Tinh thần tiểu nông trong văn học Việt Nam

Thế kỷ 21 mở ra bát ngát, và - như gã hoạn quan giữa chốn cấm cung tràn ngập những gợi nhắc bản năng - văn học Việt Nam luống cuống bước vào. Viên hoạn quan thì ngậm ngùi với những ẩn ức bất lực. Nền văn học thì chới với trước khoảng rộng vô cùng đang bày ra trước mặt.

Như một điệp khúc, đấy là một nền văn học chờ đợi. Thấp thỏm, tự tội nghiệp mình, nó mãi chờ. Chờ một đại trường ca. Chờ một trường thiên tiểu thuyết. Chờ, nói theo kiểu của Balzac, một "thư ký" và một "biên bản" thời đại lớn. Hoành tráng như một tấu khúc đại hợp xướng, tác phẩm lớn ấy, nếu không bao quát được nửa thế kỷ, chí ít, cũng phải gói ghém trọn một thời máu lửa; không bao quát cả ba, thì ít nhất cũng trọn một miền đất; không bao quát cả ngàn, chí ít cũng vài trăm nhân vật. Trong một không gian ba chiều, tất cả sẽ quấn quýt lấy nhau mà chuyển động như một khối đặc. Thêm vào chiều thứ tư, chiều của lịch sử, khối đặc ấy sẽ lấp lánh những ánh hào quang thẩm mỹ vô cùng tráng lệ.

Trong những ý nghĩa thẩm mỹ đương đại, quan niệm về cái lớn văn chương như thế, thực ra, đã xưa rồi. Tuy thế, mãi mãi, vẫn cứ là giấc mơ thảng thốt Trương Chi. Tự tin về sự phong phú của những vốn sống, về sự cảm nhận hừng hực nóng qua những thân phận bị dày vò giữa một thời đại đầy biến động; nền văn học đó lại phải cúi đầu thú nhận sự bất lực trong ước vọng sử thi hoá những hoạt cảnh của đời sống và lịch sử. Như một ảo ảnh, tác phẩm mơ ước ấy càng ngày càng chập chờn xa cách giữa lúc, trước những thay đổi vũ bão của thời đại, những con người đang chép miệng ước mơ lại mỗi lúc mỗi lóng ngóng, vụng về!

Trong những nguyên nhân bất lực, có sự ràng buộc của những cá tính tiểu nông!

Nhưng, thế nào là những cá tính tiểu nông?

Thì, trở về với những hình ảnh nguyên thuỷ: một thiên nhiên hùng vĩ, đầy đe doạ và từng nhóm người nhỏ bé khiếp hãi, lệ thuộc. Khiếp hãi, họ làm mọi cách để đề cao sức mạnh: từ ý hướng hợp quần và đoàn kết, họ tôn xưng con người cộng đồng và nhấn chìm con người cá nhân, họ thân tộc hoá xã hội để biến cộng đồng thành một đại gia đình đầy gắn bó. Lệ thuộc, họ sùng bái những kinh nghiệm gắn liền với những hiện tượng thiên nhiên: những kinh nghiệm thời tiết, mùa màng, dịch tật v.v... chính là một hình thức của trí tuệ. Và như thế, tuổi tác - như một yếu tố gắn liền với kinh nghiệm - càng vươn lên vị thế cao trọng trong thứ bậc xã hội.

Khi đời sống tiểu nông, khác với cuộc đời du mục, gắn chặt với một không gian cụ thể, cố định, và dựa trên những kinh nghiệm cụ thể; tư duy con người cũng không bay lượn xa hơn. "Trông trời, trông đãt, trông mây / Trông sấm, trông gió, trông ngày, trông đêm"..., nếu hoạt động trí tuệ chỉ là những nỗ lực tích hợp kinh nghiệm để suy diễn nên mối liên hệ giữa những hiện tượng thiên nhiên, họ trở nên xa lạ với lý tính, xa lạ với những khuynh hướng phân tích hay siêu hình hoá. Và – "Mai mưa, trưa nắng, chiều nồm" - khi phải thích ứng với một môi trường thay đổi bất chợt, họ trở nên... du di và hờ hững với sự chặt chẽ của yếu tố thời gian.

Từ nền tảng ấy, cùng những yếu tố đặc thù khác, cơ cấu và giềng mối trật tự của xã hội hình thành. Và, khi những thói quen từ đời sống tiểu nông thẩm thấu vào cá tính con người, trong sinh hoạt, trong tâm thức, và trong tư duy; nó đã trở thành một tập quán văn hoá và, sâu hơn nữa, một vô thức tập thể.

Đạt đến đỉnh cao của sự ổn định, bao giờ cũng thế, cơ cấu xã hội sẽ phân cực và thoái hoá. Trong chiều hướng có lợi cho thiểu số hào lý đang nắm chặt cán cân quyền lực, nó trở mình câu nệ với những thứ bậc cao-thấp, trên-dưới, gian-ngay hay khinh-trọng. Duy kinh nghiệm, cụ thể và du di: con người xa rời tinh thần khoa học. Xã hội khép kín như một cộng đồng nho nhỏ: họ quẩn quanh với những hoạt động tủn mủn, vụn vặt, thiếu chuyên nghiệp và đối đãi nhau trong một quan hệ vừa câu nệ vừa du di, vừa cả nể vừa khe khắt. Tầm nhìn giới hạn, họ mang một tâm thức thật là mâu thuẫn: tự ty nhưng tự tôn, bảo thủ nhưng vọng ngoại.

