Y khoa hiện đại làm con người thêm hoang mang

Chúng ta phải học lại cách sống để có được một cuộc đời thanh thản, đừng quá bận tâm vào y học và đừng hoàn toàn giao phó số phận mình cho y học.

GS Didier Sicard thuộc ĐH Paris Descartes nói: “Bạn bị đau chân hay sưng chân ư? Phải chụp doppler ngay. Bạn bị đau gối ư? Phải MRI đầu gối gấp. Bạn bị đau đầu ư? Phải chụp CT não…”. Lý do là: Chúng ta dám bỏ ra toàn bộ của cải của mình để đi tìm sự vĩnh hằng (một điều không thể có) nên chúng ta đang “quá tham lam tận hưởng y học hiện đại” và “đang ăn nhanh nuốt vội những thành tựu mới của y học”.

Đi tới hay đi lùi?

Không thể phủ nhận rằng công nghệ hiện đại ngày nay giúp y học phát hiện được nhiều bất thường trong cơ thể con người mà trước đây các bác sĩ hoàn toàn không thể “thấy” được. Song có nhiều khối u lành lại được chẩn đoán và điều trị như u ác. Hẳn nhiên việc chẩn đoán quá đà mà trong chuyên môn ngành y còn được gọi là “gán bệnh”, có lý do về mặt kinh tế của nó, song quyền năng và giới hạn của máy móc đối với cơ thể con người ở đây đã được nhìn nhận đến đâu, đây cũng là câu hỏi.

Y học đang có xu hướng giải thích những rối loạn trong cơ thể chúng ta theo hướng “công nghệ hóa”, những rối loạn mà trước đây chỉ đơn thuần là những ca điều trị rất thư thả của bác sĩ nhưng kết quả cũng hoàn toàn mỹ mãn. Vấn đề ở đây là: Kinh tế thị trường. Y học hiện nay đã nắm bắt được và đang nắm giữ công nghệ hiện đại thì y học buộc phải sử dụng những thành tựu công nghệ đó để làm ra… tiền. Một bệnh viện đầu tư mua một máy chụp MRI thì không lẽ mỗi ngày chỉ sử dụng chiếc máy đó có hai, ba lần thôi hay sao? Lãng phí quá! Mặc dù chiếc máy chụp MRI kia là vô tội nhưng dù sao thì nó cũng được xem như công cụ hữu ích làm chạy guồng máy kinh doanh của bệnh viện. Nguyên tắc phòng và trị bệnh hiện nay có lẽ là để phục vụ cho thị trường kinh doanh là đúng hơn và công luận thường là làm ngơ chuyện đó.

Thật ngạc nhiên là việc ra tay quá hớp trong khâu chẩn đoán và điều trị bệnh lại tập trung vào tầng lớp người dân khá giả có tiền. Nếu bạn là người giàu và đang mỏi gối chồn chân thì bạn nài nỉ, thúc giục bác sĩ: “Hãy MRI cho tôi” và bạn sẽ được chụp ngay trong vòng 10 phút. Còn nếu bạn nghèo thì hãy đợi đấy!

Y học đã được “công nghệ hóa” từ khi nào?

Bắt đầu từ kỹ thuật chụp X-quang vào đầu thế kỷ 20. Khi đó bệnh nhân bị đau đầu hay té ngã đương nhiên sẽ được chỉ định chụp X-quang và phải mãi về sau này người ta mới nhận ra rằng khâu chụp X-quang này là không cần thiết gì cả.

Trên thực tế, ngay khi kỹ thuật chẩn đoán bằng hình ảnh y khoa trở nên hiện đại và giúp cho bác sĩ “soi” được tất cả những gì mà khi khám lâm sàng họ không thể biết được thì chúng ta, các bệnh nhân lại đang “lao mình theo hình ảnh” một cách vô độ và… vô lý. Từ đó, cơ thể con người giờ đây có thể đã và đang trở thành một đối tượng thường xuyên bị theo dõi, bởi vì hôm nay anh không có khối u thì biết đâu ngày mai khối u bắt đầu xuất hiện! Ngày nay, chúng ta lại thường trực dõi mắt trông chừng cơ thể mình xem nó có bất cứ biểu hiện bất thường nào không, y hệt như là chúng ta hằng ngày chờ đợi các bản tin dự báo thời tiết để xem ngày mai mình có cần phải mang theo dù hay áo mưa khi ra đường không vậy! BS Didier Sicard cho đây là một thái độ sống thụt lùi của con người hiện đại.

Vậy thì chúng ta có thể bàn đến những vấn đề mang tính triết lý hơn không, chúng ta có thể chấp nhận rằng con người không thể làm được tất cả trên đời này? Rằng vẫn còn đó nhiều bí ẩn trong mọi mặt của đời sống và ngay cả trong y học? Rằng phải chấp nhận con người là “sinh, lão, bệnh, tử”? Thế nhưng những khái niệm như thế ngày càng khó được con người chấp nhận và cái chết dường như được chúng ta xem như là chỉ xảy ra đối với người khác và không được nhắc đến cho bản thân mình, trong khi vào những thế kỷ trước điều này là bình thường. Ngày nay, chúng ta được bảo vệ mọi mặt và từ mọi hướng, ngoại trừ khi xảy ra chiến tranh hay trước những hành động khủng bố.

