xã hội và ý thức cá nhân của con người. Điều kiện môi trường xã hội chính là mảnh đất “màu mỡ” cho sự phát triển văn hóa mà nếu mỗi người không tự giác trong việc xây dựng và giữ gìn nét văn hóa nhân văn của chính mình thì bản sắc văn hóa của dân tộc sẽ mai một và đó là nguy cơ của cả một dân tộc.

Previous Post
Next Post