Đấy là những đặc điểm chính yếu của tinh thần tiểu nông. Tù đọng như một thành trì của sự thủ cựu, tinh thần ấy mỗi ngày mỗi... phản động. Như là hiện thân của cái cũ, nó ngáng trở những ngả đường cách tân. Như là sản phẩm của những cộng đồng nho nhỏ, nó ngáng trở những ý hướng vượt khỏi thành trì che chở.

Trong đó có ngả đường văn học.

Hãy nói đến những đặc tính tiểu nông của ngôn ngữ.

Tiếng Việt, đặc biệt là thứ ngôn ngữ thể hiện quan hệ người-người, phản ánh những đặc điểm không thể lẫn lộn ở giềng mối quan hệ trong cơ cấu của một xã hội tiểu nông đặc thù. Cũng những ràng buộc thân tộc hoá, cũng những câu nệ hào lý; nó, càng ngày, càng xa rời sự vô tư nguyên thuỷ. Không trung tính như tiếng Anh, tiếng Pháp, thậm chí cả tiếng Tàu; nó rối tung lên với tôi, anh, mình, bạn, nó, hắn, em, y, va, cô, chàng, nàng hay chuyển hoá qua lại với anh, em, bác, chú, ông, thằng. Vân vân. Bao hàm sự thân mật của một đại gia đình gắn bó, nó còn ngây ngây cái sự khắc nghiệt của một không khí gia trưởng. Già, trẻ hay trên, dưới; chính, tà hay gian, ngay; nó trở nên ngột ngạt với những quan niệm hào lý.

Phân cực gian-ngay như những từ ngữ chỉ người. "Bọn hò trước, lũ ó sau, xô cửa xông vào liều mình như chẳng có": chiêu hồn những Nghĩa Sĩ Cần Giuộc, Đồ Chiểu đã viết về những con người nghĩa dũng ấy như những "bọn", những "lũ". Bọn-lũ của ngày ấy, như thế, thực là khác xa với những bọn-lũ thời nay. Khác xa bọn bành truớng Bắc Kinh. Khác xa bè lũ diệt chủng Pol Pot - Ieng Xary. Bọn-lũ, như thế, đã bị tước đi tính trung lập.

Phân cực khinh-trọng như những từ ngữ chỉ địa vị hay phẩm giá con người. Khi Khổng Tử bảo "bần tiện", từ ngữ ấy, tự nó, không hề hàm ý nhục mạ: "Bang hữu đạo, bần thả tiện, sỉ dã. Bang vô đạo, hàn thả quý yên, sỉ dã" (Luận Ngữ). Chỉ là "nghèo và không có địa vị": xấu hổ hay không còn tùy ở nước vô đạo hay hữu đạo. Cả thời của Nguyễn Công Trứ, bần tiện vẫn thế, vẫn là cái gì đó tự nhiên, không đáng để xấu hổ: "Bần tiện song le vốn tính lành / Gặp sao hay vậy dám đành hanh"...

Thân tộc hoá và trên-dưới hay già-trẻ tách bạch, ngôn ngữ đó trở nên chi li phiền toái trong quan hệ người-người. Như một nhà thơ nổi tiếng, cái lúc về già: "Xuân Diệu càng muốn trẻ trung, trẻ trung mãi mãi, để chống cái già đang xồng xộc kéo đến, ông làm thơ tình, ông nhuộm tóc cho xanh lại. Rồi ông yêu cầu mọi người gọi ông bằng anh. Có cô gái trẻ mê thơ ông, gọi ông bằng bác, ông đã khó chịu, 'Bác gì? Bác phó cối ấy à?' đến khi cô ta lại còn hỏi tuổi nữa, thì ông bực mình thực sự: 'Ơ sao mà em vô duyên thế, em'..." [1] Hay, hoàn toàn trái ngược với Xuân Diệu, lại có cụ Tú của Phan Khôi: "Mày gọi thằng Năm Chuột bằng ông thì gọi tao bằng gì?"

Thế, mớ đại từ ấy nghiễm nhiên trở thành một mắt xích trong sợi dây trói buộc. Sự trói buộc mà, giữa những năm 50, Phan Khôi từng tuyên bố: "Tôi tin rằng khi tiếng Việt có đại danh từ trung lập và phổ thông thì văn học Việt Nam mới tiến lên mức cao hơn." [2]

Như sự lúng túng của một Phạm Thị Hoài. Phạm - theo lời tự thuật - phải từ bỏ giấc mộng đã ôm ấp về pho tiểu thuyết trinh thám vì không tìm nổi một đại từ nhân xưng hoàn toàn trung tính cho nhân vật chủ chốt: anh, ông ta hay hắn? Anh, ông thì không được. Còn những hắn, những gã; giữa không khí của một vụ án, đãy có khác nào bản cáo trạng công bố từ đầu, một cách vội vã? [3] Trong kho tàng đại từ ấy, trong ý nghĩa văn chương, có đơn vị đã đã sáo, đã nhão nhuột ra trong những hình tượng sướt mướt một thời. Càng về sau, kho tàng ấy càng bị bần cùng hoá, bần cùng như một Nguyễn Xuân Hoàng đang tâm khai tử chàng-nàng. [4]

Khổ thay cho kẻ viết văn! Phải làm sao để ra bộ dửng dưng, để không thân thiết mà cũng không khinh bạc với nhân vật của mình? Có tình cảm nào đó cũng phải dành dụm cho đoạn kết: độc giả, và cả tác giả, ai cũng ưa chuộng cái sự bất ngờ, cũng thích ăn vả xúc động ở giây phút cuối cùng. Nhưng thứ ngôn ngữ câu nệ thứ bậc và chi ly khinh trọng ấy, di sản của một xã hội tiểu nông, cứ chờn vờn cản trở.

