Ta sống để làm gì

Có một vòng quay bất tận của cuộc sống, nó áp dụng chung cho tất cả mọi người. Chúng ta được sinh ra, cho ăn học, rồi bối rối trong suốt quá trình trưởng thành để tìm cho mình một hướng đi, rồi thể nào ta cũng tìm được, ta đi làm, lập gia đình như số mệnh sắp đặt cho mỗi người đàn ông, đàn bà, sau đó tiếp tục nghe lời của mẹ tự nhiên, ta sinh con, nuôi chúng. Ta sẽ vui buồn cùng sự lớn lên của chúng, và có thể chúng ta hài lòng về đời mình hay không hài lòng, nó đều dẫn đến cái chết, kết thúc một cuộc đời.

Có những con đường tưởng như chệch hướng đi chung đó, chúng ta sống cô độc một mình, chết một mình, nhưng đó chỉ là một sự lựa chọn ngẫu nhiên của số mệnh áp đặt lên một số người. Cũng có những người khác, họ sinh ra làm thiên tài, để rồi chết bởi chính cái cơn điên của tài năng trời phú đó như Syd Barret của Pink Floyd, như Jim Morrison của The Doors. Còn chúng ta là ai? Chúng ta chỉ là những kẻ bình thường, với cuộc sống bình thường, đủ đầy vật chất, chỉ có những áp lực về mặt tinh thần của sự tồn tại chèn ép mình? Ta cũng giống mọi người, vậy ta sống để làm gì mà sao ta cứ phải băn khoăn đến điều đó cho đến bạc kiếp người?

Khi tôi vẫn còn là một thằng bé với đầy những ám ảnh về mặt đạo đức vì những câu nói như: “Khi con ra đời tất cả mọi người đều cười, riêng mình con khóc, con hãy sống sao cho để khi con chết đi, chỉ mình còn cười còn tất cả mọi người đều khóc”, hay lớn lên một chút tôi trả lời cái câu hỏi ở trên bằng hai chữ đam mê. Và lớn hơn nữa, khi tôi đã có nhiều trải nghiệm, khi cuộc sống của tôi được đong đầy bằng tất cả những gì bồi đắp được từ người khác, cũng như từ chính tư duy của mình, tôi thấy tất cả những câu đấy thật lố bịch. Đạo đức, đam mê chỉ là một sản phẩm khoe khoang của xã hội, một điều mà ta vin vào để tuân theo một luật chung nào đó trong việc làm người, nhưng nó chỉ là cái mác bên ngoài, cái vẻ hào nhoáng của tất cả những kẻ như tôi đang tự vỗ ngực khoe rằng “Tôi có đam mê này, đam mê kia, nên tôi không bao giờ chán”. Tôi thấy mình chẳng khác gì những người khác, về mặt đam mê hay sở thích, chẳng có gì hơn người về mặt trí tuệ và cảm xúc. Tôi chỉ là tôi, bạn chỉ là bạn. Chúng ta có những cái chung và cái riêng về mặt biểu cảm đối với cái đẹp của cuộc đời.

Tôi không đặt ra câu hỏi cho mỗi ngày khi tôi thức dậy tôi làm gì nữa vì tôi chấp nhận một tiến trình của cuộc đời mà tôi biết tôi sẽ không thể làm khác đi quá nhiều, tôi biết tôi sẽ làm gì, tôi nên làm gì, và tôi phải làm gì. Tôi sẽ chạy, chạy thật nhanh đi đến với những tháng ngày tôi sẽ khóc cười và sống chết cho cái điều tôi tin tưởng. Tôi cố từng ngày nhàm chán và nhạt nhẽo, lết từng ngày đầy mây mù và hơi ẩm đến đến được cái ngày mà chưa chắc tôi sẽ đạt được đó.

Cuộc sống của mỗi người, là một hành trình đơn độc, đơn độc cho đến tận từng tế bào hàng ngày chết đi, hàng ngày sinh ra để thống nhất thành một bản thể. Sự thống nhất đó để đảm bảo sự sống gắn kết bằng sự đơn độc tuyệt đối. Tôi luôn luôn hiểu điều đó, hiểu đến tận cùng cốt tuỷ của mình, để tôi biết mình đang đứng ở đâu trên đời, đang cần gì và điều gì là điều không thực sự đáng nghĩ đến. Tôi nghĩ mỗi người sẽ tìm được câu trả lời cho riêng mình ở một thời điểm nào đó trong chiều chạy tuyến tính của thời gian. Không có bất kì thứ lý thuyết nào có thể giúp ta tìm được điều mà nó sẽ tìm đến ta một ngày nào đấy. Đam mê hay sự hời hợt, sự phù phiếm khoa trương hay đơn giản và bất cần, những tính từ luôn khoác lên mình nó vẻ ngoài của sự thi vị, nhưng bản thân nó rỗng tuếch và vô nghĩa.

