Tấm gương chiếu tâm hồn ta

Từ nhiều ngôn từ nhỏ và chỉ một tính từ, Theodor Storm tạo ra lực lớn. Trong “Bài ca của cô  gái chơi đàn thụ cầm" chúng ta bắt gặp lại mình, nhờ một phép mầu chuyên biệt.

Ông đã thuộc về những nghiệm trải văn chương của tôi trong thời còn trai trẻ. Tôi ngưỡng mộ nghệ thuật truyện ngắn của ông, và (khi đó tôi mười bốn tuổi) ngay lập tức đã phải lòng một số bài thơ của ông. Fontane(1) nói ông, Theodor Storm, đúng không là nhà thơ lớn rồi, nhưng là một nhà thơ đáng yêu từ trong ra ngoài vậy, và nếu biểu đạt này cho phép dùng, là nhà thơ rất nên thơ. Diễn đạt như vậy có thể là cẩu thả, nhưng nó trúng vào cốt lõi vấn đề.

Ông không viết trường ca, không viết những tụng thi mạnh mẽ, không viết những tụng ca dữ dội. Những câu thơ của ông lặng lẽ và nhút nhát, thô ráp và nồng nàn. Trong đó không có những âm thanh khó chịu, không có những giọng điệu nghịch nhĩ: Thơ trữ tình này (hãy bỏ qua cho tôi những lời hay bị lạm dùng) rất sâu lắng và kín đáo, u sầu nhưng tuy nhiên không bi lụy, tựa như những khúc dân ca Đức êm ái và đẹp nhất.

Vâng thuận tồn sinh không phải là mối bận tâm của Storm, ông chưa bao giờ hát ca niềm vui và hạnh phúc, thành công và chiến thắng. Trong thế giới nhỏ của ông xuất hiện mặt trời, vầng trăng và các vì sao, chắc hẳn thế, chỉ ánh sáng của chúng mãi còn hiu hắt. Bởi vì hiện tượng tự nhiên làm ông hào hứng hơn cả là sương mù mờ mịt và ngang nhiên, sương mù thực tế và sương mù biểu tượng. Những bài bi ca phương Bắc của ông không xấu hổ gì về chất tỉnh lẻ, chủ đề của những bài bi ca đó là số phận đắng cay của con người, nghĩa là gắng công dã tràng xe cát vĩ đại.

Tôi đã bắt đầu bài tập đọc Storm với một cảnh điền dã âm u nhưng sao dịu ngọt, đây đó gần gụi với chất đa cảm – với câu truyện ngắn “Immensee” (2) viết năm 1850. Truyện làm tôi xúc động, nhưng điều khiến tôi bàng hoàng không phải là câu chuyện tình này, trên thế nữa là một bài ca trong truyện ngắn đó, hát lên bởi “một cô gái chơi đàn luýt có nét mặt Di-gan“. Sau này, khi Storm đưa bài này vào tập thơ đầu, ông đã cấp cho bài thơ một tiêu đề ít nhiều biến cái nhạc cụ thành ra vương giả“ Bài ca của cô gái chơi đàn thụ cầm“.

Tôi không ngần ngại tính bài thơ này vào những hình tượng thơ đẹp nhất trong tiếng Đức. Tác động của bài thơ trước hết phụ thuộc vào điều những gì nó tiết kiệm lại, những gì không hàm chứa trong bản thân nó. Chỉ gồm có 26 từ, bài thơ cấp cho chúng ta bốn đánh giá cực ngắn và, để nói ngay điều này, không một ý nghĩ mới hoặc ý nghĩ độc lập. Sức mạnh dịu dàng của bài thơ này từ đâu ra nhỉ? Tất nhiên từ phong cách.

Trong những câu thơ này tránh né đi tất cả, những gì dù chỉ xa xôi nhất gợi về một cảm nhận tinh tế, trong đó không có một ảnh hình duy nhất và không có một biểu đạt người đọc có thể cảm nhận được là nên thơ. Và Storm cũng bỏ những tính từ phần nhiều được các nhà thơ trữ tình yêu mến (trừ một ngoại lệ duy nhất “đẹp xinh“), ông tuyệt đối sử dụng những từ thông dụng nhất của tiếng Đức thường nhật.