Chưa hết, ngôn ngữ đó còn lấn cấn với dấu vết của một tư duy cụ thể. Thẩm thấu vào từng lời ăn tiếng nói, tinh thần tiểu nông đã ngăn trở ngôn ngữ trên con đường trừu tượng hoá hay siêu hình hoá.

Như những lời chào. Cụ thể và xa rời thời gian, nó không sáng / trưa / chiều như hầu hết những ngôn ngữ khác, kể cả những ngôn ngữ Á Châu. Bao giờ cũng là những khung cảnh, những tình huống cụ thể: Làm gì / đi đâu / lâu ngày quá / Rồng đến nhà tôm... Khi cám ơn, khi chia tay, khi diễn tả một tình cảm nào đó cũng thế. Cũng cụ thể. Cụ thể như câu quan họ Người ơi người ở đừng về... Cụ thể như một Bùi Giáng ..."riêng đối diện tôi / Còn hai con mắt khóc người một con"... Trước con mắt, người Anh có bao giờ đếm xỉa đến những điều như số đếm bao giờ? "Something in your eyes", chỉ có thế! Không hai, không đôi như những nhà thơ cụ thể một số đếm! Không, như Quang Dũng, "Đôi mắt người Sơn Tây"; không, như Lưu Trọng Lư, "Đôi mắt em lặng buồn"....

Đã quá quen thuộc với lối diễn đạt cụ thể của hai con mắt trần trụi một số đếm, ngôn ngữ đó còn bỡ ngỡ hơn trước con đường tư biện và siêu hình hoá. Khi "Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn" (Chế Lan Viên) đã tự hào là một nước thơ mà, suốt cả ngàn năm, không ai hình dung nên cái cảm giác rất thực đang cuồn cuộn ngay trong tim mình! Và, chỉ chừng trăm năm trước thôi, những thế hệ quốc ngữ tiền phong còn phải ngô ngê với inspiration - yên-sĩ-phi-lý-thuần trước khi quay sang Tàu tìm mượn cảm hứng. Bởi, cảm hứng là cái gì rất đỗi trừu tượng! [5]

Thế, trong sự giao tiếp giữa một thế giới hiện đại, những vướng víu cụ thể ấy, cộng với tâm lý câu nệ và chi ly, đã làm nghèo đi khả năng diễn đạt của ngôn ngữ; ít ra là ở khả năng tạo từ.

Khi thân tộc gọi nhau, tiếng nói ấy cặn kẽ và cụ thể đâu ra đó. Phổ hệ của một gia đình có cha, có ông, có cụ, có kị. Có thể là một điều hay. Nhưng, ở khía cạnh tạo từ, khi đã câu nệ và kỹ lưỡng với cái sự đâu ra đó, tiếng nói đó sẽ cứng nhắc trước những đòi hỏi mới. Khi người Anh thêm grand-, great-grand-, hay fore- vào trước father, có thể dở; nhưng, thật rõ ràng, ở khả năng thích ứng với nhu cầu mới, họ uyển chuyển và thoải mái hơn nhiều. Economic rationalism, chúng ta có nên câu nệ chi li như chủ nghĩa duy lý trên lĩnh vực kinh tế hay hướng về cái sự giản tiện của chủ nghĩa kinh tế duy lý? Để nâng cao khả năng tạo từ, nghĩa là khả năng diễn tả và khả năng tiếp nhận thế giới; ắt hẳn con đường hướng đến nên là một con đường ít gai góc! [6]

Kể ra, từ "Thầy Lazaro Phiền" của hơn trăm năm trước cho đến những "Kiếm Sắc", hay "Đường Tăng" của hơn trăm năm sau, ngôn ngữ ấy đã cởi bỏ bao nhiêu là lớp áo ngô nghê, đã vươn lên những khả năng trừu tượng trước kia từng tưởng là không thể... Nó giàu có hơn với những từ ngữ vay mượn. Nó óng ả hơn, trau chuốt hơn và giàu khả năng diễn đạt hơn. Tuy thế, vẫn lấn cấn thế nào. Vẫn vướng víu với chuyện không đâu của tinh thần tiểu nông trong ý hướng vươn về cái lớn.

Nhưng dấu ấn của tinh thần tiểu nông ở sự bất lực ở ngôn ngữ chỉ là một. Còn dấu ấn của hình thái sinh hoạt, tư duy và tâm thức.

Đặc điểm của sinh hoạt tiểu nông là sự thiếu chuyên nghiệp, tính vụn vặt, tủn mủn và thiếu khoa học.

Lich sử phát triển của nhân loại, trên một ý nghĩa nào đó, còn là sự tiến hoá của những trình độ chuyên nghiệp hoá. Đầu tiên là hai ngã rẽ sinh tồn: chăn nuôi và trồng trọt. Sau đó có thêm nghề thủ công. Rồi tầng lớp thương nhân, quan chức hành chánh, nghệ sĩ và những chức nghiệp chuyên môn khác. Càng chuyên nghiệp hoá, xã hội càng phát triển.

Từ ngàn đời, với một phong thái tiểu nông, cái gì chúng ta cũng làng nhàng, nghiệp dư. Nông dân thì vừa bám vào đất vừa nhẩn nha chăn nuôi. Họ cũng có thể... "nghiệp dư" như một dân chài, một thợ thủ công, một nghệ sĩ hát chèo, hát tuồng, hay thậm chí như một thương nhân. Và, kẻ sĩ xưa, hầu như, ai cũng... bách khoa nho, y, lý, số.

Văn chương cũng không là ngoại lệ, có khi còn đậm nét hơn. "Lập thân tối hạ thị văn chương", trải dài đến mười thế kỷ, từ bài thơ thần của một danh tướng, những bài thơ thiền... của mấy vị vua-sư cho đến trước tác của những công chức, thầy thuốc, nhà giáo hay những nhà võ biền thời nay, hết thảy đều là những sản phẩm nghiệp dư. Chưa thấy một tác phẩm chuyên nghiệp, của một nhà văn hay nhà thơ chuyên nghiệp. Tản Đà, người được xem là người đầu tiên sống bằng cây bút, nhưng chỉ có thể sống - một cách lây lất - như một nhà báo. Cùng lắm thì xuất hiện thêm kiểu cán bộ ăn lương của một nền văn học minh hoạ. Tất cả, chỉ có thế!

Ngôn ngữ cụ thể. Hẳn rồi. Tư duy cũng không vươn xa hơn! Duy kinh nghiệm và du di, con người còn tỏ dửng dưng với những đòi hỏi chính xác mang tính khoa học; đố kỵ với những vấn đề lý thuyết và dị ứng trước những khuynh hướng cách tân.

Như, hãy lạc đề một chút, âm nhạc. Và như, sân khấu truyền thống. Nghiệp dư, thì thế! Nó còn thiếu hẳn nguồn xung lượng cần thiết để vượt qua những vướng mắc cụ thể của hiện thực mà đi đến những ý nghĩa sâu thẵm nhất của cuộc đời. Những thể loại sâu khấu truyền thống Việt Nam chưa bao giờ vươn đến tầm cỡ siêu hình hoá cuộc đời ở hai khía cạnh bi, hài. Cứ như là đời thực, bao giờ nó cũng làng nhàng giữa buồn và vui: chen giữa những sen ướt đẫm nước mắt lại là những trận cười ầm ĩ gợi nên từ mấy vai hề. Luôn luôn là thế, chèo, cải lương, hát bộ, tuồng đồ... Nhưng chưa hết, như tuồng đồ, từ văn bản gốc, nghệ sĩ trình diễn có thể thêm thắt tùy hứng, tùy theo diễn tiến sôi động của đám đông trước mặt và, như trường hợp của hát bộ, còn tùy vào tay đánh trống chầu hào phóng hay keo kiệt. Âm nhạc cũng thế. Thiếu một hệ thống ký xướng âm, nhiều điệu nhạc cổ nếu không biến dị thì cũng thất truyền. Thiếu một hệ thống đánh nhịp chặt chẽ, nó đòi hỏi người nghệ sĩ chơi sao cho êm và cho vừa tai; và khi hoà nhau, cũng chỉ hoà sao cho đường được; đòi hỏi chặt chẽ nhất là bắt đầu và kết thúc sao cho giống nhau, cùng xế hay cùng xang. Chỉ có thế!

Thiếu tinh thần khoa học và thiếu khả năng siêu hình hoá, hệ quả phải là, dĩ nhiên, sự thiếu vắng lý thuyết. Mà, nói gì những chuyện lý thuyết xa vời, Trần Hưng Đạo, xưa yêu nước là thế mà khi viết "Hịch Tướng Sĩ", chỉ nhắc toàn chuyện bên Tàu: bốn ngàn năm văn hiến nhưng mất đến hơn ba ngàn năm không có quốc sử. Cứ thế, cả ngàn năm vay mượn: Khổng Nho, Tam Dân, Mao, Marx. Hơn thế nữa, khi vay mượn một lý thuyết nào đó, lại xem đó như những gì thực cụ thể, một kim chỉ nam thực sự nghĩa đen. Cao Ly hay Nhật Bản xưa cũng học Khổng vậy, nhưng Khổng của họ có cái gì đó rất Cao Ly, có cái gì đó rất Nhật. Không rặt Tàu như Khổng Việt. Và như thế, cứ theo nhận xét của Hoàng Văn Chí, nếu chọn Tống Nho, chúng ta sẵn sàng Tống Nho hơn cả người Tàu; nếu chọn Stalinist, chúng ta sẵn sàng Stalinist hơn cả người Nga; và nếu phải dây dưa với Maoist, chúng ta lại, lần nữa, Maoist hơn cả người Tàu. [7]

Nhưng như thế không có nghĩa là lý thuyết nào cũng được dành cho sự dễ dãi cả đâu. Nếu phải chọn, họ chọn và áp dụng như thể cái gì đó thật cụ thể. Còn lại, chỉ là một thái độ dửng dưng và xa lạ.