Thời gian là một kẻ vô tình, nó đặt ta vào những ngày không thiết sống, những tối trở về nhà mà tâm thế mệt mỏi rã rời, chỉ biết nằm co mình lại và khóc, khóc đến cạn kiệt sinh lực. Và thời gian lại cho ta những ngày đầy nắng, thứ ánh nắng tượng trưng của niềm vui và hạnh phúc, của những gì đáng quý và đầy sức sống. Tôi nghĩ, ta không thể biết được ta sống để làm gì trừ phi ta tiếp tục sống. Đấy chính là lẽ thường ở đời, nghịch lý của sự tồn tại “không biết được ta sống làm gì mới đích thực là ta đang sống” và trăn trở, băn khoăn, đặt câu hỏi và đi kiếm tìm câu trả lời. Rồi một ngày nào đó, thời điểm sẽ đáp trả, và ta sẽ hiểu. Đôi khi mất cả đời để hiểu, nhưng đấy mới đáng giá cho cả quá trình sống và chiến đấu của mình.
*****
Tôi là ai? Sinh ra để làm gì? Đâu là khuôn mặt thật của tôi? Bản chất thật của con người là gì? Đó là những đầu đề lớn, những vấn nạn triền miên, không cùng của những ai có chút lương tri đạo đức, của những người không thể chấp nhận cuộc sống đơn lẻ, vô vị này. Có thể bạn vẫn cảm thấy hài lòng với chính cuộc sống mà bạn đang thở, đang đồng hành với nó. Bạn cho rằng đủ khi bạn có trong tay một số vật dụng vật chất nào đó, hay một chút hương vị tình yêu nào đó. Bạn thấy không cần phải tra gạn, vấn nạn, truy tìm nguồn gốc của mình hay của thế giới vì rằng như thế, bạn thấy mệt mõi và hãi sợ khi mọi trật tự cũ, mọi nề nếp cũ của bạn bị đảo lộn, khủng hoảng.

Đó là những suy nghĩ thường gặp của tuyệt đại đa số con người chúng ta. Tuy nhiên, thưa bạn, “Đá không chặt, làm sao mà thấy ngọc. Vàng không trui, sao thấy được sắc hoa?”. Những cái mà chúng ta cho là hay, tưởng là hạnh phúc của cuộc đời như: vật chất, tình, tiền, quyền, danh, lợi… có phải thật là hạnh phúc trường cửu không? Bản chất của những thứ ấy ra sao? Tôi không biết, bạn cũng không biết. Thế thì có vô lý không khi mà chúng ta sống với chính những thứ mà chúng ta gắng bó, nâng niu lại không hiểu tí gì về nó. Do vậy, đặt lại câu hỏi cho chính mình, tra gạn những thứ giá trị trong đời sống hiện hữu của trần gian là một nhiệm vụ thiết thật, một tất yếu của con người. Nếu quên nó, không hiểu về chính mình và hiểu kiếp sống, chắc chắn rằng người đó đã vong thân vĩnh viễn.

Bây giờ chúng ta tự hỏi xem chúng ta sinh ra để làm gì? Nếu cuộc sống con người từ khi lọt lòng chào đời cho đến khi bỏ xác chỉ biết đến những thứ vật chất vô hồn, tranh đấu giựt giành của giả tạm, hơn thua những bả lợi mồi danh, quỳ mọp để theo đuổi một cuộc tình phù phiếm, hư ảo… để rồi khi tàn cuộc chơi, trăm năm trôi qua như chớp loé, thân thể phải bị vùi nông trong nấm cỏ khâu xanh rì, thì đó có phải là ý nghĩa đích thật của cuộc sống này không?

Nhiều người trong chúng ta tự bằng lòng với những gì mà thế gian này đặt để. Các giá trị cả vật chất lẫn tinh thần, văn chương, khoa học, lịch sử, phong tục tập quán… chỉ là những thứ mà con người tạo ra, đặt ra, rồi gán lên cho nó một nhãn mác đẹp-xấu, đúng-sai. Tại sao chúng ta lại dễ dàng chấp nhận những thứ đó mà chỉ trong chốc lát nửa thôi sẽ có kẻ đảo chánh hay huỷ bỏ nó?

Ta có thể xem thí dụ này, khi mặc một cái áo mới, người này khen đẹp nhưng người kia lại chê xấu. Vậy thế nào là xấu và đẹp thật sự? Lúc giàu có, ta nói điều gì thiên hạ cũng tán thưởng hết, nhưng cho đến khi sa cơ thất thế, ngay cả lời nói lành, người ta cũng cho mình là kẻ điên. Vậy cái gì là tiêu chuẩn đích thật để đong lường Phải-Quấy, Thiện- Ác của thế gian. Nghe người ta xưng tụng mình là người lịch lãm, hào hoa thì mở cờ trong bụng, khi người ta chê mình là quê mùa thất học thì lòng lại não phiền.

Ôi! chẳng qua là chốn hí trường, kịch bản chỉ mua vui trong chốc lát rồi cũng hạ màn để lại những khuôn mặt trần trụi vô hồn của những con người đã nhiều phen bán mình cho Quỷ dữ. Thế đó, cái mặt nạ mà thiên hạ gắng lên cho mình hoá ra lại khuynh đảo mình, đánh lừa mình, làm cho mình lắm phen cười khóc. Vậy trong lúc ấy mình có biết rằng mình bị lừa không? Các diễn viên điện ảnh, khi nhập vai, dù họ có xuất thần cỡ nào đi nửa họ cũng luôn biết mình, hiểu mình, rằng: khóc cười của mình đây chẳng qua là diễn kịch, chốc nửa mình sẽ trở về với chính mình. Còn chúng ta thì sao? Nhập vai rồi vùi say luôn, quên mình, quên người, quên sự sống mầu nhiệm chung quanh và tệ hại nhất, lại cứ luôn tưởng mình nhớ, mình tỉnh, mình đúng.

Có mấy ai trong chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật này, chấp nhận thật tế dù là nghiệt ngã; không mặc cảm, không tự ti? Ngược lại, ai cũng muốn mình hay, mình giỏi, mình tốt đẹp, muốn được đám đông tâng bốc khen tặng.

Sưu tầm từ net
Xem thêm: Đời là một chuỗi bán mua...
Previous Post
Next Post