Đức trung hậu

Ở trên đời người nào tính tình ngay thẳng không dối trá xảo quyệt, hiền lành, lúc nào cũng nhã nhặn, ôn tồn với mọi người, dùng lời nói nhẹ nhàng, êm ái đối xử với nhau, ai mà không thương mến những người như vậy.

Ở đời làm sao được mọi người quý mến đó là một điều khó, muốn được vậy chỉ có người nào sống đức hạnh, nhưng đức hạnh không phải tự dưng mà có. Đức hạnh phải được học tập uốn nắn và rèn luyện hằng ngày, nhưng phải bền chí gan dạ áp dụng vào cuộc sống mới trở thành một thói quen tốt. Thói quen đó chính là đức hạnh, chứ không phải đức hạnh trên đầu môi chót lưỡi mà đức hạnh bằng những hành động  thân, miệng, ý không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Vì thế mỗi người phải tự sửa mình bằng mọi cách; phải tự khắc phục mình ngưng và dừng những hành động ác. Thường những hành động ác nơi thân, miệng, ý của mình làm mình khổ, người khác khổ và chúng sinh khổ.

Một người sống có đạo đức nhân bản – nhân quả thì không bao giờ làm cho ai đau khổ cả. Đạo đức mà còn làm mình khổ, người khác khổ và chúng sinh khổ thì chưa phải là đạo đức. Quý vị nên lưu ý!

Ví dụ 1: Một người còn bắt một con cá hay giết một con gà làm thành thực phẩm đem dâng cho cha hay mẹ ăn gọi là báo hiếu, hành động như vậy không được gọi là người con có đạo đức hiếu hạnh, mà đó là một hành động ác giết hại chúng sinh, khiến cha mẹ ăn thịt nuôi thân bằng ác pháp, tạo nhân ác, làm cho cha hay mẹ tăng thêm tội ác. Tăng thêm tội ác, cha hay mẹ phải thọ quả khổ đau. Đó là làm cho cha mẹ thọ quả khổ đau thì làm sao gọi là hiếu hạnh được. Chúng ta cứ nghĩ xem trong món ăn có sự khổ đau của chúng sinh mà con cái nuôi dưỡng cha mẹ bằng sự khổ đau như vậy tức là đem sự đau khổ cho cha mẹ. Báo hiếu, thương cha mẹ như vậy có đúng không, xin quý vị cứ nghĩ xem?

Do ăn thịt chúng sinh thì quả hiện tại thân phải bị bệnh đau nhiều chứng bệnh nan y làm cho thân tâm khổ sở vô cùng. Còn quả về tương lai tức là kiếp sau thì sinh làm loài vật như cá, tôm, heo, dê, gà, vịt, trâu, bò v.v… Và đến khi được sinh làm người thì quả yểu tử không thể nào tránh khỏi. Yểu tử tức là chết còn tuổi trẻ, chết còn trong trứng nước như trường hợp nạo thai, móc thai v.v…

Ví dụ 2: Một ông thầy giáo hay cô giáo đánh học trò cũng như cha mẹ dạy bảo con cái mà dùng roi đánh đập chúng khiến cho chúng đau khổ thì đó không phải là đạo đức giáo dục học sinh hoặc con cái. Giáo dục con cái và học sinh thì không nên đánh đập chúng mà bằng gương hạnh sống đạo đức không la lối giận dữ, phải bằng những lời nói ôn tồn, nhã nhặn khuyên dạy; phải bằng sự nghiêm nghị, nhưng lời nói lại nhẹ nhàng, dịu dàng, nhất là đôi mắt hiền hòa thương yêu v.v… những hành động làm được như trên là những hành động đạo đức nhân bản – nhân quả.

Muốn sống được với những hành động đạo đức thì chúng ta phải cố gắng khắc phục tâm hay sân giận, miệng hay la lối, thường phải tập luyện đức nhẫn nhục, đức biết tùy thuận và  luôn luôn lúc nào cũng bằng lòng mọi nghịch cảnh, nhưng không để ác pháp lôi cuốn khiến cho mình và người khác khổ theo.

Muốn trở nên người có phúc hậu chánh trực thì hằng ngày chúng ta nên học tập đạo đức Nhân bản – Nhân quả để thông suốt đạo đức ấy, chừng đó chúng ta mới chế ngự, điều phục, đối trị được tâm của mình. Nhờ sống có đạo đức mà cuộc sống của chúng ta không còn khổ đau. Bởi đau khổ chính do chúng ta không làm chủ tâm mình. Người làm chủ được tâm là người ngăn và diệt được các ác pháp, người làm chủ được tâm là người sống không làm khổ mình khổ người; người làm chủ được tâm là người vượt ra ngoài quy luật nhân quả. Do đó họ đã làm chủ từ lời nói ngôn ngữ đến hành động thân, khi họ muốn làm điều gì thì ý họ chủ động điều khiển hành động bằng thiện pháp, ngăn và diệt tất cả những hành động ác. Nhờ đó ý họ vừa khởi niệm thì họ đều suy tư chính chắn theo đạo đức nhân bản – nhân quả nên không bao giờ họ suy nghĩ và làm một việc ác nào cả.

Đức trung hậu là cách thức ăn ở và đối xử với nhau bằng tình yêu thương chân thật, luôn luôn đem tình yêu thương và lòng tha thứ đến với mọi người, mọi loài, không bao giờ làm khổ ai. Cuộc đời này đang cần những tình yêu thương chân thật ấy. Vậy chúng ta hãy tập sống với đức trung hậu, đó là đem lòng yêu thương ban cho mọi người, mọi loài. Chúng ta hãy nhớ lời dạy này, đây là lời tâm huyết của Thầy gửi đến mọi người.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post