Thường thì những ý kiến bênh vực thái độ ấy xoáy quanh một luận điểm như thế này: Những hệ thống lý thuyết - hiện đại hay hậu hiện đại - chính là sản phẩm tinh thần của những xã hội kỹ nghệ và hậu kỹ nghệ, và như thế, hoàn toàn không thích hợp với một Việt Nam lạc hậu: Ta về ta tắm ao ta!

Nói như thế, trên địa hạt tri thức và học thuật, chúng ta nên vui vẻ với thân phận trường kỳ thuộc địa hay sao? Cứ tưởng tượng tình cảnh của con ngựa già ì ạch: trước mặt, bó cỏ non lủng lẳng cần câu; sau lưng, cỗ xe nặng trĩu. Cỗ xe nhích lên một bước, bó cỏ non nhích lên một bước. Không bao giờ với tới. Mãi mãi. Cái ngày nền văn học của một xứ sở tự hào có đến mấy chục... triệu thi sĩ trở mình rực rỡ cũng thể, cũng muôn đời lơ lững chập chờn! Đơn giản là vì, khi cỗ xe nặng nề kia mà vươn lên trình độ hậu thì thế giới đã là hậu-hậu. Cứ thế, khi chúng ta đã đủ "tư cách" để "với" đến những chuyện... tày trời của thế giới hôm nay thì thế giới đã vươn đến một mức cao hơn; thôi thì hãy đợi. Muôn, muôn năm cái sự chờ đợi!

Nâng cao nền văn học, học thuật, hay bất cứ thể loại nghệ thuật nào khác, bao giờ cũng bao gồm hai yếu tố: cái nền của độc giả cảm thụ và những đỉnh cao sáng tác. Chưa có đủ độc giả cảm thụ, chứ không phải là hoàn toàn không có, mà vẫn có được những đình cao vời vợi không tốt hơn là hoàn toàn tay trắng hay sao? Chẳng chóng thì chầy, những đình cao ấy cũng nâng cái nền cảm thụ lên cao. Như Whitman. Như Beethoven. Như Van Gogh. Hay như Nguyễn Du... Cùng thời với Nguyễn Du, đã có được mấy người cảm Kiều? Thoạt đầu, những thiên tài đó chẳng đã bị đám đông dửng dưng, thậm chí la ó hay miệt thị là gì? Họ đã dám chọn những ngả đường rất riêng, đã đưa ra những phương cách diễn tả chưa ai từng thể nghiệm! Mà, chỉ nói đến những sự đã rồi ở thế giới bên ngoài, cái sự dị ứng của chúng ta đã thế, huống hồ một cái gì đó thật mới ngời ngời xuất hiện, và xuất hiện như một đình cao? Vì chúng ta hãy còn lấn cấn với tinh thần tiểu nông, cái tâm lý muôn đời ngại ngùng trước những ý hướng cách tân muốn xé bỏ vòng rào che chở!

Sự khép chặt của xã hội còn điều kiện hoá một tâm thức mâu thuẫn: câu nệ mà du di, cả nể mà cay nghiệt, kiêu ngạo mà tự ty, bảo thủ mà vọng ngoại.

Như một đặc điểm của ngôn ngữ xưng hô: câu nệ thì rất câu nệ nhưng du di thì lại rất du di. Anh, em, cô, dì, chú, bác, cậu... danh tính thì rạch ròi đâu ra đó nhưng, cũng ngần ấy từ, mà có thể xoay chuyển đủ cả ba ngôi, có thể nâng lên thành bề trên hay hạ xuống thành bề duới với đầy rẫy những quy ước hiểu ngầm. Bởi, khi con người đã nhẵn mặt nhau giữa một cộng đồng nông nghiệp nho nhỏ, những quy phạm bất thành văn kèm theo - cho dù rắc rối bao nhiêu đi chăng nữa - rồi cũng ổn thoả cả thôi!

Và, như những ràng buộc cộng sinh trong lòng những cộng đồng khép kín, quanh đi quẩn lại chỉ ngần ấy khuôn mặt, con người cả nể và du di nhau đến mức tận cùng của sự cả nể và du di. Tuy nhiên, khi đã đi đến chỗ xung khắc, nguồn năng lượng dư thừa của một đời sống chỉ biết loay hoay với những hoạt động vụn vặt sẽ xoay chuyển thành thói quen bới lông tìm vết hết sức tỉ mẫn và cay nghiệt, soi mói nhau đến tận cùng của từng chi tiết nhỏ nhặt!