Vì thế y học công nghệ cao hiện nay đã trở thành một lá chắn mà chúng ta nghĩ rằng sẽ có thể bảo vệ mình chống lại tất cả hiểm họa. Đây là một suy nghĩ thụt lùi. BS Didier Sicard cho rằng xét nghiệm hay chụp vẫn luôn có ích trong nhiều trường hợp, song đừng lý tưởng hóa chúng, ông nói: “Ở một người 50 tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh thì việc xét nghiệm mỗi năm hoặc hai năm một lần là chẳng cần thiết gì cả!”. Lấy ví dụ từ chính bản thân mình, vị bác sĩ này nói rằng ông có ba cô con gái và trước khi có kỹ thuật siêu âm thì tất cả phụ nữ mang thai một cách thanh thản nhưng khi các cô con gái của ông mang thai thì họ lại đâm ra ưu tư, lo lắng, đôi khi vẩn vơ, các cô đi siêu âm mà trong đầu cứ đinh ninh rằng siêu âm thì sẽ phát hiện ra một hay nhiều bất thường nào đó cho thai nhi. Chính tâm lý trong đầu bị đè nặng đó mà nhiều bà mẹ tương lai cứ mải miết đi siêu âm! Tiến bộ của khoa học vô tình đã làm cho việc mang thai trở nên một ám ảnh, đôi khi cho cả hai vợ chồng ăn không ngon, ngủ không yên chỉ vì đứa con trong bụng!

Vì thế theo BS Didier Sicard, chúng ta phải học lại cách sống để có được một cuộc đời thanh thản, đừng quá bận tâm vào y học và đừng hoàn toàn giao phó số phận mình cho y học. Nói đến điều này, có thể nhắc đến khái niệm “bệnh tưởng”, một đặc thù của kinh tế thị trường. Nếu bác sĩ nói với một phụ nữ rằng không cần chụp nhũ ảnh thì có khi chị ta lại không hiểu bác sĩ đang nói gì và có thể phản ứng gay gắt: “Tôi không muốn đợi chờ gì hết, đợi cho đến khi cái ung thư này trầm trọng lên thêm thì mới chụp à? Tôi sẵn sàng chịu mọi chi phí phẫu thuật”. Tuyến tiền liệt cũng vậy: Nếu bác sĩ nói với một bệnh nhân vừa mới được phát hiện có “ung thư” tuyến tiền liệt rằng tốt hơn là không can thiệp gì cả vì chắc chắn nó sẽ không tiến triển đâu thì anh ta chắc chắn sẽ phản đối ngay, bởi bệnh nhân rất khó mà nói được “tôi thích chờ đợi hơn…”. Tuy nhiên, cũng có nhiều người bị “ung thư” tuyến tiền liệt và sống đến trăm tuổi.

Song những vấn đề nêu trên hẳn là chuyện riêng của mỗi người, bởi nếu bạn có tiền thì bạn có thể mang đồng tiền đó đi du lịch, đi ăn nhà hàng hay đi chụp MRI thì tùy ý bạn nhưng theo BS Didier Sicard, tại Pháp y học đã trở thành một ngành khoa học phục vụ cho thị trường kinh doanh hơn là phục vụ cho con người. Ông khuyên rằng các bác sĩ hãy tìm lại cho mình ít nhiều tự do và thanh thản khi hành nghề và người dân Pháp nên giữ một khoảng cách vừa đủ với những tiến bộ của y học hiện đại.

Việt Nam tình trạng cũng không kém

Chị H. là một người buôn bán tự do, một hôm bị đau bụng ăn không tiêu, chị đến một phòng mạch tư nằm cách nhà vài con phố. Bác sĩ tại đây chỉ định đi nội soi tiêu hóa, xem kết quả rồi kê toa, tổng cộng chị H. phải trả là 500.000 đồng. Về nhà, chị đâm ra thắc mắc: “Đau bụng chút xíu mà sao mắc dữ vậy?”. Hẳn nhiên, tại phòng khám chị không thể nào dám hỏi thêm hay mặc cả gì với bác sĩ. Loay hoay với một bao nylon trong đó có nhiều vỉ thuốc đủ loại và nhiều màu sắc, viên nén có, viên nhộng có, mà chị H. gọi là “như một bịch kẹo M&M’s vậy”, chị bỗng sực nhớ ra có một người hàng xóm cũng đang làm bác sĩ. Chị quyết định sang hỏi với lý do “làm biếng uống quá” (!) và rất may là ông láng giềng này rất nhiệt tình. Ông xăm soi bịch thuốc mà chị H. mang qua, hỏi chị bị đau bụng ra sao, đoạn ông chia đôi bịch thuốc và chỉ vào một nửa số thuốc kia, nói: “Chỉ cần uống mấy loại này thôi!”. Chị H. quá ngạc nhiên bởi nếu đúng như thế thì ông bác sĩ ở phòng khám kia đã “kê” cho chị đến phân nửa là những loại thuốc không cần uống trong trường hợp đau bụng của chị. Nửa tin nửa ngờ, chị hỏi thêm ông hàng xóm “vì sao?”. Ông ấy chỉ… cười: “Uống vậy thôi!”.

TƯỜNG NGUYỄN (Theo Rue89)
Previous Post
Next Post