Và như thế chúng ta tiếp xúc với một sự tự hạn chế tối đa. Nhưng trong thơ ca, những sự cắt giảm kiểu đó thường ăn hại vào sự tự nhiên của ngôn ngữ và nhạc điệu của câu thơ. Nhưng ở Storm không thế nói được về điều đó: bức tranh tiểu họa về thơ không biết tới sự gia công. Ngược lại: tiếng Đức không cho dụng công nhẹ nhàng và thoải mái hơn thế nữa, và âm giai trong tám câu thơ này thật không tỳ vết như là hoàn hảo.

Tác giả có điều gì nói cho ta nhỉ? Vâng, cuộc đời của con người trôi qua, và chúng ta sợ hãi cái chết, nhất là cái chết cô đơn. Đó là tất cả, và chúng ta đã biết điều ấy từ lâu rồi. Thế cho nên có những bài thơ mà làm gì, những thứ không thông báo cho chúng ta một điều gì hơn? Ta cần chúng, cốt để chúng làm cho cảm nhận, khổ đau, niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của chúng ta trở nên nhận biết được. Chúng ta cần những bài thơ ta nhận lại ra chính mình trong đó, những bài thơ, mạo hiểm với một từ đao to búa lớn, cho phép sử dụng như tấm gương soi tâm hồn ta.

“Hôm nay”, “ngày mai”  và “chết”: Ba từ lập nên cái trục quay của bài ca, và chúng đủ để bày ra trước mắt những gì Storm muốn trực hiện. Ông ám chỉ vai trò trung tâm của chúng bằng phương tiện giản đơn và đồng thời đắc dụng nhất: ông nhắc lại từng từ then chốt, lần lượt chỉ đặt vào một âm tiết tách ra giữa chúng. Hơn thế nữa, cả ba câu thơ kế tiếp theo mẫu giống nhau: “Ngày nay, chỉ hôm nay...Ngày mai, ôi mai ngày...Chết, ôi (chao là) chết”. Liệu trong sự lặp lại sơ đồ này có thể chăng tàng ẩn bí mật của phép mầu toát ra từ bài ca ấy? Tựu trung lại tôi không biết trong tiếng Đức có bài thơ nào dung dị hơn. Tuy nhiên, ở mức độ cao nhất, bài thơ mang chất nguyên bản. Tuy nhiên ư? Không, “Khúc ca của cô gái chơi đàn thụ cầm” có được chất nguyên bản bởi sự dung dị độc sáng vậy.

Phạm Kỳ Đăng  dịch
Nguồn: Ein Jüngling liebt ein Mädchen, Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2001, ISBN 3-458-06655-1

Khúc ca của cô gái chơi đàn thụ cầm - Theodor Storm - Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức  

Chỉ ngày nay, hôm nay 

Em đẹp xinh vậy thay;                              

Tất thảy phải tàn tạ                                       

Ngày mai, ôi mai ngày!                                  

Anh chỉ trong giờ này                                  

Còn của em, hỡi anh;                                    

Chết, ôi chao là chết                                      

Em cần phải một mình.


Lied des Harfenmädchens

Heute, nur heute

Bin ich so schön;

Morgen, ach morgen

Muß Alles vergehn!

Nur diese Stunde

Bist du noch mein;

Sterben, ach sterben

Soll ich allein.

Chú thích của người dịch:

Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

Theodor Storm (1817-1888): Nhà văn, nhà thơ, tác giả văn xuôi và những truyện ngắn thuộc chủ nghĩa hiện thực mang dấu ấn miền bắc Đức.

(1) Theodor Fontane (1819-1898): Nhà văn Đức, đại diện quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện thực nên thơ.

(2) Tiêu đề một truyện ngắn của Theodor Storm viết về một người đàn ông về già hồi tưởng về mối tình tuổi trẻ.
Previous Post
Next Post