Văn học Việt Nam cũng quẩn quanh trong một thành trì bao bọc như thế! Tổng quan nền văn học miền Nam, Võ Phiến đã cất tiếng than ôi cho một sự bất hạnh: sự vắng mặt của giới phê bình. Bên này vắng bóng phê bình, đã đành. Bên kia thì, tệ hại hơn, rặt những tiêu chuẩn chính trị: những giọng điệu lên lớp kẻ cả, những giọng điệu xu phụ, cái không khí ngay ngáy lo sợ của người cầm bút. Cho đến hôm nay, bao trùm hết cả, không khí phê bình vẫn điểm xuyết cái gì đó rất là... tiểu nông: hớn hở với những giai thoại ngồ ngộ, soi mói nhau qua từng chi tiết lặt vặt nhưng lại du di cả nể như những láng giềng đã nhẵn mặt nhau. Chân dung và đối thoại, tác phẩm xôn xao dư luận của Trần Đăng Khoa, nói cho cùng, chỉ là những mẫu chuyện đời tư lăng nhăng, được kể lại một cách khá duyên dáng trong mấy chương đầu. Thế thôi. Thành tích phê bình được xướng danh của Trần Mạnh Hảo - kẻ khét tiếng về tài bới lông tìm vết dựa trên những tiêu chuẩn cực kỳ giáo điều - cũng không rời xa hình hài của ông ta lắm! Và, nhân câu chuyện phản trí thức, lại nghe một nhà lý luận văn học biện bạch đến lạ lùng như thế này: trước kia anh đã khen ngợi tôi (vì một chuyện khác) sao nay lại công kích tôi (vì một chuyện khác hơn)? [8]

Cái sự du di, cả nể hay soi mói kỳ cùng, như một đặc tính của cộng đồng tiểu nông, còn là một đặc điểm không thể không nhận thấy trong hàng loạt những cuộc tranh luận, văn học mà cứ như phản văn học. Hăm hở lao vào những cuộc tranh luận, ít ai lao vào như một con người thực sự băn khoăn với những chọn lựa gai góc hay những trăn trở thẩm mỹ; động lực phê phán thường chỉ là sự pha trộn của những quan điểm chính trị, đạo đức trong cái khuôn của văn chương. Căn cứ vào đó - những thang điểm đúng-sai-tốt-xấu đã khúc xạ qua những góc nhìn, cực kỳ một chiều hay cực kỳ giáo điều - cái bản năng che chở hay soi mói kia mới, không ít thì nhiều, thể hiện. Và như thế, cùng với tinh thần bè phái, tranh luận đã biến thành những trận cãi vã ở đó người tham gia không cần phải chăm chú nghe nhau mà chỉ cần làm sao đó để át giọng của nhau; ở đó không ai tôn trọng ai mà chỉ hằm hè đốn gục nhau, bằng mọi giá, mọi phương tiện, kể cả bóp méo hay cắt xén ý tưởng của nhau. Một cách ô hợp!

Tầm nhìn bị giới hạn, con người sinh ra kiêu ngạo và bảo thủ. Tuy nhiên, nhàm chán và thiếu tự tin khi chỉ quanh đi quẩn lại với ngần ấy khuôn mặt, họ, để khẳng định mình, thường cầu cạnh người ngoài.

Có thể xem, Chân dung và đối thoại, lại, như một thí dụ tiêu biểu! Viết về người bạn chân tình Lê Lựu mà Trần Đăng Khoa, với một não trạng tiểu nông - có thể khiến người đọc hời hợt nhìn về đấy như một lối... "chơi đểu" Bắc Hà.

Qua ngòi bút Trần, Lê là con người như thế nào? Lê, đấy là "gã lực điền của vùng đất bãi Khoái Châu", là con người "nhôm nhoam, luộm thuộm và lúc nào cũng tất tả nhếch nhác như một gã thợ cày vừa từ một thửa ruộng ngấu bùn nào đó bước lên". Lê, đấy là kẻ đã "tự thưởng cho mình một khoảng sung sướng" bằng mấy bắp ngô luộc đã oải mùi sau chặng đường dài Hà Nội - Moscow, và tự thưởng luôn cả phần "nước ngô luộc lại". Sự chất phác nông dân, có thể có cái gì đó hay hay. Tuy nhiên, khi Trần - một kẻ cũng gốc gác nông thôn - viết một cách đầy tự hào rằng tác giả Thời xa vắng chính là một "giá trị có tính khảo cổ" đối với người Mỹ, là "một khu rừng nguyên sinh, một hang động hoang dã" mà họ chưa từng đặt chân tới; cái lối ngầm hãnh diện, hay ra vẻ như thế, có cái gì đó không ổn. Bởi, những con thú hay những mẫu thực vật trưng bày, vốn mang về từ những cánh rừng nguyên sinh, có được cái quyền hãnh diện ấy hay không?

Và khi Trần gọi những lối hành xử quái đản của Lê - kẻ "ngồi xổm trên chiếc ghế dài kê dọc hành lang" một trường đại học Nga mà "bỏm bẻm nhai bánh mì" như "một bà đi chợ vừa buông quang thúng"; kẻ đã rón rén "vắt nguyên cả cái chân còn nguyên giày nguyên tất lên mũi và... ngửi" trong một phòng hội thảo ở Mỹ - là "tự nhiên và hợp lý như sự sắp đặt của Chúa"; não trạng của Trần, lại, rất không ổn. [9]

Thì, cứ tạm cho dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn! Tuy nhiên, ngay sau đó, một cái đuôi khác lại lộ ra, cũng với những lời văn cũng tràn đầy cái sự hãnh diện: "các nhà văn cựu chiến binh Mỹ chỉ biết Lê Lựu thôi, chỉ thích ông Lựu thôi. Đối với họ, văn học Việt Nam ngoài ông Lựu ra chẳng còn ai nữa." Cả cái sự "từng ba lần sang Mỹ" cũng được nêu lên như để minh chứng cho một chân giá trị! Rồi, trong những bài khác, Trần luôn mượn lời những tên tuổi nước ngoài, nhất là nhà văn gốc gác cựu chiến binh Mỹ để ca tụng Lê, ca tụng lý tưởng chiến đãu xưa của mình. Cái lối mượn người ngoài để "khẳng định mình" như thế, nếu không là một tâm lý vọng ngoại thì, ít ra, cũng là biểu hiện của một mặc cảm tự ty. Thiếu tự tin về mình thì mới mượn người khác làm thước đo. Vồ vập lấy, vồ vập để những lời tán thưởng lăng nhăng của mấy cựu chiến binh Mỹ về những điều mà xưa nay vẫn tự cho là một chân lý hiển nhiên; nghĩa là đã đến lúc chớm hoài nghi!

Đọc sách báo trong nước, thường thấy cái hiện tượng ồn ào và hoan hỉ quá trớn trước hình ảnh người nước ngoài tha thiết với văn hoá Việt. Một thiếu nữ Nhật hay một thanh niên Pháp, vân vân. Họ lăn xả vào cuộc sống thường nhật của Việt Nam thời mở cửa để học hỏi... Trong môi trường đại học nước ngoài, hình ảnh những sinh viên chọn ngôn ngữ hay văn hoá Á, Phi; và lăn lóc vào tận hang cùng ngõ hẽm ở những xứ đã chọn để học hỏi là điều rất thường. Không có gì là big deal. Nhưng với Việt Nam của chúng ta thì thực là ghê gớm quá! Cứ như sự khuấy động của gánh xiếc rong trong thị trấn buồn thiu của chú bé Tom Sawyer! Viết về văn hoá Việt, viết về nét "cao quý" của người Việt, thỉnh thoảng lại thấy những tác giả trong nước khoái trá... tự khẳng định mình với những câu cú đại loại: "Tôi có một người bạn Đức/ bạn Pháp/ bạn Hà Lan, anh ấy nhận xét về chúng ta như thế này..." Tự đại nhưng tự ty, bảo thủ nhưng vọng ngoại; đấy, cái tâm thức nước đôi, chính là di sản của xã hội tiểu nông: loay hoay giữa một cộng đồng nhỏ bé thì cái gì cũng cho rằng mình là nhất nhưng lại sướng rêm người lên trước của những khen tặng vớ vẩn của người ngoài.

Bên cạnh những cá tính ấy, đời sống tiểu nông còn để lại một dấu ấn đặc biệt khác: tính thủ dâm.

"Ăn cơm chưa?"Người Trung Hoa, vì quay quắt với cái đói nên miếng ăn lồng lộng trong cả lời chào. Bên cạnh lời chào, sự thiếu thốn cái ăn còn hằn dấu ở một tập quán ăn uống: cháo. Thiếu gạo, con người phải dùng nước để lấp đầy bao tử. Tự lừa mình mãi, từ thế hệ này đến thế hệ khác, thì thành tập quán. Mà, không chỉ người Trung Hoa, bất cứ dân tộc nông nghiệp nào từng quay quắt với miếng ăn cũng thế. Chúng ta cũng thế! Cũng những thức ăn lỏng bỏng nước, trong nhiều hình thức khác nhau, không cứ là cháo. Tất cả chỉ để tự lừa lấy chính mình!

Một tập quán như thế rồi cũng thể hiện sẽ ảnh hưởng đến ngôn ngữ, đến cách hành xử và tập quán suy nghĩ hay lý luận. Trong thức ăn, họ dùng nước để làm đầy bao tử. Trong đời sống tinh thần, họ dùng những chiêu thức ngụy trang để che đậy nhược điểm và lấp đầy sự tự mãn.

Nhớ lại cuộc tranh luận ồn ào về thanh và tục. Một hình ảnh và hai ngôn từ: l. và âm hộ. Cũng chỉ là một, nhưng sao lại xa nhau đến thế? Đánh mất sự ngây thơ nguyên thuỷ, qua cái thời "Thần l. ám ảnh cũng mê mẩn đời", đã biết ra bộ nhờm tởm cái gì đó; con người chỉ có hai chọn lựa: hoặc tránh nhắc đến; và, nếu phải nhắc đến, phải nhắc đến dưới những hình thức ngụy trang. Âm, như một bộ phận của âm-dương, một khái niệm siêu hình, gợi nên từ những thực thể đối nghịch nhau, và âm hộ, cái từ ngữ vay mượn, như thế, chỉ là một l. đã đốt trầm xông hương bằng thứ tâm lý trọng vọng chữ nghĩa thánh hiền, một l. đã... siêu hình hoá để vượt thoát lên trên cái thông tục của một hình ảnh cụ thể trần trụi!

Dân tộc nào cũng phải trải qua những bước đi như thế. Tuy nhiên với chúng ta, tôi tin thế, tâm lý đó, cùng với phương thức thuỷ liệu pháp nói trên, đã cộng hưởng thành một tập quán văn hoá sâu xa. Cái tập quán chưa bao giờ mổ xẻ một cách khách quan. Thích ăn thịt chó nhưng phải nói là cầy, là mộc tồn, là cờ tây, để tránh cho được chó của đồ chó má! Cầy, như thế, chỉ là một hình thức đốt trầm xông hương của chó. Chẳng có gì lạ. Ca tụng Vẻ vang dân Việt thì, dĩ nhiên, sẽ được vỗ tay hoan hô hơn là học hỏi một Bá Dương của Trung Hoa mà cặm cụi tính sổ Người Việt xấu xí. Nói tiếng Việt giàu đẹp thì tỏ mặt yêu qúi di sản văn hoá cha ông hơn là, như đã bàn ở trên, điểm mặt những dị tật của tiếng Việt. Và, nói đến hoàn cảnh khói lửa triền miên của đãt nước như là nguyên nhân của sự nhược tiểu văn hoá thì... hợp lý hơn là chỉ ra những cá tính tiểu nông đã khiến chúng ta bất lực. Nghĩa là, trong bất cứ trường hợp nào, những con dê tế thần đều nằm đó. Sẵn sàng.

Tinh thần ấy, như một sợi xích vô hình, đã ràng buộc con người trong một tầm cỡ nhược tiểu. Văn hoá. Văn chương. Những hoạt động kinh tế, chính trị. Như một vô thức tập thể, nó lặng lẽ chi phối con người như những cá tính, những bản sắc không thể nào dứt bỏ. Như là quán tính của thời đã qua, nó trĩu nặng trên những bước chân hướng về tương lai, giam hãm con người trong những hoạt động tủn mủn, tầm tầm. Cái quán tính mà, không vất vả gì lắm, ai cũng có thể nhận thấy những biểu hiện tràn đầy trong đời sống. Khi một người Việt - sống ở Mỹ , ở Canada hay ở Úc - lặng lẽ trừ hao giờ giấc trong tấm thiệp mời hoặc một vị bác sĩ - ở riêng xứ Úc thôi - đòi hỏi bệnh nhân phải trình thẻ Medicare để ông ta ăn chắc mặc bền chuyện thù lao trước đã; hai kẻ ấy cũng không khá hơn những Lý Toét hay Xã Xệ của một thời là mấy! Đến một vị khách nhởn nhơ ăn tiệc, đến một nhà khoa bảng sinh sống bằng một nghề khoa học mà còn... tiểu nông đến thế, nói gì một người cầm bút? Bởi, phía trên cây bút ấy là cả sức nặng của một quá khứ trùng trùng: ngôn ngữ, lịch sử, và, dĩ nhiên, những di sản văn chương.

Giữa cấm cung, gã hoạn quan ngậm ngùi với một thuộc tính đã vĩnh viễn đánh mất. Nền văn học ấy không mất mát cái gì cả, nó chỉ lẩn quẩn trong vòng dây trói buộc lẽ ra phải tháo gỡ từ lâu. Vòng dây vẫn còn đó, và vẫn vướng víu con người từ một ngộ nhận mãn tính: mọi di sản của quá khứ đều phải được trân trọng và gìn giữ. Ít ai ý thức một điều như thế này: những di sản của quá khứ, nếu cản trở những ngả đường hướng về tương lai, tốt nhất chỉ nên gìn giữ và trân trọng ở những nơi như viện bảo tàng.

Nguyễn Hoàng Văn

[1]Trần Đăng Khoa. 1998. Chân dung và đối thoại. Hà Nội: NXB Thanh Niên (tr.36)

[2]Phan Khôi. 1955. "Kiểm thảo đại danh từ". Hợp Lưu số 33 [Đây là một trong loạt 11 bài nghiên cứu Việt Ngữ của Phan Khôi, viết từ 1948 đến 1950. Năm 1950 in lại thành tập. Riêng bài này còn được tác giả bổ sung thêm trong lần tái bản năm 1955. Hợp Lưu số đặc biệt tưởng niệm Phan Khôi trich đăng.]

[3]Phạm Thị Hoài. 2000. "Văn và Số". Việt. Số 5.

[4]Phỏng vấn Nguyễn Xuân Hoàng, Radio Australia. Minh Nguyệt thực hiện.

[5]Nguyễn Hoàng Văn. 2000. "Tinh thần cụ thể". Hợp Lưu số 52. Tháng Tư.

[6]Nhớ lại một cuộc "tranh luận" tại Úc cách đây hai năm qua cách dịch hai chữ Constitutional Conference. Sau chuyến đi sứ sang Pháp, để dịch hai chữ Corps Legislatif, Phạm Phú Thứ đã phải phiên âm thẳng: Cô-le-tít-la-tiếp. Và, hơn trăm năm sau, dù đãy không còn là một khái niệm xa lạ nữa, nhưng tại sao người ta có thể viết cả mấy chục bài báo để cãi nhau cho một việc cỏn con như thế? Hội nghị hiến pháp hay, phải giải thích đến kỳ cùng, Hội nghị hiệp thương chính trị toàn quốc.

[7]Nguyễn Hoàng Văn. Bđd.

[8]Hoàng Ngọc Hiến. 2000. "Phải chăng trình độ văn hoá là phản trí thức?". Hợp lưu số 52. Tháng Tư.

[9]Trần Đăng Khoa. Sđd.
Previous Post
